Lễ chùa đầu năm 2024: Kinh nghiệm chi tiết dể có một năm mới an lành
20/11/2024 1108
Lễ chùa trong những ngày đầu năm mới không chỉ là một nét đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam mà còn mang nhiều ý nghĩa tâm linh. Nhưng đi lễ sao cho đúng để được sự may mắn và tránh phạm vào những điều kiêng kị, quy tắc khi đi lễ chùa cũng là một phần quan trọng mà mọi người cần phải biết. Trong bài viết này, Blog Travel Việt sẽ chia sẻ đến bạn một số kinh nghiệm đi lễ chùa đầu năm 2024, mời bạn cùng tham khảo và tuân thủ những quy tắc này để đảm bảo một năm mới an lành và phát tài.
- Ý nghĩa của việc đi lễ chùa đầu năm
- Ngày tốt nên đi lễ chùa đầu năm
- Kinh nghiệm đi lễ chùa đầu năm 2024 - Kinh nghiệm sắm lễ
- Kinh nghiệm đi lễ chùa đầu năm 2024 - Cách thắp hương
- Kinh nghiệm đi lễ chùa đầu năm 2024 - Cách bày lễ ở các ban
- Kinh nghiệm đi lễ chùa đầu năm 2024 - Đi chùa nên cầu gì?
- Kinh nghiệm đi lễ chùa đầu năm 2024 - Cách hành lễ khi đi chùa
- Kinh nghiệm đi lễ chùa đầu năm 2024 - Trang phục đi chùa
- Kinh nghiệm đi lễ chùa đầu năm 2024 - Cách hạ lễ
- Kinh nghiệm đi lễ chùa đầu năm 2024 - Lưu ý khi lấy lộc
- Kinh nghiệm đi lễ chùa đầu năm 2024 - Cách xưng hô trong chùa
- Nguyên tắc ra, vào chùa
- Những nguyên tắc, lưu ý khi đi lễ chùa
1. Ý nghĩa của việc đi lễ chùa đầu năm
Dưới góc độ dân tộc học, Nhà Dân tộc học Tạ Đức chia sẻ rằng ở Việt Nam, việc đi lễ chùa thường dựa trên truyền thống gia đình, từ đời này qua đời khác. Đối với những gia đình theo đạo Phật, thì việc đi lễ chùa trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống hàng. Người dân thường đến chùa để cầu xin sự bình an và sức khỏe, cũng như mong "trời Phật phù hộ" cho thành công trong học tập của con cái, công việc kinh doanh, và cuộc sống ngày càng thuận lợi hơn. Theo truyền thống, mọi người thường đi lễ chùa vào các ngày Rằm và mồng Một hàng tháng, cũng như những sự kiện quan trọng của Phật giáo. Ngoài ra, khi gặp khó khăn trong cuộc sống và không thể giải quyết vấn đề, nhiều người cũng đến chùa để tâm trang an yên hơn. Nhà Dân tộc học Tạ Đức Tạ Đức cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ ai đến chùa đều mong muốn tìm kiếm sự bình an cho gia đình nghiệm ra những nhân - quả thông qua giáo lý nhà Phật. Từ đó có thể dạy lại cho con cháu sống tốt hơn, hướng thiện hơn.
<<<<Xem thêm: Những Điều Cấm Kỵ Khi Đi Chùa Nhất Định Phải Nhớ
2. Ngày tốt nên đi lễ chùa đầu năm
Mùng 1
Theo quan niệm của người Việt xưa, đi chùa vào ngày mùng 1 Tết đã trở thành một nét đẹp văn hóa, thậm chí nhiều người chọn lên chùa ngay trong đêm giao thừa. Họ cầu cho bản thân và gia đình sức khỏe dồi dào, tai qua nạn khỏi, hạn ách tiêu trừ, gia đình hòa thuận, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc. Nên đi chùa vào mùng 1 cũng đồng nghĩa cả năm bạn sẽ có được sự bình an, cả năm may mắn. Hứa hẹn một năm mới tràn ngập niềm vui.
Mùng 2, 3
Ngày mùng 2, 3 là lễ đón Hỷ thần (may mắn, hạnh phúc), đón tài thần. Vậy nên, đi chùa vào 2 ngày này sẽ được cầu nhiều tài lộc, tình hình tài chính phồn thịnh và dồi dào suốt cả năm.
Mùng 4
Mùng 4 là ngày mà các gia đình đón các vị thần từ thiên đình về hạ giới để cai quản trong một năm. Nếu bạn chọn đi lễ chùa vào ngày này và thành tâm thì những điều bạn mong đợi sẽ linh ứng và dễ dàng trở thành hiện thực. ngày này cầu gì sẽ được nấy, nên nhưng ai muốn cầu tình duyên có thể chọn ngày này.
Mùng 6
Theo phong tục xưa, mùng 6 được coi là ngày bình an, và mùng 6 ngày nay vẫn được xem là ngày rất tốt để xuất hành cho các chuyến đi. Do đó, đi chùa vào ngày này cầu mong bình an, sức khỏe, gia đạo sẽ rất tốt.
<<<<Xem thêm: 15 Ngôi Chùa Lớn Nhất Việt Nam: Bạn Đã Đi Hết Chưa?
3. Kinh nghiệm đi lễ chùa đầu năm 2024 - Kinh nghiệm sắm lễ
Việc chuẩn bị lễ vật đi chùa là một bước quan trọng và cần thiết. Khi bạn đến thăm và dâng hương tại các chùa, quy tắc chung là chỉ nên sắm lễ chay như hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi, chè... Tránh sử dụng lễ mặn như cỗ tam sinh (trâu, dê, lợn), thịt gà, giò, chả… Dưới đây là những điều bạn cần lưu ý:
- Không đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện, tức là chính điện, tức là nơi thờ tự chính của ngôi chùa.
- Trên hương án của chính điện chỉ dâng đặt lễ chay, tịnh. Việc sắm sửa lễ mặn chỉ có thể được chấp nhận nếu như trong khu vực chùa có thờ tự các vị Đức Ông, Thánh, Mẫu và chỉ dâng đặt tại ban thờ hay điện thờ mà thôi.
- Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật tại chùa. Nếu có sửa lễ này thì nên đặt ở bàn thờ thần linh, Thánh Mẫu hoặc ở bàn thờ Đức Ông.
- Tiền thật cũng không nên đặt trên hương án của chính điện, mà nên bỏ vào hòm công đức.
- Hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu là những loại hoa tươi thích hợp khi dùng để lễ Phật. Tránh sử dụng các loại hoa tạp, hoa dại.
- Tránh suy nghĩ lệch lạc rằng "lễ càng nhiều, phật phù hộ càng nhiều". Quan niệm này hoàn toàn sai lạc và làm mất đi giá trị trong tôn giáo Việt Nam. Việc lễ chùa chủ yếu phụ thuộc tâm của người đi chùa. Chỉ khi bạn thành tâm, Phật mới phù hộ.
4. Kinh nghiệm đi lễ chùa đầu năm 2024 - Cách thắp hương
Việc thắp hương trong chùa là điều bạn cần phải ghi nhớ:
- Không để hương bị tắt khi đang sử dụng.
- Trong trường hợp hương que, phải cắm thẳng và tránh nghiêng lệch. Nếu đã có hương được thắp thì không cần thắp hoặc cắm thêm, chỉ cần sử dụng một nén hương mà thôi, không nên cắm hoặc thắp cả thẻ/gói hương.
- Đối với hương tháp, đặt vào giữa đĩa hương hoặc lư hương.
- Khi sử dụng hương vòng, hãy chú ý đặt thuận theo chiều kim đồng hồ.
- Không phải mọi nơi đều phù hợp để cắm hương. Chỉ cắm vào bát hương, nếu bát hương có hương rồi không cần cắm thêm. Tránh cắm hương tùy tiện vào tay tượng, gốc cây, hay đồ lễ... Một số người có quan điểm cắm hương vào đồ lễ của mình mới là thiêng, Phật Thánh mới biết, nhưng điều này không chính xác.
<<<<Xem thêm: Top 20 Chùa, Đền Nổi Tiếng Nhất Nhì Việt Nam
5. Kinh nghiệm đi lễ chùa đầu năm 2024 - Cách bày lễ ở các ban
- Ở chùa thì ban to nhất luôn nằm ở vị trí trung tâm. Nhà chính là ban Tam Bảo thờ phật, khi chuẩn bị lễ cúng tại ban này, để cúng dường chư phật thì người cúng cần chuẩn bị đầy đủ 5 món: hương, đăng (nến), hoa, quả, và nước. Trong trường hợp không thể chuẩn bị đủ những món lễ như trên cũng không sao, cúng dường chư phật bằng tấm lòng thành chân thật.
- Không để tiền, vàng, kể cả tiền thật lên ban Tam Bảo. Tiền thật nên được đặt trực tiếp vào hòm công đức, coi như là tiền cúng dường.
- Các ban thờ tự các vị Đức Ông, Thánh, Mẫu: có thể bày sắm lễ tam sinh (thịt gà, giò, chả...) và tiền vàng mã, tiền âm phủ.
- Các ban khác trong chùa, như ban Mẫu, ban Đức Ông, ban Thánh Hiền, ban Vong, có thể có sắp xếp khác nhau tùy thuộc vào từng chùa. Biển ghi đặt tên ban thường được đặt trước từng ban, giúp người cúng dễ quan sát trước khi khấn.
- Về việc thắp hương, người cúng có thể thắp 3 nén, nhưng thường không được phép thắp bên trong chùa vì lý do an toàn. Do đó, bạn có thể thắp chung ở lư hương to đặt trước cửa chùa, sau đó tiến đến từng ban để lễ. Không cần quá quan trọng về việc thắp nhiều hay ít hương, đôi khi thậm chí chỉ một nén cũng là đủ.
- Lưu ý rằng ban Tam Bảo thường là nơi lớn nhất và quan trọng nhất, nên nếu có nhiều đồ lễ để bày, hãy ưu tiên sắp xếp sao cho ban Tam Bảo trang trọng và đẹp nhất. Thậm chí, nếu muốn đơn giản, bạn cũng có thể sắp một đĩa hương hoa quả duy nhất ở ban Tam Bảo.
6. Kinh nghiệm đi lễ chùa đầu năm 2024 - Đi chùa nên cầu gì?
Mọi người đi chùa thường là để cầu bình an, tài lộc, công danh, nhưng chùa chiền lại là nơi linh thiêng, khác với thế tục nhân gian, lòng đức phật từ bi giúp con người sám hối, cầu xin cơ hội sửa chữa và làm việc tiện chứ không có vật chất, tiền bạc để cho ai. Do đó, khi đi chùa sau khi khấn nôm (danh xưng, ngày tháng, địa chỉ...), tiếp đến phần cầu nguyện thì nên cầu Phật phù hộ cho quốc thái dân an, gia đạo bình an khỏe mạnh, tâm hồn luôn sáng và thiện lành, con cái thông minh học giỏi, gia đình hạnh phúc và thịnh vượng, công việc thuận lợi và có nhiều duyên lành... tiếp đến là nguyện hồi hướng công đức cho người đã khuất và tất cả chúng sinh ở thế giới bên kia có thể siêu thoát.
Các điều không nên cầu khi thăm chùa:
- Không nguyện cúng dường chư Phật.
- Không nguyện thời gian bao lâu sẽ mang gạo tiền vàng cúng chùa.
- Không nguyện cúng dường 3 cảnh là cảnh giới tiên, cảnh giới trần và cảnh giới âm.
- Không cầu tiền bạc, của cải, vật chất vì cửa Phật sẽ không ban cho thứ này.
<<<<Xem thêm: Tín Ngưỡng Và Các Tôn Giáo Ở Việt Nam Có Thể Bạn Chưa Biết
7. Kinh nghiệm đi lễ chùa đầu năm 2024 - Cách hành lễ khi đi chùa
Khi lễ chùa, nhiều người không biết cách hành lễ sao cho đúng. Dưới đây là 5 bước hành lễ quan trọng mà bạn nên biết khi đi chùa:
- Đặt lễ vật: Thắp hương và làm lễ ở ban thờ Đức Ông trước.
- Sau khi đặt lễ ở ban Đức Ông xong, đặt lễ lên hương án của chính điện, thắp đèn nhang.
- Sau khi đặt lễ chính điện xong thì đi thắp hương ở tất cả các ban thờ khác của nhà Bái đường. Khi thắp hương lên đều có 3 lễ hay 5 lễ. Nếu chùa nào có điện thờ Mẫu, Tứ phủ thì đến đó đặt lễ, dâng hương cầu theo ý nguyện.
- Cuối cùng thì lễ ở nhà thờ Tổ (nhà Hậu).
- Cuối buổi lễ, sau khi đã lễ tạ để hạ lễ thì nên đến nhà trai giới hay phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư, tăng trụ trì và có thể tùy tâm công đức.
8. Kinh nghiệm đi lễ chùa đầu năm 2024 - Trang phục đi chùa
Chùa chiền, là nơi linh thiêng, là nơi thờ tụng. Do đó, trang phục khi đến chùa cần phải lịch sự và kín đáo. Dưới đây là một số nguyên tắc về trang phục khi thăm chùa:
- Chọn những bộ trang phục có màu sắc nhã nhặn, đặc biệt là cùng tông màu với áo tràng hoặc áo lam của Phật tử. Điều này không chỉ thể hiện lòng thành kính mà còn tăng tính giản dị và dịu dàng.
- Áo sơ mi cổ kín, áo dài, hoặc áo khoác bẻ cổ là những lựa chọn lịch sự khi đến những nơi linh thiêng như chùa, đền, miếu.
Không Nên Mặc:
- Tuyệt đối không nên mặc những bộ trang phục hở hang hoặc có thể nhìn xuyên thấu.
- Tránh mặc những trang phục sành điệu như quần bó sát, quần giả váy, vì chúng có thể tạo ra ấn tượng không phù hợp và thiếu sự tôn trọng đối với không gian linh thiêng.
- Không nên chọn quần lửng, váy ngắn, hay quần tất lưới khi đi chùa, vì không chỉ làm mất đi vẻ trang trọng mà còn thiếu sự tôn kính đối với nơi thờ Phật.
<<<<Xem thêm: Những Điều Kiêng Kỵ Khi Đi Du Lịch Tại Việt Nam Hiện Nay
9. Kinh nghiệm đi lễ chùa đầu năm 2024 - Cách hạ lễ
Khi lễ cúng kết thúc, chúng ta tiếp tục thực hiện bước hạ lễ. Theo tục lệ thông thường, thì sau khoảng một tuần nhang là có thể hạ lễ được. Lưu ý rằng khi hết 1 tuần nhang, bạn nên thắp một tuần nhang mới và vái lạy ba lần trước mỗi ban. Sau đó, bạn tiến hành hạ sớ hóa vàng, hoàn tất thì có thể thực hiện các lễ cúng khác. Bạn cần lưu ý là đối với các vật lễ ở bàn thờ, cô thờ cậu như gương, lược,... thì phải để nguyên trên bàn thờ. Nếu có nơi để riêng thì gom vào để trên đó.
10. Kinh nghiệm đi lễ chùa đầu năm 2024 - Lưu ý khi lấy lộc
Việc lấy lộc khi lễ chùa là một điều mà không phải ai cũng hiểu rõ. Nhiều người thường mang theo các đồ vật từ đình chùa về nhà để đặt lên bàn thờ, nhưng thói quen này là không khuyến khích. Đã cúng rồi thì không thể cúng lại, và nhiều đồ có thể chứa trường khí âm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến không gian thờ cúng gia đình:
- Chỉ cần đặt tiền vào hòm công đức, không nên lấy giấy công đức. Ngay cả khi có lấy, cũng không nên đặt lên bàn thờ nhà để báo công
- Không nên lấy cành lộc mang về đặt lên bàn thờ. Cành lộc thường chứa nhiều trường khí âm, có thể tạo ra tác động tiêu cực đối với gia tiên và thần linh tại gia.
- Lộc có thể lấy là bánh kẹo, bao diêm, bật lửa, nhưng không nên mang về đặt lên bàn thờ.
- Bùa, phù chú... thường mang theo trường khí âm và không nên mang về nhà hoặc đặt lên bàn thờ. Việc đặt bùa chú vào ví cũng sẽ tạo ra trường khí âm, gây hỗn loạn và không may mắn cho chủ nhân.
11. Kinh nghiệm đi lễ chùa đầu năm 2024 - Cách xưng hô trong chùa
Đối với nhà sư, phương thức xưng hô thường là A Di Đà Phật, Bạch Thầy, và xưng mình là Con. Việc xưng hô như vậy không chỉ là để tưởng nhớ Thầy Thích Ca Mâu Ni, mà còn là cách thể hiện sự tôn trọng và kính trọng đối với Đức Thích Ca. Nếu nhà sư đó là người hướng dẫn mình trong việc tu tập, thì việc xưng hô là Thầy mang ý nghĩa không chỉ là Thầy dạy mình đạo, mà còn là Thầy hướng dẫn trong con đường tu tâm. Khi gửi lời thưa, lời chào với nhà sư, thì đều chắp tay hình búp sen.
<<<<Xem thêm: Top 9 Ngôi Chùa Tại Các Địa Điểm Du Lịch Việt Nam Nổi Tiếng Nhất
12. Nguyên tắc ra, vào chùa
Khi đi qua cổng Tam Quan để vào chùa, nên đi vào cửa Giả Quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không Quan (bên trái). Cửa Trung Quan thường dành cho Thiên tử, các bậc cao tăng, bậc khoa bảng.
13. Những nguyên tắc, lưu ý khi đi lễ chùa
- Không nên chạy nhảy, nói chuyện, bình phẩm, ngồi hoặc nằm trong khu vực của Phật điện, tam bảo.
- Không tùy tiện hắt hơi, sổ mũi, khạc nhổ... xung quanh khu vực Phật điện và tam bảo.
- Tránh làm ồn hoặc nói những lời không tôn trọng đối với Phật, Thánh, và không nên dùng tay chỉ trỏ vào tượng Phật.
- Khi vào Phật đường và tam bảo, không mang giày dép, không nhai trầu, không hút thuốc. Tam bảo là nơi tôn nghiêm, có giới hương, định hương, chân hương, đòi hỏi phải trì giới để di dưỡng thanh tịnh, tuyệt đối không gây ồn ào, hỗn tạp.
- Không mang theo đồ cá nhân như mũ, áo, khăn, túi xách, gậy gộc... vào tam bảo bái Phật. Lỡ đặt những đồ đạc như vậy trên bàn, trên chiếu hoặc trong góc tam bảo để bái Phật thì mọi công quả tu dưỡng bấy lâu đều tiêu tán.
- Trước tượng Phật nên cung kính nghiêm trang, không nhìn ngang ngó dọc, khệnh khạng trước tam bảo. Nếu muốn chiêm ngưỡng tượng Phật, hãy đứng từ bên ngoài để không làm ảnh hưởng đến người khác.
- Tuyệt đối không chụp ảnh, quay phim tùy tiện trong khu vực chùa.
- Không được tự ý sử dụng hay mang về làm của riêng bất kỳ đồ đạc nào của nhà chùa. Đồ đã cúng rồi không thể cúng lại, và nhiều đồ có thể chứa trường khí âm, ảnh hưởng xấu đến ban thờ
- Tránh cắt ngang qua mặt của những người đang quỳ lạy hay tập trung cầu nguyện. Nếu muốn thực hiện nghi thức, hãy tìm vị trí thích hợp và không nên quỳ ngay phía sau những người khác đang thắp hương.
- Không quan hệ vợ chồng trước khi đi chùa, và nếu đã có quan hệ, hãy chờ ít nhất 6 tiếng trước khi đến chùa để giữ cho tâm hồn thanh tịnh.
- Không nên trang điểm hoặc sử dụng nước hoa khi đi chùa.
- Phụ nữ trong giai đoạn kinh nguyệt cũng không nên đến chùa.
Hy vọng rằng những kinh nghiệm trên sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích khi đi lễ chùa vào đầu năm mới, để cầu mong một năm mới vạn sự như ý, an khang thịnh vượng!
VIDEO: Lễ chùa đầu năm 2024: Kinh nghiệm chi tiết dể có một năm mới an lành