Kinh Nghiệm Khám Phá Chợ Đà Lạt mới nhất
10/09/2024 9169
Chợ Đà Lạt- Chợ Âm Phủ là địa điểm du lịch Đà Lạt mà bất cứ du khách nào đến với thành phố Festival hoa đều không muốn bỏ lỡ để tham quan. Bài viết này Cuồng du lịch sẽ chia sẻ kinh nghiệm khám phá chợ Đà Lạt cho mọi người, để các bạn biết chợ đà lạt bán gì và trong chợ đà lạt có gì nha.
Đầu tiên trước khi tham quan khám phá Chợ Đà Lạt thì Cuồng sẽ giới thiệu sơ qua cho các bạn biết Chợ Đà Lạt có từ bao giờ và tại sao nó lại có tên gọi nữa là chợ âm phủ.
1. Lịch sử hình thành Chợ Đà Lạt
Chợ Đà Lạt đã có từ năm 1929, trước đây chợ được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, mái chợ lợp bằng tôn và có tên gọi Chợ Cây. Chợ đã trở thành trung tâm trao đổi, buôn bán sầm uất của thành phố thời bấy giờ nhưng thật không may vào năm 1937, một trận hỏa hoạn lớn đã thiêu rụi tất cả các hàng hóa của tiểu thương thành một đống tro tàn.
Để đáp ứng trước nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa công sứ Lucien Auger đã cho tiến hành xây dựng chợ khang trang hơn, sạch đẹp hơn. Chợ đã trở thành biểu tượng của thành phố Đà Lạt gắn liền với tiềm thức của người dân đã gắn bó lâu năm với mảnh đất cao nguyên này. Khi Đà Lạt đông dân hơn việc mua bán tại khu chợ cũ đã trở nên chật chội vì vậy năm 1958 đã được sửa sang lại thành trung tâm thương mại và trở thành ngôi chợ mới có 2 tầng và sân thượng đầu tiên của cả nước. Từ đó cho đến nay, chợ Đà Lạt đã chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử, quy mô của chợ ngày càng phát triển với hơn 1000 gian hàng để phục vụ nhu cầu của đông đảo du khách đến tham quan.
Sở dĩ có tên là chợ Âm Phủ, bởi cách gọi từ xưa khi người dân Đà lạt họp chợ lúc 2-3 giờ sáng dưới ánh đèn dầu leo lét, ẩn hiện trong màn sương mờ ảo tạo nên cảm giác lạnh lẽo, ma quái. Còn đi chợ Đêm Đà Lạt ngày nay thì đèn điện sáng trưng, lại sôi động hơn nhiều, và là nơi lý tưởng để khách du lịch tận hưởng thú vui ẩm thực.
2. Vị trí chợ Đà Lạt- Chợ Đà Lạt nằm ở đâu Đà Lạt
Chợ Đà Lạt nằm ngay trong trung tâm của thành phố, cổng vào chợ là số 4 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phía sau lưng thông lên đường Phan Bội Châu, cách Hồ Xuân Hương 5 phút đi bộ.
Chợ Đà Lạt mở cửa từ sáng sớm và thưa người dần từ khoảng 6 giờ chiều hàng ngày. Riêng khu hàng đặc sản thì có thể mở đến 9 – 10h tối hoặc khuya hơn để phục vụ khách du lịch.
3. Hướng dẫn cách đi tới chợ Đà Lạt
Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, thì với chiếc smartphone bạn đã có thể dễ dàng tra thông tin về đường đi. Tuy nhiên, để phòng trường hợp mạng 3G hay 4G của bạn bị chập chờn, không có tín hiệu, thì bạn có tham khảo cách di chuyển dưới đây:
Từ bến xe liên tỉnh Đà Lạt (số 1, Tô Hiến Thành, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) hay bến xe Phương Trang (phường 3, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng): Tô Hiến Thành – rẽ trái Ba Tháng Tư – vòng xoay Hồ Tùng Mậu – Hồ Tùng Mậu – vòng xoay Trần Quốc Toản – Trần Quốc Toản – rẽ phải Đài Phun nước Đà Lạt – Lê Thị Hồng Gấm – rẽ trái Phan Bội Châu.
Từ bến xe Thành Bưởi (11E Lữ Gia, phường 9, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng): Lữ Gia – rẽ phải Nguyễn Đình Chiểu – rẽ trái Sương Nguyệt Ánh – rẽ trái Trần Quốc Toản – vòng xoay Nguyễn Thái Học – Bùi Thị Xuân – rẽ trái Phan Bội Châu – ngã 3 rẽ phải vào đường Phan Bội Châu.
4. Chợ Đà Lạt có gì?
Chợ Đà Lạt gồm 2 khu vực – trong nhà và ngoài trời. Trong đó, khu vực ngoài trời thường là các sạp, các gánh nhỏ lẻ bán đồ khô, rau củ quả; còn khu vực trong nhà được xây dựng khang trang, sạch sẽ hơn với 3 tầng lầu và 1 tầng hầm. Đây là khu chợ ở Đà Lạt có quy mô lớn nhất với lịch sử hình thành khá lâu đời, vì thế hàng hóa ở đây nhiều và rất đa dạng. Dưới đây là 5 loại mặt hàng phổ biến và nổi bật trong chợ, cùng Cuồng Du Lịch khám phá xem nên mua gì bạn nhé.
4.1. “Bạt ngàn” đủ loại rau củ quả tươi
Tọa lạc ở dưới tầng hầm, nơi đây còn được người dân địa phương gọi là chợ rau Đà Lạt bởi độ đa dạng và chất lượng luôn đảm bảo. Tới đây, du khách có thể thỏa thích lựa chọn đủ loại rau củ quả tươi ngon, điển hình nhất có thể kể đến là khoai tây, cà rốt, súp lơ, atiso, chè, bắp cải, su hào,… Điểm cộng là đa phần các mặt hàng nông sản này được trồng tại địa phương, nhập về và tiêu thụ trong ngày, không có chất bảo quản nên người mua có thể hoàn toàn an tâm về chất lượng.
Bên cạnh đó, giá cả ở chợ cũng rất phải chăng, đã được niêm yết công khai nên du khách không lo bị chặt chém. Du khách nên mua gì? Nếu bạn là khách du lịch ở homestay và có điều kiện để nấu ăn tại chỗ, bạn có thể chọn lựa bất cứ loại nguyên liệu bạn muốn. Tuy nhiên, nếu mua mang về thì nên chọn loại dễ vận chuyển và để được lâu như khoai tây, súp lơ. Đà Lạt nổi tiếng với khoai tây vàng vị ngọt tự nhiên, còn súp lơ thì bông to, nuôi trồng sạch. Lưu ý, khu vực phía ngoài chợ Đà Lạt có nhiều sạp và gánh cũng bán rau củ quả, bạn mua ở đây có thể mặc cả giá thấp hơn nhưng cần tinh ý vì chất lượng sản phẩm không hoàn toàn đảm bảo.
4.2 Hoa tươi Đà Lạt
Nhắc đến Đà Lạt là nhắc đến vương quốc của các loài hoa. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho khí hậu tuyệt vời để các loài hoa có thể đua nhau khoe sắc. Hẳn khi suy nghĩ nên mua gì đi khi Đà Lạt thì chắc rằng những đóa hoa tươi tắn sẽ là câu trả lời đầu tiên trong đầu những du khách. Mỗi loài hoa ở Đà Lạt, chính bản thân mang một câu chuyện và ý nghĩa khác nhau: một chút e ấp dành cho nàng mới quen, chút rực rỡ cho những ngày yêu nhau say đắm, chút nhớ nhung bởi chuyến đi xa,... Đến với chợ Đà Lạt một sớm mai, bạn chỉ muốn mua tất cả hoa về, đủ sắc màu, đủ hình dáng. Một bó hoa hồng đỏ dành tặng cho người yêu sau chuyến du lịch Đà Lạt, một cành hoa lan cho đẹp cửa đẹp nhà, một đóa cẩm tú cầu cho mẹ,... sẽ là những món quà ý nghĩa từ Đà Lạt mộng mơ.
Không chỉ có hoa tươi, đến Đà Lạt, bạn còn có thể mua những lẳng hoa khô được chế tác tinh xảo, khéo léo và tinh tế đem về trang trí phòng làm việc hay phòng khách của gia đình. Hoa khô dễ dàng vận chuyển hơn là hoa tươi, lại có thể sử dụng được lâu nên được nhiều du khách lựa chọn.
4.3. Vựa trái cây tươi Đà Lạt
Dạo quanh tầng 1 ở chợ Đà Lạt, du khách có thể thấy rất nhiều loại trái cây từ thông thường cho tới trái cây đặc sản của vùng đất Lâm Đồng như: hồng (hồng giòn, hồng ngọt, hồng chát), bơ (bơ sáp, bơ nước), đào lông, mận, na, dâu tây, dâu tằm, chuối Laba, sầu riêng,… Cũng như rau củ quả, nguồn trái cây Đà Lạt hầu hết được chính người dân trồng trong các vườn, nhà kính rải rác khắp thành phố, nhiều nhất là bơ, hồng, mận, đào, dâu tây. Du khách nên mua gì? Chắc chắn là dâu tây. Dâu ở Đà Lạt là giống dâu tây New Zealand và Nhật được trồng trong nhà kính, giá cao hơn các loại dâu bình thường nhưng vị ngọt, thơm hơn những giống trồng ngoài trời, gần như lúc nào cũng không còn hàng để bán.
4.4. Đồ len mới, cũ
Nếu muốn chọn cho mình một món đồ bằng len độc đáo thì bạn có thể tìm đến chợ Đà Lạt. Không có cái rét buốt da buốt thịt như ở Hà Nội, cái lạnh ở Đà Lạt chỉ se se lạnh, đủ cho người ta khoác thêm một lớp áo len mềm mại, cần thêm một vòng tay đi bên cạnh hay cảm thấy thèm một chút ngô nướng. Chính bởi tiết trời như vậy, nên điều hiển nhiên là ở Đà Lạt tràn ngập những mặt hàng len với đa dạng về mẫu mã và chủng loại. Những chiếc áo len, mũ len, khăn choàng cho đến những chiếc móc khóa, túi đựng điện thoại ngộ nghĩnh ở đây đều được làm từ len.
Bên cạnh những mặt hàng sản xuất mới, chợ còn có khu bán đồ cũ (đồ second-hand) với giá rẻ. Một số mặt hàng tiêu biểu tại đây như: áo len, áo khoác, mũ len, khăn choàng, bao tay, tất và một số đồ lưu niệm bằng len. Khu đồ len cũ trong chợ Đà Lạt thường có rất đông người mua, đặc biệt là dân địa phương do “đồ cũ” nhưng trông không hề “cũ”. Các mặt hàng này có giá rẻ hơn hàng mới khoảng 50.000 vnđ – 100.000 vnđ với mẫu mã đa dạng không kém, chất len không bị xù xì, nếu kiên trì tìm kiếm đôi khi còn có thể thấy đồ “độc”.
Áo len ở chợ có nhiều kiểu dáng hợp thời trang, trendy phù hợp với cả các bạn trẻ. Trong khi đó, mũ hình thú gần như là một “biểu tượng” ở Đà Lạt vì chúng được bày bán rất nhiều quanh thành phố, nhưng nếu bạn mua trong chợ thì chất lượng đảm bảo hơn.
4.5. “Thiên đường mứt” và các đặc sản mua về làm quà
Nếu Đà Lạt được mệnh danh là “kinh đô” của các loại mứt, thì khu vực tầng 3 của chợ Đà Lạt sẽ là một “kinh đô mứt” thu nhỏ. Du khách tới đây sẽ phải ngỡ ngàng trước hàng trăm loại mứt khác nhau, tiêu biểu như mứt dâu, mứt mận khô, mứt hồng, mứt kiwi, mứt khoai lang sâm,… Mứt ở chợ Đà Lạt được bán quanh năm, chế biến và sản xuất từ chính những trái cây được trồng ở thành phố. Đặc biệt, chỉ với 1 loại trái cây, mứt ở đây được làm thành đủ kiểu sấy khô, sấy dẻo, giòn, chua, cay… làm hài lòng khẩu vị của bất cứ du khách nào. Du khách nên mua gì? Ngoài mứt dâu đã quá nổi tiếng và quen thuộc, bạn có thể mua mứt hoa hồng về dùng thử. Gọi là “mứt hoa hồng” nhưng thực tế, mứt được làm từ quả Hibiscus (hồng hoa), có vị chua, giòn, dai và rất tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra, một số đặc sản chợ Đà Lạt khác là trà và rượu vang. Loại trà nổi tiếng nhất là trà Atiso, thanh mát và có tác dụng chữa các bệnh về gan mật, lợi tiểu. Trong khi đó, rượu vang Đà Lạt cũng được nhiều người mua bởi hương vị thơm ngon, đậm đà, mang tính năng bồi bổ sức khỏe.
5. Ăn gì ở chợ Đà Lạt?
Thông thường, bạn có thể chọn Chợ Đà Lạt là điểm dừng chân vào ngày cuối cùng của chuyến hành trình để mua sắm quà cáp các kiểu. Bạn có thể lựa chọn ăn sáng ở chợ rồi bắt đầu công cuộc mua sắm hay sau khi mua sắm xong thì ăn vặt tại đây, miễn sao lịch trình của bạn và mọi người không bị ảnh hưởng.
Vậy, đến Chợ Đà Lạt ăn gì và ăn ở đâu?
Có hai khu ăn uống bạn có thể lựa chọn: khu vực bên ngoài xung quanh chợ và tầng 3 của khu trung tâm thương mại.. Các gian hàng ở đây phục vụ món ăn đặc trưng mà bình dân của thành phố như bún bò, bánh căn, cơm, pizza Đà Lạt,… Điểm cộng khi ăn ở đây là giá cả đã niêm yết sẵn nên bạn không lo vấn đề chặt chém, có bàn ghế ngồi đàng hoàng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với những đoàn du khách đông, có trẻ nhỏ hoặc người già.
Nếu bụng đang cồn cào và muốn tìm một món ăn ngon miệng, chắc dạ, bạn đừng quên ghế những hàng bánh canh, hủ tíu, bún riêu ở chợ Âm Phủ nhé! Các món nước ở đây luôn thơm lừng, nóng hổi, tạo ra sự cộng hưởng tuyệt vời với thời tiết se lạnh ở Thành phố tình yêu. Ngoài ra, trong các món ăn tưởng chừng quen thuộc ấy, ta sẽ bất ngờ khi bắt gặp những biến tấu rất riêng của ẩm thực Đà Lạt như bún riêu với thịt viên, hoặc bánh canh với giò, chả...
Thịt nướng cũng là một lựa chọn tốt để vừa nhâm nhi, vừa tán gẫu giữa không khí lành lạnh quanh khuôn viên hồ Xuân Hương. Thịt nướng ở chợ đêm đa dạng về chủng loại, có đầy đủ heo, bò, gà, cho tới chân gà, cánh gà, gan gà, sườn non, bò lá lốt, xúc xích, cá viên, bò viên... Khi mua, thịt sẽ được người bán nướng lại trên lò than làm tăng độ nóng giòn cũng như dậy mùi thơm hấp dẫn.
Nếu đã chán những món mặn, bạn hãy thử khám phá mảng đồ ngọt kì thú và độc đáo của chợ đêm Đà Lạt. Nổi bật nhất có lẽ là sữa đậu nành nóng nguyên chất, sóng sánh trong những nồi thiếc con con đầy hấp dẫn. Ngoài sữa đậu nành, ở đây còn bán sữa đậu xanh, đậu phụng và đặc việt là sữa hột gà thơm nức. Kết hợp với ly sữa đậu nóng hổi ngọt ngào là những món bánh độc đáo của đà Lạt. Ngay từđầu chợ, bạn sẽ bắt gặp một dọc những hàng bánh trái gồm bánh su, bánh bông lan... đủ mùi đủ vị, còn giữ được vẻ tươi ngon của bánh làm tại nhà thay vì sản xuất hàng loạt kiểu công nghiệp.
Hoặc nếu không thích bánh Tây, bạn có thể thử món bánh ống bảy màu được bày bán trên những gánh hàng rong khắp chợ. Đây vốn là đặc sản Sóc Trăng nhưng với hương vị thơm ngon của mình, bánh ống đã mau chóng "xâm chiếm" nền ẩm thực chợ đêm Đà Lạt. Vỏ bánh là bánh tráng có độ mỏng vừa, dai dai và không quá ngọt, nhân bánh là những sợi bột gạo tơi mịn được xây nát trộn với đường, cốt dừa, thơm mùi lá dứa. Bánh được cuốn thành hình ống, mang nhiều màu sắc sặc sỡ và hấp dẫn khó quên nhờ vị béo béo của dừa, hương thơm của lá dứa kết hợp cùng vị ngọt thanh nhẹ nhàng.
Bên cạnh đó, ở phía ngoài là khu ăn vặt chợ Đà Lạt với những sạp bán đồ ăn vỉa hè, hoặc các quán nhỏ xung quanh. Nơi đây có các món như bánh tráng trộn, bánh tráng nướng, cháo gà, cháo lòng gà, bánh ướt lòng gà, bún bò, cơm sườn,… với mức giá rẻ hơn trong nhà. Khu ăn vặt thường sẽ thích hợp với các bạn trẻ hơn, tuy nhiên lưu ý là trước khi ăn thì nên hỏi giá trước để tránh bị “hớ”.
6. Nên mua gì ở chợ đêm Đà Lạt?
Sau mỗi chuyến đi chúng ta sẽ mua quà về cho người thân bạn bè. Đã đến với vương quốc hoa thì không quên mua hoa về làm quà. Bạn có thể chọn những bó hoa tươi thơm ngát với màu sắc tươi tắn về tặng người thương hoặc chọn một vài lẵng hoa khô về làm quà hay trang trí phòng ngủ phòng làm việc của mình.
Trong chợ, bạn sẽ tìm thấy hơn 30 loại mứt – đặc sản của Đà Lạt. Mứt sẽ được bán nhiều ở dưới tầng 1, bạn có thể ghé mua một ít về để ăn và làm quà biếu nhưng để yên tâm phần nào thì bạn nên mua ở những cửa hàng uy tính như L’angfarm
Nếu bạn đang phân vân không biết chọn gì tiếp để về “hối lộ” bạn bè người thân thì hãy nghĩ ngay đến những trái dâu tây chín mọng. Dâu tây Đà Lạt không ngọt lịm mà sẽ có vị hơi chua và mát đó là hương vị đặc trưng của cây quả nơi đây.
Nếu đang tìm một món đồ lưu niệm thì bạn hãy tìm đến những cửa hàng bán đồ len và túi thổ cẩm xinh xắn để mua tặng bạn gái, chị gái. Đây sẽ là món quà vừa ý nghĩa vừa thiết thực lại không tốn nhiều tiền.
Ngoài ra tronng chợ còn có nông sản: Những loại rau củ như cà rốt, cà chua, ớt Đà Lạt, súp lơ, cải….hầu như mùa nào cũng có, giá cũng không quá đắt nên bạn có thể đóng thùng, phí đóng thùng tầm 5.000đ/ thùng. Những loại nông sản như bơ, dâu tây, atiso thì theo mùa và giá cũng thay đổi theo từng mùa.
7. Kinh nghiệm mua sắm tham quan tại chợ Đà Lạt
Là vùng đất yên bình, xinh đẹp với vô vàn điểm đến đặc sắc tại xứ sở sương mù. Vậy nên đến đây có thể thực sự thoải mái khám phá và tận hưởng cuộc sống. Tuy nhiên, thời tiết ở đây thường lạnh quanh năm, nhiệt độ chỉ dao động quanh mức 20 độ nên nhớ luôn mang theo áo ấm, đặc biệt là vào ban đêm hoặc sáng sớm.
Mức giá các mặt hàng tại chợ đêm đều tương đối hợp lý, tuy nhiên cũng nên hỏi giá trước khi mua hoặc kiểm tra kỹ chất lượng của các loại mặt hàng.Nên hạn chế ăn uống tại chợ đêm Đà Lạt và mua đặc sản ở những cửa hàng có nguồn gốc rõ ràng như L’angfarm.
Bạn hãy cẩn thận với những thứ có giá trị trên người như ví, điện thoại, dây chuyền.. vì chợ Đà Lạt rất đông đúc mà đạo tặc thì cũng rất nhiều
Mua đồ tại Chợ Đà Lạt bạn nên trả giá nhất là khu vực Latulip ( luôn nói thách lên gấp nhiều lần), các mặt hàng khăn, áo len trên đường đi vào Chợ thường không nói thách giá cao nên yên tâm hơn.
Nếu đi chợ Đà Lạt vào buổi tối bạn cần cẩn thận với những chiêu trò lôi kéo chụp ảnh. Không chụp hình với các bạn gấu nhồi bông, pikachu,…vì khi chụp xong họ sẽ vòi tiền và sẵn sàng hành hung nếu bạn không trả, đồng ý là việc các bạn ấy phải mặc bộ đồ dày cộp rất là nóng là bí nên cho 20,30k cũng không sao nhưng đây các bạn đó chẳng có ghi biển hay nói gì là sẽ thu tiền tính phí chụp ảnh mà cứ mời gọi người đi đường vào chụp ảnh, nhà có trẻ con thì kiểu gì các bé cũng chạy vào nếu không hỏi rõ thì chỉ có rước bực vào mình.
8. Những địa điểm tham quan gần chợ Đà Lạt?
8.1 Hồ Xuân Hương
Hồ trước đây là thượng nguồn của dòng thác Cam Ly là nơi cư trú của những người đà lạt xưa có tên là dân tộc Lạch đến năm 1919 một viên công sứ người Pháp khi đó là Cunhac đã có ý tưởng ngăn dòng suối thành hồ và giao cho kỹ sư Labbé thực hiện, đến năm 1923 thì có 2 con đập được xây dựng tạo thành 2 hồ. Vào năm 1932 có một cơn bão lớn với lượng nước kinh hoàng đã làm đập bị vỡ. Phải đến tận năm 1934 thì một kỹ sư người Việt Nam tên là Trần Đăng Khoa đã thiết kế bỏ 2 đập cũ bằng một đập lớn được xây dựng bằng đá. Khu vực đập được xây dựng nằm ở trước Dinh Quản Đạo do ông Phạm Hòe cai quản mà người dân thời đó hay gọi là ông Đạo và tồn tại têngọi đến tận ngày này.
8.2 Quảng trường Lâm Viên
Quảng trường Lâm Viên được xây dựng từ năm 2009 và phải mất đến 6 năm mới hoàn thành. Nó có diện tích khoảng 72.000m2. Đặc biệt với hai biểu tượng khổng lồ là nụ hoa atiso và bông hoa cúc quỳ. Nụ hoa atiso có chiều cao 15m và diện tích 1.500m2. Bông hoa cúc quỳ có chiều cao 18m và diện tích 1.200m2. Nơi đây như một công viên, nơi tập trung vui chơi giải trí của nhiều người dân Đà Lạt, cũng như khách du lịch. Quảng trường Lâm Viên gần như mở quanh năm, nhưng bạn cũng nên lựa chọn thời điểm thích hợp để đi. Bạn nên tránh dịp lễ tết ra vì sẽ khá đông du khách đến đây và bạn sẽ mệt mỏi rất nhiều khi chen lấn giữa dòng người đông đúc.
Quảng trường Lâm Viên có cảnh quan khá độc đáo vì thế hãy mang bộ đồ thích hợp cho phong cách. Ngoài ra bạn nên đi vào lúc thời tiết nắng đẹp để chụp những bức hình tuyệt đẹp.
8.3 Nhà thờ Con gà
Nhà thờ Chính tòa Ðà Lạt là một trong những nhà thờ công giáo ở Việt Nam có tên gọi khác là nhà thờ Con Gà vì trên đỉnh tháp chuông có hình con gà lớn. Đây là nhà thờ chính tòa của vị giám mục Giáo phận Đà Lạt, cũng là nhà thờ lớn nhất Đà Lạt, một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất của thành phố này do người Pháp để lại. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1931 đến 1942, có chiều dài 65m, chiều rộng 14m và cao 47m. Với độ cao đó, tháp chuông của nhà thờ có thể được nhìn thấy từ nhiều nơi trong thành phố. Phần phía trên của tường được lắp 70 tấm kính màu mang dấu ấn của kiến trúc nhà thờ châu Âu thời Trung cổ.
Nội thất thánh đường gồm 3 gian: 1 gian lớn ở giữa và 2 gian nhỏ ở hai bên. Mặt cắt công trình thể hiện rõ hệ cuốn theo dạng cung nguyên với dãy cuốn và hệ vòm nôi. Các cột trong nội thất có hệ đầu cột mô phỏng dạng cổ điển kết hợp với tự phát. Cả mặt bằng và mặt đứng đều được thiết kế đối xứng nghiêm ngặt theo lối cổ điển. Điểm đặc biệt của nhà thờ là trên thánh giá có tượng một con gà (cách mặt đất 27m) bằng hợp kim nhẹ rỗng bên trong được tráng phủ một lớp hoá chất đặc biệt đồng dài 0,66m, cao 0,58m quay quanh một trục bạc đạn để chỉ hướng gió trông rất ấn tượng.
Hy vọng rằng với những chia sẻ trên của Cuồng các bạn sẽ có những phút giây thật vui vẻ, hạnh phúc trong chuyến du lịch Đà Lạt sắp tới cùng bạn bè hay người thân yêu. Nếu thấy những chia sẻ của bọn mình bổ ích, các bạn đừng quên like, share và subsbrice kênh để tiếp tục cập nhật các video tiếp theo của Cuồng nha. Nếu có bất kì thắc mắc hay câu hỏi gì liên quan đến Du lịch các bạn có thể để lại dưới bình luận Cuồng sẽ phản hồi các bạn sớm nhất có thể.
CẢM ƠN VÀ HẸN GẶP LẠI CÁC BẠN!