HƯỚNG DẪN đi Thạch Động Hà Tiên - Khám Phá sự tích Thạch Sanh
07/12/2024 6454
Có bạn nào muốn biết hang động năm xưa Thạch Sanh giết đại bàng tinh cứu công chúa ở đâu không? Ngày nay, về Thạch Động- Hà Tiên (Kiên Giang) mình sẽ kể tiếp cho bạn nghe câu chuyện cổ tích Thạch Sanh- Lý Thông, tại hang động nơi Thạch Sanh năm xưa giết chết đại bàng cứu công chúa Quỳnh Nga, để hang động này có thật không hay chỉ là sản phẩm của cổ tích.
Thạch Động nằm ở đâu ?
Thạch động thuộc xã Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên. Nằm cách thành phố Hà Tiên 3km về hướng Tây Bắc. Từ Thạch động có thể nhìn thẳng sang nước bạn Campuchia.
Đứng từ phía xa có thể thấy được Thạch động là một khối đá vôi khổng lồ sừng sững cao hơn 50m, trên vách đá có một hình dạng khuôn mặt do tự nhiên tạo tác đầy huyền bí.Thạch động nằm trong top 10 cảnh đẹp không thể bỏ qua khi đến Hà Tiên, từng xuất hiện trong tập thơ Hà Tiên Thập Cảnh nổi tiếng của Mạc Thiên Tích với tên tiếng Hán là Thạch Động Thôn Vân có nghĩa là động đá nuốt mây.
Sở dĩ có tên gọi như vậy là do cảnh tượng thiên nhiên buổi sáng mây thường bay là là trước miệng hang giống như cảnh động đá đang nuốt chửng từng cụm mây trời.
Bên trong Thạch động có gì?
Bước vào bên trong Thạch Động là một hệ thống hang động đá vôi vô cùng kỳ ảo với nhiều hình thù kỳ thú, bằng trí tưởng tượng của mình bạn có thể nhìn thấy được hình ảnh: đầu chim đại bàng, công chúa Quỳnh Nga, ông Tiên...Bên trong Thạch động cũng là nơi toạ lạc chùa Tiên Sơn cổ kính được xây dựng từ năm 1790 thờ Phật Thích Ca và Quan Thế Âm Bồ Tát.
Sự tích Thạch Sanh tại Thạch Động
Điều đặc biệt nhất ở Thạch Động có một con đường được người dân truyền tai nhau gọi là đường xuống Địa phủ, thực ra đây là một cái giếng sâu. Bên trong giếng chứa một cái hang rất sâu.
Theo truyền thuyết người dân địa phương kể lại, thì chiếc hang này là nơi mà chim Đại Bàng tinh đã nhốt công chúa Quỳnh Nga và công chúa Thuỷ Tề. Thạch Sanh đã lần theo vết máu của chim đại bàng để đến đây.
Từ thời ông Mạc Thiên Tích, dân địa phương truyền tai nhau là ông đã cho người xuống để khám phá độ sâu của cái hang, người lính được cử đi khám phá thấy hang rất là sâu không biết là dẫn đến đâu, sợ quá nên đã quay lên bẩm báo lại là chỉ nghe tiếng sóng thôi chứ không thấy lối ra. Đây có lẽ là giải thích cho con đường ngày xưa Thạch sanh đã đi xuống biển gặp vua Thuỷ Tề, biết đâu người lính năm xưa ráng đi thêm chút nữa sẽ đến được thuỷ cung gặp vua Thuỷ Tề giống Thạch Sanh rồi sao.
Các dấu tích còn lại tại Thạch Động
Điều thứ hai là người dân địa phương đã khám phá hang bằng cách khắc chữ vào những trái dừa khô và thả xuống hang. Một thời gian sau những người đi biển ở vùng Hà Tiên, Phú Quốc đã lượm được những quả dừa khắc chữ.
Sau này có những nhóm người đã thử xuống hang khám phá, nhưng một đi không trở lại. Chính vì sự tò mò của người dân, độ sâu của hang và rất những nguy hiểm chực chờ, nên cửa hang đã được lấp và xây lại thành miệng giếng từ năm 1960 giống như chúng ta đang thấy.
Từ đường xuống địa ngục, len lỏi theo những vách đá về phía Đông, sẽ có một cửa hang thông thiên, khi ánh sánh rọi xuống người xưa gọi nơi này là Đường lên trời.
Sở dĩ vì gọi là đường lên trời bởi trước đây có một sợi dây rừng kéo dài thẳng từ miệng hang xuống dưới đáy. Tương truyền là sau khi cứu công chúa Quỳnh Nga từ đường xuống địa ngục lên, sẽ buộc công chúa vào dây rừng và Lý Thông ở bên trên sẽ kéo thẳng lên, sau đó Lý Thông đã dùng đá lập cửa hang lại để Thạch Sanh không lên được.
Thăm quan Thạch Động
Ngày nay do khách tham quan thấy hiếu kỳ, cứ nắm kéo sợi dây, lâu ngày nó khô, mục và đứt. Tác hại của việc tham quan thiếu ý thức đó các bạn.
Thiên nhiên như một người viết sử trung thành đã viết lên cho vùng biển Hà Tiên những câu chuyện cổ tích sống động gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ. Hy vọng các bạn sẽ có cơ hội đến vùng đất này để được nghe nhưng câu chuyện kể hấp dẫn và chân thật.