Review chi tiết bản Cát Cát Sapa - Ngôi làng đẹp nhất Tây Bắc
07/12/2024 57107
Khi đi du lịch Sapa và đã thăm thú chán các địa điểm quen thuộc như nhà thờ đá, núi Hàm Rồng ra rồi. Nếu bạn không biết đi chơi đâu nữa thì Cuồng xin mách bạn một địa điểm du lịch ngay gần thị trấn Sapa, vô cùng dễ đi mà còn cực nhiều những điểm chụp ảnh sống ảo tung chảo, văn hóa bản sắc phong phú, đặc sản ngon nức tiếng. Nơi nào mà thần kỳ đến vậy nhỉ? Đó chính là bản Cát Cát Sapa.
1. Bản Cát Cát Sapa ở đâu?
Từ trung tâm thị trấn Sapa, theo con đường hướng về phía núi Fanxipan khoảng gần 3km, bạn sẽ đến bản Cát Cát. Bản Cát Cát thuộc địa phận xã San Sả Hồ, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai, là nơi tập trung đông đúc đồng bào dân tộc Mông sinh sống. So với các bản làng khác như Tả Van, Tả Phìn thì Cát Cát là bản làng gần thị trấn Sapa hơn cả, chỉ cách có 3 km và dễ đi hơn cả. Chính vì thế nên Cát Cát thu hút rất đông khách đến tham quan trong chuyến du lịch Sapa của mình.
Sở dĩ bản có tên Cát Cát bởi vì đầu thế kỉ XX, người Pháp phát hiện ra vẻ đẹp tuyệt vời của nơi đây và chọn làm nơi nghỉ dưỡng cho các quan chức cấp cao. Người Pháp đặt tên cho nơi đây là Cát Cát bởi trong bản có một thác nước rất đẹp được đặt tên tiếng Pháp là CatScat.
Nằm ngay dưới chân núi Hoàng Liên Sơn, bản Cát Cát ẩn mình, e ấp dưới sự bao bọc của mẹ thiên nhiên. Cả một màu xanh của đồng ruộng, núi đồi bao trùm lên khắp bản, xen lẫn vào đó là những ngôi nhà nhỏ bé của những người dân sinh sống. Tất cả hòa quyện vào nhau, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tràn đầy màu sắc mà cũng không kém phần thơ mộng.
2. Hướng dẫn đường đi tới bản Cát Cát Sapa
Có 3 cách để bạn có thể di chuyển từ thị trấn Sapa tới bản Cát Cát: đi taxi, đi xe máy và đi bộ.
2.1 Thuê xe ôm
Nếu như bạn không có xe máy (Cuồng nghĩ trường hợp này là phần đông vì đa số các bạn thường đi tàu hỏa hoặc xe khách lên tới thị trấn Sapa) hoặc sợ lạc đường do lạ nước lạ cái, lần đầu đi du lịch Sapa thì có thể bắt xe ôm lên bản Cát Cát. Tại các địa điểm như trước cửa nhà thờ đá Sapa, bến xe Sapa luôn có rất nhiều xe ôm hoạt động. Chỉ mất khoảng 40,000đ cho một chiều hoặc 70,000đ cho hai chiều là bạn có thể đi đến bản Cát Cát rồi.
2.2 Thuê xe máy và tự đi
Nếu bạn muốn được chủ động và thoải mái khám phá cung đường lên bản Cát Cát vậy thì nên thuê xe máy. Với giá từ 80,000 đến 150,000đ là bạn có thể thuê được một chiếc xe máy trong một ngày rồi. Với những bạn có tay lái cứng và đôi khi muốn dừng lại ven đường, chụp ảnh sống ảo khi bất chợt bắt gặp cảnh đẹp thì thuê xe máy và tự đi sẽ rất tiện. Đường lên bản Cát Cát Cuồng thấy cũng không khó đi, nhiều sỏi đá hay gồ ghề như đường tới bản Tả Van hay Tả Phìn đâu. Cung đường cũng khá ngắn, chỉ 3 km nên Cuồng nghĩ với các bạn phượt thủ dày dạn kinh nghiệm thì chỉ là chuyện nhỏ như con thỏ.
2.3 Thuê xe đạp
Còn một sự lựa chọn nữa cũng khá thú vị mà bạn có thể trải nghiệm đó chính là đi bằng xe đạp. Quãng đường từ thị trấn Sapa đến bản Cát Cát chỉ khoảng 3 km và đường cũng không quá khó đi nên xe đạp là một sự lựa chọn khá lý tưởng. Rất nhiều các nhà nghỉ, khách sạn tại thị trấn Sapa có dịch vụ cho thuê xe đạp. Giá thuê thường sẽ rơi vào khoảng từ 120,000đ đến 150,000đ / ngày.
2.4 Và cuối cùng là đi bộ hay còn gọi là trekking
Cuồng thấy các bạn Tây balo toàn chọn cách này để đi từ thị trấn Sapa tới bản Cát Cát thôi. Dọc đường đi tới bản, Cuồng bắt gặp rất nhiều tốp các bạn Tây đi bộ tới bản Cát Cát. Đây là một cách rất hay để rèn luyện thể lực, tha hồ ngắm cảnh mà lại còn rất tiết kiệm, hoàn toàn free nữa chứ, không hề mất tiền đi xe ôm hay thuê xe đúng không nào!
Đi bộ là một lựa chọn không tồi chút nào vì trên con đường từ thị trấn Sapa tới bản Cát Cát, bạn sẽ bị hớp hồn bởi những khung cảnh đất trời bao la, hùng vĩ, một bên là những dãy núi cao trùng trùng, một bên là thung lũng Sapa thơ mộng, với những cánh đồng bậc thang bát ngát. Ngoài ra, vì đường tới bản nằm ở vị trí cao hơn nên bạn cũng có thể nhìn toàn bộ bản làng Cát Cát từ trên cao với những nếp nhà san sát nhau, hòa trộn cùng cỏ cây, hoa lá. Nếu có thời gian, bạn hãy ghé vào lầu ngắm cảnh ở ngay đầu bản Cát Cát để bắt được view toàn bộ bản làng từ trên cao nhé.
Cuối cùng, nếu bạn đi tour du lịch Sapa theo đoàn thì công ty du lịch sẽ chuẩn bị sẵn phương tiện đưa đón bạn tới các địa điểm du lịch tại Sapa rồi. Xe du lịch của các tỉnh hiện nay không thể di chuyển vào sâu trong bản, nên bạn sẽ phải đi bộ từ trên điểm đỗ xuống bản khoảng gần 1 km.
3. Giá vé tham quan bản Cát Cát Sapa
Khi xuống tới nơi, bạn phải mua vé, mỗi vé là 70k/người lớn, vé cho trẻ em là 30k. Đội ngũ kiểm duyệt vé rất chặt chẽ, không có một ai qua cửa mà không có vé. Từng bậc thang bằng đá tiếp bước chân giúp bạn đi xuống bản nhanh nhất.
Ở quầy bán vé có rất nhiều những tấm bản đồ. Bạn có thể lấy miễn phí và tấm bản đồ đó rất hữu dụng. Trên đó có ghi tất cả các điểm tham quan nổi tiếng ở bản Cát Cát và hướng dẫn đường đi – sẽ rất hữu dụng cho cuộc khám phá của bạn, nhất là khi bạn chưa biết đường và chưa tới bản Cát Cát lần nào.
4. Nên tới thăm bản Cát Cát Sapa vào mùa nào trong năm?
Câu trả lời là theo Cuồng mùa nào cũng được cả, mùa nào cũng có những thú vị riêng. Vào mùa xuân, bạn có thể chiêm ngưỡng cảnh hoa đào, hoa mận nở rực rỡ xung quanh bản, vô cùng kiều diễm, đẹp đến động lòng người. Đặc biệt, tại khu vực thác Cát Cát nổi tiếng trong bản, bạn sẽ có những bức ảnh selfie sống ảo cực đẹp bên dòng thác trắng xóa và bạt ngàn hoa rừng đua nở muôn hồng nghìn tía. Mùa hạ, mùa của hoa cải vàng tươi, trên nền xanh ngắt của cây cỏ sẽ khiến bạn vô cùng thích thú trước những cánh đồng hoa cải vàng tưởng như tít tắp tầm mắt.
Mùa thu với những cánh đồng lúa chín vàng rực rỡ, tiết trời se lạnh và những dòng thác chảy cuồn cuộn quanh đảo sẽ tạo nên một không gian thơ mộng, thu hút, lãng mạn. Mùa đông, bản Cát Cát đắm chìm trong băng giá và tuyết trắng. Đây cũng là điểm đến ngắm tuyết đẹp nổi tiếng tại Sapa hiện nay, với mây mù mờ ảo, tuyết phủ trắng xóa cả một vùng tạo nên một chốn tiên cảnh giữa nhân gian.
5. Tới bản Cát Cát Sapa rồi, cùng vào thăm quan với Cuồng nào!
Sau khi qua cổng dẫn vào bản Cát Cát, bạn sẽ đi qua một con đường lát đá để vào bản. Hai bên đường la liệt những hàng quán bán đồ thổ cẩm. Những người H’Mông họ rất thật thà, không dối gian, bán hàng không nói thách, mời chào rất bình thường, không quá nài nỉ như khu vực miền xuôi. Những câu mời khách đơn sơ, mộc mạc sẽ để lại ấn tượng cho bạn.
Từng bậc thang nối tiếp, dẫn xuống các chòi nhỏ. Tại đây, bạn có dừng chân tại đây để chụp ảnh, lấy toàn quang cảnh thung lũng từ trên cao. Dọc đường đi có nhiều ngôi nhà văn hóa, được bảo tồn, tái hiện sinh hoạt và cuộc sống thường ngày cho khách du lịch hiểu biết hơn về người Mông. Tất cả đều được làm bằng gỗ, lá, nền đất càng khiến bạn thấy hứng thú hơn với nơi này, tưởng như đang được bước vào một ngôi nhà thật sự của người dân tộc.
Tiếp đến, một lưng chừng dốc có một bãi đất trồng hoa, đi qua cái cổng là tới khu đất này. Tại đó, bạn có thể chụp cảnh toàn thung lũng sẽ thấy cảnh quan nơi đây cực đẹp. Những bông hoa với nhiều màu sắc, thích hợp cho việc chụp ảnh và chiêm ngưỡng cảnh đẹp. Tại đó còn có cầu đu, một cái chòi giống như cối xay gió, tại đây có nhiều bức ảnh được lưu giữ làm kỷ niệm trong hành trình khám phá bản Cát Cát.
Men theo con đường đá dốc xuống, đi chừng hơn trăm bậc đá, bạn sẽ nghe thấy tiếng nước chảy mạnh. Bước xuống dưới là dòng thác trắng xóa nước, chảy xiết. Vào mùa mưa lũ, nước có phần đục hơn do sạt đất, nhưng vẫn khiến bạn phải thích thú. Nếu muốn chụp toàn cảnh thác, bạn nên đứng từ trên cao để chụp toàn bộ dòng thác ấy. Hoặc ghi lại hình ảnh trên chiếc cầu bắc qua hai bên bờ, cố gắng lấy thác nước hai đầu để bức ảnh thêm đẹp.
Bên cạnh đó, bạn có thể đi ra khu vực giữa thác theo đường tre gập ghềnh để chụp ảnh cùng 3 chiếc cối xay nước bằng gỗ. Tuy nhiên, nên cẩn thận vì con đường này mưa ướt và nước từ thác chảy xuống sẽ rất trơn. Hôm đó, Cuồng thấy rất nhiều bạn thuê những bộ trang phục của người dân tộc và kỳ công leo trèo ra tận giữa những cây cầu tre này để chụp ảnh. Quả thật khung cảnh quá nên thơ với 3 chiếc cối xay nước khổng lồ, những chiếc cầu tre chênh vênh bắc trên dòng suối Hoa, nước chảy xiết xuống những ghềnh đá bên dưới tạo nên một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tóm lại là rất hoành tá tràng. Đến thăm bản Cát Cát mà không ra khu vực này chụp ảnh thì đúng là phí cả chuyến đi!
Bản Cát Cát có gần 80 hộ dân, hầu hết nằm dọc theo con đường bậc thang lát đá giữa bản, một số nằm rải rác trên các sườn núi. Khu vực trung tâm bản Cát Cát đồng thời là nơi rất nhiều bạn trẻ tìm tới chụp ảnh sống ảo chính là nơi hội tụ của ba dòng suối ngày đêm rì rào là suối Tiên Sa, suối Vàng và suối Bạc cùng ngọn thác Cát Cát (còn gọi là thác Tiên Sa) ầm ầm, tung bọt trắng xoá. Bên cạnh thác có hai chiếc cầu treo là cầu Si và cầu A Lứ thu hút rất đông du khách ngắm cảnh và chụp hình lưu niệm.
Dòng thác Cát Cát chảy dựng đứng từ trên xuống dưới. Nước chảy mạnh, bắn những tia nước nhỏ nhỏ ra gần khu vực đứng. Nếu là những người yêu thích thiên nhiên, thích một chút quậy quậy, bạn sẽ có những bức hình tuyệt đẹp tại đây. Thác nước này được người Pháp tìm ra và đặt tên là thác CatScat.
Ngoài ra, thác này còn được biết đến với tên thác Tiên Sa. Để lý giải về tên gọi này, bạn hãy cùng Cuồng tìm hiểu một truyền thuyết dân gian do người dân bản địa lưu giữ và kể lại. Trước đây, khu vực gần thác có tộc tiên sinh sống, một dị bản khác lại bảo vào những đêm tối đẹp có trăng những nàng Tiên giáng trần xuống đây tắm, gội nên tên gọi là thác Tiên Sa.
Bước lên từ thác, bạn sẽ thấy một ngôi nhà nhỏ nhắn chuyên dùng để tổ chức văn nghệ. Mỗi ngày có khoảng 6 ca tổ chức cho khách du lịch tham quan và chiêm ngưỡng. Tại đây, các cô gái, chàng trai người Mông biểu diễn văn nghệ dân tộc cũng giống như nhà văn hóa biểu diễn tại núi Hàm Rồng.
Ngôi nhà này trước đây là nơi thực dân Pháp nghỉ dưỡng và xây đập thủy điện. Hòa mình cùng những điệu múa, dàn nhạc tại đây sẽ mang lại không khí tươi vui cho mọi du khách khi đến bản Cát Cát. Bạn có thể giao lưu nhảy sạp cùng những trai thanh gái lịch của người H’Mông.
Xem thêm:
Review Cực Chi Tiết 20 Địa Điểm Du Lịch Sapa Cho Người Chưa Từng Đi Sapa
Top Những Điểm Tham Quan Nổi Bật Nhất Ở Sapa
6. Bảy trải nghiệm thú vị không thể bỏ qua khi tham quan bản Cát Cát Sapa
6.1 Ngắm ruộng bậc thang
Ruộng bậc thang là hình thức canh tác nông nghiệp độc đáo của bà con Tây Bắc, trong đó bao gồm Sapa, Lào Cai. Trên đường đi tới bản Cát Cát và cả khi vào trong bản, bạn sẽ được ngắm nhìn đã mắt những thửa ruộng bậc thang nhấp nhô như những dải lụa xanh ôm lấy sườn đồi, sườn núi. Xa xa là màu xanh bạt ngàn của núi non trùng điệp. tất cả giống như một bức tranh thủy mạc, của khung cảnh non nước hữu tình đậm hơi thở hào sảng của chốn núi rừng.
Cuồng cực kỳ thích ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang vào hai thời điểm trong năm. Tháng 4, 5 là mùa bà con đổ nước, dẫn nước vào ruộng. những thửa ruộng tựa như những tấm gương lớn bằng bạc, soi bóng cỏ cây mây núi. Vào mùa thu, tầm tháng 8, 9 là mùa lúa chín vàng. Khắp nơi nơi lại khoác lên màu vàng lúa chín, chỉ nhìn thôi mà đã thấy no con mắt rồi. Những thửa ruộng có từ bao năm nay và đều do đôi tay cần mẫn của người Dao, Mông, Hà Nhì, Giáy… tạo nên.
6.2 Khám phá khu làng nghề thủ công truyền thống tại bản Cát Cát
Ngoài trồng lúa, người Mông ở Cát Cát còn phát triển các nghề thủ công truyền thống như trồng lanh, dệt vải, đan lát dụng cụ sinh hoạt và rèn nông cụ. Ngoài ra, ở bản Cát Cát còn có nghề chế tác đồ trang sức bằng bạc, đồng từ lâu đời và tạo ra những sản phẩm tinh xảo như: vòng cổ, vòng tay, dây xà tích, nhẫn… Để có thể tìm hiểu về các nghề này, bạn có thể tới tham quan làng nghề thủ công truyền thống với các khu tranh thêu tay, khu giới thiệu nghề… vô cùng độc đáo.
Nghề chế tác bạc
Nghề chế tác đồ trang sức bằng bạc, đồng đã có từ lâu đời và tạo ra những sản phẩm tinh xảo. Quy trình chế tác bạc gồm nhiều công đoạn. Trước hết, người Mông cho bạc vào nồi trên bễ lò đun đến khi nóng chảy thì rót vào máng. Chờ khi bạc nguội lấy ra dùng búa đập, rèn sao cho thanh bạc có kích cỡ to, nhỏ, dài, ngắn, vuông, tam giác, tròn, dẹt hay kéo thành sợi. Tiếp đó, họ giũa cho thật nhẵn và nếu cần trang trí thì dùng đinh để chạm khắc, tạo hoa văn nổi hoặc chìm rồi mới uốn hình sản phẩm. Cuối cùng là bước đánh nhẵn, làm trắng và bóng. Sản phẩm chạm bạc ở Cát Cát rất phong phú, tinh xảo nhất là đồ trang sức của phụ nữ như: vòng cổ, vòng tay, dây xà tích, nhẫn...
Thổ cẩm
Thổ cẩm do những người thợ lành nghề vùng dân tộc Mông dệt với 4 màu sắc chủ đạo đó là xanh, đỏ, trắng và vàng với rất nhiều hình dáng, hoa văn độc đáo, đầy tính nghệ thuật. Những tấm thổ cẩm bắt mắt được bày bán tại chợ, các gian hàng thổ cẩm truyền thống sẽ giúp bạn được mở rộng tầm mắt và có thể lựa chọn làm quà cho người thân của mình. Hãy ghé vào những gian hàng lưu niệm, chọn mua cho mình một chiếc túi hay vòng tay, ví…
Đảm bảo, bạn sẽ có những món phụ kiện không hề đụng hàng khi về tới thành phố và tiếp tục cuộc sống thường ngày. Hôm đi dạo chợ người Mông ở bản Cát Cát mà Cuồng hoa hết cả mắt, tưởng như lạc vào một rừng hoa vởi các sắc màu rực rỡ của váy áo của các bà, các mẹ, cô gái Mông và của hằng hà sa số các sản phẩm được bày bán nữa.
Dệt vải lanh
Bản Cát Cát nổi tiếng với những món nghề truyền thống được lưu giữ qua nhiều đời, trong đó vải dệt sợi lanh chính là sản phẩm thủ công đặc biệt nhất mà bạn có thể lựa chọn để làm quà cho người thân của mình.
Tìm hiểu về quá trình dệt vải lanh, bạn sẽ thấy được sự kỳ công và cầu kỳ của người dân tộc để làm ra những bộ quần áo này. Cây gai dầu, cây bông và vải lanh được lấy từ rừng và sử dụng may thành những bộ quần áo, còn lụa từ tằm được dùng để thêu. Để tạo ra màu sắc cho các bộ trang phục thì màu vàng được lấy từ nghệ, màu đen từ lá rừng, màu đỏ và nâu từ vỏ cây, và màu xanh từ lá chàm tạo nên màu sắc áo trông rất mát mắt. Làng Cát Cát còn nổi tiếng với kỹ thuật nhuộm màu chàm mà bạn sẽ được nhìn thấy khi tham quan xung quanh.
Nếu bạn đi qua chợ trung tâm, bạn có thể dễ dàng thấy những tấm vải sợi lanh được những người thợ lành nghề dệt vô cùng đặc sắc, độc đáo với nhiều họa tiết mới lạ. Khi đi tham quan những ngôi nhà của người bản địa, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà mẹ dân tộc ngồi bên khung cửi, tay thoăn thoắt đưa thoi, dệt lên những tấm vài đầy màu sắc. Chúng không chỉ thể hiện tay nghề tuyệt vời mà còn là món quà mang ý nghĩa chứa đựng tâm tình của người dân Tây Bắc dành cho người thân của bạn.
Đan lát
Đồ đan lát ở bản Cát Cát chính là một điểm nhấn tuyệt vời tạo nên sự đa dạng và đặc sắc của các món nghề truyền thống của vùng núi Tây Bắc. Các sản phẩm đồ đan lát dụng cụ sinh hoạt được tạo nên từ các nghệ nhân tại bản sẽ khiến bạn vô cùng thích thú và trầm trồ vì sự tinh xảo, khéo léo không hề trộn lẫn của những con người nơi đây đấy.
6.3 Tìm hiểu những lễ hội, phong tục tập quán độc đáo của người dân tộc
Đến với Cát Cát, bạn còn có cơ hội trải nghiệm, khám phá những phong tục tập quán, nét đẹp trong tín ngưỡng tôn giáo của người dân, cùng hòa mình vào những điệu múa dịu dàng của các cô gái Mông xinh đẹp, hay điệu khèn, tiếng đàn môi xao động lòng người của những chàng trai Mông. Trong buổi tối ở lại bản Cát Cát, Cuồng đã cùng nhóm bạn tham gia nhảy sạp cùng dân bản. Bạn có thể xem những tiết mục nhảy sạp tại khu nhà văn hóa, và trong những buổi tối sinh hoạt cộng đồng, hay trên truyền hình, nhưng đã bao giờ bạn được thử sức môn nghệ thuật này bằng đôi chân của mình. Hãy tự tin tham gia nhảy cùng dân bản để thấy sự khéo léo tiềm tàng trong cơ thể mình. Bạn sẽ thực sự cảm thấy thân thiết, gần gũi hơn rất nhiều với các chàng trai, cô gái dân tộc, những người luôn nở những nụ cười niềm nở rạng rỡ trên môi.
Nếu đến bản Cát Cát vào dịp đầu năm mới, bạn còn được tham gia lễ hội Gầu Tào nhằm cầu phúc, may mắn, xua tan mọi bệnh tật của đồng bào dân tộc Mông. Hoặc bạn có thể lang thang trong khu chợ và sà vào các quầy hàng, thưởng thức những đặc sản nổi tiếng như: rượu ngô, bánh ngô, thắng cố, thịt hun khói “khăng gai”, tiết canh gà, nhái nấu măng, bánh ngô, đậu xị... Đây là những món ăn đặc trưng của người dân Tây Bắc.
Nếu may mắn, bạn còn có thể bắt gặp trên đường khung cảnh các chàng trai người Mông bắt vợ. Tập tục bắt vợ của người H’Mông thu hút được sự chú ý của rất nhiều người. Đây là phong tục truyền thống bao đời của người Mông.
Khi người con trai đem lòng yêu một cô gái, anh ta sẽ làm cỗ mời bạn bè đến kéo cô gái về nhà trong 3 ngày. Nếu cô gái đó đồng ý làm vợ anh ta thì người con trai sẽ làm lễ cưới chính thức. Lễ cưới theo phong tục kéo dài từ 2 – 7 ngày. Còn nếu cô gái không đồng ý, họ sẽ cùng uống với nhau bát rượu làm bạn và trở về bình thường.
Và để phát triển tiềm năng du lịch bản Cát Cát, Lào Cai đã triển khai thêm các chương trình đặc sắc như: “Ngày hội văn hóa Mông bản Cát Cát”, chương trình trải nghiệm “Một ngày làm nông dân người Mông” hay “Một ngày làm cô dâu người Mông” sẽ cho bạn cơ hội được trải nghiệm cuộc sống của người dân tộc bản địa... Tại những ngày hội này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng các điệu múa cổ truyền, nghe lời ca giao duyên mượt mà; xem các nghệ nhân chạm khắc bạc, dệt vải lanh, thêu thổ cẩm, rèn dao cuốc; hay cùng dân bản thi bắn nỏ, chơi trò bịt mắt bắt dê, thi kéo co, thi đi cầu tre qua suối... hứa hẹn sẽ mang lại nhiều điều thú vị. Khi đi du lịch Sapa cùng đám bạn, hãy cùng rủ cả hội hòa mình vào với lễ hội mùa xuân của người Mông, với những trò chơi cổ truyền như đánh đu, kéo co… nhất định cả hội sẽ có một ngày vui, các cơ quan đoàn thể sẽ có một chuyến teambuilding thêm phần thú vị và góp phần làm tăng tình đoàn kết đấy.
6.4 Hóa thân thành các chàng trai cô gái dân tộc
Thêm một trải nghiệm thú vị khi đến bản Cát Cát đó là thử mặc trang phục của người H’Mông. Người dân miền xuôi thường có hứng thú khi được ướm thử trang phục của người miền ngược. Những bộ trang phục dệt bằng thổ cẩm với màu sắc vô cùng bắt mắt. Diện trang phục này rồi chụp ảnh lưu niệm là sở thích của nhiều bạn trẻ khi tới Sapa. Hôm tới thăm bản Cát Cát, Cuồng đã cùng các bạn thuê trang phục của các thiếu nữ H’mong rồi chụp ảnh tại khu vực chòi canh và đồng hoa cải vàng. Quả thực là tới bản Cát Cát, cứ đi 1 mét thôi là bạn đã có được cả trăm bức ảnh checkin để đời, tha hồ post Facebook nhé. Hoặc bạn có thể chờ đến tối, và hòa mình vào với điệu nhảy sạp rộn rã của các chàng trai cô gái người Mông tại khu nhà văn hóa, Cuồng đảm bảo bạn sẽ có một đêm đầy tiếng cười và cảm thấy mình thực sự trở nên như một người bản địa luôn.
Trong khu vực bản Cát Cát có nhiều địa điểm cho thuê trang phục dân tộc đẹp. Các loại trang phục ở đây tương đối đa dạng, bạn tha hồ lựa chọn trang phục mà mình yêu thích. Với một người ở miền xuôi như Cuồng, chả mấy khi được thấy những bộ trang phục của người dân tộc, nên hôm đó nhìn cái gì cũng thấy lạ, nhìn bộ nào cũng thấy đẹp. ấy thế mà giá thuê mỗi bộ khá rẻ, dao động từ 30.000 – 50.000 đồng/bộ. Trước khi thuê đồ, bạn nhớ kiểm tra kỹ quần áo, nếu có chỗ nào hư hỏng thì nên báo với người cho thuê ngay kẻo lúc sau đi chụp ảnh về, người ta kiểm tra thấy chỗ rách lại bảo tại mình mặc đồ rồi lội suối, leo trèo làm rách rồi bắt đền thì chít.
Thêm một điều nữa Cuồng muốn nhắc các bạn là thuê đồ trang phục dân tộc thật đẹp rồi thì đừng quên chụp ảnh với các em nhỏ người dân tộc ở bản Cát Cát nhé. Hoặc bạn cũng có thể ghé qua khu trường học, nghe lũ trẻ ê a học bài. Các em bé người dân tộc với nụ cười hồn nhiên thơ ngây, với nét lém lỉnh tinh nghịch, chẳng thế mà nhiều bạn đi du lịch Sapa cứ phải mua kẹo “hối lộ” rồi xin chụp hình với lũ trẻ con bản địa cho bằng được đấy.
6.5 Ở homestay tại bản Cát Cát
Theo Cuồng thì các bạn có thể dành một ngày là đi tham quan hết bản Cát Cát rồi, từ khu vực thác Cát Cát cho tới khu chợ bán đồ lưu niệm, đồ thủ công của người dân địa phương. Tuy nhiên, với những bạn nào dư dả thời gian và muốn tìm hiểu thêm về cuộc sống của người bản địa thì chỉ một ngày thôi là không đủ. Do đó, bạn có thể tìm các homestay tại bản Cát Cát để nghỉ lại.
Một ngày vui chơi ở bản Cát Cát đã thấm mệt, nếu có nhu cầu ngủ đêm tại đây thì bạn có thể đặt dịch vụ nghỉ kiểu homestay (ngủ tại nhà dân). Bản Cát Cát nổi tiếng với nhiều homestay có “view” siêu đẹp như H’Mông Cát Cat, Homestay Gem Valley, Chapi Homestay, Art House Homestay, The Have Sapa Camp Site...
Lưu trú kiểu homestay tức là ở cùng với nhà dân, thế nên bạn sẽ được trải nghiệm cuộc sống của người dân bản Cát Cát mà còn được chiêm ngưỡng nhiều khung cảnh tuyệt đẹp. Hầu hết các homestay ở bản Cát Cát đều có view đẹp nên bạn có thể tha hồ chọn lựa, ở homestay nào bạn cũng sẽ có ảnh check in đẹp.
Hôm tới thăm bản Cát Cát, Cuồng nghỉ lại Cát Cát View Hotel nên Cuồng sẽ review homestay này cho bạn nha. Cát Cát View Hotel được mệnh danh là một thiên đường nghỉ dưỡng tuyệt vời nhất tại bản Cát Cát. Các phòng nghỉ ngơi tiện nghi nằm ngay trên sườn đồi với view cực đẹp cùng rất nhiều trang thiết bị tiện nghi như thang máy, lò sưởi ấm… sẽ giúp bạn có những khoảng thời gian tuyệt vời nhất khi lưu trú tại nơi đây. Phòng nghỉ của Cuồng được lát gỗ và trưng bày chiếc kệ đặt rất nhiều bình hoa, trông rất ra gì và này nọ luôn. Cảm giác phòng rất sạch sẽ, giường ngủ siêu êm, Cuồng đã đánh hẳn một giấc đến sáng rồi lại bắt đầu đi khám phá bản Cát Cát tiếp đấy.
6.6 Thăm nhà ở của người dân tộc
Tại bản Cát Cát có hơn 80 ngôi nhà sàn. Trong đó có những ngôi nhà khá cổ với lối kiến trúc cũng khá đặc biệt từ khoảng thế kỷ thứ 19. Khám phá những căn nhà, tìm hiểu về cuộc sống hàng ngày, phong tục tập quán của bà con dân tộc nơi đây quả thật là một trải nghiệm vô cùng thú vị đấy. Hãy tới thăm nhà của một gia đình bản địa vào buổi tối, ngồi bên bếp lửa, uống chén rượu ngô, rượu táo mèo và nghe các cụ gì kể chuyện xưa, Cuồng tin chắc là bạn sẽ khám phá được thêm nhiều điều thú vị về bản Cát Cát, về truyền thống, văn hóa của đồng bào dân tộc Mông đấy
Kiến trúc nhà của người Mông bản Cát Cát còn nhiều nét cổ: nhà ba gian lợp ván gỗ pơmu. Bộ khung nhà có vỉ kèo ba cột ngang. Các cột đều được kê trên phiến đá tròn hoặc vuông. Vách được lợp bằng gỗ xẻ, có 3 cửa ra vào: cửa chính ở gian giữa, 2 cửa phụ ở hai đầu nhà. Cửa chính luôn được đóng kín, chỉ mở khi có việc lớn như đám cưới, tang ma, cúng ma vào dịp lễ Tết. Trong nhà có không gian thờ, sàn gác lương thực dự trữ, nơi ngủ, bếp và nơi tiếp khách.
6.7 Thưởng thức những đặc sản địa phương ngon không cưỡng nổi tại bản Cát Cát Sapa
Rượu ngô
Ở bản Cát Cát, rượu ngô hay còn gọi là nước hạnh phúc, được xem là một thức uống vô cùng phổ biến. Ngô được đun sôi trong nước nóng trong một khoảng thời gian dài, khiến các hạt bị vỡ ra, sau đó các hạt này được trộn lẫn với nấm và đem đi lên men. Quá trình lên men này đặc biệt kéo dài trong khoảng 6 ngày là đã có thể sử dụng.
Bạn có thể dễ dàng mua rượu ngô tại chợ với giá vô cùng hợp lý, đây sẽ là một món quà lý tưởng bạn có thể dành tặng người thân của mình sau chuyến đi đấy.
Thịt trâu gác bếp
Nhắc tới món ăn đặc sản của Sapa này là Cuồng lại thấy xuýt xoa bởi vị cay trên đầu lưỡi của ớt và vị đậm đà của thịt trâu. Là một trong những đặc sản đặc biệt nhất của mảnh đất Sapa, những miếng thịt trâu gác bếp với màu nâu sậm bắt mắt, ngọt mềm với hương vị đặc trưng của thịt trâu và mùi khói bếp sẽ là khiến bạn phải không ngừng xuýt xoa vì độ ngon của nó. Đây sẽ là một món nhậu tuyệt vời dành cho bạn và bạn bè của mình khi ghé thăm mảnh đất Sapa này đấy nhé.
Các loại trái cây
Mận, đào, lê Sapa chính là những loại trái cây đặc sản của Sapa mà ai cũng biết tới. Những loại trái cây miền núi này tuy không có vẻ bề ngoài bắt mắt, hấp dẫn nhưng chúng lại có chất lượng tuyệt vời, với hương vị giòn ngọt hay thanh mát dễ chịu. Bạn có thể mua chúng ở dọc đường gần nhà thờ Sapa để lựa chọn được những hoa trái tươi ngon với giá rẻ nhất.
Uống rượu táo mèo
Rượu táo mèo do chính tay người dân bản ủ nấu chỉ với 10.000đ/cốc và thử những món ăn đặc trưng của dân bản đặc biệt là món nướng. Nếu ở lại bản Cát Cát vào buổi tối, đừng quên làm một chén rượu bên đĩa đồ nướng và những câu chuyện trên trời dưới biển với lũ bạn thân nhé.
7. Các địa điểm du lịch Sapa gần bản Cát Cát
7.1 Bản Sín Chải
Bản Sín Chải nằm cách bản Cát Cát khoảng 4km về phía bắc, là nơi sinh sống của người Hmông trải dài dọc theo con đường. Đến bản Sín Chải, bạn có thể tham quan ngôi nhà bộ lạc, xem thợ dệt tại xưởng và chiêm ngưỡng màn trình diễn âm nhạc truyền thống.
7.2 Bản Tả Phìn
Bản Tả Phìn nằm cách phía bắc Sapa 10 km, có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, luôn quyến rũ du khách bởi nét mộc mạc, giản dị nhưng không kém phần hấp dẫn của Tả Phìn.
Nghiền ngẫm xong bài review chi tiết của Cuồng về bản Cát Cát Sapa đã truyền cảm hứng cho bạn xách balo lên và đi khám phá bản làng này chưa? Cuồng dám chắc là bạn sẽ không hề hối tiếc khi thêm bản Cát Cát vào hành trình tour du lịch Sapa của mình đâu. Tới bản Cát Cát rồi, muốn xem đi đâu chơi vui, đi đâu có đồ ăn ngon, đi đâu chụp ảnh checkin đẹp thì nhớ lướt lại bài review này của Cuồng nhé. Đây chính là “chân kinh” khám phá bản Cát Cát Sapa đầy đủ và chi tiết nhất dành cho các bạn rồi đấy. Chúc các bạn có chuyến du lịch Sapa vui vẻ!