Hướng dẫn tham quan chợ tình Sapa cho người lần đầu đi du lịch sapa
23/11/2024 19170
Sa Pa không chỉ đẹp trong mắt khách thập phương bởi vẻ đẹp độc đáo của những thửa ruộng bậc thang, cái trầm tư của núi rừng vùng Tây Bắc, cái chót vót của đỉnh Fanxipan. Mà Sa Pa còn đẹp trong từng nếp sống mái nhà, trong cái giản dị từ cách ăn, cách mặc, cách đi cách đứng của người bản địavà cả trong truyền thống của họ nữa. Điển hình trong truyền thống của họ chính là Chợ tình Sapa đó nha. Chính vì lẽ đó nên hôm nay Cuồng sẽ làm một bài hướng dẫn tham quan chợ tình Sapa cho các bạn lần đầu đi du lịch Sapa nha.
Điểm này ở đâu?
Nhiều bạn cứ hỏi Cuồng rằng chợ tình Sapa nằm ở đâu nên mình sẽ chỉ cho các bạn biết địa điểm du lịch Sapa nổi tiếng này nằm ở đâu nha. Chợ tình giờ đây không còn là một mảnh đất trống trước cổng mỗi phiên chợ đầu năm mà diễn ra tại một địa điểm cố định rùi và đó chính là quảng trường ở trước mặt Nhà Thờ Đá đó nha. Đây cũng là địa điểm rất gần trung tâm và cũng là nơi diễn ra các hoạt động văn nghệ sôi nổi của thị trấn Sapa vào mỗi dịp lễ hội. Chợ tình Sapa nay được diễn ra đều đặn vào mỗi thứ 7 hàng tuần tại khu vực quảng trường trước Nhà Thờ Đá. Cứ mỗi tối thứ 7 là người dân tụ tập ở khu vực quảng trường cũng đông hơn so với mọi hôm. Cứ tầm 6 đến 7 giờ tối thứ 7, du khách đang có dịp du lịch ở Sapa có thể ghé qua khu nhà thờ, quảng trường để có thể tận mắt tham gia những hoạt động của chợ tình Sapa nổi tiếng.
Đôi nét về chợ tình Sapa
Chợ tình Sa Pa là một nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Mông, Dao ở vùng cao Lào Cai nói riêng và vùng Tây Bắc nước ta nói chung từ xa xưa. Phần lớn các dân tộc như Mông, Dao, Tày, Giáy...cu trú tại Sa Pa đều sống theo thung lũng Mường Hoa, nơi mà con sông Mường Hoa bắt nguồn từ những con suối nhỏ từ đỉnh núi Phan Xi Păng. Nước từ con sông giúp cho cộng đồng người thiểu số tại đây canh tác nông nghiệp cũng như sinh hoạt hàng ngày đó nha. Nhờ trò chuyện với những “già làng” mà Cuồng được biết xưa kia, phiên chợ tình Sapa mỗi năm chỉ có 1 lần thôi đó nha. Cả năm quần quật trên nương; mở mắt là vấp phải núi, bước chân là vướng cây rừng, chỉ được một ngày trọn vẹn lo cho chuyện tình cảm. Trai gái tìm nhau giữa chợ, vợ gặp người yêu cũ, chồng tìm bạn gái xưa. Chỉ một ngày thôi rồi ai về nhà nấy, vợ chồng thấy nhau thì về lo đám cưới, ai chưa tìm thấy nhau lại nuối tiếc chờ cơ hội tuần sau. Sáng ra, người dân lại quần quật vì miếng cơm manh áo. Thương nhau, nhớ nhau phải chờ đến tận năm sau.
Thế nhưng khác với chợ tình Khau Vai ở Hà Giang hay chợ tình Mộc Châu ở Sơn La được tổ chức mỗi năm một lần thì chợ tình Sapa bây giờ diễn ra thường xuyên vào tối thứ Bảy hàng tuần với nhiều hoạt động đặc sắc đó nha. Cái tên Chợ Tình có thể là do khách du lịch gán cho vào những năm đầu của thế kỷ 19. Hai chữ "Chợ tình" đã đi vào cách hiểu của người dưới xuôi như một phạm trù xã hội về tình yêu, hôn nhân. Giải thích thì có thể, nhưng chưa có cách nào định nghĩa thấu đáo về hai từ lắp ghép này. Bởi lẽ, gọi là chợ thì ở đó phải có mua có bán. Nhưng cái tình ở đây không ai bán, cũng chẳng ai mua. Vậy, đâu gọi là chợ phải không nào!!! Trớ trêu thay, những người yêu nhau lại lấy chợ làm nơi hò hẹn. Bởi vậy, nôm na có thể hiểu, Chợ tình là nơi hò hẹn, trao gửi tình cảm, có những cử chỉ yêu đương diễn ra ở chợ theo phong tục, tập quán tuỳ từng địa phương. Cũng đương nhiên và dễ hiểu vì chợ là đầu mối, là điểm nút của hầu hết những sinh hoạt văn hoá của đồng bào vùng cao rồi phải không nào.
Vào phiên chợ tình Sa Pa, nam nữ thanh niên trong các làng xã vùng Tây Bắc sẽ đến đây gặp gỡ, giao lưu tình cảm với nhiều hoạt động vô cùng nhộn nhịp như kéo co, thổi khèn lá, hát giao duyên. Sau phiên chợ đêm này, có rất nhiều đôi trai gái đã trở nên thân thiết hơn. Thậm chí còn có không ít đôi trong số đó đã trở thành bạn đời trăm năm của nhau đó nha.
Quảng trường nhà thờ thị trấn nhỏ bé này nằm lọt trong một vùng khí hậu mát mẻ quanh năm và cũng có những năm mùa đông tuyết rơi, thật lãng mạn cho những người đang yêu phải không nào. Từ chập tối thứ Bảy, dưới phố và ở sân nhà thờ đã thấy nhiều phụ nữ đầu quấn khăn đỏ và mặc trang phục thêu hoa văn lộng lẫy cùng với vòng bạc, khuy bạc, những đồng tiền nhỏ đính trên vai áo rùi đó. Không dừng lại ở đó mà địa điểm du lịch Sapa này còn trở nên hấp dẫn hơn nữa với những tiếng reo theo mỗi bước chân, những chùm lục lạc đồng xinh xắn đính trên những chiếc khăn choàng đầu đó nha. Trước cổng Nhà Thờ Đá thường sẽ có một nhóm gần mười chàng trai trong trang phục dân tộc đang vuốt lại bộ trang phục, chỉnh sửa lại khèn mà mình mang theo để có thể thể hiện bản thân tốt nhất trước những cô gái mà họ “chấm” được đó nha.
Rồi trời cũng tối và Sapa đã chìm trong lớp sương mù dày đặc và giá lạnh, những ngả đường đổ về khu vực nhà thờ trở nên đông vui và tấp nập hơn bao giờ hết. Và cũng đến lúc vũ khúc núi rừng bắt đầu cất tiếng với những âm thanh phát ra từ chiếc khèn ngọt lịm, những chàng trai, cô gái bước vào giờ khai hội bằng những điệu nhảy không lệch một dấu chân. Tiếng khèn như những âm thanh gọi mời, lúc trầm lúc bổng, làm vang lên cả một góc chợ trước mặt nhà thờ. Đến với địa điểm du lịch Sapa này vào đúng thời điểm là tối thứ 7 thì rất nhiều du khách trong nước cũng như nước ngoài sẽ bị thu hút bởi tiếng khèn của các chàng trai để mà lũ lượt kéo về khu vực trung tâm. Ai cũng cố len người vào để được tận mắt thấy các chàng trai, cô gái thể hiện tài năng và hát giao duyên với nhau đó nha.
Là chợ mà không phải chợ
Hầu hết chúng ta đều cho rằng, đã là chợ thì ắt phải diễn ra hoạt động giao dịch, mua bán. Thế nhưng, chợ tình Sapa hoàn toàn khác biệt. Chỉ cần một lần có dịp đến đây, các bạn có lẽ sẽ hiểu được những nguyên tắc thú vị của phiên chợ này đó nha. Ở địa điểm du lịch Sapa này, cái tình cái nghĩa không được đem ra để bán và cũng chẳng có người mua, tất cả đều dựa trên nguyên tắc tự do, tự nguyện của đôi bên. Đôi khi người bán muốn bán mà “người mua” không nhận. Đôi khi người mua muốn mua mà người bán không bán. Đôi khi người bán và người mua đều đồng ý nhưng chả có sản phẩm nào trao đổi cho nhau ngoài tình cảm. Đó là nét đặc biệt của chợ tình Sapa đó nha. Tất nhiên, nó không diễn ra một cách đơn điệu như hoạt động mua bán ngoài chợ thông thường mà có những hoạt động văn hóa, giao lưu mang đậm bản sắc của người đồng bào dân tộc như kéo co, thổi khèn lá, hát giao duyên và nhiều hoạt động văn hoá vô cùng đặc sắc nữa đó. Nếu có đi tour du lịch Sapa hay đi du lịch Sapa tự túc thì khi đến đây đến đây, các bạn sẽ cảm nhận được không khí vô cùng đông vui, nhộn nhịp của chợ tình Sapa đó nha.
Mộc mạc và đầy dân dã
Cuồng tin rằng chúng ta vẫn thường quen với việc trước mỗi lần hẹn hò sẽ có sự chuẩn bị rất kỹ càng, lên kế hoạch các điểm đến thật chu đáo để buổi gặp mặt trở nên thú vị hơn đúng không nào. Tuy nhiên, với người đồng bào dân tộc nơi đây, dường như mọi thứ có phần đơn giản và dân dã hơn rất nhiều đó nha. Điều đó được thể hiện ngay trong những thứ mà họ chuẩn bị trước khi đến chợ tình Sapa rồi nè. Đối với cánh đàn ông, bộ quần áo thổ cẩm và những chiếc vòng bạc lấp lánh dường như là bộ trang phục “chuẩn” cho phiên chợ tình Sapa đó nha. Thế nhưng những ai không có áo thổ cẩm thì có thể diện bộ “comple tàu” cùng với đôi dép tổ ong. Chỉ cần chừng ấy thôi cũng đã đủ để trở thành “soái ca” trong mắt các chị em rùi đó nha. Khi đã diện quần áo chỉnh tề, người sẽ được phân công ôm khèn, người thì làm nhiệm vụ xách rượu mà rượu thì phải là rượu ngô đó nha. Rượu ngô được đựng trong can hoặc chai nhựa như là chai Lavie đó, còn chén thì dùng ống tre, ống nứa, để khi uống vào mới đậm đà hương vị của đất trời, của núi rừng Tây Bắc nơi đây đấy.
Còn với các thiếu nữ vùng cao, họ sẽ diện bộ váy áo truyền thống đẹp nhất và không quên đeo thêm các món trang sức độc đáo để đến phiên chợ. Như những cô gái H’Mông thì họ hay cầm vòng bằng thổ cẩm, nếu “ưng” người nào, sẽ chủ động buộc vào cổ tay người ấy. Người nào may mắn được buộc nghĩa là được làm người thân của gia đình thiếu nữ đó nha và nếu thiếu nữ buộc vào cổ tay con trai nghĩa là “Yêu nhau tôi buộc cổ tay, tôi dành trọn tình yêu cho anh, anh đừng đi theo người khác nữa”. Chưa hết mà chiếc vòng ấy còn mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, nếu được thầy mo buộc cho ai thì không con ma nào làm tội người đó được đó nha. Trước đây, chiếc vòng thổ cẩm đó chỉ có mấy sợi chỉ xanh đỏ, nhưng nay họ làm to bản hơn. Chiếc vòng ấy, con gái H’Mông không chỉ tặng cho người mình yêu mà còn tặng cho cả khách du lịch nữa. Họ cho rằng, tặng cho khách du lịch, khách sẽ nhớ người H’Mông, khách sẽ đến chợ tình và mua đổ thổ cẩm của họ vậy nên đừng ngại gì mà nhận vòng thổ cẩm nếu họ có tặng nha. Ngoài ra, mỗi người sẽ chuẩn bị cho mình một “vật đính ước” để trao cho chàng trai mà họ thích, đó có thể là một chiếc nhẫn, chiếc vòng tay hay một chiếc lược, vân vân và mây mây.
Màn tỏ tình… chớp nhoáng
Một trong những hoạt động mà Cuồng thấy là thú vị nhất chính là được tận mắt chứng kiến những màn tỏ tình chớp nhoáng của các cặp đôi đó nha. Khi đã uống vài chén rượu, mắt bắt đầu long lanh và con tim trở nên can đảm hơn, các chàng trai sẽ ngắt lá rừng thổi kèn môi thì thầm gọi bạn tình. Nếu bạn gái vẫn chưa ưng, họ sẽ phải trổ tài vừa múa vừa thổi khèn bè một cách điệu nghệ xung quanh cô nàng đó. Có một điều khá độc đáo là phong tục của người Dao không cấm người đã có gia đình đi tìm bạn tình đó nha. Thế nên, nam nữ người Dao có thể thoải mái hơn khi đến tham dự phiên chợ đó nha. Ngoài ra, các bạn còn có thể bắt gặp những cô bé chỉ mới 13, 14 tuổi tại khu chợ tình Sapa này vì họ đi theo các cô chị để làm quen dần với nét văn hóa thú vị của dân tộc mình đấy. Để tỏ tình với một cô gái nào đó, các chàng trai sẽ vây quanh rồi mở và đưa cassette của họ vào gần cô gái để ghi âm những khúc hát tỏ tình bằng tiếng dân tộc hoặc dùng lời hay tiếng ngọt, tiếng khèn để tán tỉnh cô nàng rồi tặng quà lưu niệm đó nha. Thấy có người lạ, cô gái xấu hổ cúi đầu hoặc lấy tay che mặt, nhưng vẫn hát với giai điệu run run. Nếu cô gái không ưng ý thì sẽ bỏ chạy và lúc này, chàng trai khi nãy sẽ thực hiện động tác gọi là “kéo” bằng cách nắm tay giữ cô gái lại và đây là cách mà anh chàng sẽ tỏ rõ cho bạn gái thấy sự tỏ tình quyết liệt của mình đó nha. Khi đã “chấm” được một chàng trai, cô gái sẽ dúi vào tay người này một vật đính ước mà họ đã chuẩn bị từ trước như Cuồng đã đề cập đến ở trên và dĩ nhiên khi ấy đám đông sẽ phấn khích và tản ra, cô gái lại quay về với những người bạn của mình để “tạm lánh”. Khi mọi thứ đã yên tĩnh rồi thì giờ mới là lúc những người này sẽ đưa cô gái đến “gửi gắm” cho chàng trai được chọn và rồi họ đưa nhau ra một ngọn đồi để tâm sự tỉ tê đó nha.
Dập dìu “củng cố tình yêu”
Cái độc đáo của chợ tình Sa Pa là những chàng trai, cô gái H’Mông đến đây để tìm bạn tình. Con trai thổi khèn lá tìm bạn gái, nếu con gái ưng thì đến gần, con trai thổi tiếp, con gái thật ưng cái bụng thì con trai dắt con gái đi tâm sự ở ven sườn đồi hoặc một nơi nào đó. Ở đó chỉ có đất, trời và tình yêu họ dành cho nhau bằng những lời thề non hẹn biển.
Có một lần Cuồng đến tham quan chợ tình Sapa, Cuồng có gặp chị H’Chor ở bản Nò Chảy cách chợ tình Sa Pa một ngày đường đó nha. Chị và chồng chị đi từ sáng sớm bằng ngựa và đến chợ từ 5 giờ chiều. Chị mang theo cả con gái 6 tháng tuổi rất là đáng yêu theo nữa đó. Chị cũng nói tiếng Kinh khá sành sỏi và cho biết rằng “Đi chợ tình cũng là “củng cố tình yêu”. Cách đây 7 tháng, tao đã tìm thấy chồng ở chợ này. Phiên chợ nào, vợ chồng tao cũng đến đây cho vui, bán quần áo và túi xách thổ cẩm”. Chị cũng cho biết thêm rằng người H’Mông có phong tục rất lạ là khi con gái đã lấy chồng, cứ đến phiên chợ tình là vợ đưa chồng đến chợ. Chồng sẽ hòa vào những người bạn trai khác thổi khèn (chỉ thổi những bài dành cho người có vợ rồi) và uống rượu sán lùng. Người vợ múa hát (chỉ múa hát những bài dành cho người đã có chồng, và múa với những người đàn ông đã có vợ, không kể chồng mình). Khi người chồng uống rượu, người vợ ngồi bên rót rượu và khuyến khích chồng uống càng nhiều càng tốt, vì như thế mới chứng tỏ chồng mình nhiều bạn bè. Nói đến đây thì các anh đừng nhau nhảu về bảo vợ rằng uống rượu nhiều mới chứng tỏ mình có nhiều bạn đó nha không lại bị chị nhà cho trận đó nha!!! Đây chỉ là văn hoá của người H’Mông thui nên đừng tưởng bở nhá.
Đến khi chồng uống say “không biết trời trăng” gì nữa rồi thì người vợ sẽ bế chồng vắt lên lưng ngựa và đưa về nhà. Nếu giữa đường chồng nôn mửa, người vợ đặt chồng xuống giữa đường và chăm sóc cho chồng, khi nào chồng tỉnh thì mới về nhà. Nói đến đây thì chắc các anh hiểu vì sao Cuồng nhắc các anh ở trên rồi chứ.
Cũng có một lần Cuồng gặp một anh bộ đội ở chợ Sa Pa. Đó là binh nhất Giàng A Lẩu ở Trung đoàn M74, Sư đoàn B16, Quân khu 2. Anh Lẩu đến chợ tình đem theo vợ là Châu Thị Chú, 19 tuổi và anh Lẩu cho biết rằng anh đã cưới vợ một năm rồi. Anh cũng cho biết thêm rằng anh không thường xuyên đi chợ tình Sapa vì đi bộ đội rồi không có thời gian như trước nữa. Ở bộ đội, chiến sỹ không được uống rượu nên khi đến chợ tình Sapa thì mọi người uống rượu nhưng anh Lẩu cũng không uống đâu. Nhà anh cách chợ tình Sapa đến nửa ngày đường đó và khi nghỉ phép được 8 ngày thì anh thường đưa vợ đi chơi chợ 2 ngày mới về cơ. Cuồng có mời anh Lẩu điếu thuốc nhưng anh từ chối rằng “Bộ đội không hút thuốc đâu, Lẩu bỏ rồi” còn chị vợ anh không biết tiếng Kinh nên cũng chỉ cười bẽn lẽn nép sau anh vậy đó. Nhờ tới đây mà Cuồng nhận ra rằng con người nơi đây thật sự rất là giản dị và chất phác đó nha.
Đi như thế nào để đến được chợ tình Sapa.
Để đến được chợ tình Sapa thì đơn giản lắm á vì phiên chợ này điễn ra ở ngay quảng trường trung tâm trước mặt Nhà Thờ Đá mà. Thêm vào đó là 2 địa điểm du lịch Sapa rất được lòng các bạn trẻ với view và phông nền check-in siêu đỉnh và cũng rất nghệ đó là Sun Plaza với biển Sapa Station và công viên Sapa đó nha. Với vị trí trung tâm nằm giữa các tuyến đường đi lại và du lịch chính ở nơi đây là đường Thạch Sơn, đường Phạm Xuân Huân, đường Fansipan và đường Cầu Mây nên việc tìm đến đây là rất rất dễ dàng rùi nè. Thử tưởng tượng xem khi mà các bạn vừa làm một bữa no nê xong, thả bộ trên những con đường lớn với không khí mát mẻ, trong lành và đặt chân đến phiên chợ tình Sapa với những gian hàng đồ thổ cẩm đẹp lung linh, những gian hàng ăn vặt thơm nức mũi. Mà những hàng đồ ăn nơi đây lại cực kỳ hợp để các bạn có thể dùng làm món ăn chơi lai rai chút như là bánh tráng nướng, ngô và khoai nướng hoặc luộc, hạt dẻ nướng hay những món ăn tráng miệng như kem chẳng hạn thì còn gì bằng nào.
Đi bằng gì?
- Xe máy: Đến với Sapa thì các bạn có thể thuê xe máy để đi lại với giá sẽ khoảng 100.000 - 150.000 đ/xe thôi nhưng xăng thì bạn phải tự đổ để tới các điểm thăm quan đó nha. Giá thuê sẽ được tính theo ngày, thường là từ 6h00-18h00 và các bạn thuê sáng cũng như thuê chiều đều tính giá như nhau thôi đó nha. Nếu các bạn quen đi xe máy giống như Cuồng thì đây là lựa chọn tốt nhất đó vì đi xe máy vừa thuận tiện, tiết kiệm lại vừa đem lại trải nghiệm tốt nhất nữa chứ. Chưa kể đến là với xe máy mà nếu các bạn ưa mạo hiểm thì các bạn có thể tự lái xe đi đến Cổng Trời toạ lạc ở vị trí cao nhất của Đèo Ô Quy Hồ, được mệnh danh là một trong tứ đại đường đèo ở miền bắc đó nha. Nơi này chỉ cách thị trấn Sapa khoảng 10,6km tính từ nhà thờ đá thôi nhưng do đường khá là ngoằn ngoèo, khúc khuỷu nên các bạn sẽ mất khoảng 30-35’ để đến nơi đó nha.
- Xe ôm: Để đi xe ôm tại Sapa thì các bạn sẽ thuê một người xe ôm và làm hợp đồng chở bạn đi các điểm du lịch nổi tiếng. Thông thường là khoảng 100.000-150.000đ cho khoảng 4,5 điểm du lịch gần nhau đó nha. Nếu đi theo nhóm đông người thì các bạn hoàn toàn có thể thuê xe du lịch 4-16 chỗ để đi du lịch các điểm tai Sapa với giá khoảng 400.000 - 500.000 đ/điểm, hoặc có thể thỏa thuận để thuê đi cả ngày nha.
- Taxi: Nếu lựa chọn đii taxi tại Sapa thì cách này phù hợp với các bạn đi cùng nhóm hoặc gia đình đó nha. Tuy nhiên Cuồng lưu ý với các bạn là giá taxi tại Sapa khá cao và giá cước có thể tính theo điểm đến chứ không theo đồng hồ đâu nên các bạn nên hỏi giá trước khi đi đó nha.
Chợ tình Sapa có gì?
Đến chợ tình Sapa giờ đây bạn sẽ được tham dự nhiều hoạt động vui chơi giải trí nổi bật như xem biểu diễn văn nghệ, ngắm nhìn, chụp hình cùng các em bé dân tộc trong trang phục truyền thống, tham quan nhà thờ đá và ăn những món ăn nướng ngon lành ở phố đi bộ gần đó.
Biểu diễn các điệu múa truyền thống của người dân tộc
Ở chợ tình Sapa thì cứ vào tối thứ 7, các bạn sẽ nghe thấy tiếng kèn, tiếng nhạc xập xình chốc chốc lại vang lên. Tụ tập ở chỗ đông người, thì các bạn sẽ được xem cảnh mà những chàng trai thổi khèn xoay vòng quanh. Còn các cô gái mặc áo váy dân tộc, chân đeo lục lạc, tay cầm ô nhảy qua múa lại. Người xem chủ yếu là khách du lịch đến với Sapa, các cặp đôi cũng có, người trung tuổi cũng có, các gia đình hay nhóm bạn đi cùng nhau tò mò muốn xem chợ tình tròn méo ra sao cũng có nha. Buổi biểu diễn thực chất không chỉ là điệu múa truyền thống của ngừoi dân tộc mà còn là những câu chuyện thời xưa về tình cảm trai gái được lưu truyền trong các các văn hoá của ngừoi dân tộc. Nếu chăm chú xem buổi biểu diễn này thì các bạn sẽ đễ dàng nhận ra rằng điệu múa chỉ nắm 1 phần trong đó thôi còn lại thì chính là những cử chỉ, hành động của các chàng trai, cô gái thời xưa khi đến chợ tình Sapa được cách điệu để tạo nên những cử chỉ mềm mại và rồi giống như họ đang múa vậy đó.
Mua bán đồ thổ cẩm và chụp ảnh tại chợ tình Sapa
Khu vực quảng trường cũng là địa điểm diễn thường xuyên ra các hoạt động lễ hội, giải trí vào các dịp lễ đặc biệt như mùng 2/9, tết, lễ kỉ niệm… Ngoài ra, Khu vực quảng trường mỗi buổi tối cũng trở thành nơi mà người dân địa phương tụ tập bày bán các mặt hàng lưu niệm với họa tiết thổ cẩm đó nha. Khi đến đây thì âccs bạn sẽ có cơ hội nhìn thấy các em bé gái, bé trai theo mẹ bày hàng. Sạp hàng nhà các em chỉ là một mảnh bạt nhỏ bày biện những vòng, những tay, túi, khăn với họa tiết thổ cẩm bắt mắt lắm đó. Tại chợ tình Sapa thì hoạt động thường thấy mà du khách đến đây nếu muốn chụp hình cùng các em bé người dân tộc sẽ là mua một món đồ gì đó và được chụp hình miễn phí kèm theo thôi đó. Thêm vào đo thì các bạn cũng nên lưu ý rằng những đồ này chủ yếu là đồ trung quốc được may công nghiệp nên giá thành cũng rất rẻ thôi nha và Cuồng nghĩ cũng ổn cho một tấm hình đẹp làm kỉ niệm lại thêm một món đồ lưu niệm mang về phải không nào.
Đi Sapa ghé chợ tình, các bạn cũng có thể tham quan Nhà thờ đá trong khí trời se lạnh vào buổi tối.
Nhà Thờ Đá là một công trình kiến trúc tôn giáo được xây dựng từ những năm cuối thế kỷ 19 đó nha. Đây được coi là một dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất còn lại của người Pháp cho đến hôm nay. Nhà thờ đá hiện nay đã trở thành một trong những biểu tượng không thể thiếu của phố núi Sapa rồi. Nhà thờ nằm ở trung tâm thị trấn Sapa, các bạn có thể thoái mái ra vào mà không phải mất tiền vé đâu nha. Tuy nhiên thì ánh sáng vào buổi tối không đủ tốt để bạn có một bức ảnh đẹp đâu. Nếu bạn muốn có những bức hình seflie đẹp ở Nhà thờ Đá thì Cuồng nghĩ rằng các bạn nên quay trở lại nơi này vào buổi sáng đó nha. Thế nhưng các bạn đừng quên ghé thăm phố đi bộ và tận hưởng hàng trăm thức quà vặt của Sapa như thịt xiên, trứng nướng, khoai, ngô, gà, nấm,…vừa thơm vừa bùi mà vừa nhắc đến thôi đã khiến Cuồng thèm lắm rồi đây này.
Chi phí tham quan
Do nơi đây là chợ và lại nằm ở vị trí là quảng trường trung tâm nên không thu phí vào đâu nha các bạn. Tuy thế nhưng các bạn cũng nên đem theo ít tiền để còn có thể thưởng thức ẩm thực tại chợ tình Sapa cũng như tại phố đi bộ, sắm cho mình những món đồ thổ cẩm lung linh và tham gia một số trò chơi có thưởng ở đây nha.
Những địa điểm du lịch khác
Khi đã đến với Sapa rồi mà phải đến tối mới có chợ tình Sapa thì tội gì chúng ta không thử đi những địa điểm du lịch Sapa nổi tiếng khác cho nóng nhỉ.
Cổng Trời: Tại Sapa thì có 2 địa điểm được mệnh danh là Cổng Trời với view sống ảo thuộc vào tầm đỉnh cao luôn đó là đỉnh cao nhất của đèo Ô Quy Hồ Và điểm còn lại là ở trên đỉnh núi Hàm Rồng đó nha. Cả 2 nơi đều có khung cảnh rất đẹp và đều là địa điểm săn mây nổi tiếng luôn đó nha.
- Cổng Trời đèo Ô Quy Hồ: Được mệnh danh là một trong tứ đại đường đèo ở ở miền bắc với độ cao khoảng 2000km và chiều dài khoảng 50km nhưng chỉ cách thị trấn Sapa khoảng 10,6 km tính từ nhà thờ đá Sapa, Cuồng phải công nhận một điều rằng đây là một trong những đường đèo nguy hiểm nhất mà Cuồng từng đi qua. Với những khúc cua chữ U gấp và cả những khúc cua xuống dốc và leo dốc cũng gắt không kém thì nơi đây hoàn toàn xứng với danh hiệu một trong tứ đại đường đèo miền bắc rồi. Thế nhưng cung đường này lại ẩn chứa biết bao cảnh đẹp đi vào lòng người và nhất chính là Cổng Trời. Toạ lạc trên đỉnh cao nhất của cung đường đèo nay thì Cổng Trời hiện ra với sự hoà nhập giữa đất và trời. Nơi những đỉnh núi phía xa được làm mở bằng những đám mây, dần dần biến thành bầu trời trong xanh, lộng lẫy. Chỉ mới nghe thôi mà Cuồng biết với những hội thích xê dịch đã rất nóng lòng được chinh phục con đèo này rồi phải không nào. Thế nhưng Cuồng phải nhắc nhở các bạn rằng cái danh một trong tứ đại đường đèo ở miền bắc không phải là danh hão đâu nha nên các bạn nhớ đi tốc độ chậm thôi và nếu được thì nhớ mặc đồ bảo hộ đầy đủ và cả găng tay, khăn quàng cổ nha vì dù là mùa hè đi chăng nữa thì nơi đây vẫn khá là lạnh đó.
- Cổng Trời núi Hàm Rồng: Đừng để cái tên Hàm Rồng nay đánh lừa nha các bạn vì ở đây không có bộ hàm của con rồng nào đâu nha!!! Cái tên này bắt nguồn từ việc nhìn theo hướng núi, mọi người sẽ thấy cả ngọn núi trông giống hệt như một con rồng đang chuẩn bị bay lên với đầu rồng nằm ở đỉnh núi, còn đuôi rồng gác lên Cổng Trời. Bởi thế núi mới có tên là núi Hàm Rồng đó nha. Ngừoi dân bản địa có truyền tai nhau rằng tương truyền từ thửa xa xưa, có một cơn đại hồng thủy dữ dội xuất hiện, trong lúc đó, một đôi rồng đang mải mê quấn quýt lẫn nhau mà không hay biết. Đến khi đôi rồng choàng tỉnh thì cơn hồng thủy đến, đôi rồng hốt hoảng bay lên thì không kịp; rồng chàng và rồng nàng bị chia cắt. Rồng nàng tuy hóa đá nhưng vẫn ngước nhìn theo rồng chàng ở phía Tây dãy Hoàng Liên Sơn đó nha. Đường lên núi Hàm Rồng nằm ở phía sau nhà thờ đá cổ Sapa nên các bạn muốn lên núi Hàm Rồng phải đi đến nhà thờ đá đó. Nhà thờ đá Sapa nằm khá gần trung tâm thị trấn Sapa, thế nên các bạnchỉ mất ít phút đi bộ là tới rồi. Với giá vé vào cổng là 70.000/vé/người và một tiếng để leo lên đến đỉnh núi thông qua những bậc thang được xây dựng bằng đá, xuyên qua những tiểu cảnh như Vườn Lan, Vườn Đào, Trạm Viễn Thông Sapa, Sân Mây và Cổng Trời, các bạn sẽ có cơ hội đường ngắm nhìn cảnh đẹp của núi rừng Tây Bắc với rất nhiều hoa được trồng ở những địa điểm này, đầy màu sắc và làm không gian núi trở nên tràn đầy sức sống hơn bao giờ hết. với mỗi địa điểm lại mang đến một vẻ đẹp khác nhau thì tội gì chúng ta không dành thời gian để đến đây vãn cảnh và có những tấm hình để đời nhỉ.
Những lưu ý khi tham quan vui chơi tại đây
- Du khách nên đến Sapa vào cuối tuần. Bởi chỉ có thứ 7 người dân địa phương mới tổ chức chợ tình Sapa. Nếu bạn có một chuyến du lịch Sapa 2 ngày 1 đêm hoặc 3 ngày 2 đêm thì bạn nên dành buổi tối cuối cùng của chuyến đi để đi chợ và căn làm sao cho buổi tối trùng vào tối thứ 7 nhé. Đi vào thời điểm đó bạn vừa có thể khám phá hoạt động văn hóa của chợ tình đồng thời cũng có thể thưởng thức rất nhiều đặc sản nơi đây.
- Chợ đêm Sapa không chỉ bán đồ ăn uống ngay tại chỗ mà còn bày bán nhiều đặc sản Sapa làm quà. Hạt dẻ và trái cây (đào, mận) ở đây thực sự ngon nên bạn có thể tham khảo. Nhớ trả giá khi mua những sản phẩm là đồ lưu niệm hay quần áo nhé bởi vì lái thương sẽ hét giá lên chênh từ 30.000 – 50.000 vnđ (có khi còn hơn thế).
- Nếu bạn muốn chụp hình cùng với em bé người dân tộc thì thường sẽ là mua một món đồ lưu niệm mà các em bé đó bán. Món đồ nhỏ xinh mà cũng không quá đắt tiền nên bạn hoàn toàn có thể thử. Tuy nhiên đôi khi ở chợ tình Sapa vẫn thường thấy cảnh các em bé chèo kéo khách du lịch để chụp hình hay nhờ mua đồ cũng khiến cho nhiều người khó chịu.
- Do chợ tình Sapa không nằm trong tour du lịch Sapa nào cả kể cả tour du lịch Sapa trọn gói hay là tour du lịch Sapa trong ngàynên các bạn sẽ phải tự đi đến địa điểm du lịch Sapa này để trải nghiệm đó nha. Thế nhưng nếuc các bạn vẫn muốn chợ tình Sapa nằm trong tour du lịch của mình thì các bạn hoàn toàn có thể yêu cầu bên công ty lữ hành thiết kế riêng một tour du lịch Sapa cho mình với bạn bè hoặc gia đình nha.
Chợ tình Sapa giờ đây tuy là đã mất đi bản chất vốn có của nó nhưng không thể phủ nhận là ngày càng nhiều người đã biết đến chợ tình, biết đến Sapa nhiều hơn khi mảnh đất này trở thành thị trấn du lịch trọng điểm của Lào Cai. Vậy nên Cuồng mong rằng thông qua bài hướng dẫn này thì các bạn sẽ biết được thêm về chợ tình Sapa và sắp xếp thời gian để đi trải nghiệm thử nha.