Đức Ngô Minh Chiêu là vị đệ tử đầu tiên của Đức Cao Đài Thượng Đế. Ông đứng đầu một nhánh Đạo của Cao Đài giáo, Nội giáo Tâm truyền, chuyên lo tịnh luyện tu đơn (còn gọi là Chiếu Minh), Ngài đã đắc Đạo vào hàng Đại Tiên, để lại nhiều sự kính mến và ngưỡng vọng. Các Hội Thánh nhánh Phổ độ, nhiều nơi cũng thờ Ngài trên Thiên Bàn. 

Bài viết này nhằm khắc họa lại vài nét về con người, về nhân cách sống của Ngài Ngô Văn Chiêu khi còn sanh tiền, kể cả thời gian Ngài chưa biết Đạo. Nói theo giáo lý Cao Đài đó là phần Nhơn đạo của Ngài.Chủ ý cho thấy Ngài Ngô cũng sinh ra và lớn lên như một con người bình thường, và cuối cùng Ngài trở thành một nhân vật phi thường. 

Là Một Con Người 


  Ngài Ngô Văn Chiêu sanh ngày mồng 7 tháng giêng năm Mậu Dần (08–02–1878) tại Chợ Lớn. Cuộc đời Ngài lúc nhỏ khá gian truân. Cha mẹ nghèo, cuộc sống không ổn định, nên đến 28–02–1878 mới khai sanh Ngài tại làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, Mỹ Tho. Đến năm Ngài 6 tuổi, cha mẹ Ngài đi làm ăn xa, phải nhờ người cô ruột tên Ngô Thị Đây bảo bọc nuôi dưỡng Ngài. 

ngo-van-chieu-dao-cao-dai-1

  Năm 12 tuổi, Ngài Ngô có một quyết định chín chắn, đặc biệt là mạnh dạn tự tìm đến nhà ông Đốc phủ Lê Công Xũng (1853 – 1920) (có một mối quen biết nào đó với gia đình Ngài) nhờ chỉ bảo và giới thiệu vào học nội trú Collège de My Tho (nay là trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu). Vài năm sau, Ngài lên Sài Gòn học tiếp trường Chasseloup Laubat (nay là Lê Quý Đôn) đậu bằng Thành Chung vào năm 21 tuổi. Ngày 23–3–1899, Ngài Ngô được bổ nhiệm làm việc tại Sở Tân Đáo, Sài Gòn.

Ngay khi có việc làm, nhận được những tháng lương đầu tiên, Ngài Ngô lập tức viết thơ ra Hà Nội mời cha mẹ về Sài Gòn để Ngài phụng dưỡng, không phải đi làm công cực khổ. Ngài mướn một ngôi nhà gần sở làm để tiện đi về săn sóc song thân. Hiếu thảo là nhiệm vụ của con cái nhưng thời nào cũng vậy, xa mặt hay cách lòng, từ nhỏ Ngài đã không sống gần cha mẹ, hầu hết đơn thân tự lập, lòng thương cha mẹ hư Ngài cũng không nhiều người làm được.

Ngài Ngô Minh Chiêu cũng đã từng lập gia đình

Cũng như bao nhiêu người khác thời ấy, sau khi thành tài (đậu Thành Chung) thì tính chuyện lập gia đình. Ông Đốc phủ Xũng tỏ ý muốn gả con gái cho Ngài. Nhưng tự xét bản chất của hai gia đình và với đức tánh an phận, Ngài Ngô đã không dám nhận lời đề nghị đó. Lúc ấy, việc từ chối có lẽ khá khó khăn vì Ngài đã từng thọ ơn trọng của ông Đốc phủ Xũng.

[ Theo lời bà Trương Phụng Hảo (nữ nghệ sĩ nhân dân Phùng Há) do bà có một thời làm vợ ông Lê Công Phước (Phước George, Bạch Công Tử), bà cho biết ông Đốc phủ Xũng có 2 người con gái tên Lê Thị Quyên (Madeleine, con một) và Marie (con nuôi); Phước George là con ông với bà vợ sau.

Về việc này, nói theo người đạo chúng ta, khi quyết định như vậy Ngài Ngô đã tự tránh được việc phải gánh một phần nghiệp quả của ông Đốc phủ Xũng (mà theo lời bà Phùng Há, gia sản của ông Đốc phủ khởi đầu do bất chánh mà có).

Rồi Ngài Ngô lập gia đình với bà Bùi Thị Thân (buôn bán tại chợ Mỹ Tho).

Về phía ông Đốc phủ Xũng chắc rằng đã nhìn thấy được bản chất tốt đẹp của chàng thanh niên họ Ngô nên muốn chọn làm con rể trong nhà. Tiếc cho ông là đã không tìm được chàng rể quý.

>>> Xem thêm : Lễ vía đức Chí Tôn đạo Cao Đài

Đối với thân hữu, bạn bè, Ngài đã đối xử trọn tình hòa ái. Điều này được thể hiện qua tình cảm của những người bạn dành cho Ngài. Năm 1920, khi chuyển công vụ từ Tân An đi HàTiên, nhiều người nuối tiếc bịn rịn làm thơ tiễn biệt, xin trích một đoạn bài chúc của hai ông Trần Phong Sắc và Cao Văn Lỏi, như sau:

“Nay Trưởng Tòa đãi tiệc,

Đưa quan Huyện lên đường.

Nhóm bạn vàng đủ mặt hiền lương,

Dùng lời chúc đưa người phước đức.

Từ thi đỗ ông lên quan chức, [Năm 1917, Ngài Ngô Văn Chiêu thi đậu Tri Huyện lúc đang làm tại Tòa Hành Chánh Tân An (từ 01–5–1909).]

So tánh thường người ở trung dung.

Tổng làng cảm cảnh không cùng,

Há phải quan yêu thì bạn ghét,

Dân chúng kính thương chi xiết,

Thiệt là gần mến lại xa trông.

Tánh thanh liêm giữ mực chí công,

Lòng trung hậu vẹn câu chỉ tín…[ Trang 13, quyển Lịch sử Quan phủ Ngô Văn Chiêu.Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo – 23 ]

Những lời trong bài chúc này đã nói rõ tánh tình Ngài và sự thương mến của thân hữu, khi chia tay người bạn họ Ngô.

Qua một số khía cạnh trong cuộc đời của Ngài Ngô như vậy, cũng đủ để chúng ta thấy rõ Ngài đã trải qua phần nhơn đạo của mình một cách rất toàn vẹn, rất tốt đẹp. Đó là nhiệm vụ vi nhơn.

Nhưng nghiên cứu về cuộc đời của Ngài Ngô, càng suy nghĩ, chúng ta sẽ nhận thấy thêm nhiều chi tiết còn sâu sắc hơn; cónhiều điều Ngài đã làm và làm một cách tự nhiên, không phải do bị bắt buộc trong bổn phận. 

Một Nhân Cách


Thông thường, nhân cách được dùng để chỉ tính cách, phẩm giá tốt đẹp của một con người. Chữ cách ở đây còn có nghĩa: “lấy lòng thành làm cho người ta cảm phục.”

Nhiều nét đặc biệt tạo nên nhân cách của Ngài Ngô Văn Chiêu, cả trong gia đình và ngoài xã hội.

ngo-van-chieu-dao-cao-dai-2

Ngài Ngô Văn Chiêu ngoài xã hội

Phần này xin trích một số câu chuyện nơi trang 116 quyển “Lịch sử Quan phủ Ngô Văn Chiêu”, vì những vị viết nên quyển tiểu sử này sống cùng thời với Ngài nên biết rõ.

Câu chuyện về ngài Ngô Minh Chiêu 1

“Cómột hôm Ngài đi khuya, cỡ 12 giờ mới về tới nhà thì gặp một tên trộm đang đào ngạch nhà mình. Lính vào đòi bắt đem đi nhốt, Ngài không cho, rồi kêu tên trộm vào giảng giải lời phải lẽquấy, đoạn cho tiền và bảo thôi đừng làm nghề này nữa, lựa nghề khác mà sinh nhai. Lấy số tiền này làm vốn buôn bán mà sống. Ít tháng sau, nhà Ngài lại cũng xảy ra một vụ như vậy nữa. Ngài cũng giải quyết như trên. Dân chúng trong hạt đồn đãi đức độ của Ngài, người người đều cảm xúc. Và từ đó về sau nhà Ngài không hề có trộm viếng nữa.”

Câu chuyện ngài Ngô Minh Chiêu  2

“Ngày 30 Tết là ngày chót của năm, nhà nhà, giàu cũng như nghèo đều lo mua sắm đặng có cúng rước ông bà theo tục lệ. Cỡ 11 giờ trưa rồi, Ngài đi rảo một vòng ngoài chợ, thấy chú bán bông còn ngồi rũ rượi, mấy chậu bông bị lựa tới lựa lui ủ xào hết, Ngài biết không bán được nên không có tiền về rước Ông Bà. Ngài lại hỏi qua loa rồi trả mua hết ráo, kêu xe kéo về nhà, và bảo với mấy người con: Con không biết chớ Ba mua là có ý giúp cho người ta chút tiền để mua sắm mà cúng Ông Bà, chớ Ba dư biết ở nhà chúng con đã mua rồi.”

Ngài Ngô Văn Chiêu trong gia đình

Về nhân cách của Ngài Ngô, phải nói đến nghĩa vợ chồng. Lập gia đình năm 1900 với bà Bùi ThịThân, sinh người con đầu năm 1901, đến người con út năm 1920, Ngài có tất cả 9 người con (hai người đầu mất sớm, nên còn 7, 2 gái 5 trai), Kể rõ như vậy để thấy rằng Ngài là một người có sức khỏe bình thường, có thể nói là tốt.

Điều đáng nói ởđây là đạo đức của Ngài: làm công chức chánh ngạch, lương hướng rất khá, cónhiều điều kiện giống như bạn bè đồng thời là sa vào “tửu sắc tài khí” (rượu chè, sắc đẹp đàn bà, cờ bạc và hút thuốc phiện), trong đó đặc biệt là chữ“sắc” và chữ “khí” (á phiện được chính phủ Pháp cho phép).

Hơn nữa là giai đoạn từ 1920 (năm Ngài 42 tuổi), Ngài rời vợ con đi làm chủ quận Hà Tiên, và sau đó là PhúQuốc. Lúc ấy vợ Ngài ở nhà có thai người con út được ba tháng (ông Mười Minh sanh ngày 09–9–1920). Một thân một mình làm ăn xa, lương bổng dồi dào, chức quyền cao trọng, thế mà Ngài không hề dính dây đến việc thê thiếp, cả tửu sắc tài khí không vướng vào món nào. Điều này là vượt trên bình thường! Ngài làm gương mẫu đạo đức cho con cháu trong gia đình và nhất là cho tất cả hàng đệ tử của Ngài về sau.

Đối với việc giáo dục con cái, Ngài lấy chính cách sống của mình ra để làm gương. Xin dẫn một thí dụ cụ thể: Cuối năm 1924, lúc này Ngài Ngô đã chuyển công tác trở về làm việc tại Sài Gòn (gia đình vẫn còn ởTân An) trong chức vụ một Tri phủ với lương tháng 140 đồng (nếu quy theo giá gạo, khoảng ở mức 25 đến 30 triệu đồng/tháng hiện nay). Có tiền nhưng Ngài sống rất thanh bạch, mặc đồ vải rẻ tiền, lại ít may đồ mới. Xin trích một đoạn thư của Ngài từ Sài Gòn gởi vềcho con gái (12–10–1924):

“Ba muốn hai cái áo vải trắng dài, Chúa nhựt tới về lấy, và ba đem về áo quần của cô Ba Lang may cho ba mấy năm nay đã hư hết, đặng cho bây nhiếp lại. Coi theo cái cũ ở nhà mà may. Gói đồ sịt sạt hết. Như má bây có dư tiền thì may cho ba một cái áo và một cái quần châu sa trắng, thứ rẻ tiền, để dành đi chơi. Còn 2 cái áo trắng dài nói trước để cúng mà bận.”

Quan phủ mà áo quần sịt sạt hết, phải nhiếp lại mặc tiếp, còn may đồ mới mặc đi chơi thì chọn vải rẻ tiền thôi. Tiếp đó, Ngài có lời dạy con rõ ràng hơn:

“Ba nghèo lắm, không còn đồng nào hết, tiền trong kho để dành cho chúng bây, phải biết tiện tặn mà ở đời cho khỏi tiếng xấu hổ, áo vải mà no bụng khỏi bị ai kêu réo đòi nợ là tốt trong đời… giữ mình cho khỏi tiếng ấy dầu chết rồi cũng thơm danh.”

Trước đó, khi đang làm chủ quận đảo Phú Quốc, ngày 31–8–1923, Ngài viết thư về cho các con, ngay ở lời mở đầu, Ngài đã dạy:

“Cha mừng cho con Lợi biết khôn khéo mà thay quyền cha mẹ đặng lo cho trong nhà và em lớn nhỏ. Cha khuyên các con đều lành hoài hoài, ngay thật, đừng mua cân già mà bán cân non, pha đồ xấu mà nói đồ tốt. Trong việc buôn bán như vậy tội nhiều lắm, dầu có làm giàu đi mấy cũng phải mạt, mà chết rồi linh hồn phải còn tội lỗi nữa…”

Từ chiếc áo cũ, từ lời khuyên con nhẹ nhàng (Cô Tư Lợi lúc ấy mới 19 tuổi, con lớn nhứt trong nhà)… cũng đủ để cho thấy nhân cách lớn nơi Ngài Ngô Văn Chiêu như đã có sẵn từmọi ngóc ngách cuộc sống. Tiền bạc códư Ngài mở sổ tiết kiệm cho mỗi đứa con để dùng vào việc học trong tương lai, và luôn nhắc nhở con từ nhỏ, phải kiếm sống bằng công sức và lòng chơn thật với mọi người.

Đoạn khác, trong bức thư trên Ngài viết:

“Các con nhớ lời cha dạy ăn ở hiền lành, buôn bán ngay thật, không sanh chuyện với ai, cứ củi lục làm ăn (…). Các sự nhịn thua người là phép Thần Tiên dạy đời đời, xưa tới nay mấy muôn năm rồi, không phải mới.

Nước này không chịu nước kia thì sanh giặc giã hại người, ruộng rẫy bỏ hoang. Nhà này không chịu nhà kia thì xin kiện thưa, hết của, người rầu mang bịnh, giàu biến nghèo, việc lớn việc nhỏ cũng đồng vậy…”

ngo-van-chieu-dao-cao-dai-3

Cuộc đời quan chức của Ngài Ngô Văn Chiêu, với con đường thăng tiến thật đẹp: Năm 21 tuổi (1899) đậu Thành Chung, được nhận làm Thơ ký tập sự ngay, vào chánh ngạch năm 1901, lên ngạch và lên lương các năm 1904, 1908, 1910, 1913, 1916. Đậu Tri huyện năm 1917, lên Tri huyện hạng I năm 1920, lên chức Tri phủ năm 1924, lên Đốc phủ 1926 (chức phẩm cao nhứt mà người Việt có thể đạt đến trong chế độ thời bấy giờ)… Thế nhưng, qua đến 1931, năm Ngài 53 tuổi, Ngài Ngô từ nhiệm để chuyên lo việc tu hành. Trên thực tế, ở vào tuổi và địa vị này hầu hết mọi người đều lo hưởng thụ. Ngài thì lại khác người, ra Phú Quốc làm chủ quận – như vua của một vùng – Ngài lại xem như mình bị đi đày xa xứ. Trong bức thư từ Phú Quốc gởi cho con gái kể trên, có đoạn Ngài viết:

“Các con ngẫm nghĩ mà xét lại, cha bị đày gần trọn bốn năm rồi, các sự rủi ro trong nhà, tai nạn, các con đều qua khỏi hết, đến đâu có quới nhơn phò trì, có người thương xót, vậy là phước rồi…”

Ngài không hề cho rằng sự nghiệp quan chức là trọng mà coi đó là bị đày để trả nợ kiếp phù sinh, và nhờ tu hành nên gầy được nghiệp lành cho gia đình con cái. Cách suy nghĩ này thật lạ. Tâm lý hạ mình như vậy đi suốt con đường đời của Ngài, từ lúc chọn vợ đến làm việc, sinh hoạt… qua một số câu chuyện cụ thể đã nêu.

Cuộc đời ngày Ngô Văn Chiêu


Một phần câu chuyện về nhơn đạo của Ngài Ngô Văn Chiêu là như vậy, chắc chắn còn nhiều điều khác chúng ta chưa hiết. Nghiên cứu cuộc đời của Đức Ngô, chúng ta sẽt hấy xuyên suốt là cả một nhân cách lớn với đức tính khiêm nhường. Nhìn lại, cuộc đời của Đức Ngô rất rõ ràng, rành mạch: 20 năm đầu đi học, 20 năm kế báo hiếu, lập gia đình; 12 năm cuối ly gia cắt ái.

Đức Ngô đã hoàn thành tốt phần Nhơn đạo của mình. Công việc đó chỉ là nền tảng, không có không được, để tiếp nối một công việc khác to lớn hơn nhiều, đó là đường tu Thiên đạo. Nhờ có Thiên đạo, Đức Ngô mới đạt phẩm vị Đại Tiên.

Chúng ta đang có những điều kiện rất thuận lợi đểhành tròn Nhơn đạo và Thiên đạo như Ngài Ngô. Các thế hệ sau này, nếu đi theo đúng Tân pháp Cao Đài cũng sẽ được các điều kiện thuận lợi ấy, y như lời Ngài Ngô dạy các con mình: “Các sự rủi ro trong nhà, tai nạn, các con đều qua khỏi hết, đến đâu có quới nhơn phò trì”. Việc trả những món “nợ tiền khiên” nhờ vậy sẽ nhẹ nhàng bớt.

Hành đúng Tân pháp Cao Đài – công phu, công quả, công trình – chắc chắn mỗi người chúng ta đều cũng được phò trì như vậy.


Khách sạn đã xem