Review chi tiết kinh nghiệm tham quan Tháp bà PoNagar Nha Trang
23/11/2024 17428
Chào mọi người, theo nhu cầu của anh em họ hàng gần xa đang chuẩn bị đi du lịch Nha Trang, 1 trong số những thành phố biển đẹp nhất Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên du lịch Nha Trang đâu chỉ có tắm biển hay đi đảo hay vui chơi Vinpearl land đâu. Mà khách đi du lịch Nha Trang ngoài vui chơi nghĩ dưỡng còn được tìm hiều về văn hoá, lịch sử và trải nghiệm dịch vụ tắm bùn khoáng nữa đó. Mà nhắc tới văn hóa lịch sử thì ở Nha Trang có Tháp Bà PoNagar vô cùng nổi tiếng. Tuy địa điểm du lịch Nha Trang này một công trình kiến trúc của người chăm nhưng lại được xem là một trong biểu trưng của du lịch Nha Trang đó nha. Bởi vậy nhiều bạn đi du lịch Nha Trang mà muốn trải nghiệm điều thú vị ngoài biển đảo thì xin mời tiến thẳng đến tháp bà PoNagar nha. Và để tìm hiểu thêm về địa điểm du lịch Nha Trang nổi tiếng này thì hôm nay Cuồng sẽ làm 1 bài review sương sương về khu du lịch Tháp Bà PoNagar để mọi người cùng nghiên cứu và lên kế hoạch cho tour du lịch Nha Trang sắp tới của mình nha.
Xem thêm : Đừng Quên 15 Địa Điểm Du Lịch «NHA TRANG» Hot Nhất 2019
1. Tháp Bà PoNagar ở đâu?
Tháp Bà PoNagar là một địa điểm du lịch Nha Trang nổi tiếng nằm về phía bắc của thành phố, ngay chân cầu xóm Bóng (song song với cầu Trần Phú) tại nơi giao nhau với đường Tháp Bà. Nói tới đây là biết nhiều bạn sẽ phì cười với cái tên rồi nè! Đừng hiều lầm nha, sỡ dĩ gọi là xóm Bóng vì điệu múa Bóng của người dân ở đây chứ không phải như kiểu xóm trọ 3D đâu nha. Tháp bà Ponaga nằm ở ngọn đồi Cù Lao, cạnh cửa sông Cái, chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 2km về phía bắc và cách bãi biển trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 4 km. Bởi vậy mà tháp bà PoNagar nghiễm nhiên trở thành địa điểm du lịch Nha Trang nổi tiếng thu hút nhiều du khách khách đến tham quan cũng như cúng bái cầu nguyện cuộc sống sung túc an yên. Tháp bà PoNagar Nha Trang thường được dân địa phương gọi tắt là Tháp Bà cho gọn. Bởi vậy bạn nào đi du lịch Nha Trang tự túc mà muốn đến tham quan địa điểm du lịch Nha Trang này cứ hỏi người dân đường đi tháp Bà là họ chỉ ngay à. Tháp bà Pangar do người Chăm xây dựng nằm trên đỉnh đồi ngay cạnh cửa sông Cái – sông lớn nhất Nha Trang và nhìn thẳng ra cầu Xóm Bóng. Nếu đến thăm Tháp và may mắn thì bạn sẽ có cơ hội thưởng thức điệu múa này do các diễn viên người Chăm dàn dựng rất rất là đặc sắc đó.
Tháp Bà PoNagar không phải là một tháp đơn lẻ đâu mà nó là một quần thể tháp, mỗi ngọn tháp thờ một vị thần khác nhau, trong đó tháp chính cao tới 23m đó và tháp này thờ thần Po Nagar và mọi người vẫn quen dùng tên của tháp chính để gọi chung cho cả công trình kiến trúc này. Hàng năm thì lễ hội Tháp Bà được tổ chức long trọng từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 3 âm lịch nên nếu các bạn đi Nha Trang dịp này thì chớ có bỏ qua ko là tiếc lắm đó nha !!!
Ngoài ra, đây còn là một trong những địa điểm thiêng nhất tại Nha Trang và thu hút đông đảo người dân địa phương đến làm lễ và khấn vái. Bạn nào mà đang muốn cầu con thì nên đến viếng thử nha vì Cuồng thấy người dân Nha Trang bảo là linh nghiệm lắm đấy.
Không chỉ có vậy, quần thể di tích Tháp Bà đã được các chuyên gia khảo cổ học đánh giá là còn giữ được nhiều công trình kiến trúc độc đáo và tương đối hoàn chỉnh và nó không chỉ là dấu ấn lịch sử về kiến trúc cổ của người Chăm-pa đâu mà còn lưu giữ đến ngày nay những phong tục độc đáo, lôi cuốn như là lễ hội Tháp Bà diễn ra từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm như mình đã nhắc đến ở trên và thêm 1 lưu ý là lễ hội này đã được Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam xếp hạng là một trong 16 lễ hội quốc gia, di sản độc đáo múa bóng, tục xin xăm Bà đó nhé.
Không dừng lại ở đó, Tháp bà góp phần khơi nguồn cảm hứng cho đời sống tinh thần, đi vào trong các tác phẩm thơ ca với một vẻ đẹp rất huyền bí và đầy cuốn hút luôn:
"Ai buông Trầm! Mây trắng vấn vương
Mềm nét lượn ÁP SA RA huyền thoại
Tháp Bà thả hồn Cù Lao, sông Cái
Lửa bập bùng hoang lắng trống Ghi- Năng"
Vào năm 1979, Tháp Bà PoNagar được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích cấp Quốc gia và điều này chứng tỏ tầm quan trọng và giá trị nhân văn đặc sắc của kiến trúc xây dựng cũng như vốn quý văn hóa của dân tộc Chămpa trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam luôn đấy. Trải qua hơn 10 thế kỷ cùng với sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian, chiến tranh, quần thể di tích Tháp bà PoNagar vẫn trường tồn với thời gian đó. Tháp bà Ponagar vẫn tiếp tục được trùng tu, tôn tạo, gìn giữ và phát huy giá trị là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá, lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam cho đến tận ngày nay đấy.
2. Lịch sử nơi đây
Về mặt lịch sử thì khu di tích Tháp Bà Ponagar là một trong những quần thể kiến trúc thuộc nền văn hóa Chăm Pa có quy mô được xếp vào loại lớn nhất còn lại ở miền Trung Việt Nam và được xây dựng từ khoảng thế kỉ thứ 8 đến thế kỉ 13, thời kỳ đạo Hinđu (Ấn Độ giáo) đang cường thịnh tại vương quốc Chăm cổ.
Tổng thể kiến trúc của Ponagar gồm 3 tầng, đi từ dưới lên trên. Ở tầng thấp, ngang mặt đất bằng là ngôi tháp cổng mà nay không còn nữa. Từ đấy có những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa. Ở tầng giữa gọi là Mandapa (không phải Wakanda đâu nha) có nghĩa là nhà khách, nhà tĩnh tâm dành cho khách hành hương nghỉ ngơi, chuẩn bị lễ vật. Mandapa dài 20m, rộng 15m, gồm 4 hàng cột hình bát giác (bao gồm 10 cột lớn và 12 cột nhỏ). Trên thân các cột lớn có các lỗ mộng, khoét sâu vào thân cột, đối xứng ngang bằng với đỉnh của các cột nhỏ.
Tầng trên cùng là nơi các ngọn tháp toạ lạc. Những ngôi tháp được xây dựng theo kiểu Chăm với gạch xây rất khít mạch và không nhìn thấy chất kết dính luôn (Cuồng cảm tưởng như phương pháp xây ngày này có khi còn không bằng thời xưa ý). Còn Tháp thờ chính ở dãy trước khá lớn và cao khoảng 23 mét, chính là tháp PoNagar.
Tháp có 4 tầng, mỗi tầng đều có cửa, tượng thần và hình thú bằng đá. Bên trong là tượng nữ thần (cao 2,6 m) tạc bằng đá hoa cương màu đen (trước đó là gỗ trầm hương, và xa hơn nữa là bằng vàng) ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen, lưng tựa phiến đá lớn hình lá bồ đề. Đây là một kiệt tác về điêu khắc Chămpa, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi. Dù Cuồng không hiểu mấy cái này lắm nhưng thật sự là nó rất rất đẹp ý và trên đỉnh tháp còn có tượng thần Shiva cỡi ngưu thần Nandin, và các tượng linh vật như chim thiên nga, dê, voi, vân vân và mây mây.
TRUYỀN THUYẾT THÁP BÀ PONAGAR
Theo truyền thuyết thì ngày xưa tại núi Đại An (Đại Điển) có hai vợ chồng tiều phu đến cất nhà và làm rẫy trồng dưa nơi triền núi. Suốt một thời gian dài, hễ trái dưa nào chín tới đều bị mất. Ông lão rình và một hôm bắt gặp một cô bé khoảng 9-10 tuổi hái dưa rồi chơi đùa dưới trăng. Thấy cô bé dễ thương, ông bèn đem về nuôi và thương yêu như con ruột. Hôm đó, trời mưa to gió lớn, cảnh vật tiêu điều buồn bã, cô bé lấy đá chất thành ba hòn dã sơn và hái hoa lá cắm vào rồi đứng ngắm làm vui. Cho rằng hành vi của con không hợp với khuê tắc, ông tiều lớn tiếng rầy la. Không ngờ cô bé là tiên giáng trần buồn nhớ cảnh bồng lai. Đang buồn lại chợt nhìn thấy một khúc kỳ nam theo nước trôi đến, thiếu nữ bèn hiến thân vào khúc kỳ nam cho sóng đưa đẩy. Khúc Kỳ Nam trôi ra biển rồi tấp vào nơi gần cung đình, hương toả ngào ngạt. Người dân trong vùng lấy làm lạ kéo đến xem. Thấy gỗ tốt, họ bèn xúm vào khiêng, nhưng người đông bao nhiêu cũng không khiêng nổi. Thái tử Bắc Hải nghe tin đồn bèn tìm đến xem hư thực và giơ tay nhấc thử. Thật kỳ lạ khi khúc gỗ bỗng nhẹ như tờ giấy, chàng liền đem về cung và nâng niu như báu vật. Một đêm, dưới ánh trăng mờ, thái tử thấy có bóng người thấp thoáng nơi để khúc Kỳ Nam, nhưng lại gần xem thì tứ bề vắng vẻ, chỉ phảng phất mùi hương từ khúc kỳ nam bay ra. Những đêm sau đó, thái tử vẫn tiếp tục theo dõi… Rồi một đêm, chàng thấy từ trong khúc Kỳ Nam bước ra một giai nhan tuyệt sắc. Chàng vụt chạy đến, ôm choàng lấy giai nhân. Không biến kịp vào khúc Kỳ Nam, giai nhân đành theo thái tử về cung và cho biết tên là Thiên Y Ana. Thái tử thấy nàng Ana xinh đẹp khác thường bèn tâu phụ hoàng xin cưới làm vợ. Hai vợ chồng sống rất hạnh phúc, sinh được hai con – một trai một gái, dung mạo khôi ngô tuấn tú. Một hôm, nỗi nhớ quê hương thúc giục, Thiên Y bế hai con nhập vào kỳ nam trở về làng cũ. Núi Đại An còn đó, nhưng vợ chồng ông tiều phu đã về cõi âm. Thiên Y xây đắp mồ mả cho cha mẹ nuôi và sửa sang nhà của để phụng tự. Thấy nhân dân địa phương còn lạc hậu, bà dạy cày cấy, kéo vải, dệt sợi và đặt ra các lễ nghi…Từ đó, ruộng nương luôn tươi tốt, đời sống nhân dân mỗi ngày một thêm phong lưu. Đến một ngày, có con chim hạc từ trên mây bay xuống, Thiên Y cùng hai con cưỡi hạc bay về trời… Nhân dân nhớ ơn bà đã xây tháp tạc tượng thờ phụng, và mỗi năm vào ngày 23/3 Âm lịch đều làm lễ dâng hoa.
Truyền thuyết đã khép lại từ rất lâu rồi, chỉ còn lại đây những suy tư hoài vọng của những người vãn cảnh. Ngồi bên tháp, gió từ tả ngạn sông Cái Nha Trang thổi vào lòng lộng, xua tan đi những ý nghĩ mơ hồ để trở về với Tháp Bà. Chiếc cầu Bông xinh đẹp vẫn đang ngày ngày nhìn những dòng nước chảy và vẫn luôn dõi theo từng thay đổi của thời gian. Cạnh đó là xóm Cồn, xóm Bóng thơ mộng đã đi vào thơ ca nhiều thế hệ.
Ðến thăm Tháp Bà Nha Trang, ngoài việc tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc, tâm linh, du khách còn có dịp thưởng thức những vũ điệu Chăm-pa do đội múa dân tộc Chăm biểu diễn. Những vũ điệu Chăm-pa làm đắm say du khách, tạo cho họ ấn tượng đẹp khi đến với nơi tôn kính này.
THEO TRUYỀN THUYẾT NGƯỜI CHĂM
Nữ vương Po Nagar – còn gọi là Yan Pu Nagara, Po Ino Nagar hay Bà Đen (nguời Việt Nam mình hay gọi là Thiên Y Thánh Mẫu Ana) – là vị nữ thần được tạo nên bởi áng mây trời và bọt biển, người tạo dựng ra trái đất, sản sinh gỗ quí, cây cối và lúa gạo. Bà có 97 chồng, trong đó chỉ một mình Po Yan Amo là người có uy quyền và được tôn trọng hơn cả. Bà có 38 người con gái, tất cả đều hóa thân thành nữ thần, trong đó có ba người được người Chăm chọn làm thần bảo vệ đất đai và còn thờ phụng cho tới ngày nay là Po Nagar Dara, nữ thần Kauthara (Khánh Hòa); Po Rarai Anaih, nữ thần Panduranga (Ninh Thuận) và Po Bia Tikuk, nữ thần Manthit (Phan Thiết).
Tương truyền, tượng bà Thiên Y Thánh Mẫu Ana theo tín ngưỡng phồn thực của người Chăm, không có quần áo nhưng Po Nagar hiện nay được người Việt Nam sử dụng và đã cho nữ thần ăn mặc theo kiểu Phật. Ngôi đền ở Tháp Bà PoNagar này rất cũng nổi tiếng đối với các du khách.
3. Đi như thế nào?
Để đến được Tháp bà PoNagar, tuyến đường dễ nhớ nhất cho mọi người đó là cứ đi ra được đường ven biển Nha Trang là đường Trần Phú nhé xong bạn rẽ trái đi về phía cầu Trần Phú. Khi đã qua khỏi cầu Trần Phú thì bạn rẽ trái tiếp vào đường Tháp Bà tại ngã ba đèn xanh đèn đỏ đầu tiên nhé chứ đừng đi quá lên không là các bạn tốn xiền mua thêm đường đó. Đi đến hết đường Tháp Bà là bạn sẽ nhìn thấy khu du lịch Tháp Bà PoNagar rồi chứ không phải ngó quanh quất đâu xa đâu vì biển tên của Tháp bà PoNagar to lắm. Được cái đây là thành phố biển nên không khí rất trong lành và ít bụi. Tuy nhiên đường Tháp Bà sẽ hơi nhỏ chút và thi thoảng sẽ có ổ voi ổ gà chút chút nên nếu bạn nào mặc chứng say xe hay sợ mùi điều hoà oto thì nên mang theo mẩu bánh mỳ hoặc vỏ cam vỏ quýt để đỡ say xe nhé hoặc các bạn hoàn toàn có thể chuyển sang đi xe máy với giá thuê vào khoảng 120k-150k tuỳ vào nơi bạn thuê còn Cuồng thì toàn thuê luôn xe của khách sạn hết 150k và đổ thêm 50k tiền xăng là Cuồng thừa khả năng đi bét nhè quanh thành phố Nha Trang trong hôm đó thay cho việc chi trả tầm 30-50k cho taxi chỉ đưa Cuồng từ khách sạn đến đó thôi. Thế nhưng nếu bạn chọn đi xe máy thì nhớ mang đồ chống nắng nha vì Nha trang từ tầm 9h đến 10h là nắng muốn chớt rùi.
4. Ở Tháp Bà PoNagar có gì?
Thưởng thức múa Chăm miễn phí
Tháp Bà PoNagar là nơi đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đưa múa Chăm vào trình diễn thường nhật đấy, vậy nên bạn sẽ được thưởng thức những điệu múa truyền thống của người Chăm Pa, trong đó những nghệ nhân diễn tấu trống và kèn, những thiếu nữ trình diễn múa đều là người dân tộc Chăm luôn đó. Vậy nên khi đến Tháp Bà PoNagar ở Nha Trang thì đừng bỏ lỡ tiết mục này nha. Hoạt động này thường được tổ chức vào mỗi buổi chiều hàng ngày và việc này không chỉ giúp gìn giữ nét đẹp văn hóa Chăm mà còn góp phần đưa văn hóa vùng miền tới du khách quốc tế và ra thế giới nữa đấy.
Lễ hội Tháp Bà Ponagar Nha Trang (diễn ra từ 21 – 23 tháng 3 âm lịch hàng năm)
Như Cuồng đã nói ở trên thì Lễ hội Tháp Bà ở Nha Trang là một trong những hoạt động văn hóa lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, được xếp hạng là một trong 16 lễ hội cấp Quốc gia. Trong đó, du khách tham gia lễ hội sẽ được xem các nghi lễ truyền thống như lễ tắm tượng, lễ thay xiêm y, lễ cúng và hiến tế, đặc biệt là lễ thả hoa đăng bên dòng sông vào đêm 20/3 âm lịch. Ui nghe mà thấy lãng mạn lắm rồi, bạn nam nào mà muốn tỏ tình với bạn gái thì chọn đúng đêm 20/3 âm lịch này và tỏ tình bên dòng sông lấp lánh ánh đèn hoa đăng này thì Cuồng tin chắc bạn gái sẽ đổ ngay tắp lự lun. Ngoài ra còn có cả hội thi rước, bày mâm quả vào chiều ngày 23 và những tiết mục múa bóng, ca hát diễn ra trong suốt những ngày lễ tại sân khấu trước Tháp chính đấy. Vậy nên nếu các bạn có cơ hội đi du lịch Nha Trang trong thời gian này thì nên dành thời gian để đi tham gia lễ hội vì nó rất đặc sắc và sẽ đem lại cho các bạn cái nhìn mới về một nên văn hoá cổ truyền thời xa xưa đó nha.
Quần thể kiến trúc Chăm cổ xưa độc đáo
Tuy toàn thể quy mô Tháp Bà ở Nha Trang không thật sự hoành tráng nhưng vẫn hấp dẫn khoảng 160.000 lượt khách du lịch hàng năm đấy. Lý do bởi đây là công trình đã tồn tại trên 10 thế kỷ và đồng thời là 1 trong số những công trình kiến trúc tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của dân tộc Chăm. Trong đó, quần thể được chia ra làm 3 tầng, gồm 4 tòa tháp lớn. Tuy nơi đây chỉ còn là phế tích nhưng hình dáng điêu khắc và màu gạch đất nung như phủ lên một lớp bí ẩn về dấu tích của một nền văn minh đã qua và từng rất hưng thịnh đó.
Khi đến với Tháp Bà PoNagar, các bạn sẽ không chỉ có được rất nhiều góc sống sảo tuyệt vời mà đồng thời còn được khám phá 3 tầng tham quan khác nhau đó là cổng vào – nhà tĩnh tâm, nhà khách – tháp chính thờ bà Ponagar.
Tầng 1: Đây là nơi mà bạn bắt đầu hành trình khám phá tháp Bà, tầng này chỉ là lối đi với các bậc thang nối tiếp nhau dẫn bạn tới tầng tiếp theo thôi và leo lên cũng hơi oải đó nhưng Cuồng đảm bảo nó không hề phí tý nào đâu nha.
Tầng 2: Sau khi đi hết tầng 1 thì bạn sẽ tới tầng 2 của tháp bà Ponaga, tầng dành dành cho việc nghỉ chân hay sửa sang lại trang phục, lễ vật để dâng lên nữ thần Po Nagar. Tầng này hiện có những khối trụ bát giác bằng gạch nung, đã tồn tại hàng nghìn năm nên khá rêu phong. Các khối trụ này làm cho tháp bà PoNagar trở lên đồ sộ và trang nghiêm hơn.
Tầng 3: Tầng cuối cùng của khu tháp Bà PoNagar có 2 tháp chính và tháp cao nhất là nơi thờ Mẹ Xứ Sở tức nữ thần PoNagar. Với lối kiến trúc độc đáo và riêng biệt thì khu tháp Bà là địa điểm du lịch lý tưởng dành cho du khách khi đến Nha Trang.
Tháp chính: Khi lên tới tầng 3 của Tháp Bà PoNagar, các bạn sẽ bắt gặp Tháp chính nằm theo hướng Đông Bắc với chiều cao 23m, bên trong thờ nữ thần PoNagar. Tháp chính có thiết kế vô cùng đặc sắc, thân tháp có 5 hàng trụ áp tường chạy dọc, 4 góc là 4 tháp thu nhỏ với 3 tầng mái thu nhỏ dần, trên vòm có tấm phù điêu bằng đá.
Tháp Nam: cao 18m, là tháp lớn thứ 2 sau tháp chính thờ nữ thần PoNagar, tháp này có tên gọi là Tháp Ông, thờ thần Shiva (chồng của nữ thần Po Nagar)
Tháp Tây Bắc: cao 9m, là tháp lớn thứ 3, thờ thần Ganesha (vị thần của hạnh phúc, may mắn và trí tuệ), theo như truyền thuyết thì đây là tháp thờ con của nữ thần PoNagar
Tháp Đông Nam: cao 7m, là tháp cuối cùng của khu du lịch Tháp Bà PoNagar cũng là tháp nhỏ nhất, đây là tháp thờ thần Skandha – con thần Shiva (thần tượng trưng cho sức mạnh và chiến tranh)
Bia ký: Tại Tháp Bà PoNagar, bạn sẽ thấy 4 tấm bia đá nói về truyền thuyết bà Thiên Y A Na (PoNagar) trong đó có 1 tấm bia được khắc bằng chữ Hán – Nôm, được dựng vào năm 1856. Tấm bia thứ 2 được dựng năm 1871, tấm thứ 3 được dựng năm 1972 bằng chữ quốc ngữ và tấm bia cuối cùng được dựng năm 2010.
Các dịch vụ giải trí và nghỉ dưỡng tại khu du lịch Tháp Bà ( Cách Tháp Bà PoNagar khoảng 2.6 km)
Tắm bùn khoáng từ lâu đã được biết đến là một liệu pháp mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là về mặt sức khỏe cho con người rồi. Nó vốn được hình thành từ quá trình biến đổi chất, có nguồn gốc từ các loài thực vật bị chôn vùi cùng đất đai nên bùn khoáng được cho là có tính chất lành và có nhiều tác dụng trong việc hỗ trợ sức khỏe cho con người như viêm khớp hay là đau thần kinh. Thư giãn, thả lòng cơ thể, ngâm mình tĩnh lặng trong bồn tắm chứa đầy bùn khoáng cũng có tác dụng cao trong việc giảm stress. Vậy nên Cuồng tự tin nói rằng tắm bùn khoáng thật sự rất phù hợp với tất cả mọi người từ trẻ nhỏ đến người già, từ nam tới nữ, vân vân và mây mây.
Cuối ngày, chơi đã rồi, chúng ta có thể ghé về Tháp Bà ngâm bùn khoáng để xua đi cái mệt mỏi của cả một ngày rong ruổi, làm dịu cơ thể và tan đi cái nắng chói chang của thành phố biển. Tùy vào mức vé mua mà bạn sẽ được lựa chọn bồn tắm tập thể hoặc bồn cá nhân và trải qua các công đoạn khác nhau đó nha nhưng về cơ bản thì sẽ là ngâm bùn khoáng khoảng 20 phút và ngâm nước khoáng nóng cũng trong tầm 20 phút, chưa kể các công đoạn tắm sạch.
Ngâm mình trong bùn khoáng là trải nghiệm khá thú vị đấy. Lúc mới đầu chưa quen, bạn có thể cảm thấy khá nhớt giống như Cuồng lần đầu thử vậy, nhưng khi quen rồi thì bạn sẽ bắt đầu cảm nhận thấy vô cùng sảng khoái. Từng lớp bùn bủa vây như rút đi hết cảm giác mệt mỏi, nhẹ nhàng massage cơ thể của bạn và nó giống như khiến bạn cải lão hoàn đồng như trong truyền thuyết đó. Liệu pháp này vốn rất được yêu thích và là trải nghiệm mà không phải ở đâu bạn cũng có thể được trải nghiệm đâu.
Sau khi ngâm bùn và tắm sạch hết lớp bùn xong thì bạn sẽ được dẫn đi ngâm mình trong bồn nước khoáng nóng tự nhiên. Chúng ta vốn đã biết rằng tắm nước nóng đã được xác định là có nhiều lợi ích cho sức khỏe và nước khoáng tự nhiên thì lại càng tốt hơn bởi bản chất lành tính đến từ thiên nhiên của nó. Ngâm mình trong bồn nước nóng, cảm nhận tất cả sự mệt mỏi theo sự giãn nở của lỗ chân lông mà đào thải ra ngoài, bạn sẽ thấy cả cơ thể mình như lâng lâng, gột rửa hết chất bẩn cũng như những mệt mỏi của ngày hôm đó và tin Cuồng đi, cảm giác lúc đó như là chúng ta lạc vào xứ sở thần tiên ý. Hầu hết mọi người đến du lịch Nha Trang đều chọn Tháp Bà làm điểm dừng chân hoặc nhất định phải ghé qua cho chuyến đi của mình và nếu bạn muốn thư giãn sau một ngày di chuyển nhiều, nhất là khi bạn đã tham quan hết tháp bà PoNagar thì tắm bùn Tháp Bà ở Nha Trang chắc chắn là trải nghiệm mà bạn không nên bỏ lỡ rồi.
À còn giá dịch vụ thì các bạn xem ở dưới đây nha, Cuồng có đăng bảng giá dịch vụ cho các bạn tham khảo đó.
5. Chi phí tham quan?
Với giá vé rất là phải chăng đó là 22k/ người và vé giữ xe là 3k/ xe máy. Có thể nói là giá vé rất rẻ để chúng ta có thể vào tham quan, cúng bái, tận hưởng điệu múa của người Chăm cực kỳ đặc sắc và có những bức ảnh sống áo phải gọi là chất lừ luôn. Còn đối với bảng giá dịch vụ tắm bùn tắm khoáng ở khu du lịch Tháp Bà phía dưới thì đây là 1 mức giá hợp lý hoặc có khi là rẻ để các bạn có cơ hội tận hưởng những dịch vụ thư giãn cơ thể đỉnh cao như thế này.
6. Trải nghiệm khác.
Nếu các bạn có nhiều năng lượng và đủ khả năng để đi nhiều hơn thì các bạn có thể kết hợp đi chùa Long Sơn vào buổi sáng và đi Tháp bà vào buổi chiều rồi đi tắm bùn khoáng vào buổi chiều tối hoặc thay chùa Long Sơn thành Viện Hải Dương Học cũng rất hợp lý vì 2 địa điểm này đều không xa Tháp Bà PoNagar. Hoặc các bạn có thể đi theo Tour Nha trang City để được đi hết cả 4 nơi trong 1 ngày nếu thời gian của các bạn eo hẹp những vẫn muốn đi tham quan hết thì cũng rất hợp lý đó nha.
7. Ăn uống như thế nào?
Đương nhiên khi đi du lịch thì các bạn đều muốn tìm hiểu luôn về các địa điểm ăn uống phải không nào. Chính vì thế nên Cuồng cũng sẽ review qua một số nơi mà Cuồng thấy thật sự đáng để thử qua sau khi các bạn tham quan Tháp Bà PoNagar nha. Tại Tháp Bà PoNagar, các bạn có thể thưởng thức các món ăn nhẹ như kem hoặc uống nước dừa tại đây vì không gì tuyệt hơn làm cây kem hoặc giái giừa giải khát sau khi tham quan và có những bức ảnh Check-in để đời rồi đúng không. Còn nếu sau khi tham quan mà bạn muốn được thưởng thức đặc sản của thành phố biển Nha Trang thì bạn cũng có thể di chuyển tới các quán ăn hải sản vừa ngon vừa rẻ ở gần Tháp Bà PoNagar. Trong đó có 3 nơi mà Cuồng thật sự thích rất nổi tiếng đó là:
- Hải Sản Bờ Kè Nha Trang
- Quán hải sản đường Tháp Bà
- Quán hải sản đường Phạm Văn Đồng
Hải Sản Bờ Kè Nha Trang có vị trí rất rất đắc địa đó là ngay trên đường bờ kè Tháp Bà nên là siu mát luôn. Đến ăn hải sản ở đây bạn sẽ “tiện thể” được ngắm 2 cây cầu nổi tiếng trong thành phố là cầu Xóm Bóng và cầu Trần Phú và đồng thời cũng có thể chiêm ngưỡng Tháp Bà PoNagar xinh đẹp từ xa. Chưa kể đến đây còn là một trong những những quán hải sản tươi ngon ở Nha Trang mà các bạn vừa được thưởng thức các món ăn hải sản chỉ nghĩ thôi đã phát thèm dỏ dãi, vừa có thể đắm chìm trong khung cảnh Nha Trang xinh đẹp để cảm nhận làn gió biển mát lành cùng sự mặn mòi hương vị của biển cả. Ở nhà hàng Hải Sản Bờ kè, bạn có thể thao hồ chọn đồ ăn từ các món hải sản “cao cấp” như cá mú hấp lagim hay cua rang me, tôm hùm sốt bơ tỏi...v.v… cho đến những món “bình dân” như ốc sốt bơ tỏi, ốc rang me để nhấm nháp nữa. còn gì tuyệt vời hơn việc được ngồi ngắm tận hưởng không khí biển, thưởng thức các món ăn nổi tiếng của thành phố biển Nha Trang đồng thời được ngắm Tháp Bà PoNagar từ xa nữa chứ.
Quán hải sản đường Tháp Bà nằm ngay trên đường Tháp Bà nơi mà bạn đi qua để đến với Tháp Bà PoNagar. Khắp trên con đường này có hàng chục quán hải sản vỉa hè, bạn có thể tùy nghi lựa chọn. Tại đây bạn cũng có thể thưởng thức những món đặc sản tuyệt ngon với hương vị không dễ bắt gặp ở bất cứ nhà hàng hải sản hay quán cóc ven đường nào mà bạn từng thử đâu. Đặc biệt với những bạn thích ăn ốc thì bạn có thể ghé qua quán ốc Xuân Anh hoặc quán ốc Cây Dừa, nơi mà Cuồng nhận thấy rằng có món ốc ngon và độc đáo nhất không chỉ ở con đường này mà ở cả thành phố Nha Trang lun.
Quán Xuân Anh (9C Tháp Bà) tuy có hơi nhỏ chút nhưng lại có không gian ấm áp, đội ngũ phục vụ thân thiện và chu đáo và món gỏi Ốc Giác thì thật sự ngon đến bất thường lun đó.
Quán Cây Dừa (247 KA Tháp Bà) lại có ưu điểm là nước chấm được pha theo công thức “gia truyền” nên rất đặc biệt và độc đáo mà Cuồng chưa tìm được hàng ốc nào có nước chấm ngon bằng quán này chứ đừng nói đến là hơn.
Quán hải sản đường Phạm Văn Đồng tuy là con đường nhỏ bé và xinh đẹp bậc nhất thành phố biển Nha Trang nhưng nơi này lại “ẩn giấu” những quán hải sản ngon nức tiếng ở Nha Trang đó nha. Trong đó có 2 địa điểm ăn uống mà Cuồng cảm thấy ngon nhất và bạn có thể ghé qua trên con phố này là:
Quán Làng Biển (9C Phạm Văn Đồng): Ăn vừa ngon mà giá lại hợp lý, với mức giá cực kỳ “sinh viên” chỉ từ 30.000 – 200.000 đồng, bạn có thể thỏa thích ăn tôm nướng, ghẹ hấp hay gỏi hải sản… Cuồng phải công nhận rằng chỗ này hoàn toàn phù hợp với những hội bạn nào muốn thưởng thức hải sản ngon đúng điệu với giác cực phải chăng.
Nhà hàng Thùy Dương (Số 01 Phạm Văn Đồng): Nếu các bạn muốn vừa ăn vừa ngắm toàn cảnh thành phố Nha Trang thì nhà hàng Thùy Dương là một trong những quán hải sản ngon ở Nha Trang lý tưởng nhất lun. ới vị trí ven biển, có chỗ ngồi ngoài trời và view ngắm thành phố Nha trang về đêm cực kỳ mãn nhãn, đầy thơ mộng và rất lãng mạn thì đây đích thực là nơi mà các cặp đôi sẽ hay hẹn nhau ra để thưởng thức không khí, âm thanh của biển cùng với món ăn ở nơi đây và được ngắm nhìn thành phố biển Nha Trang đầy xinh đẹp nữa chứ. Đặc biệt khi các bạn đến nhà hàng vào đêm trăng tròn thì đây đúng thật là nơi hoàn toàn phù hợp để các bạn nam tỏ tình hay cầu hôn người phụ nữ của mình rồi.
8. Những lưu ý khi tham quan vui chơi tại đây
– Vì đây là nơi linh thiêng của người Chăm nên bạn không nên xả rác bừa bãi hay nói những lời coi thường, dung tục về vị nữ thần này nhé.
– Buổi chiều tối trên con đường Tháp Bà có rất nhiều đồ ăn ngon rẻ được bày bán, bạn đi chơi ở tháp Bà tầm chiều là hợp lý nhất hoặc bạn có thể đi buổi sáng để có thêm thời gian tận hưởng dịch vụ tắm bùn, massage và xông hơi để thư giãn.
– Khách Trung Quốc tới tham quan tháp bà PoNagar khá đông nên có thể bạn sẽ bị nhầm là người Trung Quốc luôn đấy.
– Nhớ mang mũ hay ô và kính râm theo nếu đi lúc trời nắng nhé.
– Khi vào điện thắp hương thì cần phải mặc đồ dài, không đeo kính hay đội mũ, mặc áo hở vai, quần/ váy cao trên đầu gối. Nếu bạn có lỡ mặc trang phục quá ngắn thì đừng lo lắng vì bạn có thể mặc áo lam bên ngoài nha (được phát miễn phí ngay bên trái tháp chính).
– Đoàn múa thường biểu diễn vào buổi chiều nên mọi người đi sáng sẽ không có cơ hội xem đâu.
– Các bạn nhớ tuân thủ các bảng chỉ dẫn, thông báo tại đây và không tạo dáng chụp ảnh phản cảm hay ăn uống xả rác trong khuôn viên tháp đâu nhé.
Trên đây là 1 chút review sương sương về khu du lịch Tháp Bà PoNagar. Mình chắc rằng đây sẽ là một trong số những trải nghiệm khó quên nhất, thú vị nhất và không nên bỏ qua khi các bạn đi du lịch Nha Trang. Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp ích cho các bạn trong chuyến du lịch Nha Trang sắp tới. Hãy tiếp tục like, share và nhấn chuông đăng ký để nhận thêm nhiều video và bài review chia sẻ kinh nghiệm du lịch từ Cuồng nha. Cám ơn các bạn.