Những điều cần biết khi ăn uống tại Hà Nội nếu không muốn mất tiền oan
20/09/2024 6390
Nhắc đến đi du lịch Hà Nội là để tìm hiểu những danh lam thắng cảnh như hồ Gươm, hồ Tây, Văn Miếu, tìm hiểu về nghìn năm lịch sử văn hóa của đất kinh kỳ và không thể bỏ qua nền ẩm thực phong phú, thể hiện tinh túy của con người nơi đây.
Hà Nội từ xưa tới nay vẫn nổi danh bởi nền ẩm thực phong phú nức tiếng gần xa với phở - món ăn từng đi vào tùy bút Hà Nội 36 phố phường của nhà văn Thạch Lam hay bún chả, món ăn vẫn được ca ngợi là đứng ở cuối phố cũng ngửi thấy mùi thơm nức mũi của chả nướng ở hàng bún chả đầu phố hay đó còn là bánh cuốn Thanh Trì mỏng tang như lụa, hay hiện đại hơn, là những quán cà phê Giảng, những quán trà chanh chém gió cùng bạn bè khi gió lạnh về.
Song nhiều du khách ngoại tỉnh hay du khách nước ngoài tới Hà Nội lần đầu vẫn nơm nớp nỗi lo sợ bị “chặt chém”, bị hét giá. Để không trở thành nạn nhân của hiện tượng xấu này, bạn chỉ cần đọc kỹ bài viết chia sẻ kinh nghiệm này của Cuồng là được.
1. Những thức quà nghe tên đã nhớ về Hà Nội
Với những bạn chưa đi du lịch Hà Nội bao giờ hay chuẩn bị có chuyến du lịch Hà Nội cùng gia đình, bạn bè mà chưa biết Hà Nội có món gì ngon, quán ăn nào nổi tiếng… thì sau đây Cuồng xin giới thiệu cho các bạn một số đặc sản trứ danh đất Hà thành.
1.1 Phở
Phở là món ăn không thể bỏ qua khi du lịch Hà Nội. Hàng phở bò nổi tiếng ngon miệng là Phở Lý Quốc Sư. Còn nếu muốn ăn phở gà, bạn hãy tới hàng phở gà nằm trên phố Quán Thánh. Lạ miệng với món phở trộn chua chua ngọt ngọt tại Phở Hạnh phố Lãn Ông hoặc hàng phở nằm trên phố Lương Văn Can. Phở áp chảo trên phố Bát Đàn. Nếu đến Hà Nội mà bạn không thưởng thức món Phở có nghĩa là bạn chưa hề đặt chân tới đây đâu nhé.
Cuồng xin đặc biệt giới thiệu với bạn một hàng phở tại Hà Nội mà thực khách đông tới mức thường phải xếp hàng dài mới đến lượt mua phở, đó là phở Bát Đàn.
Địa chỉ quán ở 49 Bát Đàn, quán mở lúc sáng từ 6h30 – 8h30. Giá: khoảng 60k/bát.
“Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon” – nhà văn Thạch Lam từng viết về phở Hà Nội như thế. Phở gia truyền 49 Bát Đàn quả đúng mang hương vị và phong cách đặc biệt mà người Hà Nội dù đi đâu về đâu cũng không thể nào quên.
Ăn phở Bát Đàn có mấy cái thú, phở ngon, thịt bò thái tươi rói, thơm ngậy, nước dùng ngọt vị xương hầm, đúng kiểu phở Hà Nội truyền thống; nhưng đặc biệt nhất có lẽ là thực khách đến đây phải xếp hàng và trả tiền trước rồi phải tự tay bê bát phở nóng bỏng về chỗ ngồi. Khi rủ nhau đi thưởng thức phở Bát Đàn, các bạn nên đi ăn 2 người, 1 người mua phở và 1 người giữ chỗ trước vì quán rất đông.
Nghĩ đến cảnh xếp hàng, bạn chớ tưởng tượng ra cảnh chen lấn xếp hàng lộn xộn lại còn lo ngay ngáy giữ chặt ví tiền kẻo bị kẻ gian móc túi, xếp hàng để chờ được thưởng thức một tô phở ngon nên ai cũng bình thản, có người còn mang cả báo ra đọc, thong thả chờ đến lượt.
Quán phở Bát Đàn khá nhỏ, thấp, bên trong chỉ vỏn vẹn có máy bộ bàn ghế gỗ thô mộc, cũ kỹ, đã tồn tại gần nửa thế kỷ nhưng không có thay đổi gì nhiều. Bếp phở nằm ngay gần cửa vào. Một người đàn ông thoăn thoắt thái những miếng mỏng nhưng to bản từ tảng thịt chín thơm gây gây mùi bò. Những tảng thịt nạm hay mỡ gầu không quá béo nhưng lại quánh như sáp, giòn, không dai, rất hấp dẫn cả thị giác, khứu giác và vị giác của thực khách. Vắt thêm vài giọt chanh cốm chua gắt cùng chút tương ớt cay nồng, thêm vài chiếc quẩy là bạn có thể xuýt xoa với bát phở nóng trong ngày gió lạnh rồi.
1.2 Bún đậu mắm tôm
Địa chỉ bán món ăn này nổi tiếng nhất ở số 55 và nhà số 49 ngõ Phất Lộc, ngay cạnh hồ Gươm. Đặc trưng bún đậu mắm tôm ở đây là được làm từ bún Phú Đô sợi nhỏ, trắng ngần dẻo mịn, ăn vào thanh mát trơn tuột trong cuống họng, mắm tôm Thanh Hóa, đậu làng Mơ gián vàng ròn, chả cốm Hà Nội thơm ngon…
Nếu muốn, bạn có thể gọi suất bún đậu đầy đủ với lòng rồi… Màu trắng của lòng, tràng lợn, màu xanh mát mắt của rau kinh giới, tía tô và những thớ thịt bắp tròn, chỉ nhìn thôi là muốn lao ngay vào đánh chén không cần chần chừ. Giá một suất bún đậu đầy đủ khoảng 50k.
Có lẽ hồn cốt của món bún đậu là mắm tôm. Bát mắm tôm được pha chế theo bí quyết tích lũy cùng năm tháng của những nhà hàng gia truyền ở ngõ Phất Lộc cũng vô cùng đặc biệt. Bát mắm tôm phớt tím được pha chế và đổ thêm lớp dầu nóng hổi vẫn còn bốc khói. Bê bát mắm tôm lên, chắc hẳn chỉ cần ngửi thôi đã khiến cho ai nấy đều không thể kiềm chế được. Mắm tôm ngon thì phải có thêm chanh, miếng chanh vắt vào, đánh bông bát mắm tôm lên, dường như cả tinh túy ẩm thực Hà thành đều gói gọn trong bát mắm tôm tuyệt vời này.
Ngoài ra, những con nghiện bún đậu mắm tôm có thể tìm đến những địa chỉ khác ở Hà Nội để ăn món khoái khẩu như ngõ 31 Hàng Khay, bún đậu gốc đa Ngõ Gạch, bún đậu cây bàng Đại La.
Bún đậu mắm tôm cũng là một trong những món ngon nổi tiếng ở Hà Nội bạn không nên bỏ qua. Với Cuồng thì bún đậu mắm tôm là món ăn rất dân dã, bình dân của Hà Nội. ở bất kỳ góc phố nào, bạn đều có thể bắt gặp những hàng bún đậu mắm tôm, ngả mẹt bầy bán ngay trên vỉa hè cho đủ các tầng lớp thực khách từ nhân viên văn phòng cho tới người lao động chân tay… Nếu bạn không ăn quen mắm tôm thì các nhà hàng cũng đã chuẩn bị sẵn nước mắm chấm, không hề mặn như chai nước mắm ở nhà đâu mà được pha chua chua ngọt ngọt, ăn rất vào bún.
1.3 Bún chả
Nhắc tới những món ăn ngon ở Hà Nội chắc hẳn không thể không nhắc tới bún chả, miếng chả nướng cháy xém tẩm ướp với gia vị thơm lừng trộn cùng với đu đủ xanh cắt miếng ăn với bún rối, rau sống thanh mát, chấm với nước chấm phải nói là tuyệt cú mèo. Các nhà hàng tại Hà Nội rất khéo léo nướng miếng chả vàng ươm với mùi thơm khó tả, Cuồng thấy tự nướng chả ở nhà thường bị khô, không bao giờ ngon và được miếng chả mỡ màng, thơm lừng như ra hàng được.
Khu vực phố cổ có thể coi là cái bụng của Hà Nội vì tập trung rất nhiều hàng ăn ngon. Nếu muốn thưởng thức bún chả Hà Nội chính hiệu, bạn có thể tìm đến bún chả phố Hàng Mành (gần ngã 3 Hàng Quạt và Hàng Nón), bán chả Đường Thành (gần phía Hàng Bông), Bún chả 47C Mai Hắc Đế…
Bún chả Đắc Kim có lẽ là quán bún chả nổi tiếng nhất Hà Nội, tọa lạc tại số 1 Hàng Mành. Với diện tích khá nhỏ, vào giờ cao điểm, thực khách phải lên các tầng trên hoặc được kê bàn, ghế ngồi ngay vỉa hè.
Tên gọi Đắc Kim xuất phát từ những người chủ đầu tiên của quán vào năm 1965. Đến nay, người tiếp quản là các thế hệ sau trong gia đình. Điểm đặc nổi bật ở đây là sự cầu kỳ trong khâu chọn nguyên liệu. Trong đó, thịt lợn phải là ba chỉ hoặc nách, sau khi băm nhỏ bằng dao sẽ tẩm ướp gia vị, hành tỏi và nước mắm ngon rồi mới nướng trên than. Mỗi suất bún chả ở Đắc Kim được chuẩn bị khá đầy đặn, nhiều thịt và dao động 50.000 - 60.000 đồng. Đây được coi là một trong những hàng bún chả cổ truyền lâu đời nhất tại Hà Nội.
1.4 Chả cá Lã Vọng
Đến Hà Nội mà không nếm thử chả cá Lã Vọng thì thật là thiếu sót. Món ăn này thú vị ở điểm bàn ăn của thực khách sẽ có một chiếc bếp nhỏ để giữ cá luôn được nóng hổi. Thực khách sẽ luôn tay đảo miếng cá, thêm chút rau ăn kèm, cảm giác đi ăn hàng mà như tại nhà làm bữa liên hoan vậy.
Cá được chiên trên một chảo dầu nhỏ, mỗi bàn ăn sẽ có một bếp than hoa nho nhỏ cùng chảo cá đặt bên trên. Cá ăn kèm với bánh đa nướng, bún rối, cùng với đó là lạc rang, rau mùi, húng láng, thì là, hành củ tươi chẻ nhỏ chấm với mắm tôm. Mắm tôm phải được pha chế bằng cách vắt chanh tươi, thêm ớt, đánh sủi lên rồi tra thêm chút tinh dầu cà cuống, thêm vài giọt rượu trắng, một ít nước mỡ và đường.
Món ăn đậm vị ngọt bùi, beo béo của miếng cá lăng, cá quả. Người ăn trút hành, thì là vào chảo và đảo đều lên. Gắp một đũa bún nhỏ vào bát, thêm vài hột lạc, cọng rau thơm, một miếng cá và ít hành xào trong chảo nóng đang nghi ngút khói, rưới lên trên thìa nhỏ mắm tôm rồi bắt đầu thưởng thức. Từng đó thứ hòa lẫn vào nhau mới tạo nên được vị ngon nức tiếng của đặc sản Hà Nội.
Đa phần du khách nước ngoài đến Hà Nội muốn thưởng thức món này đều ghé quán chả cá Lã Vọng với hơn 130 năm tuổi. Chả cá của nhà hàng Lã Vọng chủ yếu làm từ cá lăng và cá quả nên thịt chắc và dai, không hề bị bở tung ra khi đảo nhiều lần trên chảo. Miếng cá xắt vừa phải, khi chín vàng hơi quăn. Ăn giòn ở bề cạnh nhưng mềm ở phần giữa, ướp tẩm vừa miệng và thơm phức.
Bát mắm không mặn mà vừa ăn, không nồng nhưng vẫn giữ được mùi đặc trưng. Vị ngọt béo của miếng chả cá Lã Vọng quyện với mùi thơm của rau và mặn mòi của mắm tôm khiến nhiều người phải thòm thèm. Giá một suất chả cá Lã Vọng từ 175.000 đồng một người.
Địa chỉ: 14 phố Chả Cá và 107 Nguyễn Trường Tộ. Quán ở phố Chả Cá không gian tương đối chật nhưng là cơ sở từ xưa, còn tại Nguyễn Trường Tộ sạch sẽ và rộng rãi hơn, thích hợp với những nhóm đông người.
Ngoài ra, bạn có thể nếm thử Chả cá Thăng Long – Địa chỉ: 19, 21, 31 Đường Thành. Giá một suất ở đây từ 150.000 đồng một người.
Chả cá Anh Vũ – Địa chỉ: 120, Giảng Võ – Với mức giá tương đối dễ chịu, 130.000 đồng một suất, chả cá Anh Vũ.
1.5 Bánh cốm
Bánh cốm là một món ăn từ xa xưa thường xuất hiện trong đám lễ hỏi, đi cùng với bánh phu thê tạo nên cặp bánh màu xanh đỏ đẹp mắt. Với lớp vỏ màu xanh cốm tươi mới, nhân đậu xanh màu vàng cùng với mùi thơm đặc trưng của cốm non chỉ ngửi thôi cũng thấy hấp dẫn rồi.
Bánh cốm ngon nhất bán tại hàng Nguyên Ninh, ngôi nhà số 11 Hàng Than. Cho tới nay hàng bánh cốm Nguyên Ninh vẫn còn bán bánh cốm với phương thức làm bánh thủ công từ xa xưa. Những chiếc bánh cốm với màu xanh tươi mới,vỏ mỏng nhẹ thậm chí bạn có thể nhìn thấy lớp nhân đậu xanh màu vàng vàng bên trong. Mùi cốm thơm lừng hòa quyện với mùi thơm ngầy ngậy của dừa và đậu xanh, ngửi thôi đã mê mẩn.
Những chiếc bánh cốm thoạt nhìn đơn giản nhưng lại trải qua quá trình chế biến công phu. Ngay từ khâu chọn nguyên liệu, chọn loại cốm, đỗ xanh nào cho ngon đã phải thật cẩn thận. Người nhà Nguyên Ninh cho biết, với bánh cốm, quan trọng nhất là cách xào cốm. Con cháu trong nhà cũng phải học nhiều năm mới có thể xào cốm thành thạo để cho ra những chiếc bánh ngon, đảm bảo hương vị vốn có. Ngoài ra, nét đặc trưng của bánh cốm Nguyên Ninh là hoàn toàn không pha bột, chỉ làm bằng cốm nguyên chất và không xay để tránh mất hương vị. Việc bỏ qua công đoạn xay mà vỏ bánh vẫn dẻo mịn chính là bí kíp gia truyền nhà Nguyên Ninh.
Ăn chiếc bánh cốm là dường như thấy cả mùa thu Hà Nội, mùa thu với hương cốm thơm lừng, với vụ mùa bội thu cho hạt cốm chắc mẩy, cho bàn tay những cô bán hàng bán cốm mà thơm cả bàn tay. Ăn một chiếc bánh cốm ngọt bùi mà như thấy cả tình người Hà Nội đằm thắm với cái ý nghĩa sâu xa từ ngàn đời mong cho đôi vợ chồng son tình cảm mãi ngọt ngào thắm đượm.
Đến Hà Nội, bạn đừng quên mua về làm quà cho gia đình và bạn bè những hộp bánh cốm nhỏ xinh, bởi thấy bánh cốm là như thấy cái thanh tao, tinh túy của ẩm thực đất kinh kỳ. Giá mỗi chiếc bánh cốm Nguyên Ninh rất rẻ, chỉ 5k/chiếc bánh nhỏ, 6k/bánh lớn, nếu bạn mua hộp 10 chiếc là 50k. Một số hàng bánh cốm ngon cùng ở phố Hàng Than là bánh cốm Bảo Minh 12 Hàng Than, bánh cốm An Ninh 49 Hàng Than…
1.6 Bún thang
Bún thang là món ăn được ca ngợi là cầu kỳ trong khâu trình bày và chế biến, tổng thể bát bún trông như một bông hoa đầy sắc màu với màu vàng của trứng, giò lụa hồng đào, thị gà trắng và da gà vàng ươm, củ cải hơi vàng được xếp cạnh nhau, xen kẽ có nấm hương nâu, ruốc tôm màu đỏ cam. Trên cùng là lớp hành, răm rải đều và lát ớt đỏ đầy hấp dẫn.
Để nấu được một bát bún thang đúng chuẩn, nói chung cực kỳ cầu kỳ, đôi khi phải mất cả một ngày trời để chuẩn bị. Đầu tiên cần có là bún. Bún rối, sợi không to cũng không quá nhỏ, sợi vừa phải thì sóng đôi với giò lụa thái chỉ nó mới hợp. Tiếp nữa là gà. Gà sống hay gà mái đều được cả, miễn là thịt mềm và béo. Tuy nhiên, thứ thịt mà đặt lên thang thích hợp phải là thịt lườn, xé cho thật nhỏ ra, rồi đặt lên một góc của bát bún, bên cạnh giò lụa. Rồi thì đến trứng.
Trứng phải tráng sao cho mỏng tang- thực ra tráng mỏng tang rất khó rồi cũng thái rối và đặt lên một góc khác của bát bún. Bún thang sẽ rất ngon nếu như có thêm ruốc tôm. Không nhiều hàng bún thang ở Hà Nội bây giờ còn có ruốc tôm. Thứ nhất bởi giá thành quá đắt đỏ, thứ hai, các công đoạn để làm ra một mẻ ruốc tôm cũng cầu kỳ và mất thời gian. Cho nên mới nói, bún thang là món ăn phức tạp nhất trong số các món ăn của đất Hà thành kể ra cũng đúng.
Ăn bún thang thì không thể thiếu củ cải dầm, vài cánh nấm, một cái nhúng đầu đũa tinh dầu cà cuống và đặc biệt sau tất cả nhứng thứ hương vị thanh thanh đó thì còn có thêm một tí tẹo mắm tôm. Một hương vị tưởng như không liên quan đến tất thảy những thứ đã có trong bát bún, thế mà khi kết hợp với nhau lại cho ra một hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được.
Tất cả những thứ bún, rồi giò, gà, trứng…đã kể trên vốn đã cầu kỳ từ khi sơ chế cho đến thành phẩm thì nấu được một nồi nước để chan bún còn cầu kỳ gấp dăm bảy phần.
Thường thì các bà nội trợ chọn xương gà và xương bay của lợn, chần xương qua nước nóng già cho sạch những thứ tiết đọng cặn, ninh nhỏ lửa và hé vung cho nước trong. Trong quá trình ninh phải liên tục hớt bọt bám vào thành nồi, để đảm bảo cho nước dùng trong nhất có thể. Nước dùng bún thang không thể thiếu đầu tôm he khô. Loại tôm này khi khô mang mùi vị rất đặc trưng, làm dậy mùi nồi nước dùng. Một vài người thích cho thêm vài miếng mực khô đã nướng qua, mực khô khiến nước dùng thêm ngọt hoặc là sá sủng khô. Tuy nhiên, cũng có người chỉ thích nước bún thang có duy nhất vị tôm he khô mà thôi.
Ngày xưa, người Hà Nội chỉ tới Tết nguyên đán mới được ăn bún thang. Sau Tết, thực phẩm thừa nhiều. Bỏ đi thì phí, các bà, các mẹ nội trợ bèn nghĩ ra món ăn xuất sắc này. Và nó trở thành món ăn thanh nhẹ sau ba ngày Tết ngây ngất với bánh chưng, thịt gà và canh măng. Ngày nay, bạn không cần phải chờ đến Tết để đi du lịch Hà Nội và thưởng thức món bún thang. Giờ đây, đi du lịch Hà Nội, bạn có thể ăn món bún thang quanh năm vì Hà Nội nay đã có rất nhiều quán ăn ngon bán món ăn xuất xứ từ đất kinh kỳ này.
Nếu bạn đi du lịch Hà Nội và khám phá khu phố cổ thì có thể tranh thủ tạt vào quán bún thang 48 Cầu Gỗ, ăn bát bún lót dạ rồi lại lang thang trên những con phố nhỏ của thủ đô, hay hàng bún thang ở 29 Hàng Hành, bún thang số 11 Hàng Hòm, bún thang Thuận Lý Hàng Hòm… Mỗi bát bún thang có giá khoảng 50k nhưng lại chứa đựng đầy đủ triết lý ẩm thực của người Hà Nội. những nguyên liệu phong phú kết hợp lại với nhau lại cho ra một món ăn thanh đạm, cái tên Thang có nghĩa là món ăn nhiều thành phần kết hợp với nhau như một thang thuốc đông y.
1.7 Bún ốc
Bún ốc từ lâu đã trở thành một món ăn không thể thiếu trong thực đơn của người Hà Nội và các thực khách đến thăm Thủ đô. Bún ốc, hình như cứ phải ăn ở Hà Nội mới đã. Món ăn dân dã mà qua bàn tay tài hoa của những bà, những cô, những chị… Hà thành lại trở thành thứ ẩm thực thật tinh tế chẳng nơi nào có.
Có 3 yếu tố quan trọng nhất để tạo nên một thành phẩm hấp dẫn là ốc béo, bỗng thơm và nước dùng đậm đà. Ngoài ra còn có bún rối, rau sống, hành hoa, hành tím, cà chua, ớt bột thêm chút mắm tôm và xương heo.
Món bún ốc ngon nhất là khi người ta hay dùng ốc bươu, một loại ốc có màu tím xanh óng ánh trên vỏ xà cừ để chế biến. Chất thịt ngon giòn, sần sật thêm chất sáp vàng bùi ngậy của ốc giúp thực khách càng ăn càng thấy ngon.
Nhà văn Thạch Lam đã từng viết về người ăn bún ốc như thế này, "người ta xúm lại ăn quà bún ốc một cách mới ngon lành làm sao! Có ai buổi trưa hay buổi đêm khuya, đi qua các nhà cô đào, và các chị em thanh lâu, thấy họ ăn cái quà ấy một cách chăm chú và tha thiết đến đâu không? Nước ốc chua làm nhăn các nét mặt tàn phần và mệt lả, miếng ớt cay làm xoa xuýt những cặp môi héo hắt, và khiến đôi khi rõ những giọt lệ thật thà hơn cả những giọt lệ tình."
Bún ốc chính là món ăn khoái khẩu của Cuồng. Con ốc giòn sần sật, nhai kỹ lại có vị béo bùi, nước dùng chua chua thanh mát vị chanh và giấm bỗng thơm lừng, vị cay nồng của tương ớt. Ăn bún ốc vào mùa hè nóng nực mà vào mùa đông trong tiết trời se lạnh cho ấm bụng cũng hợp luôn.
Cuồng xin giới thiệu với các bạn một số quán bún ốc ngon nổi tiếng ở khu phố cổ để các bạn đi du lịch Hà Nội thưởng thức nha: bún ốc cô Thêm Hàng Chai, phố bún ốc Hòe Nhai với hàng chục quán bún ốc chen chúc nhau trên con phố nhỏ, bún ốc cô Huê Đặng Dung, bún ốc cô Huệ hàng Giày, bún ốc cô Giang Lương Ngọc Quyến. mỗi bát bún ốc có giá khoảng 40-50k tùy theo bạn có ăn thêm giò, thịt thăn, thịt bò, chả cá… hay không.
Quán bún ốc cô Thêm Hàng Chai có truyền thống làm bún ốc lâu đời, được truyền qua 3 thế hệ trong gia đình cô Thêm nên bún ốc ở đây luôn có hương vị đặc biệt riêng của cách chế biến gia truyền. Vị nước dùng chua dịu, ngọt thanh vị ốc lại thêm chút cay nồng của ớt tươi đã làm say lòng biết bao thực khách. Một chút mùi mắm tôm bốc lên nhưng không hề nồng mà lại rất thơm và dễ chịu. Những con ốc vàng giòn, béo ngậy, sần sật.
Một bát bún chỉ có thêm vài cọng hành, mấy miếng cà chua thêm một vài lá rau thơm nhưng đã đủ để hấp dẫn thực khách. Nếu sang chảnh hơn một chút, bạn có thể dùng thêm một ít thịt bò chần càng làm tăng hương vị. Chính vì vậy mà bún ốc của cô bán buổi sáng rất hay hết từ sớm khiến nhiều khách trở ra hoặc là phải ngậm ngùi quay về hoặc là phải chờ đợi khá là lâu.
1.8 Bánh cuốn
Còn gì bằng một sáng Hà Nội ta ngồi nhẩn nha gắp từng miếng bánh trắng ngần, ngồi ngắm cảnh vật xung quanh. Bánh cuốn mềm mướt, thoang thoảng hương nhân mộc nhĩ, nấm, hành phi.
Bánh cuốn ăn cùng với nước chấm được chế từ thịt nạc vai với muối, gia vị, đường, ít nước hàng lấy màu, không có nước mắm làm cho món bánh thêm ngon và đậm đà. Bột làm bánh là gạo được xay ướt nên rất mịn. Sau khi đã được làm chín bởi hơi nước, lá bánh sẽ được cuốn lại với nhân thịt, mộc nhĩ và nấm hương đã được làm chín. Nước chấm bánh cuốn được pha sẵn với chút thịt băm và nấm trong nước dùng rất lạ. Món ăn thanh cảnh, khiến ta ăn xong một suất lại muốn ăn thêm suất thứ hai.
Những hàng bánh cuốn nổi tiếng ở khu phố cổ Hà Nội là bánh cuốn Thanh Vân với các cơ sở 12-14 Hàng Gà, bánh cuốn Quang An Hàng Bồ, bánh cuốn Phượng 68 Hàng Cót. Giá mỗi suất bánh cuốn khoảng 50k.Có thể nói, bánh cuốn Thanh Vân cũng là một trong những địa chỉ không còn lạ lẫm với hầu hết người Hà Nội. Bánh cuốn Thanh Vân nổi tiếng nhờ có truyền thống lâu đời. Quán có vị trí rất dễ tìm, ngay mặt phố nhưng chỗ để xe lại khá chật chội.
Điểm đặc biệt khiến cho bánh cuốn Thanh Vân trở nên khác lạ so với các quán bánh cuốn khác ở Hà Nội là ở đây ngoài hành phi được rắc lên trên lớp bánh dẻo bọc lấy lớp nhân tròn vị thì còn có thêm cả ruốc tôm thơm lừng.
Bánh cuốn ở đây được biến tấu một cách khéo léo khiến món bánh cuốn trở nên lạ miệng và bớt đơn điệu hơn với 4 loại nhân khác nhau là: Bánh cuốn nhân thịt,bánh cuốn nhân gà, bánh cuốn trứng và bánh cuốn nhân tôm…
Ngoài ra bạn có thể thử thêm rất nhiều món ăn ngon khác của Hà Nội như bánh tôm Hồ Tây làm từ con tôm to mập, béo ngậy; kem Hồ Tây, bao năm nay vẫn chỉ tầm 5k/chiếc; kem Tràng Tiền (lang thang khu phố cổ Hồ Gươm bạn sẽ thấy vào mùa hè cũng như mùa đông, rất nhiều du khách đều tập trung mua kem tại các cửa hàng dọc phố Tràng Tiền rất đông đấy); phở cuốn; phở xào; bún riêu; bánh giò; bánh mì… Bánh mì, món ăn không xuất xứ từ Việt Nam nhưng trải qua bao năm du nhập đã trở thành thức quà sáng phổ thông cho trẻ em đến lớp, cho người lớn lót dạ trước giờ đi làm, và chỉ có tại Hà Nội, bánh mì mới trở thành một món ăn đường phố ngon miệng với rất nhiều biến tấu khác nhau như bánh mì ruốc, chả, thịt nướng…
Nếu các bạn trẻ đi du lịch Hà Nội muốn tìm hiểu về cuộc sống về đêm nơi đây thì có thể la cà các quán trà chanh chém gió chỗ Nhà thờ Lớn, ven hồ Tây, Nhà hát lớn… Hà Nội là trung tâm văn hóa kinh tế của cả nước nên có đủ luôn các chuỗi nhãn hiệu cà phê, trà sữa… từ nước ngoài du nhập vào cho bạn thỏa sức đổi gió mỗi tối.
Bạn thấy sao, Hà Nội có vô vàn những món ăn ngon mà bạn phải dành ra vài ngày dạo phố khi đi du lịch Hà Nội thì mới chén được hết đấy. Ẩm thực đường phố Hà Nội đa dạng với nhiều món ăn ngon mà rẻ. điều đặc biệt là khi đi du lịch Hà Nội, bạn không cần phải vào những quán ăn sang chảnh đắt đỏ mới có thể thưởng thức ẩm thực thủ đô, chỉ cần tạt vào một con ngõ nhỏ, hay ghé xuống một quán ăn dựng tạm trên lề đường, trên vỉa hè với gánh hàng của cô bán hàng cộng với vài chiếc ghế nhựa con con.
Ăn ngay trên vỉa hè, trên lề đường, bạn còn có thể khám phá nhịp sống thường ngày rộn rã của người dân và hiểu thêm rằng, cảm nhận được rằng dù cuộc sống có đổi thay, xã hội có phát triển thì cái nết ăn cầu kỳ, tinh túy của người Hà Nội ngàn đời vẫn không thay đổi tới mức tôn việc chế biến và thưởng thức những món ăn ngon lên thành một nghệ thuật.
2. Kinh nghiệm ăn uống ở Hà Nội để không bị chặt chém
Muốn đi du lịch Hà Nội và chén đẫy các món ngon mà lại không lo bị hét giá thì hãy tham khảo cẩm nang chân kinh do Cuồng tham khảo và tổng hợp sau nhé!
2.1 Tìm hiểu trước về các quán ăn trên mạng
Cũng như bất cứ nơi nào khác, khi đến thăm thủ đô Hà Nội bạn nên tìm hiểu kỹ các thông tin như giá cả các dịch vụ, địa chỉ ăn uống uy tín… Việc này sẽ giúp bạn không bị rơi vào cái bẫy của những người nói thách cũng như tránh được những điểm thường “chặt chém” khách hàng. Ngoài ra, điều này cũng giúp bạn hiểu thêm về văn hóa, thói quen và sự khác biệt của Hà Nội so với các địa phương khác. So với mặt bằng chung, giá cả một số dịch vụ ở Hà Nội thường cao hơn.
Hiện nay, các trang review đồ ăn Hà Nội đã vô cùng phổ biến trên mạng rồi. Bạn có thể vào các trang này, tìm hiểu địa chỉ những quán ăn ngon giá rẻ tại Hà Nội để có thể thưởng thức đặc sản Hà Thành mà không lo bị “cháy túi”. Ngoài ra, bạn cũng có thể tránh được những quán ăn chất lượng tồi mà lại đắt, hay chặt chém khách du lịch hoặc thậm chí tránh được những quán bún chửi, cháo chửi ở Hà Nội, nơi người bán hàng chửi thực khách như hát hay. Còn nếu bạn có thể nghe người ta léo nhéo bên tai mà vẫn ăn ngon lành hoặc muốn thử một lần ăn bún chửi thì có thể thử xem.
2.2 Nên chọn những quán có menu niêm yết giá hoặc hỏi giá trước khi ăn
Hà Nội là thiên đường của các quán đồ ăn vỉa hè, tuy nhiên nét văn hóa ẩm thực đường phố này đôi khi cũng làm khó dễ du khách. Bởi việc tìm cái thực đơn niêm yết giá ở những hàng quán này là không hề dễ. Thậm chí nhiều quán còn ghi giá bằng ba chữ số không (0) phía sau mà bỏ trống chữ số quan trọng ở đằng trước, khách hàng kỹ tính hỏi, họ sẽ nói rõ giá. Còn khách dễ tính sẽ rơi vào trường hợp bị tính giá trên trời.
Do vậy, khi vào hàng nào, trước khi ăn bạn cũng phải hỏi giá vì nếu để khi ăn uống xong xuôi thì chẳng cãi lại được. Việc này có thể khiến chủ quán chỉ hơi khó chịu một chút nhưng còn hơn là bị tính giá cao bất ngờ sau khi ăn. Tuy vậy, có một số trường hợp dù đã thống nhất giá cả nhưng sau đó vẫn nhận được những mức giá khác hơn so với giá thương lượng vì một vài thứ tưởng chừng chỉ là đồ gọi thêm, món phụ hay gia vị cũng bị tính tiền.
Để thu hút khách du lịch, nhiều nhà hàng, quán ăn thường đưa ra mức giá rất hấp dẫn nhưng khi tính tiền du khách lại phải trả thêm các khoản phí khác có khi mắc gấp 3-4 lần giá niêm yết ban đầu. Chiêu trò phổ biến nhất là tính thêm tiền rau, tiền bún, tiền cá… của món lẩu với lý giải rằng giá niêm yết trên thực đơn chỉ là giá nước lẩu.
Thông thường, các quán ăn phục vụ miễn phí các gia vị như chanh, tương ớt, kể cả khăn ướt, giấy ăn... Tuy nhiên, tại các điểm du lịch, du khách có thể bị tính phí nếu sử dụng những thứ này. Do đó, trước khi sử dụng hoặc xin thêm bất kỳ thứ gì du khách nên hỏi xem có tính phí hay không. Đây là điều không quá xa lạ ở một số quán làm ăn kiểu “chụp giật”. Vậy nên để cho chắc chắn, bạn có thể lựa chọn thanh toán ngay.
2.3 Kiểm tra kỹ hóa đơn
Bên cạnh việc “chặt chém”, nhiều quán ăn hay trả vờ “lẩm cẩm”, tính sai tiền, tính thêm món, thêm đĩa hoặc ghi thêm một số món ăn thực khách không gọi. Do đó, bạn cần kiểm tra lại hóa đơn xem có đúng những món mình đã gọi không, số lượng đĩa ăn ra sao và cộng lại tổng tiền trước khi thanh toán.
2.4 Đừng ngại mặc cả
Không chỉ ở Hà Nội, nói thách giá là tình trạng phổ biến tại hầu hết các điểm du lịch trên thế giới và tại Việt Nam. Nếu bạn không tinh ý sẽ rất dễ bị nói thách với giá “trên trời” và rơi vào cảm giác đang bị lừa, vừa ăn lại vừa rước bực vào người. Nhất là với du khách nước ngoài hoặc du khách nói giọng miền trong thì một số bà bán hàng theo kiểu chụp giật ở Hà Nội hay nói thách với giá trên trời nên các bạn cần mặc cả trước khi mua đồ ăn nha. Nhiều bà bán hàng ở Hà Nội cứ mặc định thấy khách Tây hoặc Việt Kiều là đồng loạt hét giá vì những vị khách này mặc định là nhiều tiền, chỉ vào quán một lần rồi đi nên là phải chặt đẹp.
Nhiều quán hàng ở Hà Nội, đặc biệt là trong khu phố cổ vẫn làm ăn theo lối cũ là cứ chặt chém được khách nào hay khách đấy vì khách tứ xứ biết khi nào họ quay lại. Với khách quen thì không sao, các bà rất dễ tính, bán đúng giá và nhiều khi còn thêm nước dùng, thêm thịt… nhưng với khách lạ vào quán thì khả năng bị chặt chém là rất cao. Chính vì thế mà bạn phải lên kế hoạch cụ thể về những địa điểm vui chơi, check kỹ trên mạng để xem quán đó có mang tiếng chặt chém khách hay không và đừng ngại mặc cả. Nếu đi du lịch Hà Nội mà trong nhóm có bạn nào mặc cả siêu thì càng tốt, biết đâu bạn sẽ được chén no bụng đặc sản Hà Nội với giá rẻ bất ngờ thì sao!
2.5 Thuộc số điện thoại đường dây nóng
Do “lạ nước lạ cái” và không muốn xảy ra tranh chấp trên đường du lịch, nhiều du khách thường ngậm bồ hòn làm ngọt khi bị “chặt chém”. Tuy nhiên, chính hành động này lại là yếu tố khiến những kẻ “chặt chém” ngày càng lộng hành hơn. Lời khuyên cho du khách khi gặp phải tình huống này là nên lưu lại số điện thoại đường dây nóng của các cơ quan chức năng địa phương để phán ánh trong trường hợp cần thiết.
Đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về nạn “chặt chém”, chèo kéo, lừa đảo và đeo bám khách du lịch tại Hà Nội là 0941336677. Đường dây này hoạt động 24/24. Ngoài ra, du khách cũng có thể đến quầy thông tin hỗ trợ khách du lịch tại Vườn hoa Lý Thái Tổ trên đường Lê Thạch để phản ánh.
2.6 Đặt tour du lịch Hà Nội trọn gói với các công ty lữ hành
Cuối cùng, nếu bạn đi du lịch Hà Nội thì có thể đặt tour du lịch Hà Nội trọn gói với các công ty du lịch. Các hướng dẫn viên dày dạn kinh nghiệm sẽ đưa bạn đến những quán ăn ngon để thưởng thức đặc sản Hà Thành mà họ lại biết rõ giá cả, nên bạn sẽ không lo bị chém đẹp. Ngoài ra, các công ty du lịch còn có thể hỗ trợ bạn đặt phòng khách sạn, thuê xe di chuyển, mua vé vào các khu tham quan, khu vui chơi, dịch vụ hoặc thậm chí là mặc cả khi mua hàng để không bị chặt chém, mua hớ.
Đi du lịch Hà Nội, bạn đừng lo bị chặt chém, đó chỉ là do bạn chưa biết lựa chọn quán ăn phù hợp và khéo léo mặc cả, hỏi giá một chút thôi. Chúc các bạn có chuyến du lịch Hà Nội no bụng mà không sợ tốn tiền!