Hướng Dẫn Thăm Quan NGŨ HÀNH SƠN Đà Nẵng Chi Tiết
21/11/2024 39378
Ngũ Hành Sơn hay núi Non Nước là tên chung của 6 ngọn núi đá vôi nhô lên sau một bãi cát ven biển, có diện tích khoảng 2000km2 nơi đây là một thắng cảnh nổi tiếng Đà Nẵng với phong cảnh non nước tuyệt đẹp và nhiều hang động huyền bí, trong ký ức của nhiều người đây còn là vùng “địa linh” của xứ Quảng xưa nay, nơi đây hội tụ vẻ đẹp của núi, của biển, của cả những giá trị lịch sử, văn hoá, tâm linh. Một điểm đến thật hấp dẫn đúng không nào? hôm nay hãy đồng hành cùng Cuồng và Cuồng sẽ tổng kết lại kinh nghiệm du lịch Ngũ Hành Sơn và hướng dẫn tất tần tật lịch trình tham quan vui chơi ở Ngũ Hành Sơn cho các bạn cùng khám phá nơi đây nhé!
1. Núi Ngũ Hành Sơn ở đâu?
Quần thể thắng cảnh Ngũ Hành Sơn nằm trên địa phận xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang, nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 8km về phía đông nam, ngay trên tuyến đường Đà Nẵng- Hội An.
2. Đến núi Ngũ Hành Sơn bằng cách nào?
Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 11 km. Đường đến Ngũ Hành Sơn cực kì dễ đi. Xuất phát từ cầu Rồng bạn di chuyển về hướng bờ Đông sông Hàn-> rẽ vào đường sông Ngô Quyền (Quốc lộ 14B) -> chạy theo hướng Nam. Khi tới vòng xoay cầu Trần Thị Lý -> tiếp tục đi thẳng vào đường Ngũ Hành Sơn -> đường Lê Văn Hiến sẽ tới được khu du lịch Ngũ Hành Sơn. Đây là đường đi ngắn nhất trong 3 đường và cũng dễ đi nhất, vì chủ yếu đường đi thẳng và ít phải rẽ. Vì đường khá dễ đi, lại không cách quá xa trung tâm thành phố. Bạn có thể sử dụng xe máy để di chuyển đến đây. Xe máy các bạn có thể thuê tại trung tâm thành phố với giá khá rẻ. Tầm 100k-150k/ 1 chiếc/ 1 ngày.
Nếu bạn đi theo gia đình thì taxi - grap là sự lựa chọn hợp lý, Đà Nẵng có rất nhiều hãng taxi cho nên các bạn có thể thoải mái lựa chọn một chiếc taxi an toàn cho mình và người thân. Hơn nữa dịch vụ grap hiện đang phát triển mạnh ở Đà Nẵng, đây cũng là loại phương tiện được nhiều người sử dụng. Hoặc bạn cũng có thể sử dụng xe bus vì là loại phương tiện khá rẻ lại an toàn. Để đến được núi Ngũ Hành Sơn, các bạn hãy bắt chuyến xe Đà Nẵng – Hội An, xe bus Đà Nẵng – Hội An cứ khoảng 30′ là có một chuyến. Với giá khoảng 15k/ 1 người.
3. Ở núi Ngũ Hành Sơn có gì?
Với thời tiết trong lành, mát mẻ và phong cảnh đẹp 4 mùa, Ngũ Hành Sơn là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn mà bạn có thể thăm quan bất kì lúc nào trong năm. Nếu đi du lịch vào mùa hè thì ngoài Ngũ Hành Sơn, bạn còn có thể kết hợp đi nghỉ mát tại những bãi biển trong khu vực. Cũng bởi địa hình của Ngũ Hành Sơn là núi, dù không quá cao nhưng các địa điểm ở nhiều vị trí, độ cao rất khác nhau, việc leo lên, đi xuống khiến bạn mất khá nhiều sức đó. Những núi đá vôi nằm rải rác trên diện tích khoảng 2km2, gồm: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thổ Sơn, Thủy Sơn và Hỏa Sơn. Mỗi ngọn núi có một vẻ đẹp riêng về hình dáng, vị trí, chất liệu đá, về hang động, chùa chiền bên trong. Trong các ngọn núi, Thủy Sơn là hòn lớn nhất và cũng kiều diễm nhất. Núi cao 106m, có 3 ngọn ở 3 tầng giống như 3 ngôi sao (Tam Thai). Đây là nơi tập trung nhiều hang động, chùa chiền nhất. Theo các nhà địa chất học, quần thể Ngũ Hành Sơn vốn là những hòn đảo nhỏ nằm giữa biển Đông và dần được nối vào đất liền sau khi đồng bằng Quảng Nam được hình thành do sự vận động nâng lên của dãy Trường Sơn và sự bồi đắp của con sông Thu Bồn cùng các nhánh sông của nó. Hiện nay, bờ biển đã rút ra xa cách quần thể núi khoảng 800 m, tạo nên khu danh thắng với quần thể núi non độc đáo và hấp dẫn. Ngũ Hành Sơn mang tính chất của núi đá vôi Việt Nam, do ở vùng nhiệt đới lắm nắng mưa nhiều nên đá vôi lâu ngày bị hòa tan tạo ra những cảnh đẹp hết sức kỳ bí và huyền ảo, nhất là trong các hang động. Hang động trong quần thể Ngũ Hành Sơn là những hang động mở, có nhiều lỗ hổng thông với bên ngoài nên động luôn mát mẻ và thoáng khí, không giống như những động kín ở các nơi khác như Phong Nha, Vịnh Hạ Long, Lạng Sơn…
Dưới đây là những địa điểm tham quan nổi tiếng mà bạn không nên bỏ qua khi khám phá địa điểm này:
3.1. Thuỷ Sơn
Ngọn Thủy Sơn là ngọn núi lớn nhất, cao nhất và đẹp nhất trong số những ngọn núi thuộc Ngũ Hành Sơn (Non Nước) – thắng cảnh nổi tiếng ở Đà Nẵng, với độ cao 106 mét và rộng 7 hecta. Nơi đây cũng có nhiều chùa chiền và hang động nhất trong 6 ngọn núi thuộc Ngũ Hành Sơn. Cũng như những ngọn núi khác trong dãy Ngũ Hành Sơn, Thủy Sơn sở hữu vẻ đẹp rất riêng về vị trí, hình dáng, chất liệu núi đá, về chùa chiền, hang động. Ngọn núi Thủy Sơn có 3 đỉnh là 3 tầng như 3 ngôi sao chòm Đại Hùng (hay gọi là Tam Thai). Thủy Sơn sở hữu nét đẹp mà trong đó là hội tụ vùng biển trời cùng non nước trữ tình và nhiều giá trị sâu sắc về tâm linh, văn hóa và lịch sử. Có 2 con đường để lên chùa và động ở ngọn Thủy Sơn: phía Đông là cổng gồm 108 bậc cấp dẫn tới chùa Linh Ứng, phía Tây là cổng gồm 156 bậc cấp dẫn tới chùa Tam Thai. Thông thường du khách sẽ đi theo cổng Tây để lên núi và xuống núi ở cổng Đông. Theo sử sách, Thủy Sơn chính là ngọn núi mà vua Minh Mạng tới thăm nhiều nhất. Đó là vào những năm 1825 (năm thứ 6 Minh Mạng), 1827 (năm thứ 7) và 1837 (năm thứ 18). Hai con đường lên núi chính là được vua Minh Mạng cho người xây dựng ngay từ lần đến đầu tiên.
Ba tầng đỉnh núi bao gồm:
Thượng Thai: đỉnh núi cao nhất, nằm ở hướng Tây Bắc Thủy Sơn, có các chùa Tam Thai, Tam Tôn, Từ Tâm, động Huyền Không, Hoa Nghiêm, Linh Nham, Vọng Giang Đài, khu Hành Cung…
Trung Thai: nằm ở hướng Nam Thủy Sơn, có cổng Vân Căn Nguyệt Quật, các động Vân Thông, Thiên Long, Thiên Phước Địa…
Hạ Thai: ngọn thấp nhất, nằm ở hướng Đông, bao gồm chùa Linh Ứng, động Tàng Chơn, Vọng Hải Đài, tháp Xá Lợi…
Trong vài năm gần đây, hệ thống thang máy đã được ban quản lý của khu di tích cho khai trương một gồm 2 cabin, cao 43 mét, tốc độ 1.75 m/s, sức tải 1.35 T. Lồng thang máy có hình bán nguyệt với vách ngăn bằng kính thủy tinh trong suốt giúp du khách có thể vừa lên núi đồng thời chiêm ngưỡng cảnh quan xung quanh. Ngay cạnh có thang bộ để thoát hiểm. Thang máy chứa được khoảng 20 khách trong mỗi lượt vận chuyển. Giá vé là 30.000VND/lượt/hai chiều. Tuy vậy, nhiều khách du lịch vẫn chọn lối đi bộ thư giãn, hòa mình vào thiên nhiên sơn thủy hữu tình như một cuộc dã ngoại thực sự. Ngoài ra, du khách có thể du lịch bãi biển Non Nước hay ghé thăm làng đá mỹ nghệ Non Nước ngay gần ngọn núi Thủy Sơn. Đây là nơi chế tác và điêu khắc nhiều công trình bằng đá nổi tiếng như tượng Phật Quán Thế m Bồ Tát ở chùa Linh Ứng Sơn Trà, tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni ở chùa Linh Ứng Bà Nà. Nằm cách khoảng 8 km về phía Đông Nam trung tâm TP Đà Nẵng, thuộc địa phận phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Thủy Sơn nằm trên cung đường du lịch Đà Nẵng - Hội An xinh đẹp và nhộn nhịp.
3.2. Chùa Linh Ứng
Đã đến lên đỉnh ngọn núi Thuỷ Sơn thì Cuồng không thể bỏ qua ngôi chùa Linh Ứng trên ngọn Thuỷ Sơn được. Ở vị trí trang trọng chính giữa chùa là tượng phật Thích Ca cao 10m với hai bên thờ Quan Thế âm Bồ Tát và Bồ Tát Địa Tang. Nơi đây không chỉ thu hút nhiều du khách yêu thích du lịch tâm linh mà còn là nơi bạn có thể đắm mình vào chốn bình yên nơi cửa Phật và tránh xa nơi thị thành ồn ào náo nhiệt. Chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn là ngôi chùa cổ tuổi đời gần 200 năm, từ lúc thành lập đến nơi chùa nổi tiếng Đà Nẵng này đã trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, yên tĩnh! Chùa Linh Ứng còn có cái tên khác là chùa Ngoài, nằm ở phía đông hòn Thủy Sơn thuộc quần thể khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, bên phải là Vọng Hải Đài, bên trái là hang Ngũ Cốc, cùng với Linh Ứng Bãi Bụt, Sơn Trà hợp thành ba ngôi chùa cùng tên Linh Ứng trứ danh khắp thành phố Đà Nẵng và cả nước. Nơi đây, còn là điểm đến du lịch hành hương có tiếng đối với du khách trong và ngoài nước. Chùa Linh Ứng cũng là một ngôi chùa cổ, có giá trị lịch sử cao. Vào đời Gia Long, chùa được xây và đặt tên Ứng Chân, năm Minh Mạng thứ 6 được xây thêm. Đến năm 1841, vua Thành Thái cho đổi tên là Linh Ứng tự. Chùa Linh Ứng kể từ Tổ khai sơn cho đến bây giờ đã truyền thừa qua mười đời trụ trì hoằng dương Phật pháp. Ngôi chùa này cũng đã trùng tu nhiều lần, tuy trùng tu nhiều lần nhưng ngôi chùa vẫn giữ được những nét cổ kính và hài hòa với quan cảnh thiên nhiên. Hệ thống tượng pháp chủ yếu bài trí ở chính điện chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn gồm: Ba pho tam thế Phật, Phổ Hiền Bồ tát, Văn Thù Bồ tát, Thích Ca Như Lai, Quán Thế âm, Địa Tạng, Quan âm Chuẩn Đề, 2 pho Hộ Pháp và Thập Bát La Hán. Những pho tượng đều được tạo tác một cách công phu, biểu thị sắc thái riêng nhưng bộc lộ rõ tính từ bi hỷ xả nhà Phật. Hiện, trong chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn vẫn còn lưu giữ 2 hiện vật quý hiếm: hai biển vàng – một biển đề “Ngự chế ưng chơn tự Minh Mạng lục niên” (phong Quốc tự năm Minh Mạng thứ 6) và một biển đề “Cải Tử” nghĩa là đổi lại thành Linh Ứng tự dưới triều Thành Thái thứ 3. Sau ngôi chùa nổi tiếng miền Trung này có động Tàng Chơn, rộng 7m, dài 10m. Từ chùa Tam Thai theo hướng phía đông Thủy Sơn lên thẳng chùa, cuối đường là một tam quan lớn được trang trí khá đẹp. Qua tam quan là vào tới chính điện kiến trúc theo kiểu chữ nhất nằm ở chính giữa, bên phải là nhà tổ, nhà giảng đường, nhà khách, nhà thiền; bên trái là Quan Âm Các dựng trên hồ nước và tháp Bảo Đại đại sư. Trong khuôn viên chùa bài trí hòn non bộ, hoa, cây cảnh sinh động. Chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia. Nếu có dịp đến Đà Nẵng thì bạn đừng bỏ qua địa danh này, nơi có núi non thăm thẳm, trời xanh bao la và địa điểm tâm linh nổi tiếng, bạn còn yêu cầu nào nhiều hơn thế?!
3.3. Chùa Tam Thai
Chùa Tam Thai toạ lạc ở phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Đây là một trong những ngôi chùa cổ lâu đời nằm trên Thuỷ Sơn, một trong năm ngọn Ngũ Hành Sơn huyền thoại. Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 13km, du khách có thể di chuyển bằng ô tô hoặc xe máy. Từ Cầu Rồng bạn di chuyển về hướng bờ Đông sông Hàn rồi rẽ trái vào đường Ngô Quyền. Sau đó tiếp tục chạy thẳng đến cầu Trần Thị Lý thì đến Ngũ Hành Sơn. Đến đây bạn sẽ thấy phía Tây ngọn Thuỷ Sơn, có 156 bậc cấp lát đá là dẫn đến chùa Tam Thai. Vậy nên hãy chuẩn bị cho mình một đôi giày và nước để tham quan được nhiều nơi ở Chùa Tam Thai.
Chùa Tam Thai được khởi công xây dựng từ năm 1630 và đã từng là nơi thiền sư Hưng Liên từ Trung Quốc sang Đại Việt để trụ trì tại ngôi chùa này. Chùa được tái xây dựng với kiến trúc 3 tầng uy nghiêm, tráng lệ, tầng thứ nhất là Thượng Thai nằm về phía Bắc, tầng thứ hai nằm về phía Nam gọi là Trung Thai và tầng thứ ba là Hạ Thai nằm về phía Đông. Kiến trúc chùa Tam Thai được thiết kế theo chữ Vương trong Hán Tự với nhiều đường nét mang tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao. Bên ngoài là cổng tam quan được làm theo kiểu lầu chuông lợp mái trông rất cổ kính. Phía trước sân chùa là tượng Phật Di Lạc làm bằng sa thạch. Bên trong chùa Tam Thai là thờ Phật A Di Đà Như Lai, Quán Thế m Bồ Tát và Đức Đại Thế Chí. Nơi đây được lợp bằng ngói lưu ly và trang trí tượng hai con rồng. Đây được xem là một kiến trúc đặc trưng của kiến trúc thời nhà Nguyễn. Đến với địa điểm du lịch Đà Nẵng, tham quan chùa Tam Thai, du khách cảm thấy như hòa mình vào chốn bồng lai tiên cảnh. Phong cảnh hữu tình với không khí lành lạnh làm du khách như quên hết bao bộn bề, lo toan và những nỗi nhọc nhằn của cuộc sống hiện tại. Ngày nay, chùa vẫn còn lưu giữ tấm kim bài bút tích của vua Minh Mạng ca ngợi phật pháp vô lượng từ bi cứu độ chúng sinh. Ngoài ra. bạn có thể thăm quan tháp Phổ Đông, chùa Từ Lâm, vọng Giang Đài. Từ Vọng Giang Đài, du khách sẽ nhìn rõ cả một vùng xóm làng rộng lớn, đồng ruộng bát ngát, bao la – Nơi du khách có thể phóng tầm mắt về phía trời biển mênh mông. Hay ghé thăm những làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ với tuổi đời trên 400 năm. Chùa Tam Thai như một điểm đến thiêng liêng. Nơi đây thật sự là chốn thiên thai của trần gian mà bất kỳ ai cũng đều muốn tìm về để có những phút thư thái bình yên đáng quý cho tâm hồn.
3.4. Động Huyền Không
Nằm trong ngọn núi cao nhất khu thắng cảnh Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), động Huyền Không là nơi con người tìm về với cội nguồn tâm linh kỳ ảo giữa vùng núi đá linh thiêng. Động Huyền Không như một chiếc điều hòa của thiên nhiên trong những ngày nắng hè oi ả. Sách cổ từ năm 1806 có viết: Bờ Đông bến đò xã Hoàn Ký Đông có dãy núi với năm ngọn núi chia làm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ được đặt tên núi Non Nước. Đây là địa điểm du lịch Đà Nẵng tâm linh hấp dẫn, nằm ở phía Đông Nam cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 8 km. Động nằm trên đỉnh Thượng Thai, một trong ba đỉnh của Thủy Sơn và cũng là đỉnh núi cao nhất trong cả dãy Ngũ Hành Sơn. Động Huyền Không lộ thiên, có vòm tròn, nền phẳng, có năm lỗ ở trên vòm để thông với bên ngoài, giúp ánh sáng mặt trời tràn vào khiến cả động trở nên lung linh huyền ảo. Đường vào động có cổng vòm với 3 chữ Huyền Không Quan, cổng hơi hẹp, bậc khá sâu, có tượng ông Thiện và ông Ác giữa cửa động, là lời nhắc nhở con người từ bỏ tà niệm khi đến nơi cửa Phật linh thiêng. Du khách cần bước xuống sâu 5m phía sau động Hoa Nghiêm, với hơn 20 bậc cấp, để vào được động Huyền Không. Động được ví như một cái chuông úp khổng lồ, chu vi tầm 25m, có giá trị cả về tâm linh lẫn khoa học địa chất và khảo cổ. Đến với động vào một ngày đẹp trời, ánh nắng rọi xuống qua vòm động, du khách sẽ thấy được rõ nhất vẻ đẹp sắc đá cẩm thạch trong động. Cuối thế kỷ 19, dựa theo chất liệu đá, người Pháp đã đặt tên danh thắng là “Những ngọn núi đá cẩm thạch” (Les montagnes de marbre). Điều đặc biệt giữa động Huyền Không so với những hang động như động Thiên Cung, hang Sửng Sốt (Hạ Long), động Phong Nha, Tiên Sơn, Thiên Đường (Phong Nha – Kẻ Bàng) là động có đủ thoáng mát cũng như ánh sáng mặt trời, không ẩm thấp và phải lắp đèn điện nhưng vẫn thấy được sự lung linh kỳ ảo của thạch nhũ. Động Huyền Không như một chiếc điều hòa của thiên nhiên trong những ngày nắng hè oi ả. Cao nhất trong động là tượng Phật Thích Ca do nghệ nhân Nguyễn Chất tạc năm 1960, là nghệ nhân có tiếng làng đá mỹ nghệ Non Nước. Ở dưới tượng Phật Thích Ca có bàn thờ Phật Địa Tạng Vương Bồ Tát. Phía trái động là đền thờ bà Ngọc Phi (bà Chúa Tiên), du khách có thể đến cầu tài lộc; và đền thờ bà Lồi Phi (Chúa Thượng Ngàn), phù hộ bình an, mạnh khỏe. Đi sâu vào phía tay phải có Trang Nghiêm Tự xây dựng từ năm 1825, mang nét cổ kính, linh thiêng. Trang Nghiêm Tự có ba gian: chính giữa thờ Phật Quan Âm; gian bên tay trái thờ ba vị Thánh là Quan Công, Quan Bình và Châu Xương, biểu tượng cho đức hạnh, trí dũng, cùng lòng trung thành; đặc biệt có gian bên tay phải thờ Ông Tơ, Bà Nguyệt, những cặp uyên ương thường đến cầu Nguyệt Lão se sợi tơ hồng hạnh phúc trăm năm. Nhiều vách đá quanh vách động có hình thù độc đáo, chẳng hạn như khuôn mặt nhìn nghiêng của một ông già, là hình đà điểu hay con hạc, hình con voi hai đầu, con cò có cái mỏ dài và nhọn…Cũng có những thạch nhũ kỳ lạ, điển hình như thạch nhũ tên Vú Mẹ, ngày trước có nước ẩm ướt, nhưng do có nhiều người chạm qua, nên bây giờ nước không còn ẩm ướt nữa. Động Huyền Không có ý nghĩa lịch sử bên cạnh những ý nghĩa về mặt tâm linh. Đây là căn cứ mật của quân du kích địa phương trong kháng chiến chống Pháp. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã chọn động Huyền Không là điểm huấn luyện quân biệt kích và đồn trú cho vài đơn vị Mỹ – Ngụy. Quân giải phóng đánh đuổi chúng khỏi nơi này vào năm 1968, Huyền Không thành trạm sơ cứu và nơi ẩn nấp của thương binh. Trên bàn thờ trong động Huyền Không là Thiên Y A Na – Chúa Ngọc. Trước đây có nhiều người tới đây để cầu Thiên ân cho những phụ nữ chưa có thai, rồi họ vào trong động và uống nước trên thạch nhũ. Ngày nay đã không còn những tục lệ như vậy nữa. Động Huyền Không đang ngày càng thu hút du khách hơn trên những cung đường du lịch Đà Nẵng. Hãy đến thăm động Huyền Không và chia sẻ cảm nhận của bạn với Cuồng nhé!
3.5. Động âm Phủ
Động âm Phủ là động dài nhất, huyền bí nhất Đà Nẵng, động âm Phủ nằm trong lòng Thủy Sơn, vòm động cao, có chỗ cao từ 45m đến 50m. Đây là động tự nhiên nhưng các hình đá thế hang lại ngẫu nhiên ứng hợp với luật nhân quả của nhà Phật, mô phỏng những cảnh giới mà con người sẽ được thọ hưởng hoặc bị quả báo sau khi chết. Ngay cửa động có tường sa thạch, bên hữu là ông Thiện, bên tả là ông Ác. Thầy Thích Huệ Hưng - người chủ trì việc trùng tu, tôn tạo động Âm Phủ trong ba năm (2003 – 2006), cho rằng con người hành xử ở đời chung quy đều nằm trong hai nghiệp Thiện hoặc Ác. Nếu hành thiện sẽ được lên Thiên Thai Giới, tên một hẻm núi nằm bên trái đường vào hang. Nếu biết tu tâm dưỡng tánh, làm lành lánh dữ sẽ được về chầu Địa Tạng Vương Bồ tát tại Địa Tạng Bảo Tòa – nơi trang nghiêm, rộng thoáng nhất động. Nếu gieo ác nghiệp, tùy nặng nhẹ mà bị đày ải xuống 10 cảnh giới địa ngục, trong đó địa ngục A Tỳ là nơi thẳm sâu trong lòng động Âm Phủ. Nhiều hình tượng trực quan có tính cách răn dạy con người gần thiện xa ác. Phán Quan Điện với chiếc cân Thiên lý cân nhắc công/ tội mỗi người, phía sau thân cân có khắc dòng chữ “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu” (Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt). Giám Kính đài ở Minh Vương điện như con mắt soi xét chuyện lành dữ mỗi người mà thưởng hay phạt. Sám Hối đài với hình tượng hai bàn tay nâng đỡ trái tim lửa có chữ Tâm. Cuối hang là ngục A Tỳ, nơi có hình tượng Mục Kiền Liên, một vị chân tu đắc đạo, vì thương mẹ là Thanh Đề bị đày xuống vì gây nhiều ác nghiệp mà cất công đi cứu mẹ… Động Âm Phủ kết hợp hài hòa giữa triết lý dân gian và Phật giáo. Những truyền thuyết huyền bí bật lên từ những hình tượng thiên nhiên và con người tạo ra cốt không phải tạo cảm giác mạnh đối với người xem mà chủ yếu là chuyển đổi tâm tính con người, cải tà quy chánh, làm lành lánh dữ nhằm kiến tạo một giềng mối nhân luân tốt đẹp. Trong thuyết âm dương, cuộc sống con người và vạn vật luôn có sự đối lập. Bởi vậy, trong động Âm Phủ còn có cả đường lên trời giống như sự phân minh giữa Ác và Thiện. Khác với đường xuống địa ngục, lối lên Thiên Đường là những bậc thang được phủ sáng tự nhiên. Khu vực "đỉnh trời" hướng nhìn ra biển. Bên dưới là làng mỹ nghệ Non Nước và khung cảnh rất nên thơ. Tham quan động Âm Phủ của núi Ngũ Hành, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng kiến tạo thiên nhiên kỳ vỹ, còn được tìm hiểu nhiều câu chuyện truyền thuyết dân gian thú vị, thấm thía những triết lý sâu xa nơi cửa Phật.
3.6. Hòn Kim Sơn
Hòn Kim Sơn là hòn núi khiêm tốn nhất trong 6 ngọn núi kéo dài từ đông sang tây, sông Trường nối dài ra sông Đà Nẵng, có đò Bến ngự ngày xưa Vua chúa thường cập bến nơi đây để ngọan cảnh, qua thời gian biển dâu biến thành ruộng đồng, sông Trường có tên Lộ Cảnh Giang là sông Cổ Cò, đã bị vùi lấp biến thành ruộng hoặc hồ nước còn dấu tích của những đoạn sông chưa bị lấp kín.
Ở đây gồm có 02 chùa và 02 động: Chùa Quán Thế âm và động Quan âm, Chùa Thái Sơn và động Tam Thanh, Chùa Quán Thế âm hiện nay đang được mở rộng và có ngôi chùa bằng đá rất lớn, trong đó có Bảo Tàng Văn Hoá Phật Giáo – Bảo tàng Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam nằm trong khuôn viên 700m2 của Chùa Quán Thế âm; Hiện nay Bảo tàng đang trưng bày khoảng hơn 200 hiện vật kết tinh những giá trị văn hoá độc đáo gồm: Tượng Bồ tát Quan âm tống tử, Bồ tát Quan âm cưỡi long ngư, nhiều bộ linh tượng cổ như Thích Ca, Dược Sư, Di Lặc, Phật Bồ Tát Mật Tông, Quán âm, Chămpa, Di Đà, các chuông đồng, Bộ trượng tám thế,…
Bên cạnh đó, hiện Chùa cũng đang lưu giữ nhiều hiện vật là những tượng Phật, mộc bản kinh Phật, Lư đồng thời xa xưa, đồ thờ cúng, … có niên đại từ thế kỷ VII, đến cuối thế kỷ XIX, XX…
3.7. Hòn Hoả Sơn
Hỏa Sơn ở phía Tây Nam, nằm đối diện với hòn Kim Sơn, bên trái đường Sư Vạn Hạnh. Ngày xưa con sông Cổ Cò chạy dọc theo phía Nam hòn Hỏa Sơn, nay dấu vết chỉ còn lại một dải nước hẹp nối liền hai đoạn sông Ba Chà và Bãi Dài còn lại ở đầu và cuối phường Hoà Hải. Đây là một hòn kép, gồm có một hòn âm và một hòn Dương, được nối liền với nhau bằng một đường đá thiên tạo nhô cao hẳn lên. Ở khoảng giữa con đường này có chùa Ứng Thiên.
Âm Hỏa Sơn nằm phía đông, gần đường Lê Văn Hiến, chóp núi tròn nhô lên cao hơn. Sườn núi có nhiều thớ đá nằm nghiêng và chạy nghiêng cắt ra từng đoạn, cây cối mọc ở các kẽ đá, ở mỏm núi phía đông có một cái hang thông từ sườn phía nam ra sườn phía bắc. Nơi âm Hỏa Sơn không có động. Dưới chân núi có một tảng đá khắc 6 chữ: Phổ Đà Sơn Quan âm điện. Vì thế âm Hỏa Sơn cũng có tên nữa là "Phổ Đà Sơn", bởi nơi đó khi xưa có điện thờ Bồ Tát Quan Thế âm.
Dương Hỏa Sơn (tên dân dã là "núi Ông Chài") nằm ở phía tây. Ngày xưa, khi còn giao lưu được giữa Hội An và Đà Nẵng bằng đường thủy, ở đây có một bến sông, ghe thuyền đi về buôn bán vô cùng tấp nập. Trên bờ sông, sát chân hòn Dương Hỏa Sơn có khu miếu Ông Chài, hiện đã bị đổ nát. Tên dân dã "núi Ông Chài" có thể bắt nguồn từ đó. Trên Dương Hỏa Sơn có hai ngôi chùa cổ là chùa Linh Sơn và động Huyền Vi, chùa và hang Phổ Đà Sơn. Ngọn núi hướng về phía Tây Nam sườn núi hiểm dốc và hang động rất tĩnh lặng. Nơi đây còn có di tích đền tháp của người Chăm
3.8. Hòn Thổ Sơn
Hòn Thổ Sơn là núi thấp nằm chính giữa có dạng vuông, cạnh không đều nhau, Thổ sơn không có phong cảnh đẹp chỉ có đất sét đỏ và đá cát lẫn lộn. Theo truyền thuyết Thổ sơn là nơi linh địa ngày xưa người Chiêm Thành đồn trú nơi đây, còn tìm thấy những nét về văn minh người Chiêm Thành điêu khắc vào đá như một cứ điạ từ đó xuất phát đi cướp phá các vùng biển có tàu buôn đi từ Trung hoa xuống đến vùng biển Mã lai. Thổ sơn thấp bao quanh những ngọn núi cao hơn. Ở hòn Thổ Sơn gồm có 04 chùa, 01 địa đạo:
* Chùa:
Chùa Long Hoa
Chùa Huệ Quang
Chùa Hương Sơn
Giác Hoàng Viên
* Địa đạo:
Địa đạo núi đá chồng
3.9. Tháp Xá Lợi
Tháp Xá Lợi tọa lạc phía Đông sườn núi Thủy Sơn, được khởi công xây dựng từ năm 1997, hoàn thành năm 2004. Tháp được lấy tên gọi Xá Lợi (Tháp Xá Lợi) vì mục đích xây tháp để thờ phần kết tinh kỳ diệu sự thành đạt tâm linh, của sự phát triển tột cùng của hạng từ bi và trí tuệ. Theo ghi chép trong lịch sử Phật giáo, khi đức phật Thích ca mâu ni viên tịch, hàng đệ tử làm lễ trà tỳ, sau khi lửa tàn, họ phát hiện trong tro có rất nhiều tinh thể trong suốt, hình dạng kích thước khác nhau, cứng và lóng lánh, tỏa ra những tia sáng muôn màu, giống như những viên ngọc quý, đệ tử đếm được 84.000 viên, đựng đầy trong 8 hộc và 4 đấu. Những vật thể đó được đặt tên là Xá Lợi, là bảo vật của Phật giáo. Đạo Phật quan niệm rằng những bậc chân tu đắc đạo sau khi nhập lễ trà tỳ cũng để lại Xá Lợi. Tháp Xá Lợi, với 7 tầng, cao khoảng 28m hình lục giác. Kết hợp đa dạng các kiến trúc nhưng rất hài hòa, như các vòng xoáy trên đỉnh tháp kiểu Thái Lan, mái cong kiểu Việt Nam, các trụ kiểu cổ Hy Lạp…Kiến trúc tháp với 7 tầng, 6 cạnh mang một số ý nghĩa nhất định trong đạo Phật như: thất tình, lục đạo, lục căn, lục tặc… Nhiều người cho rằng con số 7 là con số may mắn nên tháp được xây dựng 7 tầng như vậy, điều này chắc hẳn cũng đúng khi mà ta hiểu rõ được ý nghĩa của con số này. Theo đức phật Thích ca mâu ni thuyết pháp thì mọi sự vui buồn, hạnh phúc khổ đau trên thế gian này đều do sự cảm nhận và tương tác của chúng ta với ngoại cảnh mà ra. Hiện nay trong tháp Xá Lợi ở tầng 1 có thờ phật thích ca, anan và ca diếp 2 vị đệ tử đầu tiên của đức phật. Ngoài ra trong tháp còn thờ tất cả 18 vị La Hán và đầy đủ các vị bồ tát trong kinh chú đại bi. Tầng thứ 7 có thờ viên ngọc xá lợi của đức phật. Tháp Xá Lợi không những đẹp về kiến trúc hài hòa, mang những ý nghĩa quan trọng của đạo phật, mà còn nằm ở vị trí thuận lợi tô điểm thêm phần nào cho sườn núi phía Đông của ngọn núi Thuỷ Sơn. Sân tháp Xá Lợi hiện nay được nối cầu dẫn thang máy. Ở địa điểm này du khách thỏa lòng ngắm được cảnh đẹp của biển Đông, đảo Cù Lao Chàm, bán đảo Sơn Trà và gần như toàn cảnh của Ngũ Hành Sơn, chắc chắn phần nào xua tan những mệt nhọc của lo toan cuộc sống thường nhật.
3.10. Vọng Hải Đài
Vọng Hải Đài toạ lạc tại đỉnh núi Ngũ Hành Sơn, Đà nẵng là nơi xưa kia vua Minh Mạng đến chùa Non Nước hành hương đã sử dụng nơi đây để nghỉ ngơi và ngắm nhìn khung cảnh tươi đẹp hữu tình. Với cảnh đẹp này, nhà vua đã ngự phong là Vọng Giang Đài và cho xây dựng bia ghi danh. Đứng tại nơi đây, du khách có thể quan sát bao quát cả một vùng trời biển bao la, bát ngát và nhìn thấy được Cù Lao Chàm về phía Đông Nam. Trên đỉnh Vọng hải Đài, nhìn xa xa là con sông cổ Cò ngày xưa uốn quanh chảy về phía Bắc và hoà vào dòng sông Hàn xinh đẹp chảy về vịnh Đà Nẵng và ra biển ở Cảng Tiên Sa. Trên đường đi con sông đã giúp cho người dân xung quanh một nguồn nước dồi dào để phục vụ đời sống, trồng cây, nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản…Ngày nay khi lên núi Ngũ Hành Sơn, dừng chân tại Vọng Hải Đài, ngắm nhìn trời biển bao la, nhiều danh lam thắng cảnh đã được ghi vào tạp chí du lịch danh tiếng như bãi biển Mỹ Khê, biển Mỹ An,… hoà quyện vào không gian non nước cùng công viên lịch sử Ngũ Hành Sơn. Khi du lịch Ngũ Hành Sơn, trên Đài Vọng Hải, bạn sẽ cảm nhận được địa linh, khu vực tôn thờ các vị thần tiên, phật cứu nhân độ thế, với khung cảnh thanh tịnh, du khách sẽ có thể tránh xa được cuộc sống đầy bon chen và bộn bề lo âu, bạn hãy thử đi một lần sẽ thấy rõ hơn.
3.12. Vọng Giang Đài
Vọng Giang Đài hay gọi là đài ngắm sông nằm phía sườn Tây Nam của ngọn Thủy Sơn, là một điểm cao nhìn về sông Cẩm lệ, Cổ Cò và có thể quan sát toàn cảnh các núi trong quần thể Ngũ Hành Sơn, đường dẫn lên Vọng Giang Đài nằm đối diện khu nhà thờ Tổ của chùa Tam Thai, lối lên hẹp với những bậc đá tự nhiên hơi quanh co. Đài ngắm sông có chu vi rộng khoảng 07m, chính giữa là một tấm bia cổ bằng đá Trà Kiệu cao khoảng 02m, rộng 01m và được dựng lên một đế đá lớn, trên bia có khắc 03 chữ Hán đọc là Vọng Giang Đài và hàng chữ nhỏ nằm bên cạnh ghi ngày tháng dựng bia “Minh Mạng thập bát niên thất nguyệt cát nhật” (tức Minh Mạng ngày 18 tháng 7 ngày rằm năm 1837).
Đứng tại Vọng Giang Đài du khách sẽ được thỏa sức ngắm nhìn bao quát cảnh vật bên dưới, Làng đá mỹ nghệ nằm quanh chân các ngọn núi, xa xa là dòng Cổ Cò uốn khúc quanh co cùng đồng ruộng, bãi bồi tự nhiên đậm nét vùng quê, xa hơn nữa là dãy Trường Sơn điệp trùng hùng vĩ… tạo nên một bức tranh thiên nhiên xinh đẹp. Hiện nay, đài ngắm sông này đã được xây dựng nhà tứ giác vừa để che mưa nắng cho du khách đứng ngắm cảnh vừa để bảo vệ tấm bia.
4. Chơi gì ở ngũ hành sơn?
Đến đây các bạn có thể Leo núi đá ở Ngũ Hành Sơn, Ngũ Hành Sơn sẽ mở ra hành trình khám phá đầy thú vị cho những ai đam mê thử thách. Dịch vụ leo núi đá và đu dây tụt vách núi để thám hiểm hang động Ngũ Hành Sơn với một hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Dù bạn có kinh nghiệm hay không nhưng chỉ cần có máu mạo hiểm rừng rực trong người, bạn chắc chắn sẽ vượt qua tất cả mọi thử thách với sự hướng dẫn chuyên nghiệp của huấn luyện viên, từ những điều cơ bản như sử dụng dây, các thiết bị bảo hộ an toàn cũng như kỹ thuật leo núi. Rất nhiều khách nước ngoài vô cùng hứng thú và phấn khích khi tham gia, vừa được ngắm nhìn khung cảnh tuyệt vời từ những ngọn núi bằng đá cẩm thạch và khám phá những hang động kì bí, vừa được thử thách bản thân và rèn luyện sức khoẻ.
5. Giá vé tham quan các địa điểm ở Ngũ Hành Sơn
Cuồng sẽ giới thiệu một số giá vé tham quan cho các bạn tham khảo nhé:
5.1. Điểm tham quan Ngọn Thủy Sơn
Người lớn: 40.000đ/người
Học sinh, sinh viên: 10.000đ/người
Trẻ em dưới 6 tuổi: Miễn phí
5.2. Điểm tham quan Động âm Phủ
Người lớn: 20.000đ/người
Học sinh, sinh viên: 7.000đ/người
Trẻ em dưới 6 tuổi: Miễn phí
6. Đến Ngũ Hành Sơn ăn gì?
6.1.Mì Quảng
Mì Quảng là món ăn khá quen thuộc với người Đà Nẵng, đến Ngũ Hành Sơn gọi một tô mì Quảng mang mùi vị dân dã, như tô mì quê tạo cảm giác thân thuộc, gần gũi, cọng mì trắng ngà, mềm mại hoà quyện cùng vị thanh ngọt và béo của nước hầm xương thì còn gì bằng
Cuồng xin giới thiệu một số quán mì Quảng ngon ở Ngũ Hành Sơn nhé:
Mì Quảng Dung (43 Ngũ Hành Sơn), Mì Quảng Phương (06 Phan Tứ), Mì Quảng bà Vị (60 Ngũ Hành Sơn) hoặc quán Bà Mua (40 Ngũ Hành Sơn… giá 20k/bát.
6.2. Hải sản
Đến với biển mà không ăn hải sản quả là thiếu sót đúng không nào, hải sản tươi ngon đa dạng (tôm, cua, ghẹ, bạch tuộc, ốc…) mà giá cả ở Ngũ Hành Sơn còn rất chiều lòng túi tiền của các bạn đó. Một số nhà hàng hải sản theo Cuồng đánh giá khá ngon view rộng rãi thoáng mát các bạn có thể tham khảo: Hải Sản A Tý (tại số 2 Trường Sa), Hải Sản Bình Dân 2 Tâm (Lô 12-13 Trường Sa), Hải Sản Cu Nhật (23 Ngũ Hành Sơn)….
6.3.Bánh xèo
Bánh xèo với nhân tôm, thịt, giá.. được gói trong lớp vỏ giòn rụm ăn kèm với rau sống, nước chấm, quả là một món ăn chơi bình dị đậm đà, đến với Ngũ Hành Sơn các bạn có thể tham khảo một số quán bánh xèo ngon như: bánh xèo cô Hương (141 Ngũ Hành Sơn), Bánh Xèo Xuân (04 Phan Tứ), Quán Cô Mười (23 Châu Thị Vĩnh Tế).
Ngoài ra bạn có thể tham khảo một số quán ngon khác như: Bún riêu cua Bà Hai (K25/14 Ngũ Hành Sơn), bún mắm Cô Sáu (93 Hồ Xuân Hương), bê thui Quán Lý (328 Ngũ Hành Sơn), bò né 3 Ngon (262 Lê Văn Hiền),…
Video Ngũ Hành Sơn
7. Một số lưu ý đặc biệt khi tham quan Ngũ Hành Sơn
+ Núi Ngũ Hành Sơn không quá lớn và cao nhưng cũng là địa hình núi, nên việc di chuyển phải thật bình tĩnh. Đường thì đường có gắn đá nhưng nhiều đoạn có nhiều rêu, khá trơn, đặc biệt là những hôm mưa. Phải thật chú ý điều này!!!
+ Khi đi lên các đỉnh, đặc biệt là Thượng Thai, đường đi khá nhỏ, dốc, tay vịn có nhưng không lớn, bạn càng phải chú ý về việc di chuyển.
+ Nếu người già, bạn nên cho di chuyển bằng thang máy, bởi đường đi lên ở cổng số 2 dù không xa lắm nhưng mình thấy chỗ đó cực trơn luôn.
+ Để có thể hiểu và cảm nhận hết được nét đẹp của Ngũ Hành Sơn bạn nên thuê hẳn 1 thuyết minh viên để họ giới thiệu về nơi này. Hoặc như cách mình vẫn thường chia sẻ, bạn nên bám theo đoàn tour du lịch và “nghe ké” . Ngũ Hành Sơn mà được hiểu về lịch sử sẽ cực kì đẹp luôn.hi
+ Ở cổng số 2 bày bán khá nhiều đồ lưu niệm, các loại đá được điêu khắc. Nếu bạn muốn mua về làm quà thì có thể mua ở đây. Và nhớ mặc cả, cứ yên tâm, người dân trong này không khó chịu như người ngoài Bắc đâu.hi.
Trên đây là cẩm nang du lịch Ngũ Hành Sơn mà bạn không thể bỏ qua khi đến Đà Nẵng. Mong rằng với những chia sẻ của Cuồng bạn sẽ có một chuyến đi thăm quan núi Ngũ Hành đầy lí thú.