Hà Giang nổi tiếng với mùa hoa Tam Giác Mạc hay Mù Cang Chải . Tuy nhiên , đi Hà Giang không phải điều dễ dàng . Có lẽ chính điều này đã dậy lên sự hào hứng chinh phục của "dân phượt " . Sau đây chúng tôi sẽ chia sẻ  kinh nghiệm phượt Hà Giang bằng xe máy cho những bạn GaTo.

Hà Giang ở đâu?

Xưa giờ mình cứ nghĩ Hà Giang là Tây Bắc, ai dè nó thuộc Đông Bắc, có cực bắc (Lũng Cú) của lãnh thổ nước ta.Hà Giang có rất nhiều dân tộc sinh sống, ví dụ H-Mông, Dao, Giáy... nên nơi đây có rất nhiều những TẬP TỤC KIÊNG KỊ khác với người miền xuôi và điều kiện ở các vùng núi khó khăn, thiếu thốn. 

huong-dan-phuot-ha-giang-cuongdulich-9

Lưu ý khi đi Phượt Hà Giang

Đi Hà Giang không hề dễ, đặc biệt là đối với mấy cô bánh bèo hay những bạn du lịch theo kiểu nghỉ dưỡng. Để trải nghiệm trọn vẹn Hà Giang, trung bình phải chạy xe máy một ngày 150km, men theo những con đường đèo nhỏ với vô số những góc cua gần như là 360 độ, một bên là núi cao chót vót, một bên là vực sâu không nhìn thấy đáy, không vách ngăn,… Nhưng cũng vì vậy mà cho đến giờ, Hà Giang vẫn giữ nguyên vẻ thiên nhiên đẹp đến xiêu lòng.

Làm sao để đến được Hà Giang

Từ Hà Nội đi lên Hà Giang có 2 tuyến đường khác nhau cho bạn lựa chọn:

  • Cung đường thứ nhất đi Qua Phú Thọ: Bạn xuất phát từ Hà Nội, đi theo hướng đường về Sơn Tây , đi qua cầu Trung Hà. Khi đến thị xã Phú Thọ  thì rẽ đi Tuyên Quang. Sau đó cứ tiếp tục chạy dọc theo đường quốc lộ 2 là sẽ đến được Hà Giang.
  • Cung đường thứ hai đi qua Vĩnh Phúc: Cũng xuất phát từ Hà Nội nhưng sẽ chạy theo hướng cầu Thăng Long đến gần sân bay Nội Bài thì rẽ sang Vĩnh Phúc, đi qua thành phố Việt Trì  đi thẳng lên  Tuyên Quang và đi lên Hà Giang.

Nói chung dù đi tuyến đường nào thì đường đi Hà Giang khá là quanh co , nguy hiểm. Vì vậy theo kinh nghiệm phượt Hà Giang bằng xe máy thì bạn cần vững tay lái nhé

Hành trình phượt Hà Giang bằng xe máy

 Sau 300km chạy xe từ Hà Nội lên đến thành phố Hà Giang, tớ chọn nghỉ tại Ki Ki’s House, giường dorm có giá 90k bao gồm ăn sáng + café (bánh mì trứng ở đây siêu ngon luôn). Đây là một trong những homestay đơn giản mà tớ yêu thích nhất, không khí lúc nào cũng náo nhiệt, mỗi người đến từ một nước, cứ thế ngồi lại cùng nhau chuẩn bị cho chuyến hành trình của mình. Ở đây cũng bao gồm dịch vụ cho thuê xe máy với giá 120k/1 ngày với mũ bảo hiểm chuyên phượt cool ngầu hết sức.

 Ngày đầu tiên tại Hà Giang

Xuất phát đi Phó Bảng vào 9h sáng. Tớ bắt đầu chinh phục những ngọn núi, đường đèo chìm trong mây để đến thị trấn Phó Bảng. Quãng đường dài 125km nhưng là đường đèo nên đi mất khoảng 5,6 tiếng. Phó Bảng thuộc địa phận huyện Đồng Văn, chỉ cách tuyến đường từ thành phố Hà Giang lên cao nguyên đá Đồng Văn khoảng chừng 4km rẽ vào, nhưng không mấy ai biết đến sự tồn tại hay một lần ghé qua thị trấn nhỏ bé này. Chỉ cần rẽ trái đổ xuống dốc ngay ngã ba, cái không khí trầm tĩnh đã nhuộm phủ đầy. Những ngôi nhà được làm từ đất với màu sắc cổ kính, một chút màu nâu pha đỏ, màu vàng ngà, ngã màu theo năm tháng. Cũng có những bức tường phủ rêu xanh, với những giàn gác gỗ trước ngõ, những cánh cửa gỗ cũ kỹ, những câu đối đỏ chữ Hán treo hai bên tường. Buồn và hiu quạnh thật đấy, nhưng nét đẹp đúng là không giống bất cứ nơi nào.

huong-dan-phuot-ha-giang-cuongdulich-15

Vì không hướng đến du lịch hóa, không thể tìm thấy nhà nghỉ hay homestay đẹp như những nơi khác. Tớ chọn ở nhà nghỉ Hiếu Thành, là 1 trong 2 “nơi trú ngụ” duy nhất ở thị trấn này, phòng 2 giường có giá 250k. À tớ có một lưu ý nhỏ là trên này không có nhiều quán ăn đâu nhé. Cả dãy phố chỉ có vài nhà mở tạp hóa, bán những thứ cần thiết đơn giản thôi. Đặc biệt là trong những ngày mưa, không thể tìm thấy quán cơm nào luôn. Hoặc tốt nhất là các bạn nên xuất phát sớm, ghé vào thị trấn Phó Bảng rồi sau đó đi tiếp lên Đồng Văn nghỉ ngơi hơn là ngủ lại tại Phó Bảng.

 Ngày thứ 2 ở Hà Giang

Xuất phát đi Mèo Vạc vào 12h. Sau khi ngủ lại tại Phó Bảng, trưa hôm sau tớ tiếp tục chinh phục đèo chín khoanh, một trong những con đèo thần thánh của Hà Giang. Đặc biệt là trong những ngày mây sà xuống núi như hôm đấy, càng đi lại càng muốn hét thật to vì sung sướng thôi. Từ đây nhìn ra xa thấy trời và đất như đang hòa quyện vào nhau tạo nên khung cảnh mà chỉ có những người đến đây, trực tiếp nhìn thấy thì mới có thể cảm nhận được.

Qua khỏi đèo chín khoanh cũng là lúc cao nguyên đá Đồng Văn bắt đầu hiện ra với hàng ngàn ngọn núi đá trùng trùng lớp lớp xen lẫn nhau trong mây. Thật không khó hiểu khi người ta đặt cho vùng đất này là “cao nguyên đá”, bởi vì nhắm mắt mở mắt chỗ nào cũng thấy toàn đá là đá.

huong-dan-phuot-ha-giang-cuongdulich-7

Thường thì mọi người sẽ nghỉ lại tại thị trấn Đồng Văn, nhưng vì lần trước tớ đã đi rồi nên bây giờ quyết định chinh phục vua đèo Mã Pí Lèng để đến thị trấn Mèo Vạc luôn. Đèo Mã Pí Lèng là một trong tứ đại đỉnh đèo nguy hiểm nhất Việt Nam, nổi tiếng quanh co, lắt léo, uốn lượn theo sườn núi, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Trước khi đi tớ nghe cô bán hàng ở dưới thị trấn Đồng Văn bảo nhiều người lên đấy bị ngã băng bó khắp người chạy về đây lắm, nghe xong tái mặt. Hôm đấy tớ đi mây mù phủ khắp đường lên đèo nữa chứ, có nhiều đoạn tầm nhìn chỉ còn cỡ 2 đến 3 m, tớ chỉ dám đi với vận tốc khoảng 8km/h thôi, sợ run bần bật không dám nói, không dám cười vì sợ chỉ cần một cử động nhẹ cũng đủ để làm trượt xe. Con đường từ Đồng Văn đến Mèo Vạc, ngang qua Mã Pí Lèng có tên là Con Đường Hạnh Phúc, đúng là hạnh phúc thật, cảm giác băng qua những con đường nhỏ xíu ở tận trên mây, ngắm nhìn khung cảnh hùng vĩ bên dưới, hay thỉnh thoảng bắt gặp vài em nhỏ vác củi ngang qua thật khó có thể diễn tả được.

 Từ Phó Bảng về đến Mèo Vạc là 55km, nhưng các cậu nhớ phải đi thật chậm nhen, con đường này phải nói là siêu siêu nguy hiểm luôn, tớ đi mất 4 tiếng lận đấy.

Sau cùng, để kết thúc một ngày tuyệt vời, tớ chọn nghỉ lại tại Lô Lô Homestay, nơi này đúng thật đã làm tớ xiêu lòng ngay từ khi bước vào cổng. Đây là homestay theo kiểu nhà sàn, chỉ có phòng dorm với giá 115k/1 người. Vì homestay nằm trên một con dốc cao, nên chỉ cần mở cửa ban công ra là mây trời đồi núi cứ thế ùa vào, thích quá chừng luôn.

 Ngày thứ 3 ở Hà Giang

Cuối cùng tớ chạy ngược từ Mèo Vạc về lại thành phố Hà Giang dài 160km, mất khoảng 7 tiếng, đoạn đường này không đẹp như khi đi từ thành phố lên Đồng Văn, nhưng có cung đường chữ M huyền thoại siêu cool luôn. Tớ lại chọn nghỉ lại tại Kiki’s house trước khi tiếp tục hành trình chinh phục các tỉnh khác của Tây Bắc.

huong-dan-phuot-ha-giang-cuongdulich-1

Ngoài những địa điểm trên, các cậu nhất định không được bỏ qua cột cờ Lũng Cú – cực Bắc tổ quốc (lần trước tớ đi rồi nên lần này không đi lại nữa), đứng trên đây nhiều lúc điện thoại tự chuyển sang tiếng Trung luôn, kinh lắm  Nếu ghé cột cờ thì ngày 2 các cậu nên xuất phát từ sáng để ghé vào cột cờ sau đó thì lên Mã Pí Lèng về Mèo Vạc, cột cờ nằm cách tuyến đường Phó Bảng – Đồng Văn chừng 20km rẽ vào nhen.

Chi phí cho chuyến đi phượt Hà Giang bằng xe máy:

  •  Ngủ 2 đêm ở Kiki’s house (thành phố Hà Giang): 90 x 2 = 180k
  •  Ngủ 1 đêm ở Hiếu Thành (Phó Bảng): 125k
  •  Ngủ 1 đêm ở Lô Lô Homestay (Mèo Vạc): 115k
  •  Tiền xăng (vì xe tớ đưa từ Huế ra nên không cần thuê xe): 250k
  •  Tiền ăn (trung bình một bữa 40k): 40 x 6 = 240k
  •  Tiền nước và lặt vặt: 100k

Tổng chi phí cho chuyến đi phượt Hà Giang bằng xe máy là : 1 triệu / 1 người nhé các bạn

Một vài nhận xét của mình về Hà Giang

  •  Hà Giang đi cực lắm. Ko phải 1 nơi Nghỉ Dưỡng. Chỉ có ngắm cảnh và bào đường
  •  Đường toàn là đèo dốc liên tục, cua gắt, đường hẹp, nhiều đoạn cực xấu, nguy hiểm. Khác hẳn với trong Nam rất nhiều. Trong Nam các bạn có thể tự tin chạy Đà Lạt 3, 4 tiếng. Còn ở đây từ Hà Giang lên Đồng Văn 150km. Mình đi mất hơn 8 tiếng mới tới nơi. Mệt lừ người
  •  Tại sao ngay từ đầu mình nói Hà Giang chỉ giành cho dân Phượt đi xe máy. Bởi vì tất cả mọi địa điểm check in, cảnh đẹp, đều nằm dọc đường đi cả, chỉ có đi xe máy mới ngắm được đầy đủ. Hà Giang chỉ có lấy xe máy chạy chạy từ sáng tới tối.
  •  Trung tâm thị trấn Đồng Văn buổi tối khá buồn vắng tanh, đồ ăn ít, nhiều món kinh dị khó ăn.
  •  Các bạn nên chia Hà Giang thành 2 nửa. Ngày 1 đi nửa bên này, ngày 2 đi nửa bên kia là được
  •  Bạn nào ở trong Nam bay ra nên thuê xe khách từ Hà Nội tới trung tâm Hà Giang sau đó thuê xe máy đi khám phá sẽ ok hơn. Nếu thuê xe khách đi tiếp các bạn sẽ bỏ qua hết tất cả những địa điểm check in dọc đường
  •  Hà Giang còn rộng lớn, ko có thời gian đi nhiều, còn nhiều địa điểm nữa. Hẹn dịp khám phá tiếp vậy
  •  Thời điểm đj Hà Giang đẹp nhất là tháng 10  11 nhé. Đúng mùa Hoa Tam Giác Mạch
  •  Mình có chú thích địa điểm trong từng tấm hình. Các bạn xem nhé

huong-dan-phuot-ha-giang-cuongdulich-1

10 điều " cấm kị" khi đi Phượt Hà Giang

 1. Cho tiền trẻ em

 Không cầm tiền đưa cho các bạn thiếu nhi người đồng bào, vì thành thói quen, sau này cứ thấy người dưới xuôi lên là các em chạy đi xin, tạo một hình ảnh không đẹp, không dễ thương nữa (giống như ở trên Sapa, nhiều du khách thấy phiền khi bị chạy theo kéo áo) - đôi khi những hành động “vô ý” của mình có thể gây hậu quả nghiệm trọng cho các em. Có thể tặng bánh kẹo, quần áo, sách vở, tuỳ cá nhân mỗi người nhưng đừng tặng tiền. Tiền thì có thể ủng hộ quỹ từ thiện địa phương nếu mình tin (các anh chị doanh nghiệp trên HG vẫn trích lợi nhuận công ty hàng năm để tặng hạt chùm ngây, hạt giống, thùng nước, bồn nước cho các trường học trên núi cao).

2. Xoa đầu trẻ em

 Xoa đầu, chạm vào các đứa trẻ là điều không nên. Họ thờ ai, niềm tin của họ thế nào, tôn giáo của họ là gì mình không biết, nên phải tế nhị, nhất là những nơi tâm linh. Luôn nhớ lưu ý nhắc nhở của các bạn hướng dẫn viên khi ghé thăm các làng bản để tránh những điều kiêng kỵ của người bản xứ.

huong-dan-phuot-ha-giang-cuongdulich-13

3. Gây ồn ào

Nói cười vừa phải, chỗ công cộng mình đừng gọi nhau (cố chạy tới tận nơi nói nhỏ đủ âm lượng cho nhau nghe, để người thứ 3 nghe câu chuyện không liên quan đến họ là mình rất kém duyên).

4. Không xin phép

Mọi thứ phải xin phép. Đừng có nhảy lên thử xe người khác (đoàn rồi đi Malaysia, có anh tự dưng leo lên xe máy của người ta rồi bật khoá nổ máy thử). Nếu mình gặp ai đó dễ thương, xinh đẹp mà muốn chụp hình thì phải xin phép, không được tuỳ tiện chụp hình người khác, cười tười lịch sự hỏi xin chụp hình cùng - và chụp xong cho họ xem, nếu họ gật đầu ok rồi thì được.

5. Dùng từ bị "kiêng"

Hà Giang là 1 tỉnh có hơn 20 dân tộc anh em sinh sống, đa dạng về văn hóa và sắc tộc. Trong hành trình đến với Hà Giang chúng ta sẽ được tiếp xúc rất nhiều với người bản xứ. Để tạo sự thân thiên và tỏ ra hiểu biết thì nên gọi bà con vùng cao là ĐỒNG BÀO, ĐỒNG BÀO VÙNG CAO, NGƯỜI VÙNG CAO thay vì là DÂN TỘC ... một số từ ngữ sẽ ko được tế nhị.

6. Phản ứng thái quá

 Không phàn nàn, nhăn nhó khó chịu - ăn gì cũng khen, ngủ ở đâu cũng được, hoà đồng vui vẻ với mọi người, enjoy mọi thứ, vì ở đây là vùng cao, xa xôi hẻo lánh, dịch vụ sẽ không bằng được ở trung tâm - nên về việc đòi hỏi nhận lại dịch vụ đúng như số tiền bỏ ra: Tôi bỏ ra X đồng thì anh phải phục vụ tôi như những khách sạn resort mà tôi đã đi, là điều rất khó. Thực tế tour nào cũng có vài ba anh chị cái tôi lớn, thích nghi kém, không thấu cảm cho người khác....nên luôn miệng đòi hỏi quyền lợi, phải thế này thế kia...khiến cả đoàn mất vui, làm tụt mood của người khác là rất kém văn minh. Chỉ vài ba ngày đi du lịch thôi mà, rồi mình về với thiên đường cũ của mình.

huong-dan-phuot-ha-giang-cuongdulich-11

7. Dùng nước hoang phí

 Vì điều kiện nước sạch trên vùng cao thiếu thốn và hiếm có, mùa khô dân bản phải đi vài km để lấy nước trong các hốc đá, vì vậy khi đoàn mình sử dụng nước mình chỉ dùng đủ. Cái này là hành động thiết thực, hơn cả việc like & share các bài hastag bảo vệ môi trường. Cố gắng đừng xả rác, kiếm thùng rác, nếu không cầm tay đem về khách sạn bỏ.

8. Ngồi xem uống rượu

Khách mời rượu, thì nên uống. Nếu không uống được thì tìm chỗ khác ngồi, đừng ngồi nghe chuyện chỗ mọi người đang uống rượu mà không tham gia. Hoặc ăn xong thì ra ngoài, ngắm cảnh, còn ngồi đó nghe mà người ta đưa chén rượu ngô, mình lắc đầu nói "not good for my health" thì nó kỳ dị lắm. Bà con nhiệt tình, thấy khách phương xa tới, họ có gì đãi nấy, mà mình "thái độ thô lỗ" vậy thì không nên tí nào. Họ sẽ đánh giá là "người này CHƠI KHÔNG VÔ". Đặc biệt là không nên úp chén, úp bát xuống vì hành động đó chỉ có thầy phù thủy mới được làm để xua đuổi tà ma. Lên vùng cao là cơ hội để mọi người say tuý luý, cảm nhận sự chân thật, hiếu khách của đồng bào ở đây). Mình đi du lịch ở đây là để trải nghiệm, để học hỏi nên hãy cứ enjoy hết mình đi, món nào cũng thử, rượu nào cũng uống - nếu như không thích thì lần sau không dùng nữa. Cuộc đời phải có nhiều “lần đầu tiên” mới thú vị, với nhiều màu sắc.

huong-dan-phuot-ha-giang-cuongdulich-19

9. Tỏ ra là người có tiền

 Hiểu biết về giá trị của chuyến đi hơn là quan tâm đến giá cả. Người ta đã tổ chức là mình phải biết ơn. Mở miệng là cám ơn, cám ơn anh tài xế, chị hướng dẫn, cô phục vụ, người lao công, không có họ, làm sao mình có cơ hội enjoy không gian, không khí, xây dựng các mối quan hệ với người đi cùng và người địa phương. Đừng kiểu "mua mâm phải đâm cho thủng", "ăn cho lại tiền", không nên phàn nàn và chê đắt rẻ, so sánh giá rồi đòi lại tiền, nhăn nhó khó chịu, nói lời tiêu cực chê bai người khác làm ảnh hưởng đến cả đoàn.

10. Đụng chạm vào lịch sử

 Nên tìm hiểu thêm về văn hoá, lịch sử, địa lý của nơi mình đến để xúc động rưng rưng khi chạm tay vào những di sản, thích thú trước hàng pơ-mu của dinh vua Mèo hay xúc động trước công trình của hàng vạn thanh niên đục đá để tạo lên một cung đường đèo Mã Pì Lèng hùng vĩ. Mình hiểu địa chất thổ nhưỡng mới thấy 1 hạt ngô họ trồng được trên núi đá tai mèo thật là gian nan, mình mới trân quý 1 ly rượu ngô, 1 chén mèng mén mà không nỡ chối từ.

Tớ đã cố gắng hết sức trong chuyến phượt Hà Giang vừa rồi nhưng chỉ chụp được những bức hình như vậy thôi, vì như tớ đã nói, Hà Giang phải tự mình đi, tự mình trải nghiệm thì cảm nhận được hết cái đẹp. Đừng bao giờ nghĩ Việt Nam không đẹp, chỉ vì các cậu chưa đến được những nơi đẹp mà thôi

Khách sạn đã xem