Top 15 món ăn đặc sản "kinh dị" nhất Tây Bắc
08/12/2024 42588
Xin chào 500 anh em và Cuồng đã quay trở lại với các bạn sau chuyến du ngoạn vùng Tây bắc vừa rồi của cuồng nè!!! Và không để các bạn chờ đợi lâu nữa, hãy cùng bắt đầu tìm hiểu về 15 món đặc sản kinh dị nhất Tây bắc với Cuồng nha.
Nậm Pịa
Ở vị trí đầu bảng thì không thể không nhắc đến món Nậm Pịa rồi. Nậm Pịa là món ngon truyền thống của bà con dân tộc Thái ở vùng cao, thường xuất hiện ở các dịp đám đình, lễ hội hay những bữa tiệc đãi khách. Đây được xem là món ăn đặc sản mà các bạn nên thử một lần khi đến với vùng đất Tây Bắc. Trong tiếng Thái thì “Nậm” có nghĩa là “canh” còn “Pịa” thì các bạn đừng sốc nha. Đó chính là chất dịch sền sệt trong ruột non của các loài động vật ăn cỏ như trâu, bò, dê hay còn có tên gọi kém sang hơn rất nhiều chứ chưa nói đến là có phần kinh dị là phân non hoặc ‘cứt non” đó. Tuy rằng có thành phần kinh dị như thế nhưng Nậm Pịa lại có tác dụng rất ghê gớm trong bồi bổ sức khoẻ cũng như khả năng giải rượu của nó đó nha. Để làm nên món Nậm Pịa Tây bắc này thì sẽ có các nguyên liệu là tiết đông, bạc nhạc, sụn, đuôi, thịt và lục phủ ngũ tạng của động vật ăn cỏ như bò, trâu, dê nhưng thường thì người dân Tây bắc sẽ sử dụng bò và dê. Nghe có vẻ bình thường phải không nào các bạn! Thế nhưng nguyên liệu chínhcủa món ăn và cũng là nguyên liệu làm cho món Nậm Pịa nổi tiếng về độ “kinh dị” đến mức mà nhiều người phải “nhắm mắt, bịt mũi” đưa món này vào miệng để thử lại chính là “Pịa” đó nha. Chất dịch non là thành phần quan trọng nhất của món ăn, và cũng được làm rất bài bản đó nha các bạn nhưng cũng chỉ có bà con vùng cao ở đây là làm được thôi. Ban đầu, người ta chọn đoạn ruột non mà có phần Pịa ngon nhất, lấy Pịa ra bát, sau đó nêm các loại gia vị đặc trưng như mắc khén, sả, ớt,…và cho thêm nội tạng như lòng, dạ dày, gan, phổi vô. Nậm Pịa được bày ra tô hoặc bát nhỏ khi còn nóng, ăn kèm rau sống. Đây không phải là một món dễ ăn, bởi vị đắng và mùi hương khó ngửi của nó. Mới đầu ăn, các bạn sẽ cảm thấy khó nuốt bởi vị ruột, Pịa, mùi của mắc khén và các loại lá đắng được cho vào, nhưng sau đó thì để lại vị ngọt, béo trong cuống họng. Thế nhưng nếu bỏ qua những ngần ngại về mùi vị, thì đây là một món ăn tuyệt vời, hội tụ tinh hoa ẩm thực núi rừng Tây Bắc đó nha. Vậy nên nếu có dịp đi du lịch Tây Bắc thì đừng quên thử món Nậm Pịa Tây Bắc của đồng bào người Thái các bạn nhé!
Thắng Cố
Ở vị trí số hai sẽ là món Thắng Cố. Thắng Cố thì vùng núi phía Bắc nào cũng có, nhưng ở Lào Cai lại mang một vị riêng đặc sắc không thể lẫn vào đâu được đó nha. Nguyên nhân chính là vì được chế biến từ “lục phủ ngũ tạng” của con ngựa và gia vị kèm theo không thể thiếu của Thắng Cố gồm thảo quả, địa liền cùng với hạt dổi, củ sả, quế chi… được tẩm ướp với thịt trước lúc đem xào rồi chế nước hầm nhừ trong chảo lớn đó nha. Từ hương vị đặc trưng quyến rũ, chảo Thắng Cố sôi lục bục trên bếp lửa hồng nhìn khá bắt mắt bởi những miếng thịt, miếng mỡ vàng nhạt, đoạn lòng trăng trắng điểm xuyết những lá hành xanh ngắt dậy mùi thơm của thịt, của gia vị làm ấm lại không gian giữa tiết trời se lạnh. Bát Thắng Cố trở nên lôi cuốn hơn khi được nhấp với thứ rượu thóc Shan Lùng (Bát Xát), rượu ngô Bản Phố (Bắc Hà) được chưng cất bởi thứ men làm từ cây hồng mi mà Cuồng đảm bảo sẽ khiến cho các bạn đắm chìm trong tinh hoa của đất trời ban tặng, mang theo nét độc đáo của ẩm thực Lào Cai đó nha.Thắng Cố có lẽ sẽ quen thuộc hơn với các bạn trẻ vì nó khá phổ biến và một số nơi tại Hà Nội hay Sài Gòn cũng có món này. Thế nhưng do làm cho người đồng bằng nên món này đã được nấu cải tiến để mọi người dễ dàng thưởng thức, làm mất đi mùi vị thật của món Thắng Cố đó nha. Vậy nên nếu các bạn có dịp lên các phiên chợ vùng cao hay dịp lễ tết của người dân tộc thì bạn sẽ có dịp thưởng thức món Thắng Cố chính cống đấy. Một số khách du lịch Tây Bắc khi lại gần nồi Thắng Cố không chịu nổi mùi của nó đã phải chạy mất dép rồi nhưng nếu ai đã ăn quen món này thì rất dễ bị nghiện đó nha. Làm một bát Thắng Cố và nhâm nhi với chút rượu ngô vào ngày giá lạnh của vùng cao thì đúng là số zách!!!
Lá ngón xào tỏi
Khi nghe đến “lá ngón” thì chắc ai ai cũng phải run rẩy nếu thử ăn phải món này phải không nào? Đương nhiên là sợ rồi vì “lá ngón” đặc biệt nổi tiếng bởi vì nó có độc và có thể gây chết người cơ mà và với Cuồng thì món này đứng thứ ba trong top 19 món đặc sản kinh dị nhất Tây Bắc đó nha. Tuy nhiên, theo như người địa phương ở đây kể cho Cuồng nghe thì cây lá ngón này hoàn toàn có thể ăn được và có hương vị ngon ngọt rất riêng. Để phân biệt với “lá ngón” không ăn được, thì loại này có hình dáng tròn hơn và ngắn hơn đó. Chính vì những hương vị thơm ngon khó tả, mà người dân nơi đây chọn món ăn này là đặc sản để đãi khách muôn phương. Lá ngón cũng có thể chế biến nhiều món ăn khác nhau nhưng món lá ngón xào tỏi vẫn hay xuất hiện trong các bữa ăn nhất. Có mùi vị như bao loại rau rừng khác nhưng lá ngón vẫn ngọt hơn và thơm hơn rất nhiều, khi xào với tỏi, dầu thực vật làm cho lá ngón bóng loáng, nhìn rất hấp dẫn. Và cũng chính vì vậy, món ăn này trở thành “đặc sản” mà không thể lẫn vào đâu được. Hơn nữa, người Thái trắng ở Mường So thường dùng lá và hoa của cây này để luộc, nấu canh hoặc làm các món xào thay rau rừng đó nha. Món ăn này dần dần đã trở nên phổ biến và quen thuộc trong những bữa cơm của dân bản rồi đó. Đặc biệt, mâm cỗ ngày Tết của họ nếu không có món lá ngón thì coi như không đầy đủ và trọn vẹn luôn đó.
Bọ xít rang lá chanh
Đối với nhiều người, bọ xít là loài côn trùng hôi hám và đáng sợ thế nhưng với bà con dân tộc Thái tỉnh Sơn La thì đây lại là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn ngon trứ danh, trong đó nổi tiếng nhất là món bọ xít rang lá chanh. Vị giòn, nhai nghe rôm rốp của bọ xít hòa quyện với mùi thơm, cay nồng của lá chanh khiến món ăn này trở thành đặc sản, được nhiều người ưa chuộng. Theo đó, loại bọ xít để chế biến món ăn phải là loại bọ non chưa mọc ra cánh cứng và sống trên những cây vãi, nhãn. Để bắt được nhiều bọ xít, người dân nơi đây sắm cho mình loại lưới mắt nhỏ và dày để bảo vệ hoa và quả nhãn, sau khi đã buông lưới thì dùng những sào dài rung nhẹ từng chùm hoa, bọ xít thấy động là bay lên và rơi liền xuống đất. Sau khi bắt về, để khử hết mùi hôi, bọ xít sẽ được ngâm vào nước muối loãng cho đến khi bọt khí từ bọ xít bốc lên phủ kín mặt nước. Lúc này đem vặt bỏ đầu, cánh, rút ruột rồi đem chiên với dầu hoặc mỡ. Để bọ xít giòn tan, phải chiên trên chảo dầu sôi, bếp lửa to và đảo đều tay. Trước khi bày ra đĩa cho thêm lá chanh thái chỉ và không cần cho thêm bất cứ loại gia vị nào vì bản thân con bọ xít đã mang trong mình những vị mặn, cay, ngọt. Món bọ xít đạt chuẩn là có màu sẫm óng, khi nếm thấy có vị ngọt, béo ngậy nơi đầu lưỡi và giòn tan thơm nức. Người Sơn La thường dùng món ăn này với cơm nóng hoặc nhâm nhi với rượu ngô trong bữa ăn gia đình. Đối với người dân nơi đây, món bọ xít rang lá chanh là món ăn quen thuộc, dân dã và giàu dinh dưỡng. Hàng năm cứ vào độ nhãn ra hoa, người dân Sơn La lại rủ nhau vào rừng nhãn, rừng vải để bắt côn trùng về ăn. Hiện nay, món ăn này cũng trở nên phổ biến và được nhiều khách du lịch ưa chuộng mỗi khi có dịp ghé qua nơi đây.
Cháo ấu tẩu
Cháo ấu tẩu ở Hà Giang được làm từ nguyên liệu là củ ấu tẩu và đây là một loại củ có chất độc cực mạnh đó nha. Nghe đến đây thì cá hẳn ai cũng bắt đầu hoang mang rồi phải không nào. Thế nhưng qua cách chế biến tài tình của đồng bào Tây Bắc, nó trở thành món ăn có ích cho sức khỏe đó. Củ ấu tẩu thường có ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Bề ngoài giống củ ấu miền xuôi, nhưng là 2 loại hoàn toàn khác biệt. Củ ấu tẩu mọc trên đá, rất cứng và độc. Trong y học, ấu tẩu có tác dụng chữa bệnh rất tốt, đặc biệt dùng ngâm rượu thuốc xoa bóp xương khớp. Theo người bản xứ, ăn trực tiếp củ ấu tẩu có thể gây tử vong. Từng có trường hợp chết vì uống nhầm rượu thuốc bóp củ ấu tẩu. Không biết tự bao giờ các món ăn từ củ ấu tẩu hình thành, trở thành nét riêng ở nơi đây. Món cháo ấu tẩu là một nét đặc sắc mỗi khi nhắc đến cao nguyên đá Hà Giang. Theo bà Hương, một chủ quán cháo ấu tẩu nổi tiếng đất Hà Giang, phải có bí quyết trong chế biến nguyên liệu này. Trước khi nấu cháo, củ ấu tẩu phải được ngâm trong nước gạo, sau đó ninh cho đến lúc bở tơi, rồi mới đem tán nhuyễn, nấu cùng với gạo tẻ, nếp cái, chân giò. "Củ ấu tẩu rất cứng, khi nấu rửa sạch củ rồi thả vào nồi, cứ thế ninh đến lúc nào nó tự nhừ mới được. Do độc tính cao, nên một xoong cháo to để bán chỉ dùng vài củ", bà chủ quán có kinh nghiệm 30 năm bật mí. Cháo ấu tẩu ăn kèm thịt băm, các loại rau thơm, tiêu, hay măng chua. Bên cạnh vị bùi, béo ngậy và dễ nhận ra bát cháo hơi đắng, lạ miệng. Với những du khách đi một chặng đường xa đến Hà Giang mà được ăn một bán cháo ấu tẩu sẽ thấy cơ thể sảng khoái, người khỏe khoắn trở lại, đầu óc minh mẫn, hào hứng hơn. Cháo ấu tẩu có cả bốn mùa nhưng điểm thú vị là chỉ bán vào buổi tối. Theo bà chủ quán này, cháo ăn buổi tối sẽ có tác dụng tốt nhất qua giấc ngủ đêm. Món ăn giúp thư giãn gân cốt, giảm đau xương nhức cơ, hồi phục sinh lực đó nha. Hiện nay, cháo ấu tẩu đã được mang đi khắp trong Nam, ngoài Bắc. Với nhiều người món cháo không chỉ là món ăn lót dạ, mà còn là một thú vui rất tốt cho sức khỏe.
Thịt thối gác bếp
Đây là món ăn được xem là “ghê ghớm” nhất bởi chính cách làm mà người Khơ Mú để lại. Thịt thối gác bếp được sử dụng từ thịt heo, thịt trâu hay thịt bò. Phần thịt này đem đi phơi nắng. Tuy nhiên, chúng sẽ không được tẩm gia vị và đem phơi khoảng 7–10 ngày. Khi phơi, người ta sẽ vẩy nước vào thịt cộng với phần không được tẩm gia vị sẽ làm cho chúng dậy mùi để thu hút nhiều côn trùng. Và họ mặc định rằng khi thịt càng thối, có dòi thì món ăn này sẽ càng hấp dẫn hơn.Tuy nhiên, món ăn này vẫn được nhiều người rất yêu thích và có khi nghiện nếu như đã ăn quen. Khi về nơi đây, nếu bạn có nhu cầu thưởng thức món đặc sản sẽ được “đãi” ngay món này đó.
Rau Thối
Ngoài thịt thối, Sơn La còn nổi tiếng với món rau thối “độc nhất vô nhị”. Đây là loại cây dây leo, lá kép màu xanh thẫm, mọc đối xứng nhau. Thân cây và cành lá có rất nhiều gai nhọn. Sở dĩ người ta đặt cho nó cái tên rau thối là cũng bởi vì mùi hôi nồng mà dù có đứng cách xa cả mấy mét vẫn dễ phát hiện ra. Rau thối mọc hoang nhiều trong các cánh rừng. Thân cây vươn dài, quấn quanh vào bất cứ cây nào sống bên cạnh. Những chồi lá non tơ hướng thẳng lên cao, hứng trọn hết những giọt sương thuần khiết và tia nắng mai vàng óng của đất trời Tây Bắc. Rau thối được người Thái chế biến thành nhiều món như nấu canh, xào hoặc làm nộm. Với phong cách nấu nướng không quá cầu kì, người Thái thường kết hợp rau cùng thịt trâu, thịt lợn hoặc mớ cá tươi mới bắt từ suối về. Cũng có khi chỉ cần ít mỡ hành phi thơm rồi cho nắm rau xanh mướt ấy vào xào nhanh tay là cũng khiến bữa ăn trở nên hấp dẫn lạ thường. Cái vị ngai ngái, ngầy ngậy cộng thêm chút hương nồng cứ vương vấn nơi cổ họng, đủ để khiến bất kì ai yêu thích các đặc sản vùng cao phải ứa nước miếng thòm thèm. Nhiều người thường ví rau thối với quả sầu riêng. Mùi hôi nồng của chúng khiến những ai lần đầu thưởng thức đều thấy sợ và khó chịu nhưng khi đã ăn quen thì nó lại dễ gây nghiện, khiến ta nhớ mãi. Món thịt thối và rau thối đều được xem là hai món ăn nổi tiếng, được sử dụng phổ biến trong bữa cơm của người dân tộc ở Sơn La. Nếu có dịp du lịch một lần qua đây, hãy đừng quên thưởng thức để cảm nhận ẩm thực độc đáo vùng đất Tây Bắc.
Sâu Tre
Sâu tre là một đặc sản của Tây Bắc nổi tiếng ngon và và hiếm, người có tiền cũng chưa chắc đã mua đượcđâu đó nha. Đúng như tên gọi của nó, sâu tre là một loại ấu trùng sống trong những đốt tre. Nó có màu trắng muốt, dài bằng hai đốt ngón tay. Sâu tre có hàm lượng đạm cao, giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Cây tre bị sâu tre ký sinh thường có biểu hiện héo ngọn, đốt tre bị co rúm, ngắn lại khác thường. Mùa sâu tre bắt đầu từ tháng 9 kéo dài đến cuối tháng 10. Sâu tre sinh sôi nảy nở nhiều và béo nhất vào lúc này. Sâu tre có hàm lượng protein và axit amin cao, có thể chế biến thành nhiều món ăn như chiên giòn với lá chanh hoặc sâu tre nướng, ăn giòn tan và có vị béo ngậy. Để bắt sâu, người đi rừng sẽ dùng dao chặt ngang ống tre tạo hốc để kiểm tra. Nếu thấy có sâu bên trong sẽ tiến hành làm rộng hốc tre và dùng tay bắt. Mỗi tổ có thể có chứa tới nửa kg sâu đang sinh sống. Vì giá trị dinh dưỡng cao và có hương vị đậm đà, ngon miệng nên rất nhiều người tìm mua sâu tre để ăn. Tuy nhiên, lượng cung không đủ cầu dẫn đến giá thành của món sâu tre này khá đắt đỏ, khoảng 500.000 đồng/kg sâu tre. Tuy nhiên, món ăn đặc sản này cũng dễ gây dị ứng, có thể gây ngộ độc đối với một số người có cơ địa không phù hợp nên mọi người cần cân nhắc trước khi nếm thử món ăn này.
Rêu đá nướng
Người Thái có nhiều món ngon hấp dẫn như cơm lam, thịt trâu gác bếp, rau sắng... Nhưng có một đặc sản khá dân dã rất ít người được biết đến là món rêu đá vùng Tây Bắc. Nhắc tới loại rêu mọc trên đá chắc không ai nghĩ rằng đây có thể là một món đặc sản của người dân tộc Thái phải không nào. Thế nhưng, loại rêu đá lại là đặc sản chỉ có ở vùng Tây Bắc, rêu thường bám vào các gờ đá nơi lòng suối. Rêu đá mọc theo mùa bắt đầu từ xuân hè, rêu ngon là rêu mọc dài thướt tha, sờ vào thấy mát rượi êm ái, chỉ cần lấy tay vợt nhẹ nhàng là thu hái được. Rêu đá có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, trong đó đơn giản nhất là canh rêu tươi hay còn gọi là kinh tau. Rêu sau khi rũ hết cát sạn được cắt thành từng đoạn nhỏ, thả vào nước luộc gà hoặc xương hầm, nêm gia vị vừa khéo, đến khi chín sẽ dậy lên hương thơm hấp dẫn đó nha. Rêu đá là sản vật đất trời ban cho người Thái, món ăn này ít phổ biến và gần như không mang đến được địa phương khác tiêu thụ. Nếu các bạn muốn ăn rêu đá thì chỉ có đến những vùng Tây Bắc mới có thể thưởng thức được vì rêu đá số lượng có hạn, bảo quản không được lâu và chỉ đủ dùng trong các gia đình người Thái thôi đó nha. Tuy vậy các bạn cũng nên chuẩn bị sẵn tinh thần trước khi nếm thử nha vì thoạt nhìn bên ngoài thì rêu đá trông khá giống với Pịa hoặc cục lông thú cưng đó nha.
Pịa cá
Bên cạnh các món pịa phổ biến, khiến thực khách "hết hồn" như pịa bò, pịa dê thì ít ai biết rằng ở vùng đất này còn món pịa cá cũng rất ấn tượng. Cũng giống nhiều món pịa khác, pịa cá được làm từ phần ruột của con cá, kết hợp với các loại gia vị đặc trưng ở Tây Bắc. Không có vị đắng như các món pịa khác, pịa cá có vị mềm, ngọt của lòng cá lẫn các loại gia vị, đặc biệt mùi thơm nổi bật của sả và mắc khén đã lấn át mùi tanh ban đầu của cá, khiến thực khách cứ mãi vương vấn. Theo chị Điện, một đầu bếp đã có nhiều kinh nghiệm trong việc nấu món pịa cá chia sẻ: "Pịa cá khá dễ ăn, không "kinh dị" như các loại pịa dê, pịa trâu vì phần ruột cá đã được làm sạch rồi". Và chắc chắn trong những lần đầu du khách sẽ một chút hoảng hồn với món pịa Sơn La. Tuy nhiên, nếu ăn vài lần có thể bạn sẽ "nghiện" và chẳng thể nào quên được dư vị đặc trưng của nó.
Món cá nhảy
Món cá nhảy được xem là món ăn phổ biến, đặc sản của người Thái ở Sơn La. Món ăn trông có vẻ đơn giản nhưng lại rất kén người ăn, điểm khác biệt của món ăn này chính là ở cách ăn rất lạ lùng, cá vẫn còn nhảy tanh tách trong miệng khi ăn. Mảnh đất Tây Bắc không chỉ nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ mà ẩm thực nơi đây cũng phong phú, đa dạng. Một trong những món ăn nổi tiếng, không thể không nhắc đến khi đi du lịch ở đây đó là món “cá nhảy” của người Thái ở Sơn La. Món ăn tuy đơn giản nhưng rất kén người ăn. Điểm khác biệt của món ăn này chính là ở cách ăn rất lạ lùng: Cá phải còn sống, được chế biến và ăn ngay tại bàn. Cá dùng để chế biến món “cá nhảy” phải được nuôi ở ao tự nhiên hoặc bắt ở suối nguồn, cách xa khu dân cư. Cá bắt về phải còn sống, chọn những con cá bé, có kích thước lớn nhất là bằng ngón tay cái của người lớn, thả vào chậu nước muối sạch, để cá tự bơi và tiết hết những thứ bẩn ở trong người. Sau đó mang cá ra rửa lại bằng nước muối nhạt lần nữa là đạt yêu cầu.Theo người Thái ở Sơn La, loại cá ngon nhất để chế biến món cá nhảy là cá chép con. Nhiều gia đình cầu kỳ, đợi đến mùa lúa nước, khi bắt đầu là mùa cá chép đẻ trứng. Họ lấy trứng cá chép bám vào hoa lục bình thả vào ruộng, đến mùa lúa ra hoa, hoa gạo rụng xuống nước, và cá chỉ được ăn hoa gạo đó nên rất sạch. Đến khi lúa rộ bông, bà con bắt những con cá ở ruộng mang về chế biến món cá nhảy. Điểm đặc sắc nhất của món ăn này chính là các gia vị đi kèm. Theo đó, cá được ăn kèm với lõi chuối tươi, rau thơm (mùi, húng, thì là, kinh giới…), các loại gia vị mắm, muối, mỳ chính, tỏi, ớt và đặc biệt là không thể thiếu hạt mắc khén (gia vị đặc biệt của người Thái). Tất cả phải được băm nhỏ tạo thành một hỗn hợp ăn kèm có độ chua, cay, nồng, ngọt và mùi thơm đặc trưng. Khi ăn, người ta thường bắt cá từ chậu, dùng dao nhỏ khía nhanh vào bụng cá, nặn ruột bỏ ra ngoài rồi thả nhanh vào hỗn hợp ăn kèm. Mỗi người ăn dùng một chiếc thìa nhỏ xúc cá kèm theo lõi chuối và nước chua đưa lên miệng thưởng thức. Với những người chưa từng biết món cá nhảy thì đây quả là món ăn lạ lùng, rất khó có thể tưởng tượng ra hương vị. Thêm nữa, cũng không nhiều người dám bỏ miếng cá sống vào miệng thưởng thức ngay lập tức. Tuy nhiên với những thực khách sành ăn sẽ nhận ra ngay hương vị độc đáo nơi đầu lưỡi, đó là vị giòn, ngọt của thịt cá và vị cay của tỏi, ớt, vị tê tê nơi đầu lưỡi và mùi thơm nồng của hạt mắc khén. Các gia vị sẽ làm át đi vị tanh của cá chỉ còn lại vị ngọt giòn, thơm và bùi của thịt cùng những loại rau đi kèm. Để chế biến được món ăn này, một trong những nguyên tắc phải lưu ý đó là cá phải sạch, được nuôi tự nhiên. Khi mổ cá phải nhanh tay để cá vẫn còn sống, thả ra còn có thể giẫy được. Món cá nhảy khá phổ biến trong những gia đình người Thái ở Sơn La, đặc biệt là những khi có khách quý. Nếu một lần được đi du lịch ở đây, bạn nhất định phải nếm thử món ăn này, để cảm nhận được nét tinh túy, đa dạng của ẩm thực và văn hóa vùng cao Tây Bắc.
Da trâu thối
Da trâu thối hay còn gọi là năng min, một món ăn đặc trưng của người Thái. Da của con trâu sau khi lọc ra vẫn giữ nguyên phần lông, đem gói vào lá chuối và ủ trong vòng khoảng hai ngày. Vào mùa hè, nhiệt độ cao có thể làm da trâu nhanh “thối” hơn, trong khi đó, vào mùa đông, nhiệt độ thấp, người ta phải ủ thêm nhiều ngày mới có thể lấy ra chế biến. Sau một thời gian ủ, da trâu bốc mùi đem rửa sạch thì lông sẽ rụng hết. Sau đó, người ta đem miếng da đi phơi, rồi dùng nấu canh bon, hoa chuối hoặc nướng tùy sở thích. Với đồng bào bản địa, đây là một đặc sản có vị thơm ngon đặc trưng. Tuy nhiên, với nhiều người miền xuối, chưa nói đến việc ăn thử, chỉ nghe đến cái tên của món ăn và ngửi mùi, nhiều người sẽ phải suy nghĩ lại trước khi có ý định thưởng thức. Được biết, ngoài da trâu thối, đồng bào vùng cao Tây Bắc cũng nổi tiếng với món da trâu gác bếp. Qua bàn tay chế biến khéo léo của người dân tộc, những miếng da trâu dai, cứng lại có vị giòn, đậm đà rất ngon. Để chế biến nên món ăn ngon từ da trâu gác bếp thì quả thực là một kỳ công. Da trâu được ngâm nước nhiều giờ, đến khi mềm thì đem thái thành từng miếng nhỏ. Tiếp đến, da trâu được ướp với các loại gia vị như: Ớt, sả, muối, mì chính và mắc khén rồi chế biến thành canh hoặc nộm da trâu, da trâu muối,…
Bọ nước
Bọ nước (ấu trùng chuồn chuồn) là món ăn không phải lúc nào cũng có sẵn. Bọ nước bắt ở sông suối quanh khu vực Điện Biên vào thời điểm tháng 3, tháng 4. Bọ làm sạch chân, lươn băm nhỏ, cho thêm gia vị, tiêu rừng (mắc khén), và rau thơm, tía tô, hành, húng tròn, húng chó, ớt, xả bọc lá chuối, sau đó vùi than hồng khoảng 40 phút. Khi chín, món này có vị thơm của rau và hạt tiêu rừng, bọ bùi, dai và hơi ngậy.
Muồm muỗm rang
Nhắc đến vùng đất Yên Bái, không ít người nghĩ ngay đến những địa danh nổi tiếng như Mù Cang Chải rồi hồ Thác Bà. Tuy nhiên, Yên Bái cũng rất nổi tiếng với nhiều món ngon trở thành đặc sản hấp dẫn du khách xa gần. Và một trong những đặc sản đó chính là món Muồm muỗm rang Mường Lò. Tuy nhiên, để có được muồm muỗm rang Mường Lò thưởng thức cần phải trải qua khâu chế biến. Cần phải bỏ đầu, bỏ cánh, bỏ chân và rút ruột của muồm muỗm. Rất nhiều người nhận xét, muồm muỗm sau khi chế biến trông chẳng khác gì kén của tằm dâu. Sau đó sẽ đem muồm muỗm đi rửa sạch và cho vào trong trong chảo. Đầu tiên sẽ cho muồm muỗm vào om cùng với nước măng chua hoặc là giấm gạo ở trên ngọn lửa nhỏ. Cứ đun như thế cho đến khi cạn nước, rồi cho mỡ hoặc là dầu ăn vào rồi đảo cho thật đều ở trên ngọn lửa lớn. Rang như thế cho đến khi nào nghe được tiếng nổ lách tách thì có nghĩa là muồm muỗm đã chín. Lúc này cho gia vị và một chút ớt tươi và đảo thật nhanh tay. Sau đó cho thêm lá chanh vào đảo thêm một lúc rồi bắc chảo ra. Muồm muỗm sau khi được rang chín có màu vàng sậm và đặc biệt là rất thơm. Muồm muỗm rang Mường Lò là một món ăn dân dã, quen thuộc trong bữa cơm của người dân nơi đây và nó cũng trở thành một món đặc sản nổi tiếng mà khi đặt chân đến vùng đất này, du khách đừng quên nếm thử.
Nhộng ong đất
Ấu trùng ong (hay còn gọi là nhộng ong) là món ăn đặc sản khó tìm của người Tây Bắc, bởi lẽ mùa ong sinh sản chỉ từ tháng 4 đến tháng 9, tuy nhiên để lấy được nhộng ong tự nhiên thì không hề dễ dàng.Lên Tây Bắc vào những ngày cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9, bạn sẽ được đắm mình trong những vạt nắng chiều êm dịu chiếu xuống những bản làng, cánh đồng. Cảm nhận cái se lạnh của thời điểm giao mùa, sự hiếu khách của người dân nơi đây và nếu may mắn bạn sẽ được thưởng thức đặc sản nhộng ong Tây Bắc món ăn đặc biệt mà không phải lúc nào bạn cũng có thể thưởng thức. Không giống như nhộng dâu tằm bày bán thông dụng hiện nay được dễ dàng lấy ra từ trong kén, để lấy được nhộng ong tự nhiên người dân Tây Bắc phải sử dụng những phương pháp rất thủ công và nguy hiểm. Ví dụ như: dùng cây dài để trọc rụng tổ ong, can đảm mặc trang phục dày, áo mưa che kín người tự tay gỡ lấy tổ ong. Trong đó, đốt tổ ong là cách làm được sử dụng phổ biến nhất. Việc sử dụng lửa để đốt tổ ong giúp thu về tổ ong còn nguyên. Nhằm đảm bảo an toàn, người ta dùng lá cây hoặc nhiều thanh đóm được bó lại, buộc chặt vào đầu cành cây, chiếc gậy dài sau đó châm lửa và đưa lửa lại gần tổ ong. Theo phản xạ bầy ong sẽ bay hết khi gặp phải hơi nóng và khói. Khi đó, người dân nhanh chóng lại gần lấy tổ ong còn nguyên vẹn, trước khi bầy ong quay trở về tổ. Ngay cả khi lấy nhộng ong từ trong tổ cũng phải hết sức cẩn thận và cảnh giác, vì nhiều trường hợp con ong đã đủ tuổi trưởng thành từ trong tổ sẽ bay ra và đốt người nếu sơ xuất. Sau khi lấy hết những con nhộng từ trong tổ, cần sơ chế ngay các món ăn để đảm bảo tươi ngon, vì nếu để ở môi trường bên ngoài, những chú nhộng ong sẽ hỏng rất nhanh. Nếu như những chú nhộng dâu tằm có màu vàng, nhộng to và căng tròn đều nhau thì nhộng ong rừng có màu trắng nõn, trắng sữa, hoặc hơi ngả vàng, kích cỡ các con nhộng thường không đồng đều nhau. Người Tây Bắc chế biến nhộng ong thành các món ăn độc đáo: Nhộng ong chiên lá chanh, nhộng ong ướp nướng trong ống tre, nhộng ong ướp gói lá nghệ nướng, nhộng ong cuộn lá lốt, tuy nhiên thông dụng nhất là món nhộng ong xào măng chua lá chanh hoặc xào nghệ. Vị ngon, béo ngậy của nhộng ong, kết hợp với vị chua chua, giòn giòn của măng đã được ngâm công phu, cộng với đó là mùi thơm từ lá chanh, khiến ai từng ăn khó lòng nào quên. Có dịp đến Tây Bắc từ tháng 4 đến tháng 9, muộn nhất là tháng 10, bạn đừng bỏ lỡ món ăn đặc sản này.
Sâu chít điện biên
Đây vốn là loại côn trùng sống trong thân cây chít. Để biết cây nào có sâu chít, người thu hái sẽ lựa chọn những cây có dấu hiệu bệnh, không thể ra hoa (đó chính là cây đã bị ấu trùng ký sinh). Người dân bắt sâu chít bằng cách “chẻ” đôi ngọn chít để moi sâu ra. Những con sâu chít tươi rói có màu trắng sữa, căng mọng sau khi được lấy ra thường được thả trong chậu rượu nhạt. Thứ rượu ấy sẽ giữ cho sâu không bị biến chất. Ngoài cách sử dụng phổ biến nhất là ngâm rượu uống, sâu chít có thể sao khô, nấu cháo. Số liệu khảo cứu cho thấy loài “đông trùng hạ thảo” có hàm lượng protein chiếm 25-32% trong cơ thể, trong đó có 6 axit amin, còn sâu chít cũng có hàm lượng protein tương đương nhưng thành phần axit amin được xác định lên đến 17/20 loại cần cho cơ thể. Vì vậy, ở Điện Biện và các vùng Tây Bắc hiện nay rượu sâu chít và thịt sâu chít là những thứ được tiêu thụ mạnh cho khách miền xuôi.