XE XÍCH LÔ - Phương tiện yêu thích nhất của khách nước ngoài khi đến Việt Nam
10/09/2024 23331
Xe kéo , xe xích lô như là 1 phương tiện nổi tiếng của các nước Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng . Đến thời điểm hiện tại xe Xích lô hay xe xich-lô vẫn được du khách nước ngoài đặc biệt yêu thích khi đến Việt Nam . Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những chiếc xe xích lô này nhé.
Xe xích lô là gì ?
Xe xích lô , tiếng pháp gọi là cyclo. Đây là loại xe có bộ phận cung cấp động lực nằm phía sau đẩy bộ phận chở khách ở phía trước di chuyển . Bộ phận cung cấp động lực ở đây có thể là sức người ( xích lô đạp ) hoặc động cơ ( xích lô máy) . Điều này trái ngược hoàn toàn xe lôi nhé các bạn . Hiện nay số lượng xe xích lô không nhiều , bạn sẽ chủ yếu gặp ở các thành phố lớn có đông khách như khi : đi du lịch Hà Nội , đi du lịch Sài GÒn hay đi du lịch Huế.
Trước khi tìm hiểu sâu hơn về xe xích lô tôi muốn các bạn tìm hiểu đôi nét về phương tiện của xích lô đó là xe kéo tay hay vẫn được gọi là xe kéo nhé.
Xe kéo tay ở Việt Nam ngày xưa
Trước hết là chiếc xe kéo tay hay xe kéo ngày xưa có tên nguyên thủy là "Jinriekishaw" nghĩa là người-sức-mạnh-xe. Có nhiều giả thuyết khác nhau về người đầu tiên phát minh. Có một nguồn tin cho rằng, chiếc xe kéo được chế tạo bởi ông già người Nhật bị liệt chân vào khoảng năm 1868. Một giả thuyết khác cho rằng, ông Akika Daicouke ở Tokyo chế tạo vào năm 1870. Một giả thuyết nữa được thuật lại bởi một người Anh nói rằng ông mục sư người Mỹ tên là Goble chế tạo vào năm 1867. Cho dù giả thuyết nào đi nữa, một thời gian ngắn sau có khoảng 42,000 xe kéo lưu hành tại Tokyo.
Sự phát minh xe kéo như là một cuộc cách mạng về vận chuyển thời bấy giờ. Vài năm sau nó được du nhập vào Tàu, bán đảo Ðông Dương, Mã Lai và được người dân bản xứ các nước này ưa chuộng. Từ ngày có sự xuất hiện xe kéo, những người nghèo có thêm việc làm và xe kéo hoạt động từ thành thị đến thôn quê. Theo thời gian, chiếc xe kéo đưọc cải tiến về cấu tạo như bánh xe được bọc vỏ cao su, đặt lò xo giữa bánh xe và ghế ngồi, trang trí cho dáng dấp thêm sang trọng...
Thời điểm đó những chiếc xe kéo như 1 phương tiện phổ biến để di chuyển phục vụ cho cả tầng lớp quý tộc và người nghèo.
Xích lô đạp
Trong khi xe kéo tay đang lưu hành phổ biến thì vào khoảng 1934 có sự đột biến trong phương tiện di chuyển. Đó là sự xuất hiện của xe xích-lô đạp tại Sài Gòn và số lượng xe tăng nhanh vào khoảng năm 1939.Còn tại Hà Nội xe xích-lô đạp vẫn chưa thông dụng. Xe xích-lô đạp từ Nam Vang (Phnong Penh, Campuchia) du nhập vào Sài Gòn. Xe xích-lô đạp được chế tạo bởi một người Pháp tên P.Coupeaid và lưu hành đầu tiên tại thủ đô Campuchia.
Có lẽ xe xích-lô đạp là tổng hợp về cơ học vận chuyển giữa xe kéo và xe đạp. Chiếc xích-lô đạp có 3 bánh xe, hai bánh trước và một bánh sau. Vị trí của 3 bánh xe tạo nên một thế vững chắc trên mặt đất khi di chuyển. Hai bánh trước có chức năng chịu trọng lượng khách ngồi và điều khiển xe dễ dàng khi quẹo sang trái hoặc sang phải. Với sự áp dụng kỹ thuật của xe đạp đã góp rất nhiều vào sự tiết kiệm sức lực dùng xe cũng như tăng tốc độ xe chạy. Về mặt cơ học vẩn chuyển, xe xích-lô đạp được thiết kế như mô hình xe đạp với 2 vòng bánh răng và dây xích, tại giữa những vòng bánh xe có ổ bi. Với những kỹ thuật mới này xe xích-lô đạp chạy qua mặt xe kéo và người thì dùng sức ít hơn.
Thời gian đầu lưu hành, người khách sợ nguy hiểm vì họ phải ngồi phía trước gánh tất cả mọi sự rủi ro. Sau đó người ta lại ưu chuộng vì độ an toàn và xe có thể chở hai người cùng với hành lý. Xe xích-lô nó không gây ồn ào như các loại xe có động cơ, nó giữ môi trường trong sạch so với xe ngựa cùng thời. Xe được phổ biến rộng rãi và lan truyền ra các tỉnh phía bắc. Người Việt Nam sử dụng xe xích-lô nhiều hơn xe kéo bởi lẽ với xe kéo người lao phu đứng phía trước, bao nhiêu sự khổ nhọc hành khách đều được chứng kiến. Ðối với xe xích-lô, người lao phu ngồi sau đạp, hành khách không cảm giác tội lỗi khi người lao động nghèo khổ bỏ sức lực ra đổi lấy sự sống.
Xe xích lô máy
Một thời gian sau, xe xích-lô máy xuất hiện do hãng Peugeot của Pháp chế tạo để chạy ở Sài Gòn, và sau đó tràn ngập qua Lào và Campuchia. Xe xích-lô máy được cải tiến mọi mặt và được trang bị động cơ. Người điều khiển loại xe này mang kính đen và đội nón. Họ là những người tương đối có địa vị trong xã hội bởi vì họ trực tiếp làm việc với kỷ nguyên máy móc. Khi đó người chạy xe xích-lô đạp bị khinh chê coi như là cu-li! Nguồn gốc xích lô (cyclo) do một người Pháp miền Charente tên là Coupeaud phát minh ra vào năm 1939.
Để quảng cáo cho phương tiện vận chuyển mới này, Coupeaud đã tổ chức một cuộc hành trình với chiếc xe chở khách chạy bằng 3 bánh từ Phnompenh tới Sài Gòn, với hai người đạp thuê đã thay phiên nhau đạp một mạch gần 200 km trong thời gian 17 giờ 23 phút. Số liệu thống kê cho biết, cuối năm 1939, Sài Gòn chỉ có 40 chiếc xích lô thì qua năm 1940, con số này đã là 200 chiếc. Tháng 2 năm 1941, tay anh chị khét tiếng Bảy Viễn cùng một người Pháp là Maurice lập công ty Mauvien (ghép tên 2 người) có 30 chiếc độc quyền ở khu vực Chợ Lớn….Từ đầu thập niên 1960, tại Sài gòn xuất hiện xe xích lô máy, với động cơ 2 thì và với những phụ tùng, linh kiện, động cơ của hãng xe mô tô Peugeot nhập từ Pháp, loại 125 phân khối, dùng xăng pha nhớt.
Nghề đạp xích lô
Trở lại với hiện tại ngày nay, chiếc xích lô máy không còn thấy lưu thông nữa, nhưng chiếc xích lô đạp và nghề đạp xích-lô vẫn còn lưu hành ở Hà Nội , Huế, TP. Hồ Chí Minh... Người đạp xe xích-lô ắt phải chịu nhiều đắng cay hàng ngày, phải dầm mưa phơi nắng, lướt qua gió bụi đêm ngày. Người đạp xích-lô chắc cũng tường tận chuyện phố chuyện phường, giá gạo lên xuống, công ty làm ăn thua lỗ, chủ hụi giựt nợ... Người đạp xích-lô như thể cái nhìn cái nghe trung thực trong một xã hội đầy những xáo trộn. Nghề đạp xích-lô là nghề không có địa vị và còn bị xã hội coi như là những người thấp kém. Nhưng cái nghề ấy vẫn mem theo lề của xã hội mà sinh tồn. Trong hoàn cảnh nghèo túng, lắm người đi vào nghề đạp xích-lô để lo cái ăn, cái mặc đang ùa đến.
Tại thành phố Sài Gòn vào những năm khó khăn 1980-1982, đội ngũ chạy xe xích-lô gồm mọi thành phần trong xã hội từ trí thức đến công nhân, nông dân hay người nghèo. Những ai không có việc làm chỉ cần bỏ ra một ít vốn nho nhỏ mua xe và đạp qua ngày. Có nhiều người đã chạy xe xích-lô trên 10 năm ròng rã. Tuy "nghèo" mới đạp xích lô, nhưng nghề đạp xích lô đảm bảo được cuộc sống của người đạp xích-lô. Thời gian hiện nay, trung bình người chạy xích-lô tìm được khoảng từ 6.000.000 đồng VN trong một tháng trở lên, tương đương với một người công nhân làm trong khu công nghiệp bình thường là 7.000.000 – 8.000.000 đồng trong một tháng. Đó là chưa kể đến trường hợp các anh chạy xích lô biết giao dịch tiếng Anh với du khách nước ngoài thường kiếm được trung bình tứ khoảng 15.000.000 đồng trở lên.
Ngày nay, ở các thành phố lớn tại Việt Nam, hầu như chỉ còn xích lô đạp chở khách du lịch nước ngoài là chính. Rất nhiều đường phố ở các thành phố đã cấm xe thô sơ lưu hành, trong đó có xích lô đạp. Nhiều người đã bỏ nghề xích lô, tìm nghề khác sinh sống, chạy xe ôm chẳng hạn. Bên cạnh đó, trong đời sống đã xuất hiện một loại hình xích lô: xích lô đạp chơi của trẻ con… Nói khác đi, mặc dù chưa được đưa vào Bảo Tàng, nhưng xích lô đã có những biến dạng phù hợp với cuộc sống hiện đại: xích lô đạp trở thành một món đồ chơi của con trẻ!
Tương lai cho xe xích lô tại Việt Nam
Nhu cầu xã hội ngày càng cao về thời gian cũng như về phương thức vận chuyển. Xe xích-lô không thể đáp ứng những yêu cầu này. Hơn nữa mỗi gia đình tại thành phố ít nhất cũng có một xe Honda và những dịch vụ xe taxi và xe buýt lần lượt ra đời. Có lẽ nghề đạp xích-lô đã bắt đầu đi vào một ngoặc cảnh mới - có tồn tại trong xã hội được hay không? Câu trả lời cũng khó mà đoán được bởi vì cũng nhiều người thích cái nhẹ nhàng khoang dung của chiếc xích-lô. Hầu như du khách nước ngoài nào lần đầu tiên đến TP. Hồ Chí Minh đều muốn đi xích lô cho … biết! Thế mới biết xích lộ đã nổi tiếng là một phương tiện di chuyển của du khách khi đến “hòn ngọc viễn đông” vậy.
Xe xích-lô có mặt mọi nơi, mọi thời gian, chứng kiến bao nổi thăng trầm của đất nước trong giai đoạn lịch sử Việt Nam hiện đại. Bóng dáng xe xích-lô giản dị tựa người Việt, xe xích-lô như hiện thân của cuộc sống người Việt hay đồng nghĩa với sự nghèo túng. Sự tiến hóa của xã hội đòi hỏi phải thay đổi xe xích-lô để xe hóa thân thành những phương tiện cực nhanh lao vào phục vụ xã hội, để người ta quên lãng "hình tượng" xe xích-lô kéo lê phía sau cái thực tế xã hội Việt Nam chậm chạp.