Những Lầm Tưởng Về Hướng Dẫn Viên Du Lịch Mà AI CŨNG HIỂU LẦM
07/12/2024 16174
Bài này định viết lâu rồi vì có nhiều bạn hỏi muốn làm, hoặc có người quen muốn theo nghề nên hỏi ý kiến của mình. Vì thấy FB của mình toàn là đi chơi với cười nên tưởng nghề này sướng lắm. Nên hôm nay mình tổng kết để mọi người tham khảo. Nói chung chỉ là ý kiến cá nhân thôi, để bạn nào có ý định làm có thể tham khảo.
Những ảo tưởng vể hướng dẫn viên mà ai cũng mắc phải
1.Ảo tưởng 1: Làm HDV được đi đây đi đó sướng lắm
Cái này là ảo tưởng nặng của nghề này. Mình gặp rất nhiều HDV ở Saigon chưa bao giờ đi ra nước ngoài, thậm chí chưa bao giờ đi Hà Nội. Thực tế thì HDV nào sẽ đánh theo tuyến điểm đó, nếu bạn là HDV Inbound là người phụ vụ khách nước ngoài tới Vietnam ở Saigon thì mấy điểm thường đi là địa đạo Củ Chi, thành phố Saigon, Miền Tây rất hiếm khi được đi Đà Lạt, Mũi Né chứ đừng nói là Hà Nội. Hoặc bạn là HDV xuyên Việt thì bạn phải đi theo cung đường mà công ty sắp xếp. Nếu bạn là HDV outbound đưa khách Việt ra nước ngoài thì bạn chuyên tuyến điểm nào thì công ty sẽ sắp xếp bạn đi tuyến đó. Vd: tuyến Trung Quốc, Thái Lan hay Châu Âu là quanh năm bạn cứ đi mấy tuyến đó hoài, không có nơi mới. Và mỗi lần bạn đi, bạn phải chăm sóc cho một đoàn khách, sẽ không giống như bạn đi chơi. Bạn sẽ không có tâm trạng nào mà ngắm cảnh, chụp ảnh.
2 Ảo tưởng 2: Làm HDV kiếm được nhiều tiền
Thường thì mọi người thường nghĩ là làm với Tây hoặc đi nước ngoài là thu nhập cao. Nhưng thực tế mình biết thì lương cũng rất bình bình
Giá hiện tại của 1 day tour là 500-600k/ngày, nếu là công ty lớn có tiếng thì có thể tăng lên khoảng 700K, hoặc có một số công ty tốt hơn thì khoảng 1triệu. Mà giá 1triệu là rất cao theo thị trường. Một điều rất bất lợi cho nghề HDV là thu nhập không tăng theo số năm làm việc. Trừ một số ít công ty có xếp hạng hdv thành A,B,C để có mức lương khác nhau, còn lại là đồng giá theo tour. Tuy nhiên, một số công ty có chính sách nếu bạn có review 5 sao trên booking flatform hoặc tripadvisor thì có thêm bonus. Cho nên, có thể 1 tour guide 20 năm và 1 năm kinh nghiệm thì lương cứng như nhau. Thêm nữa là khách du lịch tới Vietnam theo mùa, từ tháng 10 đến tháng 4 là mùa cao điểm, tháng 5->9 thấp điểm sẽ rất ít việc.
>>> Xem thêm : Những Công Việc Mà Điều Hành Tour Phải Làm Khi Đưa Khách Ra Nước Ngoài
Ngoài lương cứng thì hdv có thể có một số thu nhập sau
Tiền tip theo chính sách, một số đoàn lớn thì có chính sách tip khi mua tour luôn, vd: hdv là 2usd/người, tài xế là 1usd/người thì 1 đoàn 30người thì hdv có thể có thêm 60usd/ngày. Tuy nhiên, hiện tại giá cạnh tranh, một số công ty truyền thống đã cắt luôn phần này.
Tiền tip theo tùy hỉ của khách, cái này thì lại phụ thuộc vào văn hoá tip của từng quốc gia và tính cách của khách. VD: khách Mỹ thì khoảng 95% tip, khách Anh thì khoảng 60%, Úc thì 30%, Châu Á thì Philippin có văn hoá tip….Mà nhiều HDV lại quá mong đợi phần tip này nên làm việc rất là … mệt
Tiền hoa hồng: rất nhiều shop chi tiền này cho hdv như shop bán đồ mỹ nghệ, quần áo, chụp hình áo dài, may đồ cũng như các quán ăn, hoặc điểm bán vé như múa rối nước, show diễn AO, massage, kể cả những shop như hardrock cafe, bitexco vẫn chi…Tuy nhiên, nếu hdv cứ chăm chăm tới cái này thì chỉ tìm cách đưa khách vô những chỗ để kiếm hoa hồng thì chẳng còn tâm trí nào làm việc. Vì mình là người tay ngang vô ngành nên lúc đầu không biết có những khoản này, đến năm thứ 4 dẫn tour mới biết là mấy lò kẹo dừa ở Mỹ Tho và mấy shop ở Đồng Khởi có chi tiền cho hdv. Lúc đầu mình nhận tiền hoa hồng rồi trả lại cho khách, hoặc kêu shop giảm trực tiếp. Sau đó, có một thời kì mình nhận được rất nhiều tiền vì dắt khách vô shop. Sau này, mình thấy vậy không bền nên nói với khách là chỗ này chỗ kia có cho tao tiền, mà tao thấy nó tốt nó đẹp mà mày có nhu cầu nên tao đưa qua. Điều ngạc nhiên là khách nói tụi tao biết hết, nhưng tao thấy đáng tiền thì mua thôi. Hiện nay, có một số công ty cấm hdv đưa khách vào shop. Tuy nhiên, theo mình thì nguồn thu từ việc shopping của khách nó thúc đẩy nên kinh tế rất nhiều, tạo ra nhiều việc làm nên thấy là đưa hoặc chỉ khách đi shopping chẳng có gì sai, miễn là sản phẩm tốt với giá hợp lí.
>>> Xem thêm : Tại Sao Hướng Dẫn Viên Nữ Nên Chọn Tour Inbound
Buôn bán hàng xách tay: HDV đi các tuyến nước ngoài có thể mua hàng xách thay về bán lại. Nghe đồn đây cũng là nguồn thu nhập lớn của các hdv outbound
3 .Ảo Tưởng 3: Làm HDV gặp nhiều người, công việc rất thú vị
Nói chung là nghề này rất là vất vả, vì thường làm việc thì 1 là vất vả về trí óc hoặc mệt về thể lực mà nghề này mệt cả hai. Về đầu óc thì phải như cuốn bách khoa toàn thư, phải biết và giải thích rõ nhiều lĩnh vực để khách hỏi đâu đáp đấy. Về thể lực thì phải đi sớm về trễ, ngồi trên xe vừa thuyết minh, vừa làm trò. Xuống xe thì bao nhiêu hoạt động, đi mấy tour về địa phương thì phải biết kết nối với khách và dịch vụ địa phương…. Nếu khi gặp bác tài hoặc dịch vụ địa phương không hợp tác, tất cả chỉ trích sẽ dồn lên hdv. Công việc thì chưa chắc thú vị, nếu bạn chuyên tour Củ chi thì có thể bạn sẽ thuyết trình cái sơ đồ ở Củ Chi hơn 1000lần trong 10năm, nếu chuyên tour Miền Tây thì sẽ kể về cách trồng lúa, mùa vụ hơn 1000 lần trong 10năm.
>>> Xem thêm : Văn Hóa Tip Khi Đi Du Lịch Ở Việt Nam Hiện Nay
Đúng là làm HDV gặp nhiều người. Nhưng mà thú vị không thì chưa biết . Tùy theo tour, có tour thì khách mê nói, lên xe là nói với hỏi từ đầu đến cuối, nhiều khách thì tăng động, cái gì cũng muốn chơi nhiều, thử nhiều mà thể lực tốt. Mình theo họ cũng đuối. Ngược lại có khách trầm tính, lên xe với gương mặt zombie kiểu đừng làm phiền tao, mà hdv ít nói thì về phản ánh là hdv không nhiệt tình, thiếu thông tin.
Sự thật về công việc của HDV là
1.Công việc áp lực lớn, bạn có thể là nơi để mọi ngươi trút giận.
Cái này là rất chính xác, bạn đâu phải Gia Cát Lượng đâu mà hô mưa gọi gió. Nhưng khách thì trời nóng quá cũng than, trời mưa cũng than, lên Sapa sương mù không thấy gì cũng phàn nàn. Nhiều khi ăn uống, khách sạn do công ty đặt nhưng mà dịch vụ tệ là đổ lên đầu hướng dẫn viên. Mà đoàn khách mấy chục người, bạn phải làm hài lòng tất cả mọi người. Chưa kể có nhiều khách không lịch sự, họ coi hdv như là người để sai vặt.
2.Nếu tính theo cấp bậc xã hội, hdv được tính vào dành low working class
Ở Vietnam, nghề hdv cũng như tiếp viên hàng không có vẻ là nghề cũng hoành tráng. Nhưng thật sự thì ở nước ngoài, nó được rank là low working class nghĩa là công việc ít dùng trí óc.
3.Sức khoẻ suy giảm, nhan sắc tàn phai
Nghề này đi sớm về khuya, ăn uống rất thất thường, như mình thì có khi 2-3h chiều mới ăn trưa vì người Tây sáng họ ăn rất nhiều nên có khi trưa họ không ăn hoặc đói rất trễ, còn người Việt thì sáng ăn nhẹ nhàng, trưa đến 12-1h là đói lả. Chưa kể đi ngoài nắng nhiều da dẻ xấu, đen, mụn, mập nhất là nữ. Có những bạn gặp cách nhau 2-3 năm mình nhận không ra luôn. Ngoài ra, có hdv thường mắc bịnh về dạ dày do ăn uống thất thường, một số người đi đau xương khớp, thái hóa đốt sổng cổ do ngồi không đúng tư thế.
>>> Xem thêm : Cầu Tõm ở Việt Nam với hàng trăm chuyện giở khóc giở cười
5 .Xa nhà, đi sớm về trễ, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, làm việc vào cuối tuần và ngày lễ.
Cái này dễ thấy trong cộng đồng hdv du lịch là hdv nữ ế nhiều, LGBT nhiều, và tỉ lệ ly hôn rất cao. Theo quan sát của mình thì hdv nữ có cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài thì thấy người Tây họ cởi mở, lịch sự, tôn trọng phụ nữ nên họ không chịu được đàn ông Viet Nam mà họ “cho là” gia trưởng, lười biếng. Nhưng cái gì cũng có mặt trái, một số chị em có bạn trai/chồng Tây mà bị khác biệt văn hoá nên dẫn tới đỗ vỡ nhiều. Chưa kể hdv đi sớm về trễ, đi qua đêm, giờ giấc không ổn định, lúc làm việc thì phải hạn chế nghe điện thoại, nhắn tin như vậy vợ/chồng ở nhà mà hay ghen thì rất dễ mất hạnh phúc.
Mình viết những việc trên nhiều bạn hoảng hồn nói có cái nghề gì mà “sợ” thế. Nhưng nếu nhìn về mặt tích cực và biết cách điều khiển cảm xúc thì nó là một nghề rất vui. Khách thường hỏi mình là đi Miền Tây hoài vậy có chán không? Mình bảo rằng dù đi nhiều lần nhưng mỗi lần đi với người khác nhau, nói những câu chuyện và chủ đề khác nhau và khách hàng tệ hại cỡ nào thì họ cũng về nước sau vài ngày. Ngược với người làm việc ở Văn Phòng họ mỗi ngày phải gặp ông Sếp đó, đồng nghiệp đó, nếu không ưa nhau thì phải ráng chịu.
Vậy làm hdv được gì?
1.Học về cách làm người
Người đi du lịch thường là người thành công, giàu có, hạnh phúc và khỏe mạnh. Thêm nữa là người ở nước phát triển mà đến một nơi như VN thì họ cũng là người rất phóng khoáng và khác biệt. Nên mình nhận được rất nhiều năng lượng tích cực cũng như những điều tốt đẹp từ họ. Họ càng giàu càng thành đạt thì họ càng đúng giờ. Đa số khách (trừ Ấn Độ và Trung Đông) đi sớm 10-15phut trước giờ hẹn. Lỡ mà họ có trễ khoảng 2-3ph là xin lỗi rối rít. Họ nói chuyện với những người ở level thấp hơn một cách rất nhẹ nhàng lịch sự. Kể cả khi họ không hài lòng về việc gì đó thì cách họ phàn nàn cũng thể hiện phẩm chất con người họ. Người Phương Tây họ rất coi trong sự trung thực, trong khi người Việt thì thường hay lấp liếm, kiểu đi trễ thì nói do kẹt xe A,B,C, không hoàn thành công việc thì đổ thừa X, Y,Z. Mình học của họ, nên khi tour có điều gì không tốt thì cứ thành thật nhận lỗi là do tao chuẩn bị chưa kĩ, thì họ cũng vui vẻ bỏ qua.
>>> Xem thêm : Các thuật ngữ chuyên ngành du lịch khách sạn cần nắm vững khi đi bất cứ đâu
2 .Thay đổi nhân sinh quan
Người Việt mình dù ghét Trung Quốc nhưng bị ảnh hưởng rất nhiều từ Trung Quốc theo ba hệ tư tưởng: Phật Giáo Trung Quốc, Đạo Giáo và Nho Giáo. Những cái này nó kiềm cặp sự phát triển của người Châu Á nói chung và người Việt nói riêng một cách sâu sắc. Nên khi mình tiếp xúc với người Phương Tây, họ mang lại những tư tưởng mới mà mình cứ tưởng nó chỉ có trong phim. Ví như:
3.Về niềm tin:
người Châu Á bản tính đa nghi, nên tự dưng ai tốt, nhiệt tình là nghi ngờ liền trong khi người Tây nói chung tin người. Lúc mình mới làm không có công ty, không có brandname mà sau vài email nói chuyện, họ chuyển cho mình vài ngàn đô đặt tour. Lúc gặp họ thì mình hỏi mày không sợ tao chạy mất à, thì họ bảo “mày chạy là việc của mày”. Tất nhiên, về việc niềm tin này nó cũng phụ thuộc vào lịch sử văn hóa của môĩ quốc gia. Nhưng những quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới như Đan Mạch, Bắc Âu, Úc, Canada là những đất nước có chỉ số niềm tin giữa người vời người cao.- Về sự độc lập và tự lập
- Về theo đuổi ước mơ
- Về cách nuôi dạy con cái
- Về các mối quan hệ
- Về tôn trong sự khác biệt
- Về dân chủ và đấu tranh
- Về sự hi sinh và cho đi vô điều kiện
- Về trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng
- Về lòng biết ơn và tư duy tích cực
- Về quản lý tài chính
(Mấy cái này mình sẽ ghi một bài riêng về những gì mình học từ những khách hàng)
>>> Xem thêm : Tiền Tip , Tiền Bo , Tiền Boa Là Gì ? Khi Nào Cần Tip , Cần Boa ?
4.Gặp những con người truyền cảm hứng giống như trên phim
Kiểu ở VN thì hay nghĩ là doanh nhân thành công thì phải đánh đổi sức khỏe hoặc hạnh phúc gia đinh, thời gian cho con cái. Hoặc Phụ nữ thành công thì thường gia đình con cái không cân bằng, hoặc là mấy người càng giàu càng keo kiệt. Nhưng mình gặp rất nhiều người rất thành đạt mà vẫn có cuộc sống gia đinh rất hạnh phúc, thậm chí có tới 5-6 đứa con, rất nhiều phụ nữ thành đạt mà chồng cũng rất ủng hộ và tự hào. Mình cũng gặp nhiều bạn trẻ sống rất tiết kiệm để dành cả năm đi du lịch. Có người bỏ tất cả để theo đuổi ước mơ.
>>>>Xem thêm : Những Điều Kiêng Kỵ Khi Đi Du Lịch Tại Việt Nam Hiện Nay
5 . Có bạn ở khắp mọi nơi
Cái này là một trong nhưng bonus của nghề. Vì có bạn ở nhiều nơi nên mình học hỏi rất nhiều về nền văn hóa cũng như lịch sử các nước. Lúc đi chơi thì có bạn khắp nơi dắt mình đi. Năm 2014, mình đi Mỹ 21 ngày nhưng chỉ ở khách sạn có 6 ngày, còn lại là ở nhà những khách hàng cũ. Được ở nhà người địa phương khi đi du lịch là một trải nghiệm rất tuyệt vời, khác hẳn khi ở khách sạn.
Nói túm lại thì sau gần 9 năm làm HDV đã thay đổi mình rất nhiều, mình tự tin hơn, sống tích cực hơn, hạnh phúc hơn, trân trọng và lựa chọn các mối quan hệ hơn. Tuy nhiên lời khuyên của mình là công việc HDV rất vui, rất hay khi bạn làm bán thời gian (khi còn là sinh viên), làm theo thú vui (khi bạn đã có những nguồn thu nhập khác), hoặc làm trong một thời gian vài năm khi còn trẻ, trừ khi bạn dự định mở công ty du lịch, tự bán tour riêng online, mở land tour hoặc mở hotel, resort, homestay cần nhiều kinh nghiệm và thông tin về thị trường có thể làm lâu hơn. Còn nếu chỉ đơn thuần làm HDV thì mình không khuyên các bạn trẻ theo đuổi nó như một sự nghiệp/nghề nghiệp.
>>> Xem thêm : văn hóa du lịch ở Việt Nam
Trích Ms. VO THI BAO VI - ENGLISH TOURGUIDE.