Những điều cấm kỵ khi đi chùa nhất định phải nhớ
10/09/2024 1341
Thế giới cửa Phật là một không gian tinh khiết, thanh thản. Chỉ cần vượt qua cửa Tam quan, mỗi người khi đến chùa sẽ bước vào một thế giới khác. Dù bên ngoài tâm hồn có những biến động, hỗn loạn đến đâu, khi bước vào cửa Phật cũng cần phải giữ cho tâm tịnh. Đi chùa để cầu bình an luôn là một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt Nam. . Tuy nhiên, tiếc thay, hiện nay không phải ai cũng tuân thủ các quy tắc đúng mực khi tham gia lễ chùa, đặc biệt là người trẻ. Vì vậy, bạn nhất định phải nhớ những điều sau đây để không vi phạm các quy định cấm kỵ.
- Trang phục thiếu trang nghiêm
- Không để ý lối vào cổng tam quan
- Tự ý sử dụng hoặc mang đồ ở chùa về nhà
- Nói chuyện thị phi, đùa giỡn trong cảnh thiền môn
- Quỳ giữa điện Phật
- Chạm, sờ vào tượng Phật
- Mang thức ăn mặn vào chùa
- Tự ý quay phim, chụp hình
- Đặt tiền công đức lên tượng Phật
- Sắm sửa vàng mã đem cúng Phật
- Đi cắt ngang mặt những người đang quỳ lạy
- Dùng miệng thổi tắt hương/nến
- Cư xử thiếu bất kính với Tăng, Ni
<<<Xem thêm: Kinh Nghiệm Du Lịch Hạ Long, Tham Quan Chùa Ba Vàng Chi Tiết Từng “ Centimet”
1. Trang phục thiếu trang nghiêm
Hiện nay thời trang khá đa dạng và rất nhiều người ưa chuộng phong cách "thiếu vải". Tuy việc lựa chọn trang phục là quyền tự do, nhưng trong chốn linh thiêng như chùa, đền, miếu, việc mặc trang phục hở hang là hoàn toàn không thích hợp. Các nơi tôn nghiêm, thanh tịnh như chùa, nhà thờ đòi hỏi chúng ta nên mặc trang phục kín đáo và tôn trọng. Việc mặc quần áo thiếu trang nghiêm trong chốn thiền môn không chỉ gây cảm giác phản cảm mà còn làm mất đi không khí thanh tịnh, linh thiêng của nơi đó. Nhiều người, đặc biệt là các cặp tình nhân trẻ khi đến chùa, thường mặc trang phục hở hang, mặc dù không cấm nhưng điều này không phù hợp với hoàn cảnh và còn làm mất đi sự trang nghiêm và thành kính. Thêm vào đó, việc mặc quần áo thiếu trang nghiêm còn có thể phạm giới bất kính, làm ô uế Phật đường và mất đi phước đức. Để thể hiện sự tôn trọng và văn hóa lịch sự, khi đến chùa hay nơi linh thiêng, chúng ta cần cố gắng mặc những bộ đồ kín đáo hơn. Tránh mặc váy ngắn, áo hai dây, quần cộc hay áo xuyên thấu. Thay vào đó, hãy chọn những bộ trang phục màu sắc nhã nhặn, phù hợp với không gian linh thiêng và mang tính chất trang nghiêm. Sự giản dị và nhẹ nhàng sẽ là lựa chọn tối ưu khi đi thăm viếng những nơi mang ý nghĩa tâm linh.
2. Không để ý lối vào cổng tam quan
Mỗi ngôi chùa thường có cổng tam quan đặc trưng, bao gồm ba cổng, nhưng chỉ mở cửa chính ở giữa vào những ngày lễ lớn. Trong những ngày thường, chỉ mở cổng phụ hai bên. Nguyên do là do tín ngưỡng trong Phật giáo rằng cổng lớn là lối đi dành cho chư Phật, chư Thiện và những bậc tôn túc với giới hạnh đủ đầy. Do đó, cổng chính chỉ mở cửa vào những dịp lễ lớn để cung nghinh và tiếp đón. Tuy nhiên, nhiều người khi đến lễ Phật không chú ý đến điều này, tùy tiện đi vào cổng lớn mà không nhìn trước sau. Điều này là không tôn trọng, và việc này cũng có thể phạm tội bất kính. Cổng tam quan trong Phật giáo mang ý nghĩa "ba cách nhìn" gồm "có quan", "trung quan" và "không quan", thể hiện cái có, cái không và trung dung của cả hai. Có một thuyết khác cho rằng tam quan là "tam giải thoát môn" của Thiền tông, bao gồm cửa Không, cửa Vô tác và cửa Vô tướng (Vô nguyện). Vì vậy, ở những nơi không thuộc Phật giáo Thiền tông, không xây cổng tam quan làm lối vào chùa. Truyền thống này dựa trên phong tục tập quán và kiêng kỵ trong tín ngưỡng dân gian, như "không trổ cửa chính vào thẳng nhà" (vì quỷ thần thường đi theo đường thẳng) và sử dụng bình phong lá chắn để trừ tà ma. Khi đến chùa, bạn hãy tránh đi vào cổng Tam Quan để thể hiện sự tôn trọng và tế nhị đối với không gian linh thiêng.
3. Tự ý sử dụng hoặc mang đồ ở chùa về nhà
Các món đồ Pháp bảo và vật dụng ở chùa đa phần được đặt để cúng dường và cầu mong mang lại lợi lạc cho chúng sanh. Tự ý lấy đồ từ chùa về làm của riêng tương đương việc bạn đang cướp đoạt của cải của người khác, làm tăng thêm tội lỗi. Lấy đồ của người khác đã là tội, huống hồ lấy đồ của Tam Bảo thì tội lỗi càng nặng nề. Trước khi sử dụng đồ trong chùa, bạn hãy lễ phép xin hỏi sư Thầy hoặc những người có trách nhiệm liên quan để tránh tổn phước. Tốt nhất không nên mang các đồ từ chùa về nhà, kể cả những thứ được coi là lộc lá, vì có thể sẽ mang theo vong rồi đủ thứ bám vào. Nếu đến các di tích, có thể mua cành vàng lá ngọc dâng lên để cầu phúc nhưng không nên mang về nhà làm đồ thờ cúng. Trước khi đặt bất cứ vật phẩm nào lên bàn thờ, chúng ta nên suy xét kỹ. Bày cành vàng lá ngọc lên bàn thờ cúng là theo triết lý dân gian, nhưng không phù hợp với triết lý nhà Phật. Mọi người có thể bày nhưng phải hóa đi sau Rằm tháng Giêng. Hoa giả chỉ dùng để trang trí, không thể xếp vào nghi lễ thờ cúng. Việc cắm cành vàng, lá ngọc nhằm mang phú quý về nhà thuộc về mê tín, âm tà, trong khi thờ cúng cần chính tín và sự thanh tịnh.
<<<Xem thêm: 15 Ngôi Chùa Lớn Nhất Việt Nam: Bạn Đã Đi Hết Chưa?
4. Nói chuyện thị phi, đùa giỡn trong cảnh thiền môn
Chùa là nơi tĩnh lặng, thanh tịnh, dành cho cả xuất sĩ và tu sĩ dừng chân tu học. Khi tham quan khu chánh Điện, giảng đường, cần giữ vệ sinh sạch sẽ và không khạc nhổ bừa bãi. Đến chùa, ta không nên đùa giỡn hay nói chuyện thị phi gây mất đoàn kết, ảnh hưởng tới không khí trang nghiêm của chùa. Vi phạm điều này sẽ gặt quả không tốt, và tâm hồn cũng không thể tu hành thành công do động loạn. Khi dắt theo trẻ con, bạn cũng cần nhắc nhở trẻ tránh gây ồn ào và đùa giỡn quá trớn. Chùa là nơi trang nghiêm, yên tĩnh để ta thư thái và tỏ lòng thành kính. Chúng ta đến chùa để học pháp chứ không nên đến để lan truyền tiêu cực. Thời gian ở chùa rất quý báu, nên tận dụng để tu tập và làm sạch ba nghiệp. Không nên lãng phí thời gian bằng việc nói chuyện vô bổ và thị phi. Những hoạt động vui đùa và ồn ào nên dành cho nơi khác. Tại chùa, chúng ta phải giữ yên lặng và tôn trọng văn hóa, để gìn giữ không gian thanh tịnh cho mọi người có cơ hội tu tập và tịnh tâm.
5. Quỳ giữa điện Phật
Đây là một sai lầm mà đa số người Việt thường mắc phải khi tham gia hành lễ tại chùa. Khi thắp nhang lễ Phật, chúng ta nên đứng lệch sang một bên để hành lễ, vì vị trí giữa chánh điện thường dành cho các bậc trụ trì hoặc chư tăng trong chùa. Phật giáo có câu "Đi chùa đúng pháp, được phúc" để nhấn mạnh việc thực hiện lễ chùa cần phải tuân thủ đúng phép tắc của Phật giáo, chỉ khi đó mới mong được phước lành và an lành.
Trước khi bước vào chùa hành lễ, khách thập phương nên dừng chân chút lát trước cửa chùa, tĩnh tâm rũ bỏ bụi trần trước khi bước vào cõi Phật. Chùa chiền là nơi tôn nghiêm cần sự văn hóa và lịch sự. Người đi lễ chùa cần nhận thức điều này để giữ được thanh tịnh của thiền môn và thanh lịch của bản thân. Theo hướng dẫn của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, khi đến chùa, trước tiên phải đặt lễ, thắp hương, và làm lễ tại ban thờ Đức Ông đầu tiên, để xin phép trước khi thực hiện lễ tại chính điện. Sau đó là thực hiện lễ chư phật, Bồ Tát, và hành lễ ở các ban thờ khác của nhà bái đường. Cuối cùng, đến nhà trai giới hay phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư tăng trụ trì và sau đó tiến hành các việc tùy tâm công đức.
<<<Xem thêm:Top 9 Ngôi Chùa Tại Các Địa Điểm Du Lịch Việt Nam Nổi Tiếng Nhất
6. Chạm, sờ vào tượng Phật
Sai lầm hoàn toàn khi cho rằng việc sờ mó, xoa tiền hay chạm vào tượng Phật sẽ mang lại lợi lộc và sức khỏe. Thực tế, những hành vi như vậy không chỉ thiếu tôn trọng mà còn gây nhiễu loạn không gian thanh tịnh và linh thiêng của nơi tượng Phật đặt. Tượng Phật là biểu tượng linh thiêng và trân quý của đạo Phật, đại diện cho sự cao quý và tinh khiết. Hãy tỏ lòng thành kính và tôn trọng bằng cách cúi đầu, thắp hương, và cầu nguyện một cách nghiêm túc và thành tâm. Bằng việc tôn trọng các giá trị này, chúng ta sẽ duy trì sự thanh tịnh và linh thiêng trong không gian thờ cửa Phật và được đón nhận những lợi ích tinh thần trong cuộc sống.
7. Mang thức ăn mặn vào chùa
Đi lễ chùa đã trở thành một tập tục đẹp và thiêng liêng từ lâu của nhân dân ta. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng ý nghĩa tâm linh của hoạt động này hoặc biết cách thực hành nghi lễ đúng cách tại chốn thiêng liêng này. Một số hành khách khi tham quan chùa thường không để ý và mang thức ăn mặn vào khu vực chùa. Hành động này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của nhà chùa mà còn gián tiếp tạo tội. Trước khi bước vào cổng tam quan, chúng ta cần kiểm tra tác phong và đồ dùng mang theo một cách cẩn thận, để tránh việc làm phiền người khác và gây phản cảm. Khi đi lễ chùa, việc sắm lễ vật cũng cần tuân thủ các quy định và nguyên tắc. Đến dâng hương, chúng ta chỉ nên sắm lễ chay như hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi chè,... Không nên dùng lễ mặn như thịt mồi, gà, giò, chả... Việc dâng lễ mặn chỉ nên thực hiện nếu trong khu vực chùa có thờ tự các vị Thánh, Mẫu. Cuối cùng, ta cần nhớ rằng Phật không cần mâm cao cỗ đầy, chỉ cần tâm thành và lòng thành tôn kính. Khi vào chùa, hãy cảm nhận sự lắng đọng và bình an trong tâm hồn. Tránh những quan niệm sai lầm về việc mang nhiều lễ vật để cầu cúng, bởi thực tế là tâm thành và lòng thành của người đến lễ mới là điều quan trọng và thiêng liêng nhất trong cuộc hành hương.
8. Tự ý quay phim, chụp hình
Thường một số chùa không khuyến khích tham quan chụp hình trong chánh định, tháp linh, nhà tổ... Ngoài lý do mỹ quan, còn có một số nguyên nhân thuộc về tâm linh rất đáng sợ. Theo dân gian, chùa là nơi ẩn náu của nhiều linh hồn sau khi mất đi, việc chụp hình ở những nơi này vô tình sẽ lưu giữ hình ảnh những linh hồn, họ sẽ lặng lẽ theo về với bạn cùng với những tấm ảnh đó. Điều này cho đến nay chưa ai khẳng định có thật nhưng ông bà ta vẫn rất kiêng kị việc họa vẽ, chụp hình ở những nơi này. Chụp ảnh trong đền chùa cũng nên hạn chế để tránh tình trạng phong thủy không tốt hoặc làm phiền đến các nhà sư với những bức ảnh không lịch sự, không nghiêm túc. Nếu bạn muốn có những bức ảnh kỷ niệm, hãy chụp một cách nghiêm túc và không làm ảnh hưởng đến người khác.
Ngoài ra, trong các đền thờ các tướng thời xưa, linh hồn họ được cho là hiển linh và có thể triệu tập linh hồn của binh sĩ đã tử trận để bảo vệ ngôi đền. Tuy nhiên, trong những đền chùa cũng có thể có nhiều âm hồn dữ tợn. Khi ma quỷ theo chân bạn, có thể gây phiền phức và làm hại đến bạn sau khi bạn rời khỏi chùa. Vì vậy, cần thận trọng và tôn trọng không gian linh thiêng của chùa khi tham quan và chụp hình.
<<<Xem thêm: Top 20 Chùa, Đền Nổi Tiếng Nhất Nhì Việt Nam
9. Đặt tiền công đức lên tượng Phật
Xuất phát từ ý nghĩa ban đầu là góp công và tấm lòng thành làm công quả nhưng giờ đây việc công đức đã trở thành một hiện tượng gây phản cảm tại nhiều di tích và nơi thờ tự. Tiền lẻ được rải rác, gài vào khắp nơi, từ miệng lân, gốc cây ngoài cổng chùa cho đến tay tượng Phật, tượng Thánh, và thậm chí trải lên mái chùa. Trong mắt các nhà nghiên cứu, và cả các nhà tu hành, điều này không thuận với ý nghĩa tốt đẹp của việc đi lễ đền, chùa.
Mỗi lần đi lễ chùa, người ta thường quyên góp một khoản công đức để hỗ trợ việc tu sửa chùa và phục vụ các hoạt động tâm linh. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, việc công đức đang dần trở nên biến tướng. Người dân rải tiền lẻ một cách vô tư ở khắp nơi trong chùa, thậm chí đặt tiền lên tượng Phật một cách không tôn trọng. Hành động này không chỉ làm mất thẩm mỹ của chùa mà còn làm mất đi giá trị tâm linh. Đức Phật không cần đến tiền của người trần tục. Việc rải tiền lẻ khắp chùa là một việc hoàn toàn sai lầm và ô uế cửa Phật. Chúng ta nên thực hành công đức một cách trang nghiêm và tôn trọng để thể hiện tình thành kính và lòng thành của mình với Đức Phật, thay vì biến công đức thành hành động vô tư và không đúng đắn.
10. Sắm sửa vàng mã đem cúng Phật
Khi đến dâng hương tại chùa chiền, tịnh xá, chúng ta nên sắm lễ chay như hương, hoa tươi, quả chín, bánh trái, xôi chè... Tuyệt đối không nên đặt thức ăn mặn và vàng mã lên bàn thờ Phật. Các sư thầy đã giải thích rằng việc sử dụng vàng mã không chỉ gây tốn kém tiền bạc mà còn ô nhiễm môi trường, đồng thời góp phần gia tăng tệ nạn mê tín dị đoan. Mọi người thường đốt vàng mã cầu mong Trời, Phật, gia tiên và cha mẹ phù hộ cho gia đình, đem lại may mắn và hanh thông trong cuộc sống. Tuy nhiên, tập tục này dần trở nên vô lý khi đồ vàng mã ngày càng phát triển không giới hạn, đủ loại hình từ nhà lầu, xe hơi, ngựa, ti vi, điện thoại mới nhất đến áo quần và đồ trang sức. Triết lý sâu sắc mà gần gũi của Phật giáo qua những bộ kinh để lại không nhắc đến chuyện phải đốt vàng mã, cũng không nói đến chuyện phải cúng sao giải hạn đầu năm. Ngay như chuyện thắp hương trong chốn thiền môn, Đức Phật cũng nói đến tâm hương, nhắc nhở mỗi Phật tử chỉ nên thắp 1 nén hương và tuyệt đối không nên đốt vàng mã.
11. Đi cắt ngang mặt những người đang quỳ lạy
Khi bước vào không gian linh thiêng của chùa, tránh cắt ngang qua mặt của những người đang quỳ lạy hay tập trung cầu nguyện. Điều này giúp tránh làm phiền và phá vỡ tâm linh của họ trong lúc họ đang hướng tâm vào việc tôn kính và nhờ cầu nguyện. Nếu muốn thực hiện nghi thức lễ phật, hãy tìm vị trí thích hợp và không nên quỳ ngay phía sau những người khác đang thắp hương.
12. Dùng miệng thổi tắt hương/nến
Chúng ta nên hạn chế việc thắp hương trong các chùa, đặc biệt là vào các dịp có nhiều người tham dự như Tết Nguyên đán hay các lễ lạc quan trọng. Việc giảm thiểu lượng hương khói là cần thiết để duy trì không khí trong chùa thoáng đãng và sạch sẽ, đồng thời tránh những rủi ro liên quan đến cháy nổ và an toàn. Nếu phải thắp hương, tuyệt đối tránh thổi tắt lửa bằng miệng. Thay vào đó, chúng ta nên nhẹ nhàng dùng tay để phẩy nhẹ lửa.
<<<Xem thêm: Review Khóa Tu Tuổi Trẻ Hướng Phật Tại Chùa Giác Ngộ
13. Cư xử thiếu bất kính với Tăng, Ni
Khi đến lễ Phật và gặp gỡ Chư Tăng, Ni, bạn nên thể hiện thái độ cung kính trước những vị tu hành này. Điều này không chỉ là sự lễ phép mà còn là cơ hội để thực hành đức tính khiêm cung, vô ngã. Khi chào hỏi hoặc ra về, hãy niệm hồng danh "A Di Đà Phật!" trước khi nói chuyện để thể hiện sự tôn kính và chánh niệm.
Mối quan hệ giữa người theo đạo và người xuất gia tu đạo luôn mang tính gắn bó, tôn trọng và đồng thời đặt ra những vấn đề cần giải đáp trong việc xưng hô. Khi tiếp xúc với Chư Tăng Ni, người thường gọi bằng thầy hay cô nếu không biết rõ hoặc không muốn gọi phẩm trật của vị tăng ni và thường xưng là con. Tinh thần Phật pháp quan niệm người thụ ít giới tôn kính người thụ nhiều hơn, không phải theo tuổi tác mà là để tỏ lòng khiêm cung, kính Phật và trọng tăng. Chúng ta cố gắng tu tập, dẹp bỏ bản ngã, tự ái và mong đạt trạng thái niết bàn vô ngã theo lời dạy của Phật.
Trên đây là những điều cấm kỵ mà người đi chùa thường vô tình phạm phải. Bạn hãy đặc biệt chú ý và tuân thủ để giữ cho không gian chùa luôn thanh tịnh và tinh khiết, cũng như để giữ gìn bình an trong tâm hồn của chính bản thân nhé!
VIDEO: Những điều cấm kỵ khi đi chùa nhất định phải nhớ