Bản Tả Van , một trong số ít các bản của người dân tộc miền núi tại Sapa mà ta có thể dễ dàng đến được. Tại Tả Van cuộc sống người dẫn vẫn rất bình dị , yên ả, không ồn ào và bị đô thị hóa như các bản khác. Hãy dành vài phút ngắn ngủ cùng Cuồng tìm hiểu về Tả Van cùng nét văn hóa của người dân tộc nơi đây nhé.

Bây giờ đi du lịch Sapa người ta cứ bảo Sapa bây giờ như thành phố rồi, rằng Sapa giờ đây đông đúc chật chội lắm. Đâu đâu cũng thấy cơ man là nhà hàng khách sạn, chẳng còn nét đơn sơ bình dị của những bản làng người dân tộc thiểu số với mái nhà tranh, với tường vách đất nép trong sương sớm trên sườn đồi, sườn núi nữa đâu.  Đấy là vì các bạn cứ loanh quanh trong khu trung tâm thị trấn Sapa nên chưa biết tới nhiều bản làng nguyên sơ dân dã của người dân tộc đó thôi.


     Nếu bạn đi thêm 12 km ra  ngoài thị trấn bạn sẽ đến được bản Tả van -một bản thuộc sapa lào cai. Khác với bản Cát Cát , bản Tả Van nằm xa trung tâm thị trấn Sapa nên còn cực kỳ hoang sơ., mang đậm nét sống của những người dân tộc miền núi nơi đây. Tới bản Tả Van bạn sẽ được hòa mình vào cuộc sống bình dị của các đồng bào dân tộc Mông, Dao đỏ và Giáy rồi. Bạn sẽ được trải nghiệm một cuộc sống tĩnh lặng, cách xa phố thị ồn ào đông đúc. Nếu đã đi du lịch Sapa và tìm kiếm khoảng thời gian sống chậm lại để tìm về chốn thanh thản trong tâm hồn, hãy vượt suối băng đường tới bản Tả Van bạn nhé!

Bản Tả Van Sapa nằm ở đâu?

sapa-tavan

Bản Tả Van thuộc xã Tả Van, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai. Như Cuồng vừa chia sẻ thì bản Tả Van chỉ cách thị trấn Sapa khoảng 12 km. 

Theo tiếng dân tộc Mông thì Tả Van có nghĩa là vòng cung lớn, do bản tựa lưng vào dãy núi Hoàng Liên Sơn và mặt trước là suối Mường Hoa uốn lượn.

Bản Tả Van là nơi tập trung sinh sống của đồng bào dân tộc Mông từ lâu đời, ngoài ra, còn có người Dao đỏ và người Giáy sinh sống. Nếu bạn muốn chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ đẹp của thung lũng Mường Hoa thì chắc chắn là phải tới thăm bản Tả Van rồi.

Hướng dẫn cách đi tới bản Tả Van Sapa

Cuồng biết là nhiều bạn đi du lịch Sapa thì thường thuê khách sạn tại trung tâm thị trấn Sapa, sau đó khởi hành đi tới các địa điểm du lịch Sapa như bản Cát Cát, thung lũng Mường Hoa, bản Tả Van. Do cách trung tâm thị trấn Sapa khoảng 12 km nên thường Cuồng thấy du khách thuê xe ôm, taxi hoặc xe con để tới bản Tả Van. 

Với các bạn đi du lịch Sapa tự túc, các bạn có thể nhờ khách sạn nơi mình nghỉ tại trung tâm thị trấn Sapa thuê giúp xe máy chở tới bản Tả Van. Hiện theo như Cuồng được biết, nhiều khách sạn tại Sapa đã có dịch vụ cho thuê xe và hướng dẫn chở du khách tới các điểm du lịch tại Sapa rồi. Bạn nào tay lái cứng, tự tin đi đường núi cũng không xi-nhê thì các bạn có thể thuê xe tự lái, tự lái có cái hay là mình được tự do, thích dừng lúc nào thì dừng, thích đi lúc nào thì đi đúng không nào. Bạn nào sợ lạc đường hay không tự tin lắm về kinh nghiệm đi đường núi thì các bạn có thể thuê xe ôm nhé. Tốt hơn hết là bạn nên thuê xe ôm vì Cuồng thấy đường hơi ngoằn nghèo và nhỏ, có nhiều đoạn gồ ghề nhiều sỏi đá khá khó đi.

sapa-tavan_9

Với các bạn đi tour du lịch Sapa trọn gói thì đơn giản hơn nhiều, các công ty tổ chức tour du lịch đã chuẩn bị sẵn phương tiện, tài xế và hướng dẫn viên chở bạn tới các điểm tham quan rồi.

Với các bạn muốn thuê taxi hoặc ô tô để đến bản Tả Van thì Cuồng xin mách nhỏ là bạn nên thuê ô tô dưới 16 chỗ nhé, vì xe ô tô lớn không được vào bản. Tuy nhiên, Cuồng vẫn thấy nhiều bạn chọn cách đi xe máy tới bản Tả Van hơn vì có thể thoải mái chụp hình hơn so với đi ô tô.

Cuồng sẽ hướng dẫn bạn đường từ trung tâm thị trấn Sapa tới bản Tả Van nha, trong trường hợp các bạn nào muốn tự mò đường. Từ thị trấn Sapa, bạn di chuyển qua phố Cầu Mây, men theo dòng chảy của con suối Mường Hoa là sẽ tới bản Tả Van. Từ phố Mường Hoa, bạn đi hết nội thành Sapa là sẽ tới trạm soát vé. Từ trạm soát vé này, bạn sẽ được hướng dẫn đường đi tới bản Tả Van. Đầu bản có cây cầu sắt màu đỏ bắc qua suối Mường Hoa dẫn vào bản Tả Van. Ngoài ra, ngày nay do nhu cầu phát triển du lịch, Sapa đã khai thác rất nhiều đường đi, mỗi đường lại rẽ vào một bản khác nhau nên với các bạn phượt thủ, các bạn thích mò mẫm đường đi thì các bạn có thể đi theo những lối dẫn vào bản khác nha.

sapa-tavan_10

Trên đường tới bản Tả Van, bạn sẽ đi qua rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng của Sapa như bãi đá cổ. Với những bạn chưa biết thì Cuồng xin giới thiệu qua về bãi đá cổ này nha. Khu di tích bãi đá cổ Sapa có diện tích khoảng 8 km vuông, được phát hiện vào năm 1925. Khu vực bãi đá cổ Sapa trải rộng với gần 200 khối đá, nhưng điều đặc biệt là những khối đá này có hình dạng vô cùng phong phú và độc đáo như hình bậc thang, con người, con đường, chữ viết. Ngày nay, khu chạm khắc cổ này đã được xếp hạng di tích quốc gia và là di sản độc đáo của người Việt cổ. Rất nhiều nhà khoa học cả trong và ngoài nước đã tới khu vực bãi đá cổ này nghiên cứu những chữ viết kỳ lạ trên các tảng đá mà vẫn chưa thể phát hiện ra nguồn gốc cũng như quá trình hình thành những tảng đá này đấy. Bãi đá cổ này nằm trong địa phận xã Lao Chải – một nơi có cảnh sắc núi non trùng điệp vô cùng đẹp mắt. Nên Cuồng nghĩ là trên đường đi tới bản Tả Van thì chưa tới đích, bạn đã la cà thăm thú ở bản Lao Chải hết cả ngày đường rồi. 

Cách cuối cùng để tới bản Tả Van là trekking, tức là đi bộ tới bản Tả Van. Cách này Cuồng thấy các bạn Tây ba lô áp dụng nhiều lắm nè. Dọc đường đi, Cuồng gặp các bạn ý đi bộ rất nhiều, tiện thể ngắm cảnh thung lũng Mường Hoa và chụp ảnh selfie thỏa thích luôn. Cách đi bộ này có hơi vất vả tí, nhưng trải qua bao khó khăn vất vả tới được đích đến mới bõ công chứ nhỉ. Đường giờ cũng dễ đi, trải nhựa tới trung tâm bản. Bạn có thể nhờ các cô gái H’Mông đi chợ Sapa để xin họ đi cùng về bản. Cuồng chắc chắn là khi vừa đi vừa trò chuyện cùng các cô gái dân tộc hiền lành chân chất, đường xa sẽ ngắn lại và bạn còn học hỏi được thêm rất nhiều điều về cuộc sống của người dân tộc nữa đấy.

Giá vé bản Tả Van Sapa

Một vài năm trước đây, để tham quan du lịch bản Tả Van thì du khách không hề mất vé. Cổng vào cũng không hề có kiểm soát chặt chẽ. Nhưng giờ đây, hầu hết các điểm du lịch Sapa đều thu vé vào cửa vì vậy bản Tả Van cũng không phải ngoại lệ. Mục đích thu vé tham quan bản Tả Van là để hỗ trợ đời sống cho bà con trong bản. Số tiền bán vé còn được dùng vào việc tu sửa và bảo trì đường xuống dưới bản. 

Đợt Cuồng đi du lịch Sapa vào đầu năm nay thì giá vé tham quan bản Tả Van là 75.000 VNĐ/ người lớn. Tuy nhiên cổng soát vẻ không nghiêm ngặt lắm, vào những hôm thời tiết xấu hay tầm giữa trưa thường không có người soát vé nên bạn có thể vào tham quan miễn phí, hoặc nhiều bạn đi taxi vào bản cũng không bị soát vé! Hoặc bạn có thể nói với các anh quản lý ở trạm soát vé là bạn vào bản Tả Van thăm nhà ông A, B, C… thì người ta cũng cho bạn vào thoải mái luôn.

Cùng vào bản Tả Van Sapa xem có gì nào?

  1. Ruộng bậc thang

sapa-tavan

Nhắc tới khung cảnh nổi bật của bản Tả Van thì sẽ là rất thiếu sót nếu bỏ qua ruộng bậc thang. Những thửa ruộng bậc thang do bàn tay lao động hàng bao năm của bà con dân tộc uốn quanh co trên các sườn đồi, sườn núi, trải rộng ra tít tắp tầm mắt tưởng như không có điểm rừng. Ruộng bậc thang cùng khung cảnh núi non trùng điệp, xanh ngát một màu đem đến cho bạn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Đứng tại nơi đây, giữa bao la đất trời, hít đầy buồng phổi không khí trong lành nguyên sơ của miền sơn cước, bạn sẽ có cùng cảm giác giống như Cuồng thôi, cảm thấy như mình được về một nơi chốn hoang sơ, nguyên thủy, chưa có sự tàn phá của nền công nghiệp, không có sự xô bồ ồn ã hối hả của chốn đô thị. Nếu bạn muốn được đi đâu đó mấy ngày, “vứt hết tất cả để mà đi”, muốn chạy trốn chỉ trong vài ngày thôi nhịp sống hối hả của thành phố để được sống chậm lại, được trở lại với chính con người mình thì bản Tả Van Sapa là một địa chỉ rất nên đến, Cuồng tin là như vậy. 

sapa-tavan_6

Bạn có thể đến thăm ruộng bậc thang tại bản Tả Van vào bất cứ mùa nào trong năm cũng đều có được những bức ảnh checkin để đời. Đến bản Tả Van vào mùa bà con dẫn nước vào ruộng, bạn sẽ thấy những thửa ruộng bậc thang như những tấm gương khổng lồ màu trắng bạc, soi bóng khung cảnh núi non trùng điệp. Đến bản Tả Van vào mùa hè, những thửa ruộng bậc thang lúa đương thì con gái xanh mát mắt. Mùa thu đến cũng là mùa vàng, mùa thu hoạch, mùa mà rất nhiều du khách tìm đường lên đến bản Tả Van để ngắm biển lúa vàng óng, chỉ nhìn thôi mà đã thấy đã con mắt và hứa hẹn về một mùa vàng bội thu. Chiều tà đến, nhìn lũ trẻ chăn trâu vắt vẻo trên lưng trâu ra về khiến Cuồng lại được bắt gặp một khung cảnh vô cùng quen thuộc ở các làng quê Việt Nam ngày xưa mà đã lâu lắm rồi Cuồng không còn được thấy. Nếu bạn đi bản Tả Van vào mùa xuân, bạn sẽ thấy những nếp nhà cổ xen lẫn với sắc hồng tươi của hoa đào và màu trắng của hoa lê, hoa mận. Bầu trời Tả Van với mưa bụi lẫn sương mù mang đến cảm giác mờ mờ ảo ảo, tưởng như lạc vào cõi mơ chứ không còn là cõi thực. Bản Tả Van vào mùa đông ngập trong tuyết trắng lại mang đến cho người ta cái cảm giác như lạc vào một chốn bình nguyên tinh khiết, không hề có chút vẩn đục.

 2. Nhà của người dân tộc thiểu số tại bản Tả Van

sapa-tavan_3

Ấn tượng sâu sắc khác của bản Tả Van đối với Cuồng là những ngôi nhà cổ nằm sát ven đường. Nói là cổ nhưng những ngôi nhà này được dựng rất đẹp, người dân sống sạch sẽ, gọn gàng. Một số ngôi nhà đẹp mà bạn nên đến chụp ảnh là nhà ông Hoàng Din, Lồ A Mục… nhà ông Lồ A Mục xây dựng vào năm 1934, quả là có tuổi đời từ rất lâu rồi phải không nào! Đây là ngôi nhà gỗ nền đất đặc trưng của người Giáy. Vào trong nhà, bạn sẽ thấy bàn thờ tổ tiên bằng gỗ pơmu, với kết cấu cổ xưa rất đặc trưng của người dân tộc. Khi đi du lịch, Cuồng thích được hòa mình vào với cuộc sống của người dân bản địa, được tìm hiểu về nơi họ ăn ở, về nề nếp sinh hoạt hàng ngày, về những phong tục tập quán truyền thống của người dân địa phương. Hãy đến với bản Tả Van, ngồi bên bếp lửa nhà sàn và nhâm nhi ly rượu ngô và nghe những người cao tuổi kể những câu chuyện xưa cũ về bản làng của họ, bạn sẽ thấy mình được mở mang thêm rất nhiều và có thêm nhiều hiểu biết đấy. 

 3. Khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp tại bản Tả Van Sapa

sapa-tavan_5

Đến với Bản Tả Van Sapa, bạn sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của vùng núi rừng Tây Bắc. Bạn sẽ được hòa mình vào tiếng suối róc rách, tiếng chim rừng thanh thót, trong trẻo và khám phá vẻ đẹp bình dị, mộc mạc của khung cảnh làng mạc nơi đây. Bản Tả Van ở Sapa đối diện với con suối Mường Hoa kì vĩ, dựa lưng vào núi, các nhà tại đây theo phong tục của cha ông xưa để lại đều quay mặt về hướng Đông Bắc để tránh xuôi theo dòng nước và không hướng mặt nhà vào núi.

 4. Trải nghiệm cuộc sống của người dân tại bản Tả Van Sapa

Nếu bạn đã quá “sợ” những điểm du lịch nơi đi tới đâu là có người theo sau chèo kéo mua hàng tới đấy, khiến bạn đi du lịch mà chỉ thêm rước bực vào người và không có thời gian để ngắm cảnh hay nghỉ ngơi thì hãy thử một lần đến với bản Tả Van Sapa. Người dân địa phương không hề làm du lịch Tả Van bị công nghệp hóa. Ngoài tạo ra chỗ ăn, cung cấp chỗ ở cho du khách du lịch, người dân bản Tả Van không hề làm du lịch màu mè. Cuộc sống của người dân vẫn diễn ra bình thường, sáng làm việc nương rẫy, tối về đan lát, dệt vải. Đối với người dân nơi đây, du khách như lữ khách hành hương ghé ngang, đến rồi lại đi. 

Dân bản Tả Van Sapa không quá hồ hởi, vồ vập khiến bạn khó chịu nhưng cũng chẳng hời hợt, vẫn đem lại cho bạn cảm giác thân thiện, chất phác thật thà và hiếu khách như chính bản tính của con người nơi đây vậy. Khi nghỉ ngơi tại các homestay ở bản Tả Van, bạn sẽ có cảm giác như đang ở chính ngôi nhà của mình vậy. Những người dân bản địa sẽ không can thiệp vào quãng thời gian nghỉ ngơi quý báu của bạn nhưng vẫn cung cấp cho bạn đầy đủ những bữa ăn ngon với đặc sản núi rừng và đầy đủ các phương tiện ăn ở để kỳ nghỉ của bạn được đầy đủ và thoải mái, tiện nghi nhất.

sapa-tavan_11

Khi đi trên các con đường tại bản Tả Van, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều em bé người dân tộc đi bán những món đồ thổ cẩm, những món đồ lưu niệm xinh xinh. Về giá cả thì không hề đắt chút nào, Cuồng mua một cái vòng tay chỉ có 10k, mua xong còn rủ các em ý chụp hình cùng vui ơi là vui. Đúng là vì ở khu du lịch nên kể cả các em còn bé xíu cũng bắn tiếng anh như gió luôn, Cuồng nghe các em nói mà nể luôn á.

Thêm một điều hay ho nữa là trên các con đường ở Tả Van, bạn sẽ bắt gặp vô số các chú lợn Mường đen có xoáy trắng trên đầu. chú nào chú đấy béo trục béo tròn, múp míp xệ cả bụng. Cuồng dừng lại thử xoa lông chúng mà chúng hiền khô chứ không dữ tý nào đâu, cứ nằm im tỉnh bơ cho Cuồng vuốt ve. Hay có lẽ ở khu du lịch, đông người lại qua nên chúng đã bạo dạn hơi người chẳng biết nữa.

 5. Checkin các homestay siêu đẹp tại bản Tả Van Sapa

sapa-tavan_4

Có lẽ tham quan một ngày tại bản Tả Van là chưa đủ và chưa đã, bạn cần tìm nơi nghỉ lại mấy ngày để có thể đi thăm thú hết những địa điểm thú vị Cuồng đề cập ở trên và để có thể tìm hiểu về cuộc sống của người dân bản địa nữa chứ. Vì thế, Cuồng sẽ giới thiệu cho bạn một vài homestay hay ho tại bản Tả Van. Giống như ở bản Cát Cát, bản Tả Van hiện nay mọc lên khá nhiều homestay để phục vụ nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Đi đến đâu bạn cũng có thể tìm thấy những nơi cho thuê chỗ nghỉ với biển homestay hoặc cho thuê ngủ qua đêm. Có thể nói là homestay mọc lên như nấm luôn. Vậy là bạn không còn phải lo đi chơi nhanh nhanh chóng chóng trong ngày rồi về thị trấn Sapa trước khi trời tối nữa nhé, cũng không cần lo ở bản thì không có chỗ ngủ luôn. Ở bản Tả Van giờ đã có cơ man là các homestay đẹp mà lại đầy đủ tiện nghi chăn ga gối mền cho bạn ngon giấc rồi. Mà giá cả thì lại vô cùng hạt dẻ, chỉ từ 50.000 – 100.000 VNĐ/đêm thôi, quá rẻ so với tại các khu du lịch nổi tiếng khác phải không nào.

Nếu bạn đi du lịch Sapa vào mùa cao điểm thì có thể gọi điện để đặt chỗ trước tại homestay tại bản Tả Van, nhưng theo Cuồng thấy việc này cũng không cần thiết lắm. Ở bản Tả Van có rất nhiều homestay cho bạn lựa chọn rồi, không cần lo cảnh màn trời chiếu đất đâu.

Một số homestay khá nổi tiếng hiện nay, được nhiều hotgirl checkin rầm rộ trên Facebook, tại bản Tả Van có thể kể tới như Tả Van Gỗ homestay, Tả Van Hill homestay, Tả Van Family homestay, Lá Dao Homestay…

Xem thêm chia sẻ về Sapa:

  6. Tạo dáng với những bộ trang phục của người dân tộc

Khi khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống của các thiếu nữ dân tộc, bạn sẽ có cảm giác mình như người bạn địa luôn. Bạn có thể thuê các bộ trang phục này và cùng bạn bè chụp ảnh giữa những thửa ruộng bậc thang hay bên những cây cầu cheo leo bắc qua dòng suối hay chụp ảnh cùng các em bé người dân tộc nhé.

 7. Mua sắm ở những khu chợ phiên

Với những bạn muốn mua đặc sản địa phương hay những món đồ lưu niệm xinh xinh về làm quà cho người thân hoặc bạn bè thì bạn hãy ghé thăm những khu chợ phiên. Ấn tượng của Cuồng về chợ phiên của người dân tộc là khung cảnh rực rõ sắc màu với những trang phục, những món đồ thập cẩm sặc sỡ, cảm tưởng như lạc vào rừng hoa vậy. Mỗi món đồ tại các khu chợ này đều mang phong cách rất riêng của các dân tộc vùng Tây Bắc mà chẳng nơi nào khác có được, đảm bảo bạn sẽ có được những món đồ độc lạ sau khi lùng sục các khu chợ này đấy.

  8. Hòa mình vào các lễ hội văn hóa của người dân tộc

Nếu bạn đi du lịch Sapa vào mùa xuân và ghé thăm bản Tả Van thì bạn sẽ được hòa mình vào các lễ hội truyền thống của người dân tộc. Còn gì vui hơn khi được hòa mình vào điệu nhảy rộn rã trong tiếng khèn, tiếng đàn môi, khèn lá của các chàng trai dân tộc. Đây còn là cơ hội rất tốt để bạn tìm hiểu về văn hóa, truyền thống, phong tục tộc quán vô cùng đặc sắc của các dân tộc anh em đấy. Ban đêm, nhiều người dân tộc đốt lửa trại, biểu diễn các tiết mục văn nghệ truyền thống như nhảy sạp, múa quạt, thổi kèn… Đảm bảo bạn sẽ không có cảm giác ở bản hẻo lánh thật cô quạnh hay gì đâu, không gian nơi đây vào buổi tối cực kỳ rộn rã và nồng ấm tình người luôn. 

 9. Tìm hiểu về bản Tả Van Giáy

sapa-tavan_2

Bản Tả Van Giáy là nơi còn lưu giữ được nhiều phong tục nguyên bản của người bản địa hơn các bản khác ở Tả Van. Bản Tả Van Giáy là ngôi làng cổ nhất ở Tả Van, nằm trong vườn quốc gia Hoàng Liên. Cuồng thấy rất nhiều bạn Tây balo chịu khó cuốc bộ đi rất sâu vào các bản làng nằm sâu trong bản Tả Van để khám phá. Bạn có thể tìm đường vào bản Seo Mý Tỉ nằm cách trung tâm xã Tả Van 14 km, nơi có hồ nước rất to và đẹp, còn lưu giữ được vẻ đẹp hoang sơ vì ít người biết tới luôn. 

Công việc chính của người Giáy là trồng lúa nên nếu muốn bạn có thể tìm hiểu về cách trồng lúa trên ruộng bậc thang, xem có khác gì với văn minh trồng lúa nước của người Kinh không nhé. Ngoài ra, người dân bản Tả Van Giáy còn có nghề làm trang sức từ bạc, làm các dụng cụ sản xuất thủ công đòi hỏi bàn tay tài hoa, khéo léo tỉ mẩn của người thợ. 

Bản làng của dân tộc Giáy ở Tả Van đã có lịch sử hình thành trên dưới 300 năm từ lúc người Giáy đầu tiên đến khai hoang lập bản. Làng có một số họ tộc khá đông như họ Sần, họ Vàng, họ Lù,.. trong đó theo các già làng thì họ Sần là dòng họ đến đây sớm nhất. Các họ tộc sống rải rác ở các làng, bản, mường dưới chân núi, cạnh các thung lũng, ven sông, ven suối, bao quanh đó là dân tộc Mông cùng sinh sống. Người Giáy cho tới ngày nay vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, tín ngưỡng và lễ hội của cha ông xưa để lại một cách nguyên vẹn.

 10. Checkin Cầu Mây ở bản Tả Van

sapa-tavan_7

Cây cầu từng gây sốt điên đảo trên các mạng xã hội và thậm chí vang danh ở cả nước ngoài là cầu Mây ở bản Tả Van. Từ xa xưa, người dân bản làng thường tạo ra các cây cầu vượt suối, bắc ngang sông để làm đường đi. Các cây cầu được kết bằng sợi dây rừng và các lát gỗ mỏng. Chính vì thế mà lấy tên là Cầu Mây. Ngày nay, hầu hết các cây cầu bắc qua suối dẫn vào bản đều được thay bằng cầu sắt để đảm bảo an toàn. Vì thế, cây cầu Mây hiếm hoi còn được giữ lại ở bản Tả Van là lý do khiến du khách tìm về chiêm ngưỡng và cho ra đời rất nhiều bức ảnh checkin thần sầu. Tuy nhiên, cây cầu này đã được làm từ lâu và khá khó đi nên bạn cần cẩn thận khi đi ra giữa cầu để chụp ảnh nhé, nhất là vào mùa mưa, các lát gỗ mỏng có thể trở nên trơn trượt. Tuy nhiên, cảm giác cheo leo chênh vênh trên một cây cầu dây bắc qua con suối cũng khá phiêu lưu mạo hiểm, đáng để thử đấy chứ phải không các bạn trẻ. 

Tại sao ở trên, Cuồng lại nói là cầu Mây ở Tả Van vang danh thế giới. Đó là nhờ một bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Mỹ là Skip Nall chụp cầu Mây Tả Van trong dịp đi du lịch Sapa cùng bạn. Bức ảnh cây cầu Mây cheo leo trong tiết trời mù sương đã được bày bán trong các cửa hiệu của hãng nội thất Thụy Điển IKEA và thu hút sự chú ý của rất nhiều người yêu du lịch trên thế giới. Rất nhiều du khách sau khi chiêm ngưỡng bức ảnh cây cầu Mây đã không quản ngại đường xá xa xôi, tới du lịch Việt Nam và Sapa, tìm đến bản Tả Van để được chiêm ngưỡng tận mắt cây cầu này đấy.

Thưởng thức đặc sản ở bản Tả Van Sapa

Các món ăn ngon sẽ khiến bạn quên lối về khi đến bản Tả Van là cá suối nướng Mường Hum, thắng cố thịt ngựa Mường Khương, thịt lợn cắp nách Bắc Hà và xôi nếp ngũ sắc Văn Bàn, những món ăn được chế biến từ ngô, nếp nương, tam giác mạch, thịt gà. Hiện du lịch tại bản Tả Van đã rất phát triển rồi, đi kèm với đó là rất nhiều nhà hàng, quán ăn ngon nên bạn khỏi cần lo lắng việc không tìm thấy quán ăn nhé. Đảm bảo khi rời bản Tả Van, bạn sẽ no căng bụng với các món đặc sản thơm ngon, ăn một lần là nhớ mãi của địa phương luôn.

1. Cá suối nướng:

cá suối Sapa có nhiều loại và điều đáng nói là không hề có vị tanh. Đi tour du lịch Sapa ăn cá suối chỉ việc nướng chín trên than củi, rồi ăn nóng ngay hoặc nướng qua, đem rán ròn rồi chiên với nước sốt cà chua cùng gia vị bột cà ri, bột hồ tiêu là trên mâm cơm đã có một món ăn ngon lành. Cá suối ở đây lớn cỡ 2-3 ngón tay. Cá thường có màu xanh để dễ ngụy trang khi lẫn vào những kẽ đá rong rêu. Cá suối nhiều xương nên người vùng cao chỉ chiên giòn để ăn cả xương lẫn thịt chứ không nấu riêu hay kho, hấp… Những con cá trong chảo mỡ, ngả sắc vàng ươm, tỏa hương thơm ngây ngất. Đầu cá bùi béo, giòn tan, lớp vảy mỏng sởn lên vì mỡ nóng, bên trong là lớp thịt thơm và ngọt, có thể nhai luôn cả phần xương cá giòn tan. Chấm cá trong mắm ngon pha chanh ớt, ăn với ngọn cải ngồng luộc chín tới và cơm nóng trong buổi tối Mường Hum lành lạnh, cảm giác thật tuyệt. Ngoài món cá chiên giòn, người dân địa phương còn mê món ruột cá suối chưng. Họ xem đó là đặc sản và là vị thuốc dân gian giúp đàn ông khỏe mạnh, phụ nữ trẻ trung. Người miền xuôi lên đây chẳng dám ăn ruột cá vì sợ “chột bụng”. Có lẽ vì vậy mà người bản địa, nhất là đàn ông, thiện cảm với du khách bởi vì họ nói: “Dân bản địa có khi đánh nhau chỉ vì ruột cá. Người miền xuôi không ăn món này thì thích quá!”.

2. Thắng cố:

sapa-tavan_3

Thắng cố là một món ăn phổ biến không thể thiếu của các dân tộc vùng Tây Bắc, đặc biệt là trong các phiên chợ của đồng bào dân tộc vùng cao. Thắng cố truyền thống ban đầu chỉ được nấu từ ngựa, sau được các dân tộc khác cải biến thêm thịt bò, trâu, lợn đồng thời sáng tạo ra nhiều loại nguyên liệu, công thức nấu khác nhau. Tuy nhiên, thắng cố ngon nhất vẫn là thắng cố ngựa ở vùng Bắc Hà, Mường Khương, Sa Pa - Lào Cai, quê hương của món ăn đặc sản Sapa độc đáo này. 

Nồi thắng cố truyền thống có thịt ngựa, lòng, tim, gan, tiết ngựa… và 12 thứ gia vị thảo quả, quế chi, sả, gừng và nhiều thứ gia vị gia truyền khác. Trong đó, cây thắng cố là gia vị thứ 12. Món thắng cố được chế biến khá đơn giản. Thịt và nội tạng ngựa được rửa sạch, ướp với các gia vị truyền thống. Rồi dùng một cái chảo lớn, cho tất cả thịt và nội tạng vào xào cho đến khi miếng thịt se se cạnh thì đổ nước vào chảo và cứ thế ninh sôi sùng sục hàng tiếng đồng hồ trên bếp than hồng rực. Các bộ phận như: lòng, tim, gan, tiết, thịt, xương, được cho vào sau cùng và đun nhừ, có thể cho thêm các loại rau.

Khi ăn, người ta sẽ múc nước dùng ra nồi lẩu, thái thịt ngựa bỏ vào. Các loại rau nhúng ăn kèm là cái mèo, ngồng su hào, cải lẩu… Gia vị chấm được làm bằng loại tương ớt đặc biệt ở Mường Khương có vị mặn, cay, nồng, khi ăn vào có tác dụng làm ấm người. Nội tạng ngựa khi chế biến sạch có vị rất thơm, ăn rất giòn và ngon. Vị đặc trưng của thịt ngựa, bùi bùi, ngòn ngọt hòa lẫn vào gia vị chấm thật không gì bằng.

3. Lợn cắp nách Bắc Hà

Những con lợn Cắp Nách được nuôi trong môi trường tự nhiên và thả rông, từ khi sinh ra đã được thả rông tự sinh sống trong vườn, tự đi kiếm rau dại, củ dại để ăn chứ không được cho ăn, tắm rửa, ngủ trong chuồng trại kiên cố như những chú lợn khác. Những chú lợn thường được nuôi thả trong vòng 1 năm, những con lớn nhất cũng chỉ nặng 20kg, không thì tầm trung bình cũng chỉ 10kg. Thịt lợn Cắp Nách rất săn chắc, ngọt , và đặc biệt ít mỡ, và thơm chứ không hôi như lợn được nuôi bằng cám tăng trọng. Cảm giác của Cuồng khi ăn thịt lợn cắp nách Bắc Hà là nó không ngấy như thịt lợn mán, và không bị khô do quá nạc như thịt lơn rừng, mỡ nhưng không ngán, nạc mà không xơ. Những món ăn tiêu biểu được chế biến từ Lợn Cắp Nách như là thịt nướng nguyên con, kẹp nướng than hoa v..v. Ngoài ra, nếu bạn muốn làm những món như xào, hấp, hay giả cầy cũng rất ngon. Lợn Cắp Nách chủ yếu được bán ở các phiên chợ vùng cao, nơi những người dân tộc thường tụ tập nhau và trao đổi hàng hóa vào cuối tuần. Khi quay thịt lợn cắp nách thì Cuồng mách bạn một mẹo là vừa quay vừa quét mật ong khắp thân lợn. Mật ong giúp cho thân lợn khi nướng không bị nứt ra và có màu vàng óng rất bắt mắt.

4. Gà bản nướng

Gà bản được người dân tộc nuôi thả, tự kiếm ăn ở các vùng đổi núi nên thịt dai, chắc. Khi đến Sapa, Cuồng có nếm thử món gà nướng tiêu chanh, món này là phải ăn bốc bạn nhé, miếng thịt gà mới ngọt, thơm và mềm làm sao, giờ nhớ lại mà Cuồng lại thấy thèm rồi đây. Khi ăn, bạn dùng tay xé một miếng thịt gà rồi chấm với nước sốt cay cay, thơm lừng, một cảm giác mới phê làm sao!


Một số lưu ý khi đi du lịch bản Tả Van Sapa

  1. Vì bản Tả Van nằm trên miền núi cao nên khi đi du lịch, bạn nên chuẩn bị quần áo ấm. Tả Van sẽ có nhiệt độ rất lạnh vào mùa đông, còn mùa xuân và mùa hè thì ấm hơn.
  2. Nếu bạn muốn ở lại tham quan bản Tả Van mấy ngày thì nên chuẩn bị trước chứng minh thư để đăng ký tạm trú.
  3. Ngoài ra, đường vào bản Tả Van khá quanh co nên nếu bạn nào có tiền sử say xe thì nên uống thuốc chống say hoặc lựa chọn phương tiện đi lại bằng xe máy nhé.
  4. Nếu bạn đi bản Tả Van vào mùa cao điểm du lịch thì nên book trước homestay nghỉ qua đêm nha.
  5. Do địa hình bản Tả Van đa phần là đồi núi, có nhiều sông suối, đường gập ghềnh khó đi nên các bạn nên đi theo nhóm, theo sát nhau để đảm bảo an toàn và kịp thời giúp đỡ nhau khi có sự cố xảy ra nha.
  6. Giá các món ăn ở đây cũng khá cao. Cuồng ăn một con gà nướng khoảng 2kg là 500 nghìn, một đĩa cá suối nướng là..,  nên với những bạn nào đi du lịch tự túc muốn tiết kiệm chi phí thì nên chuẩn bị đồ ăn mang theo hoặc quay về thị trấn để dùng bữa.

Các địa điểm tham quan gần bản Tả Van Sapa

1. Bản Lao Chải

sapa_2

Nằm cách thị trấn Sapa 7 km, bản Lao Chải cũng giống bản Tả Van, vẫn lưu giữ được những truyền thống từ bao đời nay của các cộng đồng người dân tộc.

2. Đỉnh Fansipan

sapa_3

Một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Rất nhiều bạn đi du lịch Sapa đều mong muốn chinh phục nóc nhà Đông Dương này đấy. Hiện bạn đã có một cách dễ dàng hơn để chinh phục đỉnh Fansipan nếu không muốn nhọc công leo núi đó là: đi cáp treo.

3. Nhà thờ đá

sapa_14

Nằm ở trung tâm thị trấn Sapa, mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp. Phía trước nhà thờ là quảng trường trung tâm, nơi diễn ra các phiên chợ Tình vào những ngày cuối tuần.

4. Bản Cát Cát

sapa_5

Được xem như bản làng đẹp nhất Tây Bắc cách thị trấn Sapa khoảng 3 km. Đây được xem là một trong những điểm đến nhất định phải ghé thăm khi bạn đi du lịch Sapa, nhiều khung cảnh cho view đẹp như những dòng suối mát lành, những cây cầu cheo leo và những cối xay nước dẫn nước về bản.

5. Bản Sín Chải

sapa

Cách thị trấn Sapa khoảng 5 km, rất gần bản Cát Cát. Các dịch vụ du lịch vẫn chưa phát triển nhiều ở bản Sín Chải nên nơi đây vẫn lưu giữ được khung cảnh hoang sơ, bí ẩn.

Như vậy là Cuồng đã review chi tiết cho bạn những kinh nghiệm khi Cuồng đi du lịch Sapa và tới thăm bản Tả Van rồi. Hy vọng, qua những giới thiệu của Cuồng, các bạn đã có thêm một địa điểm du lịch mới tại Sapa vì bản Tả Van là một trong những bản làng nhất định phải đến nếu bạn muốn đi thăm bản và tìm hiểu cuộc sống của người dân tộc tại Sapa đấy. Chúc các bạn có những chuyến du lịch Sapa vui vẻ và đáng nhớ.

Khách sạn đã xem