Sân bay Nội Bài: Tổng quan về sân bay lớn nhất miền Bắc
08/12/2024 791
Sân bay Nội Bài là một cảng hàng không quốc tế quan trọng và là sân bay lớn nhất ở Việt Nam, phục vụ thủ đô Hà Nội và hầu hết các tỉnh phía Bắc. Với hàng chục triệu lượt khách đi qua mỗi năm, sân bay này là đầu mối giao thương du lịch, thương mại của Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, rất ít người thực sự biết đầy đủ về các thông tin cơ bản liên quan đến sân bay Nội Bài. Vì vậy, trong bài viết này, bạn hãy cùng Blog Travel Việt khám phá những thông tin quan trọng và đầy đủ nhất về sân bay Nội Bài nhé!
- Giới thiệu về sân bay Nội Bài
- Vị trí địa lý sân bay Nội Bài
- Lịch sử hình thành sân bay Nội Bài
- Đặc điểm thiết kế và cơ sở hạ tầng của sân bay Nội Bài
- Dịch vụ tiện ích tại sân bay Nội Bài
- Di chuyển tại sân bay Nội Bài
- Ứng dụng iNIA - Hỗ trợ hành khách theo dõi thông tin chuyến bay
1. Giới thiệu về sân bay Nội Bài
Nội Bài là một trong những sân bay quốc tế hàng đầu tại Việt Nam. Với tên đầy đủ là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Noi Bai International Airport), đây là trung tâm hoạt động chính của nhiều hãng hàng không nội địa như Vietnam Airlines, VietJet, Jetstar Pacific, Bamboo Airways…. Ngoài ra, sân bay quốc tế này còn tiếp đón khoảng 22 hãng hàng không từ nhiều quốc gia trên thế giới. Sân bay Nội Bài hiện có hai nhà ga chính là T1 và T2, với diện tích lần lượt là 115.000m2 và 139.216m2. Với sức chứa lên đến 15 triệu lượt khách, Nội Bài đáp ứng được nhu cầu đi lại và giao thương ngày càng tăng của thủ đô Hà Nội và khu vực Bắc Bộ.
<<<Xem thêm: Hướng Dẫn Chi Tiết Làm Thủ Tục Check In Tại Sân Bay Nội Bài Hà Nội
2. Vị trí địa lý sân bay Nội Bài
Sân bay quốc tế Nội Bài nằm ở huyện Sóc Sơn, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 35km theo tuyến đường bộ về phía Tây Bắc. Tuy nhiên, khoảng cách này đã được rút ngắn xuống còn 27km kể từ khi cầu Nhật Tân và tuyến đường nối đầu cầu này với Nội Bài hoàn thành vào năm 2015. Ngoài ra, có thể đi từ cầu Chương Dương theo Quốc lộ 3 để đến ngã 3 giao cắt với Quốc lộ 2 và tiếp tục vào sân bay. Sân bay quốc tế Nội Bài cũng gần với các thành phố thuộc các tỉnh lân cận như Vĩnh Yên, Phúc Yên và Bắc Ninh, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách từ những khu vực này đến và từ sân bay.
3. Lịch sử hình thành sân bay Nội Bài
- Ban đầu, Sân bay Quốc tế Nội Bài là căn cứ không quân của Không quân Nhân dân Việt Nam trong những năm kháng chiến chống giặc. Trước đó, nó được biết đến với tên gọi Đa Phúc và đã được cải tạo để phục vụ cả mục đích dân sự và quân sự.
- Vào năm 1977, Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam đã quyết định thành lập Sân bay Quốc tế Nội Bài tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Sau đó, vào năm 1978, sân bay chính thức đi vào hoạt động và đón nhận những chuyến bay quốc tế đầu tiên. Tên gọi của sân bay được lấy theo tên ngôi làng Nội Bài, thuộc tổng Ninh Bắc, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên trước kia.
- Vào năm 1995, nhà ga hành khách T1 được xây dựng và sau đó, vào tháng 10 năm 2001, nó chính thức đi vào hoạt động. Năm 2013, nhà ga T1 đã hoàn thiện sảnh E và mở cửa, kết nối với sảnh A, giúp sân bay giảm tải lưu lượng khách quá đông.
- Năm 2014, nhà khách VIP và nhà ga T2 được đưa vào hoạt động. Nhà ga T2 trở thành nhà ga phục vụ chuyến bay quốc tế, trong khi nhà ga T1 chuyển sang phục vụ chuyến bay nội địa.
4. Đặc điểm thiết kế và cơ sở hạ tầng của sân bay Nội Bài
Vào ngày 15 tháng 9 năm 2005, sân bay quốc tế Nội Bài đã được tổ chức TÜV NORD CERT (Đức) trao chứng chỉ ISO 9001:2000. Sân bay Nội Bài có 2 đường băng chuyên dùng để cất cánh hoặc hạ cánh. Trong đó, đường 1A hướng 11L/29R dài 3200m rộng 45m, đường 1B hướng 11R/29R dài 3800m rộng 45m, phù hợp với đa dạng loại máy bay, kể cả máy bay lớn nhất thế giới là Airbus A380. Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), công suất tối đa của sân bay Nội Bài hiện tại chỉ đạt 10 triệu hành khách mỗi năm. Hiện nay, sân bay Nội Bài có 2 nhà ga chính để đón hành khách là nhà ga T1 và nhà ga T2 với thông tin cụ thể như sau:
Nhà ga T1 - Phục vụ các chuyến bay nội địa
Nhà ga T1 của sân bay quốc tế Nội Bài được thiết kế bởi các kiến trúc sư Việt Nam, mang đậm phong cách dân tộc đặc trưng. Với diện tích rộng lên đến 150 nghìn m2, nhà ga này bao gồm sảnh E và sảnh A, trong đó sảnh E là khu vực thu hút lượng hành khách đông đúc nhất. Cả hai sảnh đều có 5 cổng đi, 2 cổng đến và được xây dựng trên 3 tầng cùng 1 tầng lửng. Thiết kế dịch vụ của nhà ga T1 cụ thể như sau:
- Tầng 1: Dành cho khách nội địa đến lấy hành lý sau khi hạ cánh
- Tầng 2: Dành cho khách đi, đây là khu vực để khách đến làm thủ tục, check in, ký gửi hành lý và ngồi chờ máy bay.
- Tầng 3: Khu vực văn phòng dành cho nhân viên của sân bay
- Tầng 4: Khu vực cung cấp dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi cho hành khách
<<<Xem thêm: Hướng Dẫn Làm Thủ Tục Sân Bay Cam Ranh Nha Trang
Nhà Ga T2 - Phục vụ các chuyến bay quốc tế:
Nhà ga T2 của sân bay quốc tế Nội Bài được thiết kế bởi đội ngũ kiến trúc sư từ Nhật Bản và được xây dựng với nguồn vốn từ ODA Nhật Bản. Nhà ga này bao gồm 96 quầy làm thủ tục và các cửa khởi hành dành cho hành khách đi các chuyến bay quốc tế. Thiết kế của nhà ga T2 bao gồm 4 tầng và 1 tầng hầm, chi tiết như sau:
- Tầng 1: Dành cho hành khách chặng quốc tế đến lấy hành lý và làm thủ tục thông quan
- Tầng 2: Dành cho hành khách nối chuyến
- Tầng 3: Khách đi quốc tế, làm thủ tục chuyến bay, ký gửi hành lý và chờ máy bay cất cánh
- Tầng 4: Tập trung vào các phòng chờ khách VIP, khách vé hạng thương gia
5. Dịch vụ tiện ích tại sân bay Nội Bài
Dịch vụ ngân hàng và ATM
Dịch vụ ngân hàng và cây ATM là một trong những điểm mà khách hàng quan tâm hàng đầu khi đến sân bay. Sân bay Nội Bài đã đáp ứng tiêu chuẩn để mang đến sự tiện lợi cho hành khách, vì vậy nhiều cây ATM và quầy thu đổi ngoại tệ đã được bố trí ở đây. Cụ thể:
Tại nhà ga quốc nội T1: dịch vụ ngân hàng và cây ATM được đặt tại khu vực công cộng tầng 1, nơi dễ dàng tìm thấy nhất cho hành khách.
- 02 Quầy thu đổi ngoại tệ: Ngân hàng Vietinbank và Ngân hàng Á Châu.
- 09 Ngân hàng có cây ATM: Ngân hàng Citibank, ANZ, HSBC, Vietinbank , Techcombank, Á Châu, VIB, Sacombank, Agribank
- 01 Kiosk banking: Ngân hàng Vietinbank
Nhà ga quốc tế T2: dịch vụ ngân hàng và ATM được bố trí tại 2 nơi:
Khu vực công cộng tầng 1 cánh Tây
- 02 Quầy thu đổi ngoại tệ: Ngân hàng BIDV và Ngân hàng Maritime Bank.
- 03 cây ATM: Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Maritime, Ngân hàng VP Bank.
Khu vực công cộng tầng 1 cánh Đông
- 02 quầy thu đổi ngoại tệ: Ngân hàng Vietinbank và Ngân hàng Techcombank.
- 03 cây ATM: Ngân hàng Vietinbank, Ngân hàng Techcombank, Ngân hàng Agribank.
Dịch vụ ẩm thực
Để đáp ứng sự đa dạng và nhu cầu ẩm thực của hành khách, sân bay Nội Bài đã mở các dịch vụ ăn uống. Các quán ăn và nhà hàng tại đây mang đến những hương vị đặc trưng từ các món ăn Á và Âu, thu hút sự quan tâm của hành khách nội địa và quốc tế. Dưới đây là một số ví dụ:
- Burger King: Nằm tại sảnh công cộng tầng 3 và khu vực cách ly tầng 3 của nhà ga T2, Burger King cung cấp các món ăn nhanh như hamburger, khoai tây chiên,..
- Bigbowl: Tọa lạc tại sảnh công cộng tầng 1, tầng 3 và khu vực cách ly tầng 3 của nhà ga T2, Bigbowl chuyên phục vụ các món ăn nóng Việt Nam như phở, cháo, bún,..
- Ngọc Sương: Nằm tại sảnh công cộng tầng 1 và tầng 4 của nhà ga T1, Ngọc Sương cung cấp dịch vụ café, các món ăn Việt Nam và cả một số món Âu.
<<<Xem thêm: Tổng Hợp Các Sân Bay Dân Dụng Tại Việt Nam
Dịch vụ nghỉ ngơi
Sau một chuyến bay dài và mệt mỏi, bạn cần một sự thư giãn và nghỉ ngơi. Hãy tới tầng 3 của khu cách ly quốc tế của nhà ga T2 và tầng 4 của nhà ga T1. Tại đây, bạn có thể trải nghiệm dịch vụ Sky Massage với mức giá từ 10 - 60 USD/lượt, với thời gian từ 30-90 phút. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng dịch vụ hộp ngủ để có thời gian nghỉ ngơi tại khu vực công cộng. Khu vực nghỉ ngơi này được đặt tại sảnh đi tầng 3 của nhà ga T1 và tầng 2 của nhà ga T2.
Dịch vụ wifi, internet miễn phí
Bạn có thể kết nối wifi với mật khẩu là “Noibai Airport Free Wi-fi”. Tuy nhiên do số lượng người dùng lớn nên chất lượng đường truyền sẽ không ổn định.
Dịch vụ nước uống miễn phí
Bạn sẽ được cung cấp tại địa điểm trong khu cách ly.
Dịch vụ sạc pin miễn phí
- Nhà ga T1: khu vực công cộng tầng 1 tại sảnh A – E và trong khu cách ly tầng 2 sảnh A – B – E
- Nhà ga T2: khu vực cách ly đi tầng 3.
Dịch vụ xe đẩy hành lý
Tại nhà ga T1 xe đẩy phân bố ở khu vực sảnh công cộng trước tầng 2 sảnh A – B – E; tại nhà ga T2 xe đẩy phân bố ở khu vực phòng chờ đi và đến.
Dịch vụ trông giữ hành lý
Tại nhà ga T2 khu vực công cộng tầng 2 cánh Đông có dịch vụ đóng gói hành lý:
- Tại nhà ga T1 dịch vụ phân bố ở khu vực công cộng tầng 2 cánh A- B – E
- Tại T2 là ở khu vực công cộng tầng 3.
Dịch vụ y tế:
Tại nhà ga T1: Sảnh đến tầng 1 cánh A; tại nhà ga T2: Sảnh đến tầng 1 phía Tây và phòng chờ cách ly tầng 3 phía Đông.
Dịch vụ hoàn thuế
Tại nhà ga T2 trong khu cách ly cánh Đông và cánh Tây.
Dịch vụ trẻ em
Gồm phòng chăm sóc em bé và khu vui chơi cho trẻ em tại nhà ga T2.
Phòng hút thuốc
Bạn sẽ không được hút thuốc bên trong nhà ga hành khách sân bay Nội Bài. Tuy nhiên, vẫn có các khu cho phép bạn hút thuốc được bố trí tại các tầng trong nhà ga.
Dịch vụ đặc biệt
Phòng chờ hạng thương gia tại tầng 4 nhà ga T2 Nội Bài:
- Khách hàng được sử dụng không gian nghỉ ngơi, giải trí, ăn uống riêng biệt;
- Dịch vụ đón khách VIP bằng nghi thức long trọng theo tiêu chuẩn VIP. Điều này cho hành khách sự trọng thị đặc biệt.
<<<Xem thêm: 10 Điều Cần Phải Biết Cho Người Lần Đâu Đi Máy Bay
6. Di chuyển tại sân bay Nội Bài
Khoảng cách giữa hai nhà ga khá xa nên hành khách có thể di chuyển bằng xe bus, cụ thể như sau:
- Nhà ga T1: Xe bus phục vụ miễn phí tại tầng 1 sảnh A, thời gian từ 6h sáng đến 1h đêm, tần suất hoạt động từ 10 đến 15 phút/lượt xe.
- Nhà ga T2: Xe bus phục vụ tại tầng 1 – T2 khu đầu Tây miễn phí, thời gian từ 6h sáng đến 1h đêm với tần suất hoạt động từ 10 đến 15 phút/lượt xe.
7. Cách di chuyển tới sân bay Nội Bài
Taxi sân bay Nội Bài hoặc xe công nghệ
Taxi là phương tiện được rất nhiều du khách yêu thích vì tính tiện lợi. Một chuyến taxi từ trung tâm thành phố đến sân bay có giá khoảng 250.000 - 300.000 VND mỗi lượt đi. Tuy nhiên, nếu bạn bay vào các chuyến sáng sớm hoặc tối muộn, có thể sẽ gặp khó khăn trong việc tìm xe.
Xe bus sân bay Nội Bài
Trong khoảng thời gian từ 6:00 - 19:00 hàng ngày, du khách có thể sử dụng dịch vụ xe buýt để di chuyển từ trung tâm thành phố đến sân bay. Một trong những ưu điểm của xe buýt là giá thành rẻ hơn so với các phương tiện khác. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng xe buýt không có khả năng chở nhiều hành lý và không linh hoạt về giờ giấc. Các tuyến xe buýt phục vụ cho hành trình này bao gồm số 07, 17, 90 và xe chất lượng cao số 86.
Xe đưa đón sân bay
Xe đưa đón sân bay hoạt động tương tự như xe buýt với giá cả phải chăng, do đó thu hút một số lượng khách khá đông. Tuy nhiên, hãy xem xét sử dụng phương tiện này chỉ khi bạn không có quá nhiều hành lý lớn. Các tuyến xe đưa đón sân bay hiện đang hoạt động bao gồm NB01, NB02 và NB03.
<<<Xem thêm: [CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT] Các Hạng Vé Máy Bay Và Hạng Ghế Trên Máy Bay Hiện Nay
Xe buýt đưa đón sân bay Nội Bài của hãng bay
Hiện nay, các hãng hàng không nội địa cung cấp dịch vụ xe đưa đón hành khách. Một số ưu điểm của các tuyến xe đưa đón này là giá cả hợp lý. Tuy nhiên, đôi khi bạn có thể phải chờ đến khi có đủ số lượng khách thì xe mới bắt đầu chạy.
Vietnam Airlines
- Xuất phát từ trung tâm Hà Nội: 1 Quang Trung, quận Hoàn Kiếm.
- Xuất phát từ sân bay: Nhà ga T1, xe 16 chỗ.
- Giá vé: 40.000 VND/lượt.
- Thời gian hoạt động: 5:00 - 22:00, 30 – 45 phút có một chuyến.
Vietjet Air
- Xuất phát từ trung tâm Hà Nội: Rạp xiếc Trung Ương, 69 Trần Nhân Tông.
- Xuất phát từ sân bay Nội Bài: Nhà ga T1, xe 16 – 45 chỗ.
- Giá vé: 40.000 VND/lượt.
- Thời gian hoạt động: 4:00 - 22:00, khoảng 30 – 45 phút có một chuyến.
Pacific Airlines
- Xuất phát từ trung tâm Hà Nội: Bến xe Ngọc Khánh và bến xe Quang Trung.
- Xuất phát từ sân bay Nội Bài: Nhà ga T1, xe 16 – 45 chỗ.
- Giá vé: 40.000 VND/lượt.
- Thời gian hoạt động: 4:00 - 22:00.
Xe buýt điện VinBus
Nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng giao thông xanh bền vững, kể từ ngày 01/07/2023, VinBus đã chính thức vận hành tuyến buýt điện nối chuyến NIA tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển của hành khách giữa nhà ga Quốc tế và nhà ga Quốc nội. Điều đặc biệt là dịch vụ này hoàn toàn miễn phí. Với không gian rộng rãi và thoáng mát, VinBus mang đến những tiện ích hiện đại như wifi miễn phí, màn hình LCD giải trí và cổng sạc USB, hứa hẹn mang đến trải nghiệm xanh, thân thiện và hiện đại cho du khách Việt Nam và quốc tế.
- Lộ trình chiều đi: tầng 1 nhà ga Quốc tế T2 - tầng 2 nhà ga Quốc nội T1
- Lộ trình chiều về: tầng 1 nhà ga Quốc nội T1 - tầng 3 nhà ga Quốc tế T2
- Vị trí đón khách: tại Nhà ga Quốc nội T1 (cánh A, tầng 1) và Nhà ga Quốc tế T2 (cột số 11-12, làn số 2, tầng 1).
- Tần suất chạy xe là từ 15-20 phút/chuyến, cụ thể là tần suất 15 phút/1 chuyến trong khung giờ ban ngày (từ 07h00 đến 23h00); và 20 phút/1 chuyến trong khung giờ sáng sớm và ban đêm.
8. Ứng dụng iNIA - Hỗ trợ hành khách theo dõi thông tin chuyến bay
Nhằm mang lại nhiều trải nghiệm cho hành khách, cập nhật thông tin chuyến bay nhanh chóng, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi, các kỹ sư của Trung tâm Khai thác ga Nội Bài – Cảng HKQT Nội Bài đã thiết kế ứng dụng iNIA để tra cứu thông tin chuyến bay từ chính trên các điện thoại cá nhân của hành khách. Với việc cài đặt dễ dàng trên hệ điều hành iOS và Android, hành khách có thể cập nhật thông tin chuyến bay mọi lúc, mọi nơi. Trước đây, thông tin chuyến bay chỉ hiển thị trên các màn hình tại sân bay, nhưng iNIA mang đến sự tiện ích và sự chủ động cho hành khách. Họ có thể theo dõi thông tin chuyến bay, cập nhật khi có thay đổi và đảm bảo hành trình diễn ra thuận lợi.
Trên đây là những thông tin quan trọng về cảng hàng không quốc tế Nội Bài, giúp bạn có một chuyến bay thuận lợi và dễ dàng. Đừng quên theo dõi Blog Travel Việt để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác về du lịch và các địa điểm thú vị khác nhé!
VIDEO: Sân bay Nội Bài: Tổng quan về sân bay lớn nhất miền Bắc